ƠN CỨU ĐỘ

Chủ nhật - 18/12/2022 08:49
unnamed (1)
unnamed (1)
CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG.

(Is 7, 10-14; Rm 1, 1-7; Mt 1, 18-24)
Tiên tri Isaia đã xuất hiện rao giảng tại Giêrusalem khoảng năm 742-701 trước Công Nguyên. Trong sự mong đời mịt mù giữa bao thử thách, Isaia đã loan báo một tin vui cho dòng dõi Dân Do-thái.Vì thế, chính Chúa sẽ cho các ngươi một dấu: Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Is 7, 14). Đọc lịch sử ơn Cứu Độ, chúng ta nhận biết Thiên Chúa đã thực hiện công trình cứu chuộc qua cả ngàn năm. Một diễn tiến rất chậm rãi qua biết bao nhiêu thế hệ và trải qua nhiều biến cố. Thiên Chúa đã sai tiên tri loan tin mừng cứu độ qua một nhóm nhỏ trung tín còn sót lại. Biết rằng xưa kia, người ta không có in ấn sách vở, truyền thanh, truyền hình hay một phương tiện kỹ thuật văn minh nào để phổ biến. Các sứ điệp chỉ được truyền miệng và ghi chép vào các cuốn sách (papyrus) lưu giữ qua nhiều đời.
Dấu chỉ: Một trinh nữ sẽ thụ thai và hạ sinh một con trai là một sứ điệp cao trọng. Sứ điệp này đã từ từ khai mở về ý nghĩa mầu nhiệm Con Chúa giáng trần. Thiên Chúa sẽ thực hiện lời hứa với tổ tiên loài người sau khi đã phạm lỗi. Chúng ta là hậu sinh được học biết nhiều về quá trình lịch sử bốn, năm ngàn năm. Đã có biết bao dòng dõi và thế hệ con người liên đới trong công cuộc cứu rỗi này, đặc biệt là Dân Do-thái, dân được tuyển chọn. Dân sống giữa một thế giới đa chủng tộc từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam, từ khắp các vùng văn hóa. Đọc lịch sử tôn giáo, chúng ta nhận biết có rất nhiều các tôn giáo cổ đã xuất hiện từ rất sớm trong thời kỳ này như các đạo Hindu, Bà La Môn, Do-thái Giáo, Phật Giáo, Ấn Độ Giáo, Khổng Giáo, Lão Giáo và vô số đạo thờ Đa Thần.... Hiện nay, trên thế giới có khoảng 4200 tôn giáo lớn nhỏ khác nhau.
Trong cuộc lữ hành của người Do-thái, họ đã va chạm với rất nhiều nhóm người có truyền thống tôn giáo và văn hóa khác nhau. Sứ điệp loan báo về Đấng Cứu Thế cũng dễ bị lu mờ qua thời gian năm tháng. Chỉ có một dòng dõi rất nhỏ đã cưu mang sứ mệnh đón chờ con Chúa giáng trần. Thánh Matthêu đã ghi lại gia phả Đức Kitô, con cháu của Đavít và con cháu tổ phụ Abraham. Mời gọi chúng ta suy tư về sứ điệp tin mừng đã được thực hiện nơi dòng dõi Dân tộc đã được Thiên Chúa tuyển chọn.
Trong thơ gởi cho tín hữu thành Rôma, thánh Phaolô đã viết: Tin mừng ấy Thiên Chúa đã hứa trước bằng lời các tiên tri trong Kinh Thánh về Con của Người (Rm 1, 2). Khi thời gian đã mãn, Thiên Chúa thực hiện ý định nhiệm mầu của Người để cứu độ trần gian. Đây là biến cố siêu việt duy nhất xảy ra trong thời gian và không gian. Sự linh thiêng kết hợp giữa thần thánh và con người. Ngôi Lời Nhập Thể trong cung lòng của Đức Trinh Nữ. Sự kiện cao siêu nhiệm mầu vượt trên mọi trí hiểu của loài người. Cho dù đã được các tiên tri loan báo, được các thế hệ truyền rao chuẩn bị cả ngàn năm nhưng cho tới ngày hôm nay, nhiều người vẫn chưa thể chấp nhận sự kiện lạ lùng này. Một số người không thể tin và chấp nhận Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần làm người như chúng ta.
Nhiều người không tin vào Đấng Cứu Thế giáng trần nhưng họ vui mừng vì dịp lễ Giáng Sinh sắp đến. Cứ mùa Giáng Sinh về, chúng ta thấy phố xá rộn rã, thiệp chúc mừng trao đổi, chuẩn bị quà cáp, ánh sáng nhấp nháy mọi nơi và chang hoa kết đèn mọi góc phố. Cho dù con người có niềm tin hay không, đều mừng vui và hớn hở. Ít ra đây cũng là một tin vui cho mọi người trần thế. Một cơ hội tốt để mọi người giao lưu trao đổi tâm tình. Chúa Giêsu vẫn âm thầm đi vào lòng người qua nhiều cách thế. Có biết bao nhiêu nhà hảo tâm chia sẻ món quà nho nhỏ cho những người kém may mắn. Ánh sáng của niềm hy vọng chiếu tỏa cùng khắp khiến lòng người nao nức mừng vui. Một điều rất lạ là ai cũng muốn sự bình an, giải thoát và được hưởng nhờ ơn cứu rỗi, nhưng lại không muốn chấp nhận Đấng ban ơn cứu độ.
Chúa Giáng Sinh mang lại niềm vui lớn cho nhân loại vì Thiên Chúa sẽ ở cùng chúng ta. Chúa sẽ đến với từng tâm hồnChúng ta có can đảm mở rộng tâm hồn đón Chúa hay không? Chúa có thể sẽ đến với chúng ta qua hình dáng của một trẻ thơ bọc trong khăn hay một trẻ mồ côi đầu đường xó chợ không nơi nương tựa. Chúa sẽ đến như một người vô gia cư không có nơi gối đầu hoặc một người ăn xin nghèo đói ngoài đường phố. Vì khi đón nhận một người cùng khổ là chúng ta đang đón tiếp chính Chúa trong đời sống của chúng ta.
Suy tới đây, dừng lại đôi phút để suy nghĩ và cầu nguyện xem chúng ta đang chọn thái độ nào? Đôi khi chúng ta chỉ mong muốn có một lễ Giáng Sinh hoành tráng bên ngoài, một hang đá tuyệt đẹp và một món quà đáng giá. Chúng ta tìm mua tượng Chúa Hài Nhi thật dễ thương đặt nằm trong máng cỏ với các mục đồng và súc vật bao quanh. Nếu chúng ta chỉ chú ý chuẩn bị những hình thức tổ chức trang trí bên ngoài mà không dọn tâm hồn thật sự để đón Chúa, thì chúng ta cũng đâu khác gì những người ngoại không tin vào Chúa.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết mở rộng trái tim yêu thương để đón Chúa. Xin Chúa ở lại với chúng con và ban ơn cứu độ. Xin tẩy sạch tâm hồn chúng con khỏi những sự hoen ố, ích kỷ, tham lam và thờ ơ nguội lạnh. Xin Chúa sưởi ấm tâm hồn với ngọn lửa yêu thương, để chúng con biết chia sẻ cuộc sống với tha nhân. 

 

Nguồn tin: Lm. Giuse Trần Việt Hùng.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập106
  • Hôm nay15,885
  • Tháng hiện tại309,923
  • Tổng lượt truy cập35,956,268
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây