Đối ngoại không bài xích, đối nội không nề hà: Phong thái của người ‘Chí công vô tư’

Thứ sáu - 28/12/2018 08:44

Đối ngoại không bài xích, đối nội không nề hà: Phong thái của người ‘Chí công vô tư’

Khi ca ngợi một ai đó không ích kỷ vị tư; hết lòng vì việc công, vì lợi ích chung của xã hội cộng đồng… người ta thường nhắc tới câu thành ngữ: ‘Chí công vô tư’. Vậy câu thành ngữ này có nguồn gốc như thế nào?

 

Câu thành ngữ ‘Chí công vô tư’ có lẽ xuất hiện sớm nhất trong cuốn “Quản Tử – hình thế giải”. Kể về một sự việc như sau:

Khi Tấn Bình Công lên ngôi vua, thấy huyện Nam Dương còn chưa có huyện lệnh, mới hỏi đại phu Kỳ Hoàng Dương:

– Theo ái khanh, ai mới có thể đảm nhiệm chức vụ này?

Kỳ Hoàng Dương khảng khái đáp:

– Bẩm tấu hoàng thượng, người đó chỉ có thể là Giải Hồ.

Vừa nghe Kỳ Hoàng Dương tiến cử Giải Hồ, Tấn Bình Công ngạc nhiên hỏi lại:

– Giải Hồ chẳng phải có tư thù với ông ư? Làm sao ông lại tiến cử ông ta?

Kỳ Hoàng Dương đáp:

– Dạ bẩm, Hoàng thượng chỉ hỏi ai là người xứng đáng giữ chức huyện lệnh vùng Nam Dương, chứ có hỏi ai là người có tư thù với hạ thần đâu”.

Tấn Bình Công không biết nói sao, liền cử Giải Hồ đi nhậm chức.

Sau khi đến Nam Dương, Giải Hồ quả nhiên đã làm được rất nhiều việc tốt cho dân, khiến huyện Nam Dương mỗi ngày một trở nên phồn thịnh.

Tấn Bình Công nhờ Kỳ Hoàng Dương tiến cử người đảm nhiệm những chức vụ quan trọng. (Ảnh: clearharmony.net)

Lần sau, Tấn Bình Công lại yêu cầu Kỳ Hoàng Dương đề cử một viên Trung Quân Úy, là một chức vụ quan trọng trong quân đội.

Kỳ Hoàng Dương nghiêm trang đáp:

– Khởi bẩm Hoàng thượng, Kỳ Ngọ là người xứng đáng gánh vác trọng trách này.

Tấn bình Công vội hỏi lại:

– Kỳ Ngọ là con trai ông, ông tự đề cử con mình chẳng lẽ không sợ thiên hạ dị nghị hay sao?

– Kỳ Hoàng Dương lại đáp:

– Hoàng thượng chỉ yêu cầu hạ thần đề cử một viên Trung Quân Úy thôi, chứ có hỏi ai là con trai của hạ thần đâu.

Tấn Bình Công có phần hơi do dự, nhưng cũng chuẩn y cho Kỳ Ngọ nhậm chức Trung Quân Úy.

Quả thực sau đó Kỳ Ngọ cũng đã không phụ lòng mong mỏi của cha, làm việc rất xuất sắc, một lòng cúc cung tận tụy với triều đình.

***

Khi Khổng Tử nghe xong hai sự việc này liền khen rằng : ‘Tuyệt lắm, Kỳ Hoàng Dương đề cử nhân tài, đối ngoại thì không bài xích người có tư thù với mình, đối nội thì không nề hà người đó là con trai mình, việc làm này quả là: Chí công vô tư’.

Đường Trung Nguyên


Khi bị người khác chê ‘tiều tuỵ như chó không nhà’, Khổng Tử đối đãi ra sao?

Đôi nét về Khổng Tử

Khổng Tử sống vào cuối thời Xuân Thu trên 2500 năm trước, học rộng đa tài, là nhà giáo dục nổi tiếng đương thời và được các đời sau phong là “Vạn thế sư biểu”, có nghĩa là “Bậc thầy của muôn đời”. Khổng Tử được vua quan và người dân các triều đại tôn sùng, và là một trong những người có ảnh hưởng lớn đến các nước Á Đông, thậm chí ảnh hưởng đến toàn thế giới.

Vậy Khổng Tử đã làm những gì?

Việc quan trọng nhất ông làm là “hữu giáo vô loại”, có nghĩa là “giáo dục không phân biệt tầng lớp loại người nào”. Ông đã dạy một loạt các học trò từ thương nhân, quyền quý đến gia cảnh bần hàn; đã đem quy phạm đạo đức “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín” giảng thuật rõ ràng mạch lạc, truyền thụ cho tất cả các tầng lớp xã hội, các dân tộc Á Đông.

Lịch sử cho rằng Khổng Tử đã biên soạn kinh Thi, kinh Thư, đặt ra kinh Lễ, kinh Nhạc, viết tựa hiệu đính Chu dịch (gọi là kinh Dịch) và viết kinh Xuân Thu. Sau này kinh Nhạc thất lạc nên chỉ còn lại 5 bộ kinh gọi là Ngũ kinh.

Ông đã biên soạn, chỉnh lý các điển tịch của các triều đại trước, rồi dùng ngôn ngữ của ông mà thuyết giảng, gọi là “thuật nhi bất tác”, nghĩa là, giảng thuật mà không sáng tác. Trước tác mà Khổng Tử thực sự viết ra chỉ là Xuân Thu.

Thế nhưng, những tác phẩm và luận thuật nói về Khổng Tử lại vô cùng nhiều; đó là những miêu tả thuật lại hoặc ghi chép của những người đời sau. Ví dụ: Luận Ngữ mà mọi người đều rất quen thuộc chính là do các đệ tử của ông tập hợp những điều ông đã thuyết giảng biên soạn mà thành.

Người Á Đông hầu như ai cũng biết đến Khổng Tử. Trong lòng mọi người, Khổng Tử là Thánh nhân cao vòi vọi hay bình dị giống như một ông già hàng xóm? Khiến người ta kính sợ hay là thân thiết hòa ái thiện lương?

Khổng Tử là một trong những người có ảnh hưởng lớn đến các dân tộc Á Đông. (Ảnh: wikipedia.org)

Khổng Tử trong mắt người viết là một người bụng chứa đầy kinh luân, lòng tràn đầy lý tưởng, nhưng lại dí dỏm, hoạt bát tinh tế, rất đáng yêu. Ví dụ như trên đây nói về con chó mất nhà, đó là đánh giá của một người đối với Khổng Tử. Khổng Tử không những không bực tức mà còn rất tán đồng nói: “Quá đúng! Quá đúng!”

Khi bị người khác nói “tiều tuỵ như chó không nhà”, Khổng Tử đối đãi ra sao?

Cụm từ này vốn có nguồn gốc từ thiên “Khổng Tử thế gia” trong Sử ký Tư Mã Thiên: “Luy luy như táng gia chi cẩu”, nghĩa là: tiều tụy như chó mất nhà.

Lý tưởng lớn nhất của cuộc đời Khổng Tử là “khắc kỷ phục lễ”, nghĩa là “khắc chế bản thân, khôi phục lại chế độ lễ nghi thời Tây Chu”. Khổng Tử sống vào thời Đông Chu “lễ băng nhạc hoại”, mong ước khôi phục lại nền đức trị dùng lễ nhạc của nhà Tây Chu; do đó ông đã chu du 14 nước, tuyên dương lý tưởng chính trị. Ở tuổi 60, Khổng Tử dẫn các học trò cùng đến nước Trịnh. Không ngờ đến ngoài thành nước Trịnh thì xảy ra việc bất trắc nhỏ, thầy trò lạc nhau. Khổng Tử không tìm thấy đệ tử của mình, bèn một mình đứng ở cổng thành phía Đông của nước Trịnh chờ đợi.

Các đệ tử của ông cũng đang đi tìm ông, thì có một người nước Trịnh cung cấp manh mối. Người này nói với học trò của Khổng Tử là Tử Cống rằng: “Ngoài cổng thành phía đông có một người đang đứng đó, ông ta trán giống vua Nghiêu, cổ giống ông Cao Dao (một hiền thần của vua Thuấn), vai giống như Tử Sản (nhà chính trị đại tài thời Xuân Thu). Nhưng nửa dưới thân của ông ta từ bụng trở xuống lại ngắn hơn vua Vũ 3 tấc. Ông ta cúi đầu ủ dột mệt mỏi, tiều tụy như chó không nhà”.

Sau khi thầy trò gặp nhau, Tử Cống đem lời người nước Trịnh nói thuật lại hết cho Khổng Tử nghe. Khổng Tử nghe xong vui vẻ cười lớn, nói: “Trông ta như thế nào thì đó là chuyện nhỏ không đáng nói, nhưng ông ấy nói ta giống con chó không nhà, quả là rất giống, rất giống!”

Người nước Trịnh đó nói về Đường Nghiêu, Cao Dao, Tử Sản, Đại Vũ, lần lượt là vua Nghiêu thời viễn cổ; Cao Dao nổi danh thiên hạ là một vị hình pháp quan chính trực; Tử Sản là đại hiền thần nước Trịnh và vua Đại Vũ trị thủy chống lũ lụt. Khổng Tử được người nước Trịnh đánh giá chỗ này giống người này chỗ kia giống người kia, cuối cùng nửa thân dưới hoàn toàn không có tướng của Thánh nhân.

Kỳ thực, trong Sử ký có chép: “Khổng Tử thân cao 9 thước 6 tấc, mọi người đều gọi ông là ‘trường nhân’, khác biệt mọi người”. Như vậy có thể thấy Khổng Tử rất cao lớn khác thường, cao hơn hẳn mọi người. 9 thước 6 tấc thời Chu thì tương đương với 2m11 hiện nay, quả là rất cao lớn.

Tranh vẽ Khổng Tử đợi học trò. (Ảnh minh họa: epochtimes.com)

***

Lời bình:

Người nước Trịnh này có lẽ là một cao nhân ẩn mình trong những người dân lam lũ, nên đã có đánh giá rất chính xác về Khổng Tử: Có đức hạnh trị vì thiên hạ của của vua Nghiêu, có tài năng kinh bang tế thế của Cao Dao, Tử Sản, Đại Vũ, nhưng đi khắp thiên hạ không được trọng dụng. Bởi thế thời đổi thay, lễ băng nhạc hoại, nên tư tưởng của Khổng Tử không được sử dụng, khiến hình dung ông mới lang thang, tiều tụy đến vậy.

Tuy nhiên, khi bị người ta ví mình ‘tiều tụy như chó không nhà’, Khổng Tử vẫn đầy lạc quan nhân ái, vui vẻ và dí dỏm điều này cho thấy ông có tấm lòng bao dung rộng lớn và khiêm nhường xiết bao.

(Tham khảo “Sử ký – Khổng Tử thế gia”).

 

 
 
 
 
 

Tác giả bài viết: Kiến Thiện biên dịch

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập100
  • Hôm nay4,460
  • Tháng hiện tại91,214
  • Tổng lượt truy cập36,145,769
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây