CÂU CHUYỆN VỀ ƠN GỌI CỦA MỘT THANH NIÊN TRẺ NGƯỜI VIỆT NAM ĐI TU DÒNG CHARTREUX Ở THỤY SĨ

Chủ nhật - 18/12/2022 08:56
tải xuống (1)
tải xuống (1)
“Con như chiếc bình bạch ngọc
đập vỡ vụn dưới chân Chúa​.​”

Vào những ngày đầu tháng 5, 2022, tôi nhận được một cú điện thoại của một vị mà tôi không ngờ tới, Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt, vì chưa bao giờ tôi liên hệ với ngài.

– Thưa Đức Cha, ngài gọi cho con có việc gì vậy ?
– Trước nhất, tôi được tin là cha mới được Cộng đoàn chọn để hướng dẫn Cộng đoàn, tôi chúc mừng cha. Và tôi có một việc nhờ cha và Dòng giúp.
– Đức Cha cho chúng con biết điều gì chúng con có thể giúp Đức Cha ?
– Có một Thầy tên Khang đi tu Dòng Chartreuse de La Valsainte, ở gần Dòng của cha. Mẹ của Thầy dự định sẽ sang Thụy Sĩ thăm Thầy vào tháng 9, tôi nhờ cha giúp đi đón ở phi trường, chở bà đến Dòng Chartreuse để bà thăm Thầy Khang, rồi sau đó xin cha trở lại Dòng đón bà về ở Dòng của cha, vì theo luật Dòng Chartreux họ chỉ cho bà ở nhà khách và thăm Thầy được hai ngày thôi.
– Thưa Đức Cha, chúng con sẽ giúp bà tận tình.
– Tôi xin phép cha, tôi cho bà số điện thoại của cha để bà liên lạc với cha nhé ?
– Vâng ạ.
…………..

Một thời gian sau đó, mẹ của Thầy Khang đã gọi nói chuyện với tôi. Bà đã kể cho tôi biết về ơn gọi của Thầy Khang như sau :
 
Sau khi vợ chồng chúng con thành hôn với nhau, chúng con có được một cô con gái đầu lòng. ​ ​Hằng ngày con cầu xin với Chúa : nếu đẹp ý Chúa, xin cho chúng con một cậu con trai, nếu Chúa thương ban, chúng con sẽ giáo dục cháu và hướng dẫn cháu sau này dâng mình cho Chúa trong đời sống tu trì.  Và Chúa đã thương nhậm lời chúng con cầu xin, chúng con đã sinh ra cháu Dương Nguyên Khang vào ngày 11.3.1996.​ ​ Và ngày 13.4.1996 cháu đã được Rửa tội tại Vương cung thánh đường Đức Bà Saigon với tên thánh Augustinô.

Cháu Khang học giáo lý lúc 4 tuổi. ​ ​Cứ đòi đi học chung với Chị,  các Sơ St Paul thấy thằng bé mập tròn, ngoan ngoãn nên cho vào lớp ngồi nghe. ​ ​Đến 5 tuổi Sơ cho học lớp khai tâm trước 1 năm. ​  lúc kiểm tra giáo lý, vì không biết chữ nên Sơ cho bé trả lời bằng miệng. ​ ​Sách giáo lý mang về bắt mẹ đọc cho học thuộc từng câu.​ ​ Đến khi vào lớp 1 biết đọc, biết viết thì làm bài luôn đạt điểm 10.  Sang cấp 2 thì các bài kiểm giáo lý Sơ luôn cho 10+ hoặc 10++. ​  ​Con vẫn giữ những bài viết này. ​ ​Khang chỉ chờ dịp để được viết về Chúa với tất cả tâm tình, có khi dài hơn câu trả lời bắt buộc đến cả trang giấy.  Vì thấy cháu có lòng ham học giáo lý và hướng về Chúa như thế, con đã may cho cháu 4 chiếc áo lễ với 4 bốn màu khác nhau để cho cháu mặc, hầu giúp cháu yêu thích và ước muốn đi tu sau này.

Cháu Khang lúc nhỏ chiều nào cũng dâng lễ rồi xin mẹ, chị, bà ngoại hoặc có ai đang ở trong nhà đều phải dự lễ và rước lễ như thật. ​ ​Mặc dù chưa biết chữ, nhưng đi lễ học thuộc cả kinh tiền tụng, vinh tụng ca… mở sách như thật, đọc vanh vách. ​ ​Phúc âm và bài đọc thì phải nhờ người đọc. ​ ​Thời gian này cháu đang học Mẫu giáo.​ ​ Chiều dâng lễ, tối trước khi ngủ vẫn ôm bình sữa bú. ​ ​Lúc chưa biết chữ, ngày nào cũng bắt mẹ đọc sách cho nghe. vừa nghe đọc, vừa bú bình đến 7 tuổi mới ngưng. ​ ​Đến lúc 7 tuổi, cháu được giúp lễ ở Vương cung thánh đường Đức Bà Saigon, lúc đó cháu mới ngưng dâng lễ ở nhà.

Cháu giúp lễ khi chưa rước lễ lần đầu. ​ ​Có lần khi giúp lễ cho Đức Hồng Y, vì ngài không biết đã trao Mình Thánh cho Khang và cháu vẫn rước. ​ ​Về nhà rất vui sướng kể cho mẹ nghe, mặc dù đã được mẹ và các Cha dặn là chỉ giúp lễ, không được rước lễ.​  ​Khi các Cha phát hiện, vào các lần sau, đến lúc cho rước lễ, các anh trong phòng Thánh phải dắt em vào.

ĐC Giuse Vũ Duy Thống lúc Ngài đang làm GM phụ tá Saigon đã từng hỏi cháu Khang khi cháu 9 tuổi : «Cha thấy con sáng láng thông minh, vậy con có muốn đi tu không? Nếu sau này khi con muốn đi tu, thì đến gặp ĐC và ĐC sẽ giúp con». ​ ​Và  ngài cũng đã hỏi con :  “Nếu Chúa chọn con của chị, chị có vui lòng dâng cho Chúa không?» ​ ​ Nhưng Ngài đã qua đời khi Khang còn đang học ở Mỹ. 

Từ Tiểu học cháu Khang được học trường song ngữ Pháp-Việt. ​ ​Cháu là một học sinh chăm chỉ và ham học, cháu luôn đạt được điểm cao, từng đạt giải các kỳ thi Olympic.​  Học sinh giỏi cấp thành phố, cấp quốc gia, Thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp trung học vào năm 2014 trường Lê Hồng Phong, Saigon.

Cháu Khang đã hoàn thành chương trình hệ Trung cấp 9 năm tại Nhạc viện Saigon chuyên khoa Piano vào năm 2014. ​ ​Cháu là người sáng lập nhóm nhạc GERMER mang âm nhạc cổ điển đến với người trẻ tại Saigon. ​ ​Nhóm hiện nay vẫn đang họat động và trình diễn mỗi tháng 1 lần.

Từ Tháng 9​, ​2015 đến tháng 5.2019 vinh dự nhận học bổng 4 năm du học tại Mỹ.​ ​ ​ ​Ngày 28.5 2019 cháu Khang tốt nghiệp Master (Thạc sĩ) ngành Trí tuệ nhân tạo, hạng Tối Ưu. ​  ​Lúc đó cháu đã nói được 7, 8 ngoại ngữ. cháu muốn học thêm để lấy bằng Tiến sĩ ngành này, cháu cũng được một hãng lớn ở Mỹ mời làm việc với một mức lương trên 300.000 đô la Mỹ một năm.​ ​ ​ ​Nhưng cháu đã từ chối, vì lúc đó cháu đã khám phá ra trong tâm hồn tiếng Chúa gọi tận hiến cho Ngài.

  Thủ khoa ngành Âm Nhạc  2014    
                                                 Master ngành Trí tuệ nhân tạo 2019

Mỗi dịp hè, cháu Khang chỉ về VN khoảng 1 tháng.​ ​ Phần còn lại của kỳ hè hoặc các kỳ nghỉ khác thì đều đi tĩnh tâm ở các nhà Dòng ở Mỹ, Châu Âu, ​ ​Hàn Quốc hay ra Dòng Xitô Châu Sơn, Ninh Bình, để tĩnh tâm với Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt.

 Hè năm 2018 cháu Khang sang Dòng Chartreux ở Pháp 1 tháng để tĩnh tâm và muốn xin ở lại tu tại đây, sau khi học xong. ​ ​Nhưng vì nhà Dòng này đã có đông đan sĩ, nên cha Bề trên đã giới thiệu Khang sang Thụy sĩ. ​ ​Cuối năm 2018 Khang sang Thụy Sĩ 1 tháng và được cha Bề trên, cha Giáo tập chấp nhận, nên các ngài tiến hành làm các thủ tục cho cháu Khang nhập Dòng Chartreuse de La Valsainte, tại Thụy Sĩ ngày 15. 8. 2019.  ​ ​Được mặc áo Dòng ngày 25.3.2020  và Thầy chọn cho mình một tên thánh mới là Théophile (Thánh Théophile Antioches, Hy lạp. ​ ​Théophile nghĩa là «người yêu mến các Thần». ​ ​Tuyên khấn  lần đầu ngày 25.3.2022.

(Dòng Chartreux do thánh Bruno thành lập năm 1084, cũng được gọi là Ordo Cartusiensis. Có thể nói là Dòng khổ hạnh nhất trong Giáo hội hiện nay).

 Năm đầu đời khổ tu  2020                   
Sau 3 năm tu trị, hạnh phúc tỏa sáng 2022

Tôi hỏi mẹ của Thầy Théophile Khang :

– Chị và những người thân trong gia đình phản ứng thế nào sau khi nghe Thầy Khang nói là chọn đi tu Dòng Chartreux?
– Thú thật, con ước muốn cháu dâng mình cho Chúa như con đã hứa với Chúa khi xin cho chúng con có được một người con trai, con mong muốn cháu đi tu Dòng hoạt động hơn, nên chúng con cũng cảm thấy sốc và hụt hửng.
– Con có hỏi Thầy Khang: Con có hạnh phúc trong ơn gọi của con?    
– Thầy trả lời: Thưa Mẹ, con rất hạnh phúc với ơn gọi mà con đã chọn lựa, Mẹ và gia đình an lòng nhé.

Khi được biết Thầy Khang hạnh phúc trong ơn gọi của Thầy đã chọn, cả gia đình chúng con từ từ tập đón nhận Thánh Ý Chúa, và chúng con đang hòa nhập vào niềm hạnh phúc mà Thầy Khang đang sống để Ý Chúa được thực hiện. 
……………………
Ngày 29.9.2022 mẹ và em trai của Thầy Khang đã đến phi trường Genève, Thụy Sĩ, tôi đã đón bà và cháu Nguyên về Dòng Chartreux. ​ ​Cha Bề trên Dòng đã đón tiếp chúng tôi cách vui vẻ, thân thiện.​ ​ Thầy Khang được phép ra nhà khách thăm mẹ và em trai, được phép ở lại nói chuyện một số giờ được quy định, nhưng không được phép ở lại Nhà khách dùng cơm với mẹ và em trai mà phải trở về phòng riêng và dùng cơm tại đó.​ ​ Cha Bề trên cho phép Thầy Khang đưa tôi và cậu em trai đi vào trong nội vi để thăm viếng. ​ ​Thầy đưa chúng tôi viếng thăm nhà Nguyện, phòng Hội chung, nhà Cơm cộng đoàn.  

Trong ngày, các đan sĩ Chartreux có giờ kinh Đêm, kinh Sáng, Thánh Lễ và kinh Chiều là chung với nhau, còn các giờ Kinh nhỏ khác, đọc sách thiêng liêng, làm việc, dùng cơm trong phòng riêng mỗi người, trừ lễ trọng thì dùng cơm chung. ​ ​Ban tối các đan sĩ đi ngủ lúc 20g; Thức dậy lúc 23g30 và nguyện gẫm trong phòng riêng; 12g15 ra nhà Nguyện đọc chung kinh Đêm (Sách) và kinh Sáng, kéo dài khoảng 2 tiếng; sau đó đi ngủ lại; dậy lần 2 lúc 6g30; 8g Thánh Lễ….

Thăm viếng phòng riêng của Thầy Khang: ở phòng trệt để nhiều khúc củi, một số đã được Thầy bửa nhỏ để sưởi vào mùa đông. Phía sau căn phòng là một khu vườn rộng khoảng 20m2, có bờ tường xi-măng cao 4m bao quanh, không thể thấy được gì bên ngoài. Có khoảng gần 10 cây táo, lê được trồng sát bờ tường, ở giữa sân được trồng cỏ.

– Thầy nói với tôi: ​ "​Khi con vào căn phòng này, con đã bỏ ra nhiều giờ để lật đất của khu vườn này, vì trước đó cỏ dại mọc nhiều, và con xin mua hạt cỏ để gieo lại, bây giờ thì con có được một mãnh vườn cỏ đẹp hơn.​"​

– Tôi hỏi : ​ "​Các cây táo và lê này đã được hái trái ?​"​

– Thầy Khang trả lời : ​"​Con đã hái chúng và giao cho nhà bếp để dùng chung.​"​

Sau đó Thầy đưa chúng tôi lên lầu trên, nửa phòng ngoài có máy tiện gỗ để Thầy có thể tiện một vài món đồ như chân đèn, cái bình, để giải trí sau những giờ cầu nguyện, suy gẫm. ​ ​Kế bên là cái máy cắt giấy cũ, Thầy Khang đang đóng lại một vài cuốn sách cũ cho thư viện hay sách kinh. ​ ​Ở giữa phòng có một lò sưởi củi, gần đó là một gian nhỏ có ghế qu​ỳ​ và một số tượng ảnh Chúa, Mẹ treo phía trước ghế  qu​ỳ  , đây là nơi Thầy đọc kinh hay cầu nguyện riêng. ​ ​Thầy bảo: ​ ​Mỗi lần con đi ra khỏi phòng trở về, con phải  qu​ỳ ở đây để xin lỗi Chúa.

Bên cạnh là giường ngủ với một tấm nệm cũ, có trải mền và ​"​ra​"​ trắng, cuối giường có treo chỉ một chiếc áo len để mặc thêm khi trời lạnh. ​ ​Thầy đưa cho tôi xem một cái áo nhặm.​ Nó là hai miếng vải to khoảng 20cm2, trên mỗi miếng vải có đính lông ngựa, được nối với nhau bằng hai sợi dây, để đeo một miếng trước ngực và một miếng sau lưng, có một sợi dây vải trắng thắt chặt hai miếng vải có lông ngựa vào sát ngực và lưng. ​ ​Thầy bảo: ​"​mục đích của áo nhặm là tạo ra sự ngứa ngáy, khó chịu, đó là một hình thức phạt xác. ​ M​i người được phát 2 bộ áo nhặm để thay đổi khi giặt, và phải mặc áo nhặm suốt ngày đêm."​

-Tôi hỏi: Nó có tạo ra sự ngứa ngáy đến phải gãi và thành ghẻ không ? 

-Thầy trả lời: Vì có 2 bộ để thay đổi nên con chưa bị ghẻ.

– Vấn đề ăn uống thế nào ? Tôi hỏi.

– Ban sáng, chúng con không ăn gì, chỉ uống nước. ​ ​Đến trưa, có một thầy mang thức ăn đến, bỏ vào lỗ cửa nhỏ, con chỉ được phép mở ra lấy thức ăn sau khi Thầy đó đã đóng cánh cửa nhỏ ở ngoài lại, vì chúng con không được phép nói chuyện với nhau. ​ ​Thức ăn ban trưa thì đủ no, Dòng chúng con tuyệt đối không dùng thịt, chỉ ăn cá, trứng, pho mát, bánh mì, khoai tây, mì ống, mì sợi, rau, đậu, trái cây. ​ ​Thầy mở cửa nhỏ và lấy ra cho tôi xem bữa ăn tối để trên một đĩa gồm có : 2 lát bánh mì đen dầy khoảng 1cm X 10cm2. Một chùm nho khoảng 8 trái, 2 cái bánh bít quy nhỏ, một thỏi sô cô la bằng 1 ngón tay.

– Ăn như vậy Thầy có đói không?

– Dạ, lúc đầu thì đói, nhưng riết thì dạ dày cũng quen.​ ​ Mỗi thứ Sáu chúng con chỉ dùng bánh mì với nước lã thôi.  Trong Mùa Chay thì ăn uống khổ chế hơn nữa.

– Vấn đề quần áo thế nào ?

– Thưa cha, mỗi người chúng con nhận được 2 chiếc áo Dòng bằng len dầy: một cái mới và một cái rất cũ của những cha, thầy đã chết để lại và chúng con phải mặc chúng vì tinh thần nghèo khó. ​ ​Chiếc áo Dòng cũ thì nó rách nhiều và phải vá rất nhiều mảnh, nhưng con lại thích mặc nó, vì nó rách và vải đã sờn thì mùa hè mặc nó mát hơn mặc áo còn mới, và Thầy cười dịu dàng.

– Tôi thấy trong phòng của Thầy chỉ có 2 cuốn sách?

– Dạ đúng, chúng con chỉ được giữ trong phòng một cuốn Kinh Thánh và một cuốn sách thiêng liêng, đọc xong thì trả lại thư viện và xin cuốn khác.

– Vấn đề liên lạc với gia đình thế nào:

– Chúng con không có điện thoại, không có internet, một năm chúng con được phép viết thư 4 lần cho gia đình mà thôi, được phép nhận thư từ của bạn bè, nhưng không được phép trả lời.

– Tôi hỏi Thầy: Thầy có thể chia sẻ tại sao Thầy lại chọn ơn gọi khổ chế này, Chúa có tỏ ra một dấu hiệu nào rõ rệt với Thầy?

– Thầy từ tốn trả lời: Con đã yêu Chúa từ nhỏ. ​ ​Con không nhận được một ơn lạ nào từ Chúa để quyết định chọn ơn gọi này cả. 

Đối với tôi, câu trả lời của Thầy Khang tuy ngắn gọn, nhưng quá đủ để hiểu một tâm hồn đã có lòng yêu mến Chúa ngay khi còn nhỏ, tình yêu đó khi đã trưởng thành, chín muồi thì muốn hiến dâng thật trọn vẹn cho Đấng mà mình đã yêu mến trong nhiều năm dài. ​ ​Từ bỏ tất cả: sự thông minh, thành công rực rỡ trong việc học vấn, một tương lai hứa hẹn thành đạt, giàu có, vinh quang đang đón chờ với tuổi đời mới chỉ 23 khi Thầy thi đậu tối ưu bằng Master và chuẩn bị dọn Tiến sĩ, nhưng Thầy đã chọn Chúa, Đấng cao cả, trọn hảo trên tất cả mọi sự của trần thế này.

Thầy Khang đã gởi cho tôi một tấm thiệp để cám ơn tôi đã đến phi trường đón mẹ và em Thầy về và sẽ lo sau những ngày thăm Thầy, Thầy nói lên ước muốn từ bỏ một cách sâu xa nhất: 

«Chúa chỉ đòi hỏi con cái Ngài từ bỏ một thứ mà thôi: từ bỏ chính mình. ​ ​Người ngoài chiêm ngưỡng Dòng Chartreux như là nơi ở của các thánh. ​ ​Nhưng suy cho cùng, các hy sinh dù có lớn đến đâu, dù đau đớn đến đâu, có lẽ cũng chỉ là điều kiện, phương tiện để giúp kẻ tu hành từ bỏ chính mình.​ ​ Có lẽ 4 bức tường cao của Dòng Chartreux không phải là biểu tượng của sự thánh thiện, nhưng là tiếng rên siết của muôn loài đang sống dưới ách tội lỗi, rên siết vì từ bỏ chính mình khó quá, lớn quá, lớn hơn cả các hy sinh của một đời khổ tu. ​ ​Đường dài vô tận, mà ách tội lỗi đè nặng, xin cha cầu nguyện cho con. ​ ​Xin Chúa thương nâng đỡ cha. ​ ​Đi bộ vất vả, chỉ chờ ngày Chúa thương cất khỏi bóng đêm để đưa chúng ta vào vương quốc ánh sáng của Thánh Tử. T​ ​rong khi chờ đợi: từ bỏ mình, vác Thánh Giá hằng ngày theo Chúa Giêsu».

Sự từ bỏ quảng đại của Thầy trẻ Théophile Dương Nguyên Khang muốn nói gì với chúng ta, với các bạn trẻ, với con người hôm nay đang quá chú trọng đến thành công, danh vọng, tiền tài, vật chất: điều gì là quan trọng nhất? Thiên Chúa hay vinh quang trần thế này?

Thầy Khang viết thư cho mẹ và tóm tắt cuộc đời dâng hiến của mình một cách sâu sắc :
 “Con như chiếc bình bạch ngọc đập vỡ vụn dưới chân Chúa”.

Đan sĩ, Đan viện Đức Mẹ Fatima, Thụy Sĩ.
 
Phòng nhỏ của đan sĩ dòng Chartreuse

 
 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập110
  • Hôm nay12,469
  • Tháng hiện tại300,206
  • Tổng lượt truy cập35,946,551
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây