Sáu việc bác ái ngày phán xét (Mt 25,31-46)

Chủ nhật - 22/11/2020 04:11
grafik.png
 
grafik.png
 

Sáu việc bác ái ngày phán xét (Mt 25,31-46)

Hằng năm vào Chúa nhật 34. thường niên, cuối năm phụng vụ, Giáo Hội mừng kính lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ.
Phụng vụ ngày lễ mừng kính nhấn mạnh đến việc bác ái của con người trong ngày phán xét sau cùng, như phúc âm Thánh Mattheo (25,31-46) thuật lại.
Hình ảnh này không là sự đe dọa, nhưng muốn nói đến sự thể những việc làm trong đời sống của con người cho con người với nhau. Công việc bác ái tình người không chỉ nói đến khía cạnh lòng nhân đạo, nhưng còn diễn tả chiều sâu tâm linh: Ubi caritas et amor, deus ibi est - Nơi đâu có nếp sống bác ái tình yêu thương, ở đó có Thiên Chúa.
1. Ta đói các ngươi đã cho Ta ăn - Cho kẻ đói ăn.
Trong đời sống luôn hằng có những người gặp bước đường bất hạnh. Họ thiếu thốn cả những thứ cần thiết nhất cho đời sống, thực phẩm. Hình ảnh những nạn nhân sống trong thiên tai lũ lụt bên miền Trung Việt Nam rất nóng bỏng thời sự lúc này về sự thiếu thốn. Họ cần sự giúp đỡ chia sẻ miếng cơm bánh.
Người nghèo khó thiếu thốn không chỉ luôn cần đến miếng cơm bánh để cho qua khỏi cơn đói của bao tử, nhưng còn cần điều gì khác hơn nữa. Khi Chúa Giêsu Kitô nói đến sự nghèo đói, Ngài muốn nói đến cơn đói sự công chính.
Con người đói khao khát tình yêu thương, sự được an ủi nhìn nhận. Họ đói khát điều gì về tinh thần mang đến cho tâm hồn có sức sống niềm vui, như lời khuyến khích phấn chấn an ủi.
2. Ta khát các người đã cho uống - Cho kẻ khát uống.
Nước là nhu cầu căn bản cho đời sống trong thiên nhiên cho cây cối hoa trái, cho thú động vật và cho con người. Không có nước sự sống sẽ dần héo khô tàn lụi. Không có nước, hay thiếu nước sự sống không phát triển nảy sinh lên được.
Nước mang đến cho cây cỏ, cho thú động vật cho con người sức bồi dưỡng. Và khi có đầy đủ nước uống, chúng ta còn nhận ra phép lạ làm cho sự sống được toàn vẹn tròn đầy.
Vì thế cho người khát uống nước thiên nhiên là dẫn đưa họ đến nguồn mạch nước sự sống tâm linh phát xuất từ nơi Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa.
3. Ta là khách lạ các người đã tiếp rước cho trú ngụ - Cho khách đỗ nhà!
Lòng hiếu khách là một nhân đức cao qúi trong đời sống xã hội con người. Không gì hạnh phúc bình an cho đời sống hơn, khi trong bước đường bơ vơ tỵ nạn mà được quốc gia đất nước nào nhận cho vào sinh sống.
Không gì an ủi tăng thêm sức khoẻ cho thể xác lẫn tâm hồn hơn, khi đến nơi xa lạ mà có người đón tiếp cho trú ngụ, cho ăn uống, cho tắm rửa.
Không gì mừng rỡ qúy hơn cho người mất mát nhà cửa, vì thiên tai, khi họ nhận được sự che chở cho tạm trú ở một nơi an toàn.
Vào những dịp Đại hội giới trẻ thế giới, Giáo Hội nơi tổ chức Đại hội thường kêu gọi các gia đình nơi đó mở rộng cánh cửa đón tiếp các bạn trẻ tham dự đại hội, cho họ ngủ nghỉ ăn uống. Người mở rộng cánh cửa tiếp đón cảm nhận có niềm vui. Vì họ đã có dịp thực hành hiến chương nước trời: Cho khách đỗ nhà!
Lòng hiếu khách còn diễn tả một chiều sâu tâm linh nữa, như Kinh Thánh nói đến: „Anh em đừng quên tỏ lòng hiếu khách, vì nhờ vậy, có những người đã được tiếp đón các thiên thần mà không biết.“ (Thư gửi Do Thái 13,2)
4. Ta trần truồng các người đã cho quần áo mặc - Cho kẻ rách rưới ăn mặc.
Quần áo mặc để che thân, như trong Kinh thánh thuật lại, Ông Bà Adong Evà của chúng ta sau khi lỗi luật Thiên Chúa cấm ăn qủa trái cấm, bỗng Ông Bà thấy mình trần truồng. Xấu hổ qúa nên trốn vào bụi cây lấy lá cây làm quần áo che thân thể. (Sách Sáng Thế 3, 7-10 ).
Thấy tình cảnh đó, Thiên Chúa đã làm cho Ông bà, con cháu „quần áo để mặc che bảo vệ thân thể“ (Sách Sáng Thế 3, 21)
Quần áo ngoài công dụng trang điểm cho đẹp theo nếp sống văn hóa trong dòng thời gian, còn có nhiệm vụ căn bản bảo vệ cho khỏi bị mưa gió rét lạnh, nắng nóng tạt thấm vào thân thể gây bệnh họan.
Quần áo che đậy phần thân thể bên ngoài con người. Nhưng qua đó bảo vệ tôn trọng nhân vị phẩm gía của con người, mà Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa ban cho mỗi con người: Được tạo dựng hình ảnh giống Thiên Chúa. (Sách Sáng Thế 1,27).
Vì thế xưa nay khi đi cứu trợ tai nạn thiên tai nơi đâu, ngoài thực phẩm cần dùng, các cơ quan bác ái còn mang theo quần áo nữa để phân phối cho những nạn nhân gặp hoàn cảnh thiếu quần áo mặc.
5. Ta đau yếu bệnh nạn, các người đã thăm viếng - Viếng kẻ liệt
Từ khi vườn địa đàng bị Thiên Chúa cất khỏi trần gian, vì Ông Bà nguyên Tổ Adong-Evà lỗi luật Chúa, hậu qủa là con người phải sống với bệnh tật, không trừ một ai trên trần gian (Sách Sáng Thế 3, 16-18).
Nhiều em bé bị bệnh ngay từ cung lòng mẹ. Rồi trong suốt dọc đời sống nhiều người xưa nay hầu như cả đời sống chịu đựng bệnh tật trong chính cơ thể mình. Con người xưa nay ai cũng mắc bệnh không nặng thì nhẹ, không lúc tuổi còn trẻ thì vào lúc tuổi già cao niên.
Nền y khoa trên thế giới hằng có những phát minh mới cập nhật chữa trị các thứ bệnh nạn, mong giúp đời sống con người được khoẻ mạnh.
Cơn khủng hoảng đại dịch do vi trùng Corona lây lan đang đe dọa sức khoẻ gây ra sự khủng hoảng sâu rộng làm cho mọi sinh hoạt đời sống con người trên thế giới bị ngưng đình trệ, gây tử vong khủng hoảng lo sợ cùng đi tới khánh tận.… Hơn lúc nào hết nhân loại trông mong chờ có thần dược thuốc chủng chữa trị bài trừ bệnh đại dịch Covid 19 lúc này.
Tình cảnh những người mắc bệnh đại dịch Covid 19, hay những người già cao niên trong nhà riêng hoặc nơi nhà hưu dưỡng phải sống cách ly một mình gây ra tình trạng cô đơn hoang mang cho thể xác lẫn tinh thần họ rất sâu rộng. Họ hằng mong có người đến thăm hỏi.
Người bị bệnh cần có thần dược chữa trị, nhưng họ cũng cần sự thăm viếng an ủi. Sự thăm viếng người bệnh nói lên tâm tình: Trong khủng hoảng cô đơn vì bị bệnh, Ông, Bà, anh chị, con…không bị quên lãng. Không cô đơn đâu. Có chúng tôi bên cạnh!
Sự thăm viếng người bệnh mang đến niềm an ủi khác gì một „thần dược„ tâm linh cho người bệnh có niềm hy vọng và có lại sức khoẻ.
6. Ta bị giam cầm, các ngươi đã đến với ta - Thăm người tù rạc.
Bị tù tội không ai muốn bị vướng mắc vào. Nhưng trong đời sống xưa nay ở khắp nơi trên thế giới vào mọi thời gian, đều có những người bị vướng mắc vào hoàn cảnh bị tù tội. Lý do có nhiều, cùng khác nhau.
Bị vướng vào tù tội, sự tự do bị giới hạn cả thân xác thể lý cùng cả tinh thần. Họ bị sống trong giới hạn về không gian cùng thời gian chỗ ở, về giao tiếp thông thương bị ngăn cách. Vì thế người bị tù tội sống trong cô đơn lẻ loi.
Họ mong ngày được bước ra sống trong không khí ánh sáng tự do. Họ mong được có nếp sống giao tiếp thông thương. Vì thế, sự thăm viếng họ là biểu hiệu một tình thương yêu cao đẹp, mang đến cho tâm hồn đang sống trong cô đơn lẻ loi niềm an ủi lớn lao.
Giáo Hội hằng quan tâm đến hoàn cảnh của họ. Nên đã cắt đặt những người lo việc mục vụ thăm viếng an ủi họ. Chính Đức Giáo hoàng Phanxicô rất quan tâm việc mục vụ cho họ. Ngài đã nhiều lần vào nhà tù bên Roma thăm các người bị tù tội.
Ngày phán xét trước tòa Thiên Chúa, như kinh thánh thuật lại lời Chúa Giêsu Kitô nói đến trong dụ ngôn (Mt 25, 31-46) về những việc bác ái của con người làm cho nhau là thước đo cho sự thưởng phạt linh hồn con người ngày chung thẩm trước tòa Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên vũ trụ cùng con người..

Việc bác ái tuy nhỏ thôi cho người cần tình yêu lòng thương xót, nhưng lại là nếp sống đạo đức tinh thần rất cần thiết, và trở thành quan trọng có gía trị lớn lao cho sự sống đời sau.
„Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.“ (Mt 25, 40)

Nguồn tin: Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập145
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm143
  • Hôm nay10,258
  • Tháng hiện tại280,155
  • Tổng lượt truy cập36,334,710
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây