Hạ viện Anh đã thông qua việc áp dụng kỹ thuật sinh ra các em bé bằng cách sử dụng ADN của 3 người trưởng thành (Ảnh minh họa).
Trong đó, ti thể là những cấu trúc nằm bên trong tế bào, chuyển hóa năng lượng từ thức ăn thành dạng tế bào có thể sử dụng được. Chúng có ADN riêng và ti thể khiếm khuyết chỉ truyền từ mẹ sang con, dẫn tới những tổn hại về não hay teo cơ, bệnh tim và mù lòa.
Tức là, kỹ thuật mới này sẽ giúp cho việc ngăn ngừa việc di truyền các ti thể khiếm khuyết gây bệnh tật từ mẹ sang con. Với những người như cô Rachel Kean - người có gia đình vốn có tiền sử về bệnh rối loại ti thể thì kỹ thuật mới này sẽ vô cùng hữu ích: “Sự kiện này có thể thay đổi tương lai của chúng ta. Phương pháp mới này sẽ ngăn ngừa được những căn bệnh quái ác nhất và tàn phá con người nhất, không chỉ cho các thế hệ bây giờ mà cả những thế hệ sau”.
Hay như với Sharon Bermardi ở Sunderland, kỹ thuật mới được phát triển ở Newcastle hoàn toàn có thể giúp đỡ những phụ nữ như cô, vốn đã mất 7 đứa con - đều xuất phát từ các bệnh liên quan đến rối loại ti thể. Sharon cho biết, cô thực sự đã bị “choáng ngợp” và vô cùng vui sướng khi biết tới phương pháp mới này cũng như quyết định của Hạ viện Anh.
Còn tại phiên tranh luận kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ tại Hạ Viện Anh, bà Jane Ellison - Bộ trưởng Y tế Công cộng của Anh đã nêu ý kiến cho rằng: “Kỹ thuật mới này là ánh sáng ở cuối đường hầm cho rất nhiều gia đình hiếm muộn. Đây sẽ là một bước đi táo bạo của quốc hội, nhưng nó cũng là một bước đi đã được xem xét kỹ lưỡng”.
Trong một tuyên bố trước đây, Thủ tướng Anh David Cameron cũng từng nói rằng: “chúng ta không đặt ra vấn đề tâm linh, chúng ta chỉ chắc chắn rằng, nếu các cặp cha mẹ muốn có một đứa con khỏe mạnh thì họ hoàn toàn có quyền và có thể có một đứa trẻ như vậy”.
Tuy vậy, không phải ai cũng đồng tình với việc hợp thức hóa kỹ thuật mới này. Ở phía còn lại, những luồng ý kiến phản đối và chỉ trích như các giáo hội ở Anh cho rằng, phương pháp này không an toàn cũng như trái đạo đức, ít nhất là liên quan đến việc phá hủy các phôi. Cũng tại phiên tranh luận rạng sáng nay, bà Fiona Bruce, một nghị sỹ đã phản biện rằng: “Phương pháp này sẽ di truyền sang các thế hệ sau, và rõ ràng, những tác động và hậu quả cụ thể như thế nào thì chúng ta sẽ không thể lường trước hết được”.
Một số nhóm khác trong đó có nhóm “Cảnh báo Di truyền Người” thì cho rằng, kỹ thuật “3 người sinh 1 em bé” còn mở cánh cửa cho việc tăng cường chỉnh sửa gen của trẻ em trong tương lai, từ đó tạo ra những em bé được “sản xuất theo đơn đặt hàng, theo thiết kế mẫu” không bị bệnh, thông minh và xinh đẹp hơn. Hay ở một góc khác, một số nhà xã hội học lại cho rằng, đây sẽ là một nấc thang tiếp theo của thực trạng mất cân bằng giới tính ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Thưa quí vị, thưa các bạn. Như vậy, niềm vui của người này vẫn là sự lo lắng và hoài nghi của những người khác. Còn nhớ ngày 4/10/2010, giáo sư người Anh Robert Geoffrey Edwards đã được vinh danh là chủ nhân giải Nobel Y học năm 2010, với phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm - IVF. Tức là tận 32 năm sau ngày sinh của cô bé Louise Brown - đứa trẻ đầu tiên trên thế giới ra đời từ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm; và đúng 5 thập kỷ khi ông bắt đầu thử nghiệm việc sinh ra những đứa trẻ từ ống nghiệm.
Bởi ngay từ những năm 1950, giáo sư Robert Edwards đã bắt đầu nghiên cứu phương pháp thụ tinh trên cơ thể người - IVF. Tuy nhiên, suốt mấy thập kỷ, IVF đã vấp phải sự phản đối dữ dội của dư luận, bởi công chúng khi đó cho rằng điều này phá vỡ các chuẩn mực đạo đức xã hội.
Nhưng cuối cùng, nghiên cứu của ông cũng đã được xã hội chấp nhận với nhận xét của Hội đồng Nobel rằng: "Thành tựu của ông Edwards có tác dụng trong việc điều trị vô sinh, chứng bệnh có ảnh hưởng lớn tới nhân loại, với khoảng 10% số cặp vợ chồng trên toàn thế giới có nguy cơ mắc phải”.
Từ đó đến nay, hàng triệu đứa trẻ đã ra đời nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm và IVF liên tục được nghiên cứu và cải tiến hơn nữa, nhằm đem lại niềm vui cho những người vô sinh trên toàn thế giới. Và kỹ thuật mới “3 bố mẹ sinh 1 con” chính là một ví dụ.
Tuy nhiên, cũng phải công nhận rằng, mọi việc đều có mặt trái của nó. Vì thế, không lạm dụng, sử dụng thông minh các thành tựu khoa học mới là phương pháp hiệu quả nhất trong thế giới công nghệ toàn cầu ngày nay.