Quán cơm từ thiện

Thứ sáu - 28/10/2016 10:35

Quán cơm từ thiện

Đại gia giàu có bị chửi rủa vì ngày nào cũng ăn cơm từ thiện và sự thật đau lòng đằng sau đó !

Quán cơm từ thiện Liên Sơn đã mở được một thời gian tại xóm trọ nghèo này. Đây thật sự là tâm huyết của một nhà hảo tâm giấu tên muốn chia sẻ cùng người nghèo những cơ cực qua bao bữa cơm giản đơn. Chưa khi nào người lao động ở đây lại thấy ấm lòng như thế. Quán dần tấp nập và đông người vào giờ cơm trưa và cơm chiều. Người đến ăn luôn là dân nghèo bươn chải từng ngày để kiếm cơm. Vì vậy mà không khí quán lúc nào cũng vui vẻ thoải mái, như đại gia đình tụ họp cùng nhau.

Nhưng gần đây mọi người dần không cười giỡn nhiều nữa, mà thay vào đó là những lời chỉ trích, câu từ khó nghe. Tất cả đều hướng đến một người duy nhất, là một ông lão đã ngoài 60 tuổi, đầu đã hai thứ tóc già nua. Sẽ chẳng có chuyện gì nếu ông ấy cũng nghèo khổ như bao nhiêu người đến quán Liên Sơn này. Đằng này ông ta áo quần phẳng phiu giàu có, lại chẳng ngần ngại lấy cơm từ thiện mỗi ngày, còn nói cười vui vẻ. Ai nấy thấy vậy đều tỏ ra khinh bỉ và khó chịu vô cùng.
 
alt
Ông Minh hầu như chẳng để tâm về điều đó. Cứ đều đặn mỗi ngày 12 giờ sẽ đến quán lấy một phần cơm rồi tìm một góc mà vừa ăn vừa nói chuyện cùng mọi người. Ban đầu còn có vài người miễn cưỡng nói chuyện cùng ông, sau rồi chẳng còn mấy ai, ông lại bắt chuyện với bọn trẻ con. Ông luôn tỏ ra rất vui vẻ và hào hứng, nhiều hôm ngồi đến tận 3 4 giờ chiều mới chịu về. Rồi đến một hôm, chẳng ai màng nói chuyện với ông nữa, bọn trẻ con nghe lời ba mẹ cũng không thèm đến ngồi gần ông. Ông Minh cũng không vì thế mà buồn phiền, ngồi ăn từ tốn mà nhìn ngắm mọi người rôm rả nói chuyện. Sau đó thì ai cũng bất ngờ khi có người con trai cao lớn, cũng trông giàu có như ông Minh vào quán lôi xềnh xệch ông ra xe hơi sang trọng.
Ông đi rồi đằng sau vẫn văng vẳng tiếng nói: “Con cái giàu có không biết chăm lo cho cha mẹ, lại khiến cha mẹ quần áo thẳng thớm đi giành cơm từ thiện của người nghèo! Nhục không gì tả!”
...
Sơn về tới nhà, giậm chân bực bội đi vào. Ông Minh mặt buồn bã đi theo sau con trai
- Ba ơi, tiền con cho ba mỗi ngày không đủ ăn sao hả ba?
- Không, nhiều lắm, nhiều đến mức...
- Vậy sao ba còn đi giành cơm từ thiện của người ta?
- Ba đâu có giành, cái đó...
- Ba làm con thấy nhục nhã với mọi người quá! Ai cũng nói con làm giám đốc mà đi để ba mình ăn cơm từ thiện! Ba làm con mất mặt quá! Mai ba ở nhà giúp con đi!
Chưa kịp nghe ông Minh trả lời thì Sơn đã hậm hực bỏ lên lầu. Ông Minh cúi mặt buồn đến mắt ngấn nước. Ông rút tấm ảnh của người vợ quá cố, là bà Liên, trong túi ra, cứ nhìn rồi ngồi thừ ra cả buổi chẳng nhúc nhích. Mấy tháng sau đó Sơn cũng không chịu nói chuyện với ông, dù ông đã rất muốn giải thích cùng con một điều.
Bị con trai la, ông Minh không còn đến quán Liên Sơn nữa, chỉ lẩn quẩn ở nhà. Một năm dài trôi qua, Sơn càng ngày càng bận rộn, có khi cả mấy tháng trời ông Minh mới gặp được con trai. Nhưng con về lấy đồ này kia rồi lại đi, bàn cơm chuẩn bị thịnh soạn cuối cùng vẫn chỉ mình ông ăn.
 
alt
Một chiều mưa, Sơn trở về, sau 6 tháng công tác nước ngoài. Anh định vào lấy vài thứ đồ rồi lại đi ngay, không quên để lại tiền trên chiếc tủ trong phòng khách. Nhưng khi anh định để tiền vào tủ thì vẫn thấy số tiền cũ mấy tháng trước còn y nguyên, không thiếu một đồng. Anh thấy lạ, bèn vào phòng tìm ba mình. Nhưng khi mở cửa ra anh hốt hoảng khi thấy ba anh đã nằm im lìm trên giường. Anh sợ hãi lay ba một hồi lâu ông mới mệt mỏi tỉnh giấc. Ông Minh được con trai đưa vào bệnh viện ngay sau đó. Trên đường vào viện, chỉ thấy Sơn nức nở đọc tờ giấy ông Minh đưa trước khi hôn mê. Ông Minh biết mình không thể sống được bao lâu nữa.
“Con trai của ba,
Khi con đọc được những dòng này thì chắc đã về nhà rồi phải không? Mong rằng ba có thể chờ được ngày đưa con lá thư này. Con không muốn nghe ba nói nữa thì đọc một chút, được không?
Ngày bé, con sinh không đủ tháng, yếu ớt và bệnh tật. Vì vậy mà con rất kén ăn, mỗi lần ăn ba đều phải ngồi cạnh bên ăn cùng con mới chịu. Rồi con lớn lên, chưa có buổi cơm nào con thiếu vắng ba. Ba luôn muốn ăn cơm cùng con như thế, để thấy con vui vẻ hào hứng kể ba nghe những gì đã xảy ra trong ngày. Nhưng khi con thành đạt, con bận rộn với công việc, những bữa cơm cùng ba dần thay bằng những hộp cơm vội vàng, bao bữa cơm sang trọng đâu đó. Từ lúc nào, ba nhớ quá hình ảnh con ăn cơm, nhớ cả những chuyện trò của cha con mình...
alt
Con biết không, số tiền con đưa cho ba hàng tháng nhiều lắm, ba thiệt chẳng xài hết được. Ba cũng biết con chỉ muốn ba ở nhà mà không làm gì hết. Nhưng đây là điều ba đã từng muốn làm nhất khi tuổi đã xế chiều, ba đã mở một quán cơm từ thiện, là Liên Sơn, gộp cả tên của con và mẹ. Ba xin lỗi vì đã giấu con.. Một phần vì ba muốn giúp người nghèo chút ít. Một phần lại là vì ba muốn...có ai đó ăn cơm cùng mình, vì ba nhớ những bữa cơm nhà mình quá. Nhà mình rộng, mẹ con lại mất rồi, mình ba với bàn ăn đủ đầy, ba...cô đơn lắm.
Ba thật xin lỗi vì điều này lại khiến mọi người xem thường con. Nhưng ba có thể nhờ con một việc được không? Sau khi ba mất, giúp ba duy trì quán Liên Sơn này, có nhiều người khổ sở, bao đứa trẻ đến cơm cũng không có mà ăn...
Cuối cùng, con trai à, ba muốn nói là con đã luôn là niềm tự hào suốt cuộc đời ba mẹ. Con phải luôn sống thật tốt. Mỗi ngày đều phải ăn thật ngon, ngay cả khi đã không còn ba bên cạnh. Như vậy thì mới có sức khỏe mà làm việc được. Đừng đau ốm, ba mẹ sẽ lo lắm!
Nhiêu đây thôi con à, ba mệt rồi, nghỉ đây...
Thương con, ba lúc nào cũng đợi con về”
 
alt
Sơn gào khóc nức nở bên linh cửu của cha. Anh đã không biết, đã vô tâm đến tàn nhẫn với chính người cha yêu thương mình hết lòng. Một bữa cơm anh cũng không thể ăn cùng ông trước khi ông mất. Ông đã đợi anh suốt những tháng ngày bệnh tật gắng gượng, có chăng cũng chỉ để có thể cùng anh ăn một bữa cơm cuối cùng...
...
Mọi người con à, cuộc sống này mọi điều đều có lần hai, chỉ có ba mẹ là duy nhất trên thế gian này. Vì vậy đừng vì những bận rộn tủn mủn, lặt vặt đời thường mà bỏ quên chính ba mẹ của mình. Vì dù họ luôn nói sẽ mãi đứng sau lưng chờ đợi bạn quay về, thì cũng đừng một mực tin, vì thời gian vốn đâu có nhân nhượng bất cứ ai. Bạn thật sự chẳng biết khi nào quay lưng lại đã không nhìn thấy họ. Đừng đến lúc như thế mới hối hận, nào có kịp nữa đâu...
 

Tác giả bài viết: Ngọc Thi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập31
  • Hôm nay11,830
  • Tháng hiện tại277,086
  • Tổng lượt truy cập36,331,641
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây