Nguồn hình ảnh, Getty Images
Phóng viên Trung Quốc
Vào một ngày trời mưa ảm đạm ở Bắc Kinh, tôi đang ra ngoài mua cà phê thì nhận được tin.
Người dân bắt đầu xem điện thoại khi các dòng tin nhấp nháy trên màn hình - Trung Quốc cho phép các cặp vợ chồng có ba con.
Nhiều người đặt câu hỏi chính sách ba con làm sao có thể tạo ra thêm em bé khi mà chính sách hai con trước đó không làm được việc này. Và tại sao vẫn cần có hạn chế về sinh đẻ khi xu thế nhân chủng học cho thấy dân số TQ tăng chậm đi?
Những câu hỏi rất hay.
Có người nghĩ rằng, trong số những người sẵn sàng sinh hai con, ít nhất một số phụ huynh sẽ có ba con.
Tuy nhiên, tôi đã phỏng vấn nhiều cặp đôi trẻ về chủ đề này và thật khó mà tìm được ai muốn có gia đình đông con.
Nhiều thế hệ người Trung Quốc đã sống mà không có anh chị em và họ quen với một gia đình nhỏ - cuộc sống khấm khá hơn có nghĩa cha mẹ không cần nhiều con để nuôi họ và các cặp vợ chồng trẻ cnói họ thà có một con và cho chúng nhiều lợi thế hơn là chia sẻ thu nhập của họ để nuôi nhiều con.
Điều tra dân số Trung Quốc, được công bố hồi đầu tháng, cho thấy chừng 12 triệu trẻ em được sinh năm ngoái - giảm mạnh so với 18 triệu năm 2016, và là số trẻ em sinh ra thấp nhất từ những năm 1960.
Điều tra này kết thúc vào cuối 2020 khi hàng triệu nhân viên điều tra đã đi gõ cửa từng nhà để thu thập thông tin từ các hộ gia đình.
Với số người được khảo sát là rất lớn, điều tra này được coi là nguồn dữ liệu đầy đủ nhất về dân số Trung Quốc, điều rất quan trọng cho việc lập kế hoạch cho tương lai.
Sau khi kết quả điều tra được công bố, dư luận trông đợi chính phủ Trung Quốc sẽ nới lỏng các quy định kế hoạch hóa gia đình.
Năm 2016, Bắc Kinh chấm dứt chính sách một con gây nhiều tranh cãi và cho phép các cặp vợ chồng có hai con.
Nhưng thay đổi này không đảo ngược được tỷ lệ sinh ngày một giảm mặc dù có sự gia tăng ngay sau khi chính sách này được đưa ra.
Bà Tô Việt, kinh tế gia trưởng từ The Economist Intelligence Unit nói: "Mặc dù chính sách hai con có tác dụng tích cực lên tỷ lệ sinh, nó chỉ có tác dụng ngắn hạn."
Xu hướng dân số của Trung Quốc trong những năm qua được định hình chủ yếu bới chính sách một con, được đưa ra năm 1979 nhằm giảm mức tăng dân số.
Các gia đình vi phạm quy định phải chịu phạt, bị mất việc và đôi khi bị ép phá thai.
Chính sách một con dẫn đến mất cân bằng giới tính nghiêm trọng ở Trung Quốc - một quốc gia vốn có truyền thống trọng nam khinh nữ.
"Điều này gây khó khăn cho thị trường hôn nhân, đặc biệt cho những người đàn ông có ít nguồn lực kinh tế xã hội hơn," TS Mục Tranh từ khoa xã hội học Đại học Quốc gia Singapore nói.
Biểu đồ cho thấy mức tăng dân số theo giới tính. Màu xanh là nam, màu tím là nữ
Từ trước khi có kết quả điều tra dân số, các chuyên gia đã đoán rằng các chính sách hạn chế sinh đẻ sẽ được xóa hoàn toàn - tuy nhiên dường như Trung Quốc đang khá thận trọng.
Một số chuyên gia chỉ ra rằng nếu chính phủ bỏ hoàn toàn các hạn chế, sẽ có thể dẫn đến "các vấn đề khác" - khoảng cách quá lớn giữa cư dân thành thị và nông thôn.
Phụ nữ sống ở các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải có thể muốn trì hoãn hoặc tránh sinh con, những người sống ở nông thôn lại thường theo truyền thống và muốn có gia đình đông con, các chuyên gia nói.
Trước đó, các chuyên gia đã cảnh báo rằng bất cứ tác động nào lên dân số Trung Quốc, chẳng hạn giảm dân số, có thể ảnh hưởng lớn tới các nơi khác trên thế giới.
TS Yi Fuxian, nhà khoa học trường Đại học Wisconsin-Madison, nói: "Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng rất nhanh, và nhiều ngành công nghiệp trên thế giới phụ thuộc vào Trung Quốc. Tác động của việc dân số giảm có thể sẽ trên phạm vi rất rộng."
Nguồn tin: Phân tích của Stephen McDonell
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn