Trung Quốc giúp tập đoàn quân sự Miến Điện "danh chính ngôn thuận" cầm quyền

Thứ tư - 06/07/2022 10:29
unnamed (1)
unnamed (1)

Ảnh tư liệu : Tướng Min Aung Hlaing (P) tiếp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ở Naypyidaw, Miến Điện ngày 12/01/2021. AP

Phương Tây và Liên Hiệp Quốc bận đối phó với chiến tranh do Nga phát động ở Ukraina giúp Trung Quốc trở thành nhân tố chính trong cuộc khủng hoảng chính trị ở Miến Điện. Hội nghị Mekong-Lan Thương (Lancang) lần thứ 7 diễn ra ngày 04/07/2022 tại Bagan, miền trung Miến Điện, đánh dấu bước khởi đầu chính thức cho tập đoàn quân sự khẳng định tính chính danh cầm quyền.

Trung Quốc công nhận chính quyền của tập đoàn quân sự ? 

Tập đoàn quân sự Miến Điện bị lên án, trừng phạt và tẩy chay kể từ khi lật đổ chính quyền dân sự của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi đầu tháng 02/2021. Sau hơn một năm rưỡi, chính quyền tướng Min Aung Hlaing đang từng bước gây dựng tính chính đáng nhờ sự ủng hộ của Bắc Kinh. 

Trung Quốc đã tạo điều kiện để Miến Điện tổ chức Hội nghị Mekong-Lan Thương (Lancang) lần thứ 7 với khách mời là ngoại trưởng 5 nước láng giềng (Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam), nằm trong ảnh hưởng của Bắc Kinh và có chung hệ thống chính trị chuyên quyền. Tập đoàn quân sự Miến Điện khẳng định ngay hôm 01/07 rằng « sự hiện diện của các ngoại trưởng là sự công nhận chủ quyền và chính phủ Miến Điện »

Ngoài ra, ngoại trưởng Vương Nghị gặp đồng nhiệm nước chủ nhà Wunna Maung Lwin bên lề Hội nghị. Ông nhấn mạnh « Trung Quốc ủng hộ dân tộc Miến Điện trong việc tìm đường phát triển phù hợp với điều kiện đặc thù quốc gia ở Miến Điện », theo Tân Hoa Xã, phiên bản tiếng Pháp, ngày 04/07. « Điều kiện đặc thù quốc gia » cũng có thể được hiểu là chấp nhận chính quyền hiện tại mà trên thực tế chưa bao giờ bị Bắc Kinh lên án với lý do không can thiệp chuyện nội bộ của nước khác. 

Thực ra, phát biểu này chỉ củng cố thêm cho lập trường được Bắc Kinh đưa ra hồi tháng Tư : « Ủng hộ các lãnh đạo tập đoàn quân sự dù tình hình có thay đổi thế nào ». Chính quyền dân sự, quá thân với các nền dân chủ, bị ông Vương Nghị gạt khỏi cuộc hội đàm mà chỉ nhắc đến « tình huynh đệ » được cổ vũ từ thế hệ các nhà lãnh đạo (quân sự) trước đây của hai nước. 

Gạt ASEAN khỏi tiến trình giải quyết xung đột ở Miến Điện 

Trong suốt một năm rưỡi, ASEAN cũng như cộng đồng quốc tế vẫn bất lực trước tập đoàn quân sự Miến Điện. Cuộc chiến ở Ukraina do Nga phát động càng đẩy tình hình Miến Điện xuống hàng thứ yếu. Bắc Kinh đang nắm lấy cơ hội để trở thành « nhà trung gian » duy nhất có trọng lượng trong hồ sơ Miến Điện. 

Qua việc giúp tập đoàn quân sự chính danh nắm quyền ở Miến Điện, Bắc Kinh « tăng thêm trọng lượng » trong quan hệ đối với chính quyền của tướng Min Aung Hlaing hiện vẫn bị cả thế giới quay lưng, theo nhận định với CNN của giáo sư Ian Chong, chuyên gia về khoa học chính trị, Đại học Quốc gia Singapore. Đổi lại, để được Bắc Kinh hậu thuẫn, theo Tân Hoa Xã, « Miến Điện sẽ tiếp tục ủng hộ các lập trường chính đáng của Trung Quốc về các vấn đề liên quan đến Đài Loan, Hồng Kông, Tây Tạng, Tân Cương và nhân quyền »

Ngoài ra, áp đặt được điều kiện tiến hành hòa giải chính trị và quá độ dân chủ nhưng phải « phù hợp với tình hình ở Miến Điện », Bắc Kinh tiếp tục chia rẽ nội bộ ASEAN. Ví dụ mới nhất là bốn nước nằm trong lưu vực sông Mêkông (Việt Nam, Lào, Cam Bốt, Thái Lan) phần nào đã công nhận tính chính đáng của tướng Min Aung Hlaing khi tham dự Hội Nghị Mekong-Lan Thương, bị phe đối lập Miến Điện chỉ trích là « đi ngược lại hoàn toàn với kế hoạch hòa bình của ASEAN »

Tái lập ổn định ở Miến Điện để bảo đảm lợi ích kinh tế của Trung Quốc 

Trung Quốc cam kết « sẽ tiếp tục hợp tác với phía Miến Điện để củng cố 4 trụ cột gồm tin tưởng lẫn nhau về chính trị, hợp tác đôi bên cùng có lợi, thắt chặt quan hệ giữa hai dân tộc và trao đổi văn hóa ». Thực ra, Miến Điện ổn định còn giúp Bắc Kinh bảo vệ lợi ích kinh tế tại quốc gia Đông Nam Á này. Theo AP, Trung Quốc đầu tư nhiều tỉ đô la vào các khu khai thác mỏ, đường ống dẫn khí đốt và nhiều công trình cơ sở hạ tầng khác, đặc biệt là dự án vành đai kinh tế Miến Điện-Trung Quốc (CECM). Bắc Kinh cũng là nhà cung cấp vũ khí chính cho Naypyidaw. 

Cấm vận của phương Tây đã khiến nhiều dự án bị đình chỉ, nhiều công ty nước ngoài thoái vốn khỏi các dự án ở Miến Điện. Trung Quốc khó ngoảnh mặt trước thị trường bỏ ngỏ này. Bắc Kinh đã bày tỏ những thiện chí đầu tiên « hỗ trợ người dân Miến Điện » khi thông báo « sẵn sàng nhập thêm nông sản chất lượng cao, mở rộng hợp tác tài chính song phương và khởi động các dự án thí điểm chống đói nghèo ở Miến Điện ».

 
   

Nguồn tin: Thu Hằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập91
  • Hôm nay12,368
  • Tháng hiện tại195,336
  • Tổng lượt truy cập32,661,861
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây