CHÚA NHẬT 13 MÙA THƯỜNG NIÊN  

Thứ sáu - 25/06/2021 22:25
unnamed
unnamed

HÃY CHỖI DẬY
 
(Kn 1, 13-15. 2,23-25; 1 Cr 8. 7.9.13-15; Mc 5, 21-43)
 
Thiên Chúa là Chúa của sự sống. Thiên Chúa trao ban sự sống nơi thực vật, động vật, con người và thiên thần. Chúng ta thấy được sự sống gắn liền nơi các tạo vật. Mọi tạo vật đều nhận hơi thở sự sống. Rút hơi thở, chúng sẽ tan biến. Ngay chương đầu của sách Khôn Ngoan, tác giả được linh lứng viết rằng: Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong (Kn 1,13). Sự sống ở mọi tạo vật sinh động sẽ tiêu vong, nhưng sự sống thật sẽ tồn tại muôn đời. Chúng ta có nhiều kinh nghiệm về sự sinh, lão, bệnh và tử. Con người sinh ra và từ từ đi về cõi chết. Đã là người, ai cũng bước qua lúc sinh lúc tử.
 
Từ muôn thế hệ, dòng dõi này nối tiếp dòng dõi kia để truyền sinh sự sống. Sự sống mà Thiên Chúa trao ban cho tổ tông của loài người vẫn được tiếp tục phát triển và sinh xôi nẩy nở. Sự sống của từng cá nhân sẽ chấm dứt ở đời này, nhưng sự sống của con người sẽ tiếp tục. Với niềm tin vào Chúa Kitô phục sinh, chúng ta tin rằng sự sống thay đổi chứ không mất đi. Người ta thường nói: Sinh ký tử qui, sống gởi thác về và từ trần hay qua đời. Qua đời này để vào đời khác. Chết không phải là chấm hết mà bước qua một cuộc sống mới.
 
Chúa Giêsu chính là nguồn sự sống và có quyền trên sự sống. Con người là loài thụ tạo, khi đã tắt hơi thở hoàn toàn thì thân xác đi vào cõi tiêu diệt. Không có một quyền lực hay loại thuốc nào có thể cứu gỡ. Đã ra đi là ra đi vĩnh viễn. Con người đành bó tay trước sự chết. Chúa Giêsu nhìn vào sự chết như một giấc ngủ. Thánh Maccô diễn tả về quyền năng của Thiên Chúa: Người bước vào nhà và bảo họ: "Sao lại náo động và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy! (Mc 5, 39). Nhiều người cười nhạo Ngài vì họ đã biết em bé đã tắt thở và đã chết. Nhưng Chúa Giêsu cầm lấy tay nó và nói: "Ta-li-tha kum", nghĩa là: "Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi! (Mc 5, 41).
 
Chúng ta bước vào đời với hình hài một trẻ thơ. Rồi được nuôi nấng dưỡng dục, được học hỏi trau dồi kiến thức, được học làm người và học làm con Chúa. Mỗi người lãnh nhận những khả năng và nguồn vốn khác nhau. Điều quan trọng là chúng ta sinh lời không riêng cho chính mình mà chung cho đồng loại. Thánh Phaolô tông đồ trong thơ gởi tín hữu Corintô đã nhắc nhở rằng: Kẻ được nhiều thì cũng không dư, mà kẻ có ít, cũng không thiếu. Phaolô đã khích lệ tín hữu rằng anh chị em vượt trổi về mọi mặt về sự hiểu biết, lòng tin, sự nhiệt thành và lòng bác ái. Trồng người như trồng cây. Ai mà không mong cây trồng phát triển và sinh hoa trái. Con người có sứ mệnh cao qúi. Mỗi cuộc sống con người cũng phải sinh hoa kết trái cho đời. Người ta thường nói: Cọp chết để da, người chết để tiếng.
 
 
Chúng ta sẽ ra đi với hai bàn tay trắng nhưng không thể thiếu hành trang. Cuộc sống bên kia cần có nhiều phước báo và việc thiện như là hoa quả cuộc đời. Phải tạo nhân tốt mới có qủa tốt. Có lòng bác ái vị tha, chúng ta mới có sự yêu thương ràng buộc. Sự sống rất quí giá và đáng sống. Mỗi giây phút sống trong cuộc đời đều là hồng ân. Chúng ta không có quyền tiêu diệt hay hủy hoại sự sống của người khác hay của chính mình. Ai cũng muốn sống hạnh phúc nhưng đôi khi chúng ta làm ngơ trước những hạnh phúc mà chúng ta đang thừa hưởng. Niềm vui và sự bình an nằm ngay trong cuộc sống hằng ngày. Hạnh phúc ví như một chiếc khăn tinh sạch, đôi khi có điểm vài vết nhơ sầu khổ. Vì quá chú trọng đến những chấm nhỏ buồn phiền của cuộc sống, để rồi có nhiều người bi quan cho rằng cuộc đời là bể khổ. Thực sự đời chỉ buồn khổ đối với những ai chấp ngã không dám buông bỏ.
 
Lạy Chúa, Lời Chúa là thần trí và là sự sống, xin cho chúng con biết sống xứng đáng với danh phận của con người. Chúa tác thành mọi sự cho có. Chúa tạo dựng con người để được sống hạnh phúc và thông phần sự sống vĩnh cửu.

 

Nguồn tin:   Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập114
  • Hôm nay14,491
  • Tháng hiện tại263,782
  • Tổng lượt truy cập35,910,127
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây