Giá trị đích thực của một người nằm ở đâu?

Thứ bảy - 14/07/2018 09:40

Giá trị đích thực của một người nằm ở đâu?

Có một người ăn xin, cánh tay phải anh ta bị mất, dáng vẻ rất đáng thương, ai thấy cũng bố thí cho anh.

Một hôm, anh đến nhà một gia đình nông dân để xin ăn. Nữ chủ nhân bảo anh trước tiên chuyển đống gạch từ cổng vào trong sân. Anh ăn xin tức giận nói với nữ chủ nhân: “Bà biết rõ rành rành tôi chỉ còn một tay, lại còn bảo tôi chuyển gạch giúp, đây chẳng phải có ý giễu cợt người tàn tật đó sao?”.

Không ngờ nữ chủ nhân ngồi xuống, cố ý dùng một tay chuyển gạch, chuyển xong quay lại nói với anh ăn xin: “Tôi một tay cũng có thể chuyển được, tại sao anh lại không thể?”.

Anh ăn xin không nói gì được, đành gắng sức dùng một tay chậm rãi chuyển gạch. Anh làm 2 tiếng đồng hồ mới chuyển xong đống gạch, mệt nhọc mồ hôi túa ra khắp mặt mũi.

Nữ chủ nhân đưa anh ta chiếc khăn trắng, anh ăn xin lau mặt và cổ xong, chiếc khăn trắng đã trở thành chiếc khăn đen.

Nữ chủ nhân lại đưa anh 50.000 đồng, anh ăn xin nhận tiền cảm ơn mãi.

Nữ chủ nhân nói: “Anh không cần cảm ơn tôi, đây là tiền công anh dùng mồ hôi để đổi lấy”.

Anh ăn xin nói: “Tôi sẽ mãi mãi không quên ơn bà, xin bà cho tôi cái khăn này làm kỷ niệm”.


Mấy năm sau, anh ăn xin đó mặc một bộ vest sang trọng đến tìm gia đình nông dân nọ, thấy nữ chủ nhân tuổi đã cao, anh cảm động nói: “Trước đây tôi là ăn xin, giờ đây tôi là chủ tịch một công ty. Đó là nhờ bà đã giúp tôi tìm lại được sự tôn nghiêm của con người mà tôi đã đánh mất, làm lại cuộc đời mới. Nếu không có bà, có lẽ tôi đang lang bạt khắp nơi”.

Nữ chủ nhân nói: “Đó là do anh tự mình làm ra”.

Anh chủ tịch công ty muốn tặng nữ chủ nhân 1 căn nhà, nữ chủ nhân nhẹ nhàng từ chối.

Anh chủ tịch công ty không thể nào hiểu nổi, nữ chủ nhân cười nói: “Tại vì cả nhà tôi đều chỉ có một tay”.

***

Chúng ta muốn giữ được sự tôn nghiêm của con người, thì cần tôn trọng bản thân mình, tôn trọng những người mình quen biết, và tôn trọng cả những người mình không quen biết. Từ trong công việc của mình lĩnh hội ra những thú vị, thì cuộc sống mới có giá trị.

Làm việc mình muốn làm, tuy tiền kiếm được có thể không nhiều, nhưng so với rất nhiều người có tiền nhưng tâm hồn đã mất, thì còn đáng giá, đáng kính hơn rất nhiều.

Trước nỗi bất hạnh của bản thân, chớ có coi nó là lớn quá. Cuộc sống còn có bao nhiêu người bất hạnh hơn. Khi chúng ta coi nỗi bất hạnh của bản thân là nhỏ, chúng ta dễ dàng vượt qua nó, sống vui vẻ tích cực, và sáng tạo ra cuộc sống của bản thân mình.

Cái quý giá nhất của con người là trái tim và khối óc. Biết đánh thức những hạt giống thiện lương trong trái tim, sẽ khơi nguồn sáng tạo cho khối óc, thì những kỳ tích trong cuộc sống sẽ xuất hiện.

Khiếm khuyết của cơ thể, như mất một tay như anh ăn xin, cũng chỉ là trở ngại nhỏ. Chỉ một ý niệm thay đổi đã biến anh ăn xin thành chủ tịch một công ty.


Nhân cách tạo nên giá trị con người. Người khiếm khuyết thân thể, sức khỏe, nhưng vẫn rèn luyện cho mình nhân cách lớn… (Ảnh: youtube.com)

Nếu nói về khiếm khuyết thân thể, thì có lẽ ít người bất hạnh như Nick Vujicic, khi sinh ra đã không chân không tay. Nhưng không cam chịu tàn phế, không chìm vào đau buồn, mặc cảm, anh thậm chí còn có một sự nghiệp thành công, một gia đình hạnh phúc. Đó là một tấm gương, một nguồn cảm hứng cho hàng triệu người tàn tật cũng như người bình thường trên toàn thế giới.

Nhân cách tạo nên giá trị con người. Người khiếm khuyết thân thể, sức khỏe, nhưng vẫn rèn luyện cho mình nhân cách lớn, ý chí tự cường mạnh mẽ, thì vẫn có thể vươn lên là người có giá trị, được mọi người khâm phục và kính trọng.

 
 

Tác giả bài viết: Simon Hòa

 Tags: cánh tay

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập357
  • Hôm nay11,830
  • Tháng hiện tại278,591
  • Tổng lượt truy cập36,333,146
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây