Dầu cá: Những tác dụng phụ khó ngờ !

Chủ nhật - 27/07/2014 22:19

Dầu cá: Những tác dụng phụ khó ngờ !

Dầu cá vốn được coi là loại thuốc bổ vì chứa nhiều chất dinh dưỡng quý giá. Tuy nhiên việc sử dụng dầu cá không đúng chỉ dẫn có thể dẫn đến những tác dụng phụ tai hại.
 Dầu cá thường được chiết xuất từ cá thu, cá hồi, cá trích, cá ngừ, cá tuyết v.v… Các chế phẩm dầu cá thường chứa một lượng lớn a xít béo omega-3. Ngoài ra chúng còn có thể có vitamin E, can xi, sắt, các vitamin A, B1, B2, B3, C, hoặc D.
 
Dầu cá được sử dụng cho rất nhiều bệnh. Phổ biến nhất là những bệnh liên quan tới tim mạch. Một số người sử dụng dầu cá để giảm huyết áp hoặc triglyceride (mỡ máu). Dầu cá cũng được dùng để phòng ngừa bệnh tim và đột quị. Bằng chứng khoa học cho thấy dầu cá thực sự làm giảm nồng độ triglyceride và có vẻ giúp phòng ngừa bệnh tim và đột quị khi sử dụng đúng liều khuyến nghị. Tuy nhiên, uống quá nhiều dầu cá có thể thực sự làm tăng nguy cơ đột quị.
 
Tác dụng phụ
Dầu cá khá an toàn đối với hầu hết mọi người, bao gồm phụ nữ có thai và cho con bú, khi dùng với liều thấp (3g trở xuống mỗi ngày). Với liều cao hơn, dầu cá có thể gây ra một số vấn đề về an toàn
 
-Uống hơn 3g dầu cá mỗi ngày có thể khiến máu khó đông và làm tăng nguy cơ chảy máu.
 
- Dầu cá liều cao cũng làm giảm hoạt động của hệ miễn dịch, giảm khả năng chống nhiễm trùng. Điều này đặc biệt đáng lo ngại với những người đang phải sử dụng các thuốc để giảm miễn dịch (như bệnh nhân ghép tạng) và người già.
 
Dầu cá có thể gây những tác dụng phụ bao gồm ợ hơi, hơi thở hôi, ợ nóng, buồn nôn, tiêu chảy, phát ban và chảy máu cam. Uống dầu cá trong bữa ăn hoặc để lạnh có thể giảm những tác dụng phụ này.
 
Những cảnh báo cụ thể
 
Bệnh gan: Dầu cá có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.
 
Dị ứng cá hoặc dị ứng hải sản: Một số người bị dị ứng cá và hải sản cũng có thể bị dị ứng với dầu cá.
 
Rối loạn lưỡng cực: Uống dầu cá có thể làm tăng một số triệu chứng của căn bệnh này.
 
Trầm cảm: Uống dầu cá có thể làm tăng triệu chứng của bệnh trầm cảm.
 
Tiểu đường: Sử dụng dầu cá liều cao có thể khiến cho việc kiểm soát đường huyết trở nên khó khăn hơn.
 
Cao huyết áp: Dầu cá có thể làm giảm huyết áp và khiến huyết áp tụt xuống quá thấp ở những người đang điều trị thuốc hạ huyết áp.
 
HIV/AIDS và các bệnh suy giảm miễn dịch khác: Dầu cá liều cao có thể làm giảm đáp ứng miễn dịch của cơ thể, gây ra vấn đề với những người vốn đã có hệ miễn dịch yếu sẵn.
 
Cấy máy khử rung: Một số nghiên cứu cho thấy dầu cá có thể làm tăng nguy cơ nhịp tim không đều ở những bệnh nhân cấy máy khử rung. Để an toàn tốt nhất là nên tránh các chế phẩm dầu cá.
Polyp tuyến có tính gia đình: Dầu cá có thể làm tăng nguy cơ ung thư ở những người bị căn bệnh này.
 
Tương tác với các thuốc khác
 
- Thuốc tránh thai uống: Dầu cá giúp làm giảm nồng độ một loại mỡ máu là triglycerides. Thuốc tránh thai uống có thể làm giảm hiệu quả của dầu cá do làm giảm nồng độ của chất này trong máu.
 
- Thuốc điều trị cao huyết áp: Sử dụng dầu cá cùng với các thuốc điều trị cao huyết áp có thể khiến huyết áp giảm quá thấp. Ví dụ về các thuốc điều trị cao huyết áp gồm captopril (Capoten), enalapril (Vasotec), losartan (Cozaar), valsartan (Diovan), diltiazem (Cardizem), Amlodipine (Norvasc), hydrochlorothiazide (HydroDiuril), furosemide (Lasix), và nhiều thuốc khác.
 
- Thuốc giảm cân: Thuốc Orlistat (Xenical, Alli) được dùng để giảm cân. Thuốc ngăn cản sự hấp thu chất béo từ ruột, do đó cũng có thể làm giảm hấp thu dầu cá khi uống cùng nhau. Để tránh điều này cần uống 2 thứ cách nhau ít nhất 2 giờ.
 
- Thuốc chống đông máu: Dầu cá có thể làm máu khó đông. Sử dụng dầu cá cùng với các thuốc chống đông máu có thể làm tăng khả năng xuất huyết. Ví dụ về các thuốc làm máu chậm đông bao gồm aspirin, clopidogrel (Plavix), diclofenac (Voltaren, Cataflam), ibuprofen (Advil, Motrin, others), naproxen (Anaprox, Naprosyn), dalteparin (Fragmin), enoxaparin (Lovenox), heparin, warfarin (Coumadin), và nhiều thuốc khác.
 
Cẩm Tú
Theo WebMD
 

Chớ nhầm thuốc ho với thuốc có tác dụng trên đờm

 

Thuốc tác dụng trên đờm như làm long đờm, hóa giáng đờm... rất hay bị dùng nhầm. Nguyên do có sự nhầm lẫn về tác dụng, cơ chế và thông tin dược học của thuốc...

Thuốc tác dụng trên đờm là gì?
 
Thuốc tác dụng trên đờm là tất cả các thuốc làm thay đổi đặc tính, tính chất, số lượng và độ bám dính của đờm trên bề mặt đường thở.
 
Thông thường, trên đường thở lúc nào cũng có một lớp nhầy, có độ dính, độ ẩm vừa phải và số lượng vừa phải để bảo vệ đường hô hấp. Nhưng khi hệ hô hấp bị bệnh lý, lớp nhầy này bị thay đổi tính chất, trở nên bám dính, đặc quánh và khi đó nó được gọi là đờm.
 
 Cần dùng các thuốc có tác dụng trên đờm một cách hợp lý.

Cần dùng các thuốc có tác dụng trên đờm một cách hợp lý.
 
Đờm gây ra nhiều tai hại. Trong điều trị bệnh, lớp đờm này phải được tống ra ngoài. Để thải bỏ được đờm ra ngoài, người ta dùng các thuốc gọi là thuốc tác dụng trên đờm.
 
Thuốc tác dụng trên đờm bao gồm có 4 nhóm cơ bản sau đây: nhóm làm loãng đờm, nhóm làm hóa giáng đờm, nhóm làm giảm bám dính đờm và nhóm tăng thải đờm.
 
Về nguyên lý và cơ chế tác dụng, thuốc tác dụng trên đờm rất hay bị dùng nhầm dưới dạng thuốc chống ho. Thật ra, trên cơ chế dược học, các thuốc này không hề tác dụng vào các cơ chế gây ho.
 
Những nhầm lẫn...
 
Các nhầm lẫn về thuốc tác dụng trên đờm khá phổ biến trong thực tế. Nó có thể bị nhầm lẫn bởi ngay chính các nhà cung cấp thuốc (công ty dược), nhầm lẫn bởi chính bác sĩ và nhầm lẫn về thuật ngữ.
 
Trước hết, bàn tới sự nhầm lẫn về thuật ngữ. Chúng ta không thể đồng nhất thuốc làm loãng đờm với thuốc hóa giáng đờm, cũng không thể đồng nhất thuốc làm tăng thải đờm với thuốc giảm bám dính đờm. Vì thực tế, chúng có tên khác nhau thì tác dụng và hiệu quả sẽ khác nhau.
 
Thuốc làm loãng đờm là những thuốc làm tăng sự tiết dịch (chủ yếu là nước) trên bề mặt đường hô hấp. Sự tăng tiết này làm đờm có thêm nước hòa tan nên sẽ làm tăng khối lượng đờm, tăng thể tích đờm, đờm trở nên lỏng ra trông thấy. Thuốc điển hình trong nhóm này trên thị trường là guaifenesin.
 
Trong khi đó, thuốc hóa giáng đờm là những thuốc tác dụng trực tiếp vào đờm, có tác dụng bẻ gãy các cấu trúc hóa học liên kết trong nội bộ đờm làm sự liên kết của chúng trở nên lỏng lẻo hơn. Kết quả cuối cùng, chúng không làm tăng tiết dịch, tăng số lượng đờm nhưng lại làm cho đờm bớt đặc, dễ bị thải bỏ ra ngoài. Thuốc kinh điển nhóm này là acetylcystein, ambroxol, carbocistein, bromhexin...
 
Khác nhau là vậy, nhưng về mặt thuật ngữ, người ta hay đồng nhất chúng và gọi chung là thuốc long đờm.
 
Trong điều trị bệnh, người dùng (trong đó có một số nhân viên y tế và bệnh nhân) có quan niệm, cứ ho có đờm là dùng “thuốc long đờm”. Nhưng rất đáng tiếc, công thức điều trị này đôi khi không phù hợp với tất cả mọi người. Thuốc tác dụng trên đờm chỉ thực sự hữu ích trong điều trị nếu như biết dùng đúng thời điểm. Nếu dùng chưa đúng thời điểm, tác dụng thu được không như người điều trị mong muốn.
 
Ví dụ, lời khuyên chung là có đờm thì phải long đờm, loãng đờm để khạc ra ngoài. Nhưng người ta lại quên mất có đờm ở mức độ nào mới dùng thuốc long đờm.
 
Một trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, nếu đang có sự tăng tiết đờm quá nhiều, đang nhiều ran ẩm và ran nổ, đang có viêm phổi sòng sọc thì việc dùng thuốc lúc này sẽ đẩy viêm phổi mạnh hơn. Lý do: phổi sẽ càng nhiều dịch, càng nhiều tiếng ran hơn và càng khó thở.
 
Một bệnh nhân COPD người lớn, lượng đờm tiết ra trong những đợt cấp tính là rất dữ dội. Nếu tiếp tục dùng các thuốc này vào sẽ rất bất lợi, vì ho sẽ càng tăng và khó thở sẽ càng rõ rệt. Vấn đề lúc này phải giảm tiết đờm nhằm mục tiêu kiểm soát lượng đờm cho phép trước khi quyết định dùng thuốc tác dụng trên đờm vào thời điểm sau đó.
 
Xác định rõ mức độ đờm thế nào, dùng khi nào hoàn toàn phụ thuộc vào trình độ, sự cẩn thận, sự tỉ mỉ trong khám bệnh cũng như kinh nghiệm điều trị.
 
Để dùng đúng thuốc
 
Để có cách dùng đúng, chúng ta cần nắm vững về cơ chế và nguyên lý tác dụng. Khi nào cần dùng thuốc làm loãng đờm, khi nào cần dùng thuốc hóa giáng đờm, khi nào cần dùng thuốc chống bám dính đờm.
 
Trong thời điểm đờm đang quá nhiều, việc dùng thuốc làm loãng đờm hoặc thuốc hóa giáng đờm là rất không nên. Vấn đề lúc này cần điều tiết lượng đờm bằng các thuốc khác nhau. Sau khi đã kiểm soát được lượng đờm, vấn đề thải bỏ đờm là quan trọng. Lúc này các thuốc tác dụng trên đờm thực sự hữu ích.
 
Thuốc long đờm không phải là thuốc chống ho. Vì thuốc không có tác dụng cắt đứt cơn ho trên cơ chế và trên thực tế. Vì vậy, giải pháp cho dùng thuốc để cắt đứt cơn ho là không phù hợp.
 
Một vài trường hợp dùng thấy khỏi ho hoàn toàn không do thuốc có tác dụng mà đó chỉ là sự khỏi đồng thuận may mắn do tình cờ mà có. Ví dụ, trong cảm cúm nhẹ, bạn sẽ có ho. Dù bạn có uống thuốc long đờm hay không thì một vài ngày sau bạn cũng khỏi cúm và cũng khỏi ho. Việc khỏi này hoàn toàn không do thuốc long đờm tạo ra.
 
Rất quan trọng với dùng thuốc tác dụng trên đờm là nước. Thuốc sẽ không đạt công hiệu tối đa nếu không uống nước nhiều và đầy đủ. Nước là một chất trực tiếp làm tăng dịch tiết trong đờm, tăng độ loãng cho đờm. Nên nếu như không uống kèm thêm một chỉ định thì dù có uống liều cao guaifenesin hay liều cao ambroxol thì hiệu quả thu được rất hạn chế.
 
Thường phải uống ít nhất 1,5 lít nước/ngày với một người trưởng thành. Thêm chừng 300-500ml nếu có sốt cao.
 

Tác giả bài viết: Theo BS. Yên Hưng

Nguồn tin: Sức khỏe & Đời sống

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập171
  • Hôm nay10,023
  • Tháng hiện tại273,185
  • Tổng lượt truy cập35,919,530
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây