Hãy Làm Chủ Chính Mình

Chủ nhật - 10/06/2018 10:17

Hãy Làm Chủ Chính Mình

Một tác giả nọ có kể một câu chuyện nghụ ngôn như sau: Một nhà trí thức, một thương gia và một quan đầu tỉnh bị quân cướp tấn công nhân một cuộc hành trình giữa sa mạc. Sau khi đã đánh đập, bọn cướp bỏ ba người dở sống dở chết bên lề đường. Tuy nhiên, ba người cũng cố gắng lê bước để tìm đến túp lều của một vị ẩn sĩ. Sau khi đã băng bó các vết thương cho ba người, vị ẩn sĩ mới nói với họ: "Túp lều của tôi quá nhỏ. Mùa đông lại sắp đến. Xin mỗi vị cố gắng làm riêng cho mình một căn lều để trú ẩn"
.

 

    Nghe thế cả ba người bộ hành đều chống chế, vì họ chỉ muốn tiếp tục cuộc hành trình mà thôi. Vị ẩn sĩ mới cho họ biết rằng tuyết đã bắt đầu rơi và không còn một lối thoát nào có thể giúp họ ra khỏi vùng sa mạc.

 

    Nhưng làm thế nào để tự mình có thể dựng cho mình túp lều? Nhà trí thức thì than phiền rằng mình không có sách vở trong tay. Thương gia thì quả quyết rằng cả đời mình chỉ biết đếm tiền và giao dịch. Còn viên đầu tỉnh thì cho rằng ông không thể làm việc gì mà không có thuộc hạ.

 

    Nhưng nước đến trôn rồi thì cũng đành phải nhảy. Không còn lý do gì để khước từ, cả ba người đành phải bắt tay vào dựng riêng cho mình căn lều. Khi họ vừa hoàn thành túp lều thì mùa đông cũng vừa đến. Trong suốt mùa đông dài, họ không còn bít làm gì hơn là ngồi bên bếp lửa để ôn lại chuyện quá khứ... Vị ẩn sĩ thỉnh thoảng cũng xen vào câu chuyện để góp ý và an ủi ba người bất hạnh.

 

    Ðông tàn, xuân đến. Ba người bộ hành muốn lên đường trở về tức khắc. Nhưng lòng tốt và tình bạn của nhà ẩn sĩ không nỡ để họ ra đi. Thành ra, họ đành ở nán lại một thời gian để giúp ông cày xới và gieo trồng cũng như chăm sóc gia súc. Và rồi, khi ánh nắng xuân chiếu tỏa giữa sa mạc, họ cũng ở lại thêm một thời gian để ngắm cảnh thiên nhiên...

 

    Một ngày nọ, vị ẩn sĩ mới thắc mắc như sau: "Tôi không còn nghe các ông nói đến sách vở, công việc làm ăn và những người thuộc hạ nữa. Có chuyện gì xảy ra cho các ông không?". Cả ba người đều giữ thinh lặng. Vị ẩn sĩ mới nói tiếp: "Tôi xin phép được trả lời cho các ông nhé. Trước kia, các ông có một ông chủ, ông chủ của các ông có tên là sách vở, là tiền bạc, là các thuộc hạ. Giờ đây, các ông cũng giống như chó lạc mất chủ, các ông cảm thấy tự do. Nhưng tôi nghĩ rằng tốt hơn là các ông nên trở về với sách vở, với tiền bạc, với các thuộc hạ của các ông. Trêu về nhưng không với tư cách là nô lệ nữa. Các ông hãy là chủ chính mình. Và nếu các ông muốn có một người chủ luôn để cho các ông tự do hoàn toàn, xin hãy nhớ đến tôi và chủ của tôi".

 

    Lục soát cho kỹ trong lương tâm, có lẽ ai trong chúng ta cũng phải thú nhận rằng mình là nô lệ của rất nhiều ông chủ.

 

    Có ông chủ mang tên là một ý thức hệ kiên cố đang trói buộc đôi cánh tư tưởng của chúng ta. Chúng ta bị giam hãm trong vòng nô lệ đến độ không dám đưa chân bước ra khỏi vòng tròn mà ý thức hệ đó đã vẽ sẵn.

 

    Có ông chủ mang tên là những định kiến đối với cuộc đời, đối với xã hội, đối với con người mà chúng ta không bao giờ muốn từ bỏ, mà chúng ta luôn chụp xuống trên người khác có lẽ cúng là hàng rào kẽm gai mà chúng ta khoanh tròn xung quanh chúng ta để mãi mãi chỉ mang lấy một cái nhìn hẹp hòi, ích kỷ.

 

    Có ông chủ là những thói quen xấu mà chúng ta tích lũy như một pháo đài kiên cố để không muốn rời một bước.

 

    Có ông chủ là thứ tôn giáo vụ hình thức trong đó chúng ta cố gắng tô vẽ cho mình một bộ mặt đạo đức, nhưng kỳ thực lại hoàn toàn xa lạ với Tin Mừng của Chân Lý và tự do đích thực.

 

    Mỗi người chúng ta cần phải rời bỏ những ông chủ quen thuộc để đi vào trong túp lều nhỏ bé, nhưng chính do chúng ta cố gắng tự tạo ra. Nơi sa mạc của cõi lòng, chúng ta sẽ gặp được chính Chúa làông chủ đích thực của chúng ta. Có trút bỏ mọi ràng buộc trong cuộc sống, chúng ta mới cảm thấy được Ngài chiếm ngự và lúc đó chúng ta mới cảm nhận được niềm hạnh phúc đích thực mà Chúa Giêsu đã hứa: "Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó".

    

 

 
 

Nguồn tin: Trích sách Lẽ Sống

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập345
  • Hôm nay11,830
  • Tháng hiện tại278,509
  • Tổng lượt truy cập36,333,064
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây