Tôi không đồng tình Mới đây, Sở VH–TT&DL Hà Nội đề xuất đề án bắn pháo hoa trên cầu Nhật Tân để xin ý kiến UBND TP Hà Nội. Theo đó, Nhật Tân là cầu dây văng dài nhất Việt Nam, Sở có ý tưởng biến cây cầu thành một địa chỉ du lịch, một điểm đến văn hóa cho du khách thăm Thủ đô. Việc bắn pháo hoa sẽ được làm thường xuyên chứ không phải chỉ vào các ngày lễ lớn. Nhà ông ở gần cầu Nhật Tân, ông có thấy vui không? Tôi thấy nếu tổ chức thành lễ hội bắn pháo hoa giống như Đà Nẵng, làm một cách bài bản, có bán vé, kinh doanh, vừa thu hút du lịch, vừa phát triển kinh tế thì tôi rất hoan nghênh ủng hộ. Chứ còn cái kiểu bắn pháo hoa vào bất cứ ngày nào, ai thích xem thì xem, dù không dùng tiền ngân sách mà dùng tiền xã hội hóa do các doanh nghiệp tài trợ thì tôi cũng thấy bất an, tôi rất không đồng tình. Kể cả là tiền tài trợ thì cũng là tiền, suy cho cùng vẫn là tiền thuế của dân chứ không từ trên trời rơi xuống. Vì thế, điểm bắn pháo hoa có thể ngay gần nhà tôi, nhưng tôi không vui một chút nào. Điều ông lo lắng là kinh phí ở đâu, tài trợ thế nào? Thì đầy những câu chuyện nhà tài trợ lúc đứng trước ống kính thì hô hào ghê lắm, nhưng sau đó thì ỉm đi, không tài trợ thì làm gì được. Rồi tài trợ thì kiểu gì họ cũng phải ràng buộc, họ phải được cái gì thì họ mới bỏ tiền ra chứ làm gì có ai bỏ tiền ra mà không thu về cái gì. Các doanh nghiệp làm ăn khó khăn, họ còn phải lo lương cho cán bộ công nhân viên, lo hiệu quả công việc, dễ gì bỏ hàng tỉ đồng ra để “đốt” mà không thu lại được gì. Nhưng việc đó do doanh nghiệp lo, mình đâu cần nghĩ? Tiền nào cũng là tiền, tôi cũng chưa biết là mỗi lần bắn pháo hoa thì mất bao nhiêu tiền, nhưng tôi tin là phải đến hàng tỷ chứ không phải tiền triệu đâu. Rồi công tổ chức, làm thế nào để đảm bảo an toàn... Còn nếu kinh doanh, bán vé, thì doanh nghiệp có quyền tính toán lỗ lãi, người dân có quyền mua hoặc không mua vé. Còn đề xuất của Sở VH-TT&DL Hà Nội thì tôi thấy quá lãng phí, bắn pháo hoa mà không có địa chỉ thì đúng kiểu đốt tiền trên trời.
Nhiều nơi lãng phí quá! Là một bí thư chi bộ Đảng ở phường, ông nhìn nhận thế nào về tình trạng lãng phí hiện nay? Tôi thấy bây giờ người ta lãng phí nhiều quá, đâu đâu cũng thấy lãng phí. Ngày xưa, khi Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội, mọi công văn giấy tờ cần gửi đi, bác đều dùng tờ báo cũ gấp lại thành phong bì. Cần gửi đi đâu thì dán mẩu giấy trắng rồi viết địa chỉ lên đó. Tinh thần tiết kiệm của Bác Hồ rất triệt để, là tấm gương để mọi cán bộ noi theo. Nhưng bây giờ, cán bộ học hỏi từ tấm gương của Bác Hồ không nhiều. Còn bây giờ, ngay ở trong một phường, những tờ giấy đánh máy, phô tô, hỏng cái là vứt. Sọt rác lúc nào cũng đầy ú ụ, giấy vụn lúc nào cả một đống. Rồi các đoàn cán bộ kéo nhau đi công tác với danh nghĩa là làm việc, nhưng cũng tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền, mà đa phần đều chậc lưỡi rằng, chẳng phải tiền của mình. Giả sử không bắn pháo hoa ở cầu Nhật Tân, theo ông thì nên đổi thành làm việc gì cho có ý nghĩa? Tôi nghĩ rằng nếu Hà Nội phát động một phong trào tiết kiệm triệt để, sau đó tổng kết xem tiết kiệm được bao nhiêu. Đem số tiền đó ủng hộ các tỉnh khó khăn, đồng bảo dân tộc thiểu số, miền núi còn nghèo... thì người dân Hà Nội cũng thấy xúc động và ý nghĩa. Đến một nơi nào đó, thấy một công trình mang tên là quà tặng của Hà Nội thì có phải có ý nghĩa biết bao nhiêu không. Có thể có người nói rằng số tiền đó có tiết kiệm thì cũng chẳng đáng bao nhiêu? Với quan chức, có thể số tiền một vài tỷ đồng chẳng đáng là bao nhiêu, thậm chí cả chục tỷ đồng cũng chẳng là gì, một căn biệt thự của họ cũng có giá vài chục tỷ đồng. Nhưng chỉ cần một số tiền “nhỏ” ấy là đủ xây được một ngôi trường bán trú cho trẻ, một cây cầu cho người dân đi lại. Tiền bắn pháo hoa hàng tỉ đồng đó để làm những việc này thì ý nghĩa hơn nhiều. Khó hiểu! Nếu việc bắn pháo hoa thường xuyên được tổ chức thì hẳn là cầu Nhật Tân sẽ thu hút một lượng lớn du khách, mặt tích cực của nó là làm cho mỹ quan thành phố đẹp hơn? Nói thật là tôi sống ở Hà Nội bao nhiêu năm rồi tôi biết, ngay cả bắn pháo hoa đêm giao thừa, trong những ngày lễ trọng đại, thì đa phần chỉ có thanh niên đi xem. Chứ người trung niên, người già như chúng tôi thì hiếm lắm. Hơn nữa, một năm bắn pháo hoa một hai lần thì người ta còn háo hức, chứ nếu ngày nào cũng bắn thì chắc gì người ta đã thích xem. Bắn pháo hoa mà không có ai xem, không ai quan tâm cả thì vừa lãng phí, vừa buồn cười. Vậy ông đánh giá thế nào về đề xuất này? Tôi cũng chưa hiểu được người ta đề xuất để làm gì. Bây giờ phải tập trung sản xuất kinh doanh cho tốt, làm ra của cải cho dân cho nước chứ bắn pháo hoa đốt vèo cái hết thì tôi chưa biết là để làm gì. Còn nếu để làm đẹp mỹ quan thì mỗi năm đốt một hai lần là được rồi, cần gì phải làm thế. Ông đã lên cầu Nhật Tân tham quan chưa? Tôi có đi lên đó 2 lần, một lần đi ban ngày, một lần đi ban đêm. Tôi thấy đó là công trình hoành tráng, xứng đáng để tự hào. Tình cảm của mình dành cho cây cầu là có và nó cũng chỉ đến thế thôi. Chứ còn nghĩ đến những cháu học sinh đi bộ cả ngày đường mới đến trường, những người dân cả năm không biết đến cái áo ấm dù sống trên vùng núi cao, nếu mà đem đến cho họ được hơi ấm thì chắc chắn là người dân nào cũng ủng hộ. Tôi ước gì ở đâu đó có những ngôi trường mang tên Hà Nội – trường học do người dân Hà Nội giúp đỡ, xây dựng. Làm được thế thì không cần xem pháo hoa, người dân cũng thỏa lòng? Đúng vậy, người dân sẵn sàng không xem pháo hoa để tiền đó làm những việc có ích. Niềm tự hào của người Hà Nội là những việc làm nhân văn cao cả, chứ không phải là những việc làm xa hoa, lãng phí, khoa trương. Xin cảm ơn ông! Liên quan đến đề xuất tổ chức bắn pháo hoa thường xuyên trên cầu Nhật Tân, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, sau khi nhận được văn bản đề xuất, UBND TP Hà Nội sẽ có ý kiến chính thức. Cầu Nhật Tân thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Giao thông Vận tải, nên nếu tổ chức bắn pháo hoa thì sẽ phải xin ý kiến của bộ này. Tô Hội (Thực hiện) |
Tác giả bài viết: Thanh Thanh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn