Bố anh là một thầy giáo làng, khi đó lương rất thấp. Vì nhà nghèo nên tiền nuôi anh ăn học đại học đều phải vay mượn bạn bè và người thân của ông.
Sau khi tốt nghiệp đại học, anh ở lại thành phố làm việc. Đến lúc kết hôn, nhờ vào cố gắng nỗ lực của bản thân, anh cũng tích góp được tiền mua được một căn hộ. Kết hợp với mức lương khá cao của cô, cuộc sống của hai người có thể coi là dư giả.
Anh tốt nghiệp được 3 năm thì bố anh nghỉ hưu. Sau khi kết hôn, 2 vợ chồng tính đón cụ lên thành phố sống cùng nhưng ông không chịu, nói mình không quen, thích cuộc sống ở nông thôn hơn.
Tuy nhiên, ông có một thỉnh cầu, đó là con trai gửi tiền dưỡng lão cho mình, mỗi tháng 600 NDT (khoảng hơn 2 triệu đồng).
Con dâu lấy làm lạ, ngẫm nghĩ: Trước đây bố làm giáo viên, hiện tại lương hưu mỗi tháng cũng được 2000 NDT (khoảng 6,6 triệu đồng), lẽ nào bố không đủ dùng? Sống ở nông thôn, chi tiêu cũng không tốn kém, bố cần nhiều tiền thế để làm gì nhỉ?
Nghĩ vậy, cô đề nghị với chồng, hay là hàng tháng cứ gửi đồ ăn, đồ dùng về cho bố, để bố đỡ phải tiêu tiền lung tung. Tuy nhiên, ông cụ nhất định không chịu, chỉ nhận tiền, không nhận thứ khác.
Không còn cách nào khác, hai vợ chồng hàng tháng gửi tiền đều đặn về cho bố, nhưng khi về quê thăm ông, cả hai đều rất ngạc nhiên vì trong nhà, bố chẳng sắm thêm thứ gì. Cô nói đùa với chồng: "Hay là bố lén tìm bạn đời?"
Bình thường sức khỏe của ông cụ khá tốt. Hơn thế, tâm trạng của ông cụ cũng rất thoải mái bởi trong làng, ông có rất nhiều bạn, hằng ngày uống trà, nói chuyện. Tuy nhiên, cách đây không lâu, bố chồng cô đột nhiên bị chảy máu não, người nhà đưa lên thành phố cấp cứu nhưng không kịp.
Ông cụ mất năm 76 tuổi. Lúc đưa tang, ngoài những người thân thích, còn có rất đông người lạ mặt cùng tham dự. Việc này khiến hai vợ chồng cảm thấy lạ lắm. Nhưng vì đang quá bận lo tang lễ nên chẳng ai lại hỏi.
Về sau, trong lúc cùng nhau thu dọn lại di vật của bố, hai vợ chồng mới phát hiện một cuốn sổ, trên đó ghi chi tiết từng khoản tiền đã tiêu. Vì từ trước đến giờ luôn tò mò không biết ông cụ đã tiêu tiền vào việc gì nên con dâu đã quyết định sẽ xem kỹ một lượt.
Theo đó, phần trước của cuốn sổ ghi chép những khoản tiền ông đã đem đi trả nợ người thân, nhưng càng về sau, càng đọc cô càng phát hiện dường như tất cả tiền đều dùng để mua đồ cho ngôi trường trong thôn hoặc trao tặng cho những em học sinh có thành tích tốt.
Khi đó, cô mới bất giác ngộ ra rằng, thì ra bố chồng mình thật vĩ đại. Và cuối cùng, cô đã hiểu tại sao người thân, bạn bè đối xử với ông nhiệt tình đến thế, lúc đưa tang, tại sao lại có nhiều người vừa thân vừa lạ đến tham dự đến thế.
Nhìn cuốn sổ ghi chép của bố, chồng cô đã khóc. Anh nói bố anh từ nhỏ đã dạy anh đạo lý làm người, biết tri ân, báo đáp. Ông cũng nhắc rằng anh có thể đi học là nhờ bạn bè thân thích của bố giúp đỡ, nên sau này thành đạt, không được quên những người đã giúp mình.
Phát hiện này đã đưa hai vợ chồng đến một quyết định, rằng hàng tháng, họ vẫn định kỳ gửi 600 NDT về quê, tiếp tục công việc của bố, giúp đỡ những đứa trẻ trong làng, hy vọng dưới suối vàng, ông cụ được ấm lòng.
Sau khi chia sẻ câu chuyện của mình, người phụ nữ đã viết thêm: "Tôi thật tự hào vì đã có một người bố chồng như vậy, và tôi cũng rất tự hào về chồng tôi."
Tình tiết câu chuyện dù có yếu tố bất ngờ nhưng hết sức giản dị, bao hàm nội dung nhân văn sâu sắc. Những hành động đẹp như thế, thực sự rất cần nhân rộng trong cuộc sống này.
Tác giả bài viết: Thanh Van
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn