Kì 1: Ung thư là gì?
Ung thư là tên gọi cho một nhóm gồm hơn 100 bệnh khác nhau. Mặc dù có nhiều loại ung thư, nhưng gần như tất cả đều được khơi mào từ sự tăng trưởng quá mức vượt khả năng kiểm soát của các tế bào bất thường.
Ung thư không điều trị có thể dẫn đến tình trạng bệnh nghiêm trọng, thậm chí tử vong.
Tế bào bình thường là gì?
Cơ thể người được cấu tạo từ khoảng một ngàn tỉ tế bào sống. Các tế bào bình thường có đời sống gồm các giai đoạn điển hình: Tăng trưởng, phân chia thành những tế bào mới, và chết theo chương trình (Apoptosis).
Trong những năm đầu đời, các tế bào bình thường phân chia nhanh hơn – và do vậy cho phép chúng ta lớn lên. Sau tuổi trưởng thành, phần lớn tế bào phân chia chỉ để thay thế các tế bào hư mòn, hoặc chết, hoặc để sửa chữa và hồi phục vết thương.
Ung thư khởi đầu như thế nào?
Khi các tế bào trong một phần nào đó của cơ thể bắt đầu tăng trưởng vượt khỏi sự kiểm soát, tiến trình ung thư hóa bắt đầu. Có nhiều loại ung thư, nhưng gần như tất cả đều khởi nguồn từ sự tăng trưởng quá mức của các tế bào bất thường.
Sự phát triển của các tế bào ung thư rất khác so với các tế bào bình thường. Thay vì chết đi, tế bào ung thư tiếp tục tăng trưởng và tạo thành các tế bào bất thường mới. Những tế bào ung thư cũng có thể xâm lấn (hay tăng trưởng vào trong) các mô khác, điều mà các tế bào bình thường không thể làm được. Tăng trưởng vượt quá khả năng kiểm soát và đặc biệt xâm lấn là hai yếu tố làm một tế bào bị gọi là tế bào ung thư.
Tế bào bị ung thư hóa là do vật chất di truyền DNA bị hư hỏng. Như chúng ta đã biết, DNA hiện hữu ở tất cả các tế bào và chỉ huy mọi hoạt động của chúng. Đối với tế bào bình thường có DNA bị hư hại, nó sẽ trải qua quá trình tự sửa chữa hoặc chết đi.
Câu chuyện hoàn toàn khác ở các tế bào ung thư, DNA tổn thương không được sửa chữa, và tế bào cũng không chết như bình thường. Thay vào đó, tế bào này phân chia thành những tế bào mới với các đặc điểm không có ở cơ thể bình thường. Tất cả tế bào mới đều mang DNA tổn thương như tế bào đầu tiên đã tạo ra chúng.
Mỗi chúng ta có một xác suất thừa hưởng DNA bị tổn thương từ bố mẹ. Tuy nhiên, phần lớn DNA bị hư hỏng trong quá trình sống của tế bào bình thường hoặc do tác động bởi môi trường. Thỉnh thoảng DNA cũng bị tổn thương do nguyên nhân có thể xác định, như hút thuốc lá chẳng hạn. Dù là vậy, thông thường không có một nguyên nhân rõ ràng nào được tìm thấy ở người mắc bệnh ung thư.
Trong phần lớn trường hợp, tế bào ung thư tạo thành một khối, cũng thường gọi là một cục hay một u. Một số loại ung thư, như bệnh bạch cầu (ung thư bạch cầu hay leukemia), hiếm khi tạo thành các khối u. Thay vào đó, các ung thư này liên quan đến máu và các cơ quan tạo máu, sẽ theo vòng tuần hoàn đến các mô khác và tăng trưởng tại đây.
Ung thư lan truyền như thế nào?
Các tế bào ung thư thường chu du theo dòng máu hay mạch huyết đến các nơi khác nhau của cơ thể. Tại đó chúng bắt đầu sinh trưởng và tạo thành các khối u, dần già thay thế mô bình thường. Quá trình này được gọi là di căn (metastasis).
Các loại ung thư khác nhau như thế nào?
Dù rằng tế bào ung thư có thể di căn đến nhiều vị trí khác nhau, tên gọi của một bệnh ung thư luôn được đặt theo nơi mà nó khởi phát. Ví dụ, ung thư vú di căn đến gan vẫn được gọi là ung thư vú, không phải ung thư gan. Hoặc ví dụ khác, ung thư tiền liệt tuyến xâm lấn xương thì gọi là ung thư tiền liệt tuyến di căn, không phải ung thư xương.
Các dạng ung thư khác nhau có thể biểu hiện rất khác nhau. Ví dụ, ung thư phổi và ung thư vú là hai bệnh lý rất khác nhau. Chúng tăng trưởng với tốc độ khác nhau và đáp ứng với các điều trị khác nhau. Đó là lí do tại sao bệnh nhân ung thư cần điều trị nhắm đến loại ung thư riêng biệt của họ.
Những khối u không phải ung thư
Không phải tất cả khối u đều là ung thư. Các khối u không phải ung thư được gọi là lành tính. Các khối u lành tính vẫn có thể gây ra nhiều vấn đề. Ví dụ, chúng có thể tăng trưởng rất lớn và chèn ép các cơ quan và mô khỏe. Nhưng các khối u lành tính không thể xâm lấn (tăng trưởng vào trong) các mô khác. Bởi vì chúng không thể xâm lấn, chúng cũng không thể lan đến các phần khác của cơ thể (di căn). Những khối u lành tính phần lớn không đe dọa tính mạng.
Theo cancer.org (Hiệp hội Ung thư học Hoa Kì)
Soạn dịch và chú giải: Online Research Club – www.onlineresearchclub.
Hàng triệu người đang sống chung với ung thư, hoặc đã và đang mắc bệnh ung thư. Các nhà khoa học cho biết, phân nửa đàn ông và một phần ba phụ nữ ở Hoa Kì sẽ phát triển ung thư trong suốt cuộc đời của họ.
Tuy nhiên, căn bệnh này có thể dự phòng được. Nguy cơ phát triển của phần lớn các loại ung thư có thể được giảm xuống bằng việc thay đổi lối sống của mỗi người. Một số phương cách tiêu biểu bao gồm bỏ thuốc lá, giới hạn thời gian hoạt động ngoài trời nắng, vận động thể chất tích cực, duy trì cân nặng, giảm rượu bia, và ăn uống lành mạnh.
Đối với phần lớn các loại ung thư, nếu được phát hiện và điều trị càng sớm thì cơ hội sống thêm nhiều năm càng cao.
Hỏi: Nguyên nhân nào gây ra ung thư?
Những điều chúng ta làm
Một số loại ung thư là hậu quả của những điều mà chúng ta làm hoặc bị phơi nhiễm vào. Ví dụ, hút thuốc lá có thể gây ra nhiều loại ung thư về phổi, miệng, họng, bàng quang, thận, và các cơ quan khác. Dĩ nhiên, không phải ai hút thuốc cũng bị ung thư, nhưng hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư của một người, cũng như nguy cơ mắc các bệnh lý tim và mạch máu.
Hoạt động dưới trời nắng quá nhiều mà không được bảo vệ có thể gây ra ung thư da. Ung thư hắc tố da (melanoma) là một dạng rất nghiêm trọng của ung thư da có liên quan đến ánh nắng mặt trời và việc phơi nhiễm với giường phát tia cực tím để làm rám da (hay sạm da).
Những điều chúng ta bị phơi nhiễm vào
Bức xạ có thể gây ra ung thư. Ví dụ, những người phơi nhiễm với bụi phóng xạ hạt nhân có nguy cơ ung thư cao hơn so với những người không phơi nhiễm. Hiếm gặp hơn, xạ trị một loại ung thư này có thể dẫn đến sự tăng trưởng của một ung thư khác nhiều năm sau. Đó là lí do vì sao các Bác sĩ và Nha sĩ sử dụng liều bức xạ tia X hoặc CT-scan thấp nhất có thể (thấp hơn nhiều so với liều dùng trong điều trị ung thư).
Một vài chất hóa học cũng được cho là có liên quan đến ung thư. Chúng được gọi chung là tác nhân sinh ung (carcinogen). Phơi nhiễm hoặc làm việc với các tác nhân này có thể tăng nguy cơ ung thư của một người.
Yếu tố di truyền tác động trong gia đình
Cứ khoảng 20 ca ung thư thì có 1 ca liên quan đến yếu tố di truyền, do gene được thừa hưởng từ bố mẹ.
Yếu tố quyết định
Cho tới nay, không ai biết nguyên nhân chính xác của phần lớn các trường hợp ung thư. Chúng ta biết rằng một vài thay đổi trong tế bào có thể châm ngòi cho ung thư, nhưng không biết một cách chính xác nó xảy ra như thế nào và từ lúc nào.
Các nhà khoa học đang nghiên cứu vấn đề này và tìm hiểu nhiều hơn về các bước cần phải trải qua để quá trình ung thư hình thành và tiến triển. Mặc dù một số nhân tố trong các bước này có thể giống nhau, nhưng quá trình xảy ra trong các tế bào nhìn chung là khác nhau cho mỗi loại ung thư.
Các nguyên nhân gây ung thư |
Hỏi: Các tổn thương có thể gây ra ung thư không?
Người ta cho rằng vết thương thông thường có thể gây ra ung thư, nhưng thực tế không phải vậy. Các vết thương do té ngã, bầm tím, gãy xương, hoặc những tổn thương khác tương tự như thế không có mối liên hệ với bệnh ung thư.
Thỉnh thoảng, một bệnh nhân có thể đến gặp Bác sĩ do một tổn thương nào đó và đồng thời bác sĩ cũng phát hiện ung thư sau quá trình thăm khám. Tuy nhiên, chúng ta cần biết rằng vết thương không gây ra ung thư mà là ung thư đã có sẵn ở đó. Một trường hợp khác cũng có thể xảy ra và gây ngộ nhận là bệnh nhân nhớ lại một tổn thương đã bị cách đó rất lâu ngay tại vị trí ung thư được phát hiện.
Hỏi: Stress có thể gây ra ung thư không?
Các nhà khoa học đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu để xem liệu có mối liên hệ nào giữa tính cách cá nhân, stress và ung thư hay không. Tuy nhiên, cho đến nay, không có bằng chứng nào chỉ ra rằng tính cách hay quan điểm của một người có thể làm gia tăng nguy cơ ung thư của họ.
Có nhiều yếu tố cần được xem xét trong mối quan hệ giữa stress và ung thư. Người ta cho rằng stress tác động đến hệ miễn dịch, nhưng còn nhiều yếu tố khác nữa cũng tác động lên hệ miễn dịch thì sao? Mặc dù nhiều nghiên cứu đã được thực hiện, mối liên quan giữa stress tâm lý và ung thư vẫn chưa được chứng minh một cách dứt khoát. Khi điểm lại các nghiên cứu đã được công bố, thỉnh thoảng ta còn có thể thấy các kết luận ngược lại.
Trong một nghiên cứu lớn của Đan Mạch, dường như không có sự gia tăng đáng kể nguy cơ mắc bất kì loại ung thư nào trong nhóm những người nói rằng họ gặp stress nặng trong cuộc sống. Một nghiên cứu khác nhắm vào những phụ nữ có các vấn đề gây stress nặng như li hôn, mất người thân…đã cho thấy có một sự tăng nhẹ (khoảng 1/3 cao hơn so với trung bình) tỉ lệ mắc ung thư vú so với những phụ nữ không gặp các vấn đề tương tự.
Theo cancer.org (Hiệp hội Ung thư học Hoa Kì)
Soạn dịch và chú giải: Nhóm Online Research Club – www.onlineresearchclub.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn