Về Đồng Tháp đi chợ... "ma"

Thứ tư - 25/03/2015 05:43

Về Đồng Tháp đi chợ... "ma"

Ở Đồng bằng sông Cửu Long có một chợ chuyên bán chiếu, nhưng lại gây sự tò mò cho người nghe cũng như với người mới đến, vì người dân địa phương quen gọi là chợ "ma", thuộc Định Yên, Đồng Tháp.
Không chỉ là quê hương của đồng lúa, vườn cây, làng quê trù phú…, huyện Lấp Vò tỉnh Đồng Tháp còn là nơi có nhiều làng nghề truyền thống. Nghề dệt chiếu tuy thăng trầm, vất vả nhưng người dân Định Yên với nghề cha truyền con nối với hơn 100 năm tồn tại và phát triển. Làng nghề dệt chiếu ở đây rất nổi tiếng, nên ca dao ở đây đã có câu:

"Định Yên có vựa chiếu to,
Có chồng xứ ấy khỏi lo chiếu nằm". - Ca dao
Dệt chiếu (ảnh tác giả)
Đặc biệt hơn trong các chợ ở Đồng bằng sông Cửu Long có một chợ gây sự tò mò cho người mới nghe lẫn người đi chợ, đó là chợ "ma" ở Định Yên, Đồng Tháp. 

Chợ "ma" là cách gọi quen thuộc của người dân địa phương khi nói về chợ chiếu Định Yên. Ngày nay, cái tên chợ "ma" cùng những hoạt động mua bán diễn ra tại chợ đã trở thành nét văn hoá độc đáo của người Định Yên mà không nơi nào có được. Có tên chợ "ma" là bởi chợ chỉ họp vào ban đêm, sau 2 giờ đồng hồ chợ vãn. Dưới ánh sáng mờ của những ngọn đèn, người mua, người bán tại chợ đêm vẫn luôn diễn ra nhộn nhịp. 

Nguyên cớ có chợ này, theo nhiều bậc trưởng thượng ở đây giải thích là xưa kia, việc buôn bán chiếu của người dân Định Yên bị thực dân Pháp đánh thuế rất cao nên họ phải bán vào ban đêm, lâu dần trở thành thói quen.
Đi chợ chiếu Định Yên (ảnh tác giả)
Ngày trước, dưới ánh đèn dầu phập phù khi mờ khi tỏ, dân gian gọi là chợ "ma" và tên gọi đó được duy trì cho đến tận ngày nay.

Điểm đặc biệt của chợ chiếu Định Yên là người bán thì đứng, còn người mua thì ngồi, chiếc chiếu nào bị ngả ra là đã được bán. Tại đây có rất nhiều loại chiếu được bày bán như chiếu bông vuông hình con cờ, chiếu bông ngày cưới, chiếu vảy ốc, chiếu trắng. Người mua dường như hiểu được sự lao động vất vả của người dệt cũng như tin tưởng chất lượng chiếu nên việc mua bán diễn ra nhanh chóng. Tan chợ, họ lại trở về nghỉ ngơi để tiếp tục công việc cho ngày hôm sau. 

Ngày nay, chiếu Định Yên đã nổi danh khắp vùng, nhiều ghe lớn đến xóm chiếu chở hàng đi xuôi ngược khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng cái tên chợ ma vẫn còn in đậm trong kí ức của người dân miệt đất này.
 
 
 

chợ đêm “Âm Phủ” ở Vĩnh Long

Tại TP.Vĩnh Long có một khu chợ khá đặc biệt, thường được gọi là chợ đêm "Âm Phủ". Theo một số người dân, sở dĩ quen gọi tên như vậy là do chợ này chỉ nhóm họp khi trời đã tối, đêm.
Ngôi chợ mang cái tên khá “lạ” này tọa lạc cạnh nhà lồng chợ Vĩnh Long, thuộc địa bàn Phường 1, Thành phố Vĩnh Long. Dù  tọa lạc tại thành phố nhưng chợ “Âm Phủ” luôn mang dáng dấp chợ quê, người bán hàng là người ở các vùng nông thôn và mặt hàng cũng được mang từ quê ra để trao đổi mua bán tại chợ này.

Chợ “Âm Phủ” chỉ nhóm họp vào tối đêm

Tầm 19 giờ, chúng tôi dạo quanh chợ Vĩnh Long, lúc này chợ gần như thưa thớt, vắng người, chỉ còn lưa thưa số quán xá ăn uống đang bày bán. Nhưng khi đến gần mé sông Tiền, chúng tôi vô cùng bất ngờ vì cái không khí xôn xao nhộn nhịp, lắm kẻ bán người mua lại diễn ra tấp nập ở đây. Điều đặc biệt là, mặt hàng trao đổi ở khu này chủ yếu là hải sản tươi sống và một ít rau, củ, quả... Hỏi ra mới biết, khu vực này là nơi mà người dân ở các nơi khác mang thủy hải sản đến để bán cho khách hàng. Vì vậy, hải sản ở đây đều tươi sống, được người dân chọn mua nên khá "đắt hàng".

Trời càng về tối, không khí mua bán tại chợ “Âm Phủ” nhộn nhịp, đông đúc hơn (ảnh: Hoàng Lê)
Theo chia sẻ của một số người dân, do chợ này chỉ nhóm họp khi trời đã tối đêm nên mọi người mới đặt cho một cái tên thú vị, đó là “Âm Phủ”. Cái tên này còn khá xa lạ với những người ở xa mới đến nhưng đối với người dân ở đây thì gọi quen rồi. Bởi vì cái tên ấy là do mọi người tự “chế” ra để chỉ về hoạt động của ngôi chợ chỉ nhóm họp vào ban đêm, đến khoảng 12 giờ đêm mới giải tán.

Được biết, do công việc bộn bề nên người dân ở đây ít khi có thời gian để đi chợ vào buổi sáng mà cứ đến “Âm Phủ” để mua cá, mua rau phục vụ cho bữa ăn ngày hôm sau của gia đình. Cũng chính vì vậy, hoạt động trao đổi mua bán ở nơi này dần dần trở thành thói quen như một nét sinh hoạt mua bán của người dân nơi đây.

Chợ “Âm Phủ” bán hải sản tươi ngon và chỉ tan sau 12 giờ đêm

Người dân ở đây thích đi chợ “Âm Phủ” một phần là chợ nhóm họp vào ban đêm, đúng vào lúc mọi người rảnh rỗi, một phần là ở chợ này bán mặt hàng thủy hải sản tươi ngon mà giá cả cũng khá “mềm” so với các chợ bình dân khác. Nhìn những con cá tươi ngon nhảy xôi xối trong rổ hay những con tôm còn lội tung tăng trong thau nước mới thấy được hết được những nét thú vị khi đến chợ này. Điều đó lý giải được tại sao chợ “Âm Phủ” lại thu hút được nhiều người mua, người bán như thế.
Hải sản tươi sống - mặt hàng đặc trưng của chợ “Âm Phủ” (ảnh: Hoàng Lê)
Anh Nguyễn Văn Bình (48 tuổi) quê ở Trà Cú (Trà Vinh) cho biết: “Tôi mang hải sản tươi sống đến đây để bán cho mọi người và bỏ mối cho các bạn hàng trong chợ, mua ít nhiều gì tôi cũng để giá bằng nhau cả nên mọi người thích đến đây để mua cá của chúng tôi. Người bán ở đây chủ yếu là ở các vùng ven biển lân cận mang hải sản cho khách hàng; ở đây bán chạy lắm”.

Quan sát hoạt động ở chợ, chúng tôi thấy được những nỗi nhọc nhằn, vất vả của các người dân từ các huyện xa mang cá đến bán ở nơi này. Bởi vì, càng về tối khuya thì chợ “Âm Phủ” đông khách và chỉ họp đến 12 giờ đêm nên người bán phải tranh thủ bán sớm cho hết hàng. Nếu để hàng tồn đến quá 12 giờ đêm, những lúc ấy, chỉ còn cách “bán đổ, bán tháo” cho hết hàng để trở về biển mà tiếp tục đánh cá. 

Theo chia sẻ của một số người mua, nếu chợ “Âm Phủ” duy trì được hoạt động, giữ vệ sinh và trật tự như thế này thì chắc chắn là trong thời gian tới hoạt động của chợ sẽ nhộn nhịp và tấp nập hơn nữa. Mọi người đến đây để mua hải sản tươi sống về thưởng thức; mặt khác, họ còn đến đây giao thương, mở mối buôn bán làm ăn. Bởi để mang được hải sản tươi sống về đến chợ họ phải trải qua bao nỗi truân chuyên, dầm mưa dãi nắng là chuyện hằng ngày mà họ phải đối mặt trong mỗi chuyến ra khơi.
 
 

chợ Chạy, không đi sau 7 giờ sáng

Nằm trên con đường nhỏ của thành phố Vĩnh Long, "chợ Chạy" từ lâu đã gắn liền với tập quán sống của người dân, có đặc thù riêng và mang dáng dấp “chợ quê” độc đáo. Tết đến, chợ hoạt động vui hơn, sôi nổi hơn những ngày bình thường với phong cách rất... quê.
Không biết từ bao giờ người dân ở thành phố Vĩnh Long đã quen với cách gọi "chợ Chạy" mỗi khi đến chợ. Ngôi chợ nằm trên con đường nhỏ chạy song song với khu nhà lồng chợ Vĩnh Long, tọa lạc trên địa bàn phường 1, thành phố Vĩnh Long. 

"Chợ Chạy" đối với người dân trên địa bàn phường 1 vốn dĩ bình thường nhưng những ai mới lần đầu đặt chân đến nơi đây cũng không khỏi ngỡ ngàng vì những nét riêng vô cùng thú vị. Nằm giữa lòng thành phố Vĩnh Long, "chợ Chạy" tuy nhỏ, nhưng luôn có khá nhiều du khách tới tham quan, đặc biệt là du khách nước ngoài, bởi nơi đây mang nét riêng của chợ quê.

Đi "chợ Chạy", phải đi trước 7 giờ sáng

Vì nằm gần công viên sông Tiền, một địa điểm du lịch nổi tiếng của miền Tây nên chợ Vĩnh Long những ngày giáp Tết lượng khách tham quan, mua sắm rất lớn. "Chợ Chạy" cũng vì thế mà “ăn theo”, hoạt động nhộn nhịp, sôi nổi hơn thường ngày. Những ai mới lần đầu đến chợ này đều không khỏi bất ngờ, thú vị vì mặt hàng trao đổi chính của chợ chỉ là rau, củ, quả … và phong cách mua bán rất... quê. Đặc biệt là chợ họp rất sớm, nhưng tan trước 7 giờ sáng.
"Chợ Chạy" bắt đầu “giải tán” sau 7 giờ (Ảnh: Hoàng Lê)
"Chợ Chạy" nhóm họp sôi nổi lúc 5 giờ, khi đó từng gánh rau xanh các nơi tụ hội về đây cùng trưng ra bày bán. Đều đặn hằng ngày, cứ đúng 7 giờ thì người mua gom hết các thứ, thu dọn đi nơi khác; thành thử sau 7 giờ là chợ vắng teo, chỉ còn lác đác 1 vài đứa bé xách từng lọn rau nhỏ đi lòng vòng, đưa tận tay mời khách. Thì ra là, do họp chợ dưới lòng đường nên cứ đến khoảng 7 giờ là Ban quản lí chợ Vĩnh Long phải đi “làm việc” để nhắc nhở, đảm bảo vẻ mĩ quan cho khu vực. 

Người dân trên địa bàn phường 1 vốn dĩ đã quen thuộc với hoạt động rất đặc biệt của "chợ Chạy" nên vì thế gần như thành thói quen, họ thường tranh thủ đến sớm, khi trời chưa sáng. Rau ở "chợ Chạy" do chính người dân quê trồng rồi mang ra chợ bán nên vẫn còn tươi xanh, giá cả lại phải chăng phù hợp với túi tiền.

Tết đến, "chợ Chạy" càng nhộn nhịp hơn; các thứ rau, củ quả vẫn tấp nập trưng bày ra để bán. Người mua cũng đến đông hơn, í ới gọi nhau khi trời hừng sáng tạo nên 1 không khí đặc biệt. Và cũng như mọi ngày, sau 7 giờ là chợ lại nhanh chóng “giải tán” để lại sự tiếc nuối cho những ai mới đến lần đầu. Nhiều người còn nói với nhau rằng, lần sau đến "chợ Chạy" thì phải đến sớm hơn.
"Chợ Chạy" hoạt động sôi nổi hơn những ngày giáp Tết (Ảnh: Hoàng Lê)
Nỗi niềm của người bán rau "chợ Chạy" 

Phần lớn những người bán rau ở "chợ Chạy" đều đến từ các huyện xa. Họ phải chở rau trên xe máy vài chục cây số để đến đoạn đường này và bày ra bán. Người mua chuộng rau "chợ Chạy" ở chỗ, rau rẻ và luôn tươi ngon. Nhìn từng bó rau xanh non mới hiểu được phần nào sự vất vả của người dân quê. Để có được mớ rau củ tốt tươi họ phải trải qua bao khó nhọc, dầm mưa dãi nắng là chuyện thường ngày.

Người bán chủ yếu là phụ nữ, đâu đó cũng có vài đứa bé với bó cải nhỏ trên tay đưa tận tay cho khách. Hỏi ra mới biết, các bé này theo cha mẹ đi chợ bán rau; người mua thấy các bé thương tình nên mua giúp. Nếu bán được hết hàng trước 7 giờ thì xem như may mắn, còn không hết thì phải ôm rau mà chạy đi bán rong ở các chợ nhỏ lân cận.

Theo chia sẻ của bà con, có khi tới 7 giờ, người bán phải mang rau rút khỏi chợ để nhường lại mặt đường cho khu phố. Âu đó cũng là chuyện bình thường. Nhưng khó ai có thể hiểu hết những nỗi niềm của họ, những người mang rau đi bán từ lúc hừng đông ở “chợ chạy”.

Chợ Chạy dù không hoạt động ở quê nhưng nếu quan sát kĩ ta vẫn thấy được ngôi chợ nằm trong lòng thành phố kia lại đầy ắp bóng dáng chợ quê. Những mớ rau tươi ngon kia phải được chăm sóc từ chính bàn tay lao động của người dân quê hiền lành, chất phát. Những ánh mắt thơ ngây của các bé với mớ cải xanh trên tay như mời gọi, chờ mong mọi người hãy mua rau bằng chính tấm lòng của những con người biết đồng cảm, yêu thương

Tác giả bài viết: Thanh Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập137
  • Hôm nay18,676
  • Tháng hiện tại241,790
  • Tổng lượt truy cập35,508,071
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây