Nghi lễ chứ không phải hành vi đồ tể !

Thứ sáu - 20/02/2015 09:49

Nghi lễ chứ không phải hành vi đồ tể !

Theo PGS.TS Bùi Quang Thắng: "Hội nhập không có nghĩa là hủy hoại nền văn hóa của chính mình, mà phải trên tinh thần khoan dung văn hóa...".
"Hội nhập không có nghĩa là hủy hoại nền văn hóa của chính mình, mà phải trên tinh thần khoan dung văn hóa, tôn trọng sự khác biệt của nhau. Ta giữ gìn bản sắc văn hóa không có nghĩa lơ đi ý kiến của người khác, nhưng cũng không phải là người ta nói gì thì mình cũng nghe theo. Việc lắng nghe phải trên cơ sở của sự hiểu biết", PGS.TS Bùi Quang Thắng lập luận trên tinh thần phản bác đề xuất bỏ màn chém lợn trong lễ hội làng Ném Thượng (Bắc Ninh) bị cho là "tàn bạo".
Thánh làng nào làng ấy thờ
Lễ hội được hình thành trên cơ sở nào, thưa ông?
Trước hết, đó là biểu tượng của một cộng đồng làng. Mỗi cộng đồng bên cạnh phương diện vật chất luôn có nhu cầu xây dựng biểu tượng tinh thần. Người Việt thường xây dựng biểu tượng đó là một ông thánh thần bảo hộ, gọi là thành hoàng hay thánh của làng, "trống làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ".
Có thánh rồi thì phải có hình thức biểu thị sự tôn thờ với thánh, đó chính là lễ hội. Ban đầu chỉ đơn giản là thờ cúng, sau người ta sáng tạo thêm hình thức có ý nghĩa biểu tượng hơn, như những trang trí mỹ thuật trong thiết chế thờ cúng (đền, đình...). Đặc biệt, họ sáng tạo ra diễn xướng liên quan trực tiếp đến công lao của vị thần và chúng tôi luôn đánh giá cao lễ hội có diễn xướng độc đáo vì nó thể hiện lớp văn hóa cổ xưa, nhất là các "hèm" như linh tinh tình phộc. Tục chém lợn ở Ném Thượng (Bắc Ninh) có thể là một "hèm" như vậy.
Chính vì thế, việc bỏ đi một diễn xướng (hèm) nào đó là điều rất khó, nếu không muốn nói là không thể?
Đúng vậy, vì nó đã tồn tại qua hàng trăm, thậm chí cả ngàn năm rồi.
Ấy thế mà người ta đang muốn xóa bỏ diễn xướng chém lợn ở lễ hội làng Ném Thượng khi Tổ chức Động vật châu Á lên tiếng là "tàn bạo nhất" đấy, thưa ông?
Tôi đọc báo và thấy ngay cả một số nhà quản lý ở mình cũng đề nghị bỏ đi diễn xướng chém lợn này. Nên nhớ, mỗi nền văn hóa có những ý nghĩa riêng. Không nên so sánh nền văn hóa này thấp hơn nền văn hóa kia. Nó cũng giống như tranh cãi có ăn thịt chó hay không, người phương Tây bảo dân mình man rợ vì con chó đáng yêu nhưng người ta sẽ hỏi ngược lại rằng ngựa đáng yêu hơn sao còn ăn thịt. Vì vậy sự dã man, tàn bạo cần phải xem xét ở sự khác biệt văn hóa chứ không thể áp đặt suy nghĩ, quan điểm được.
Ông đang đứng dưới góc độ của một người làm công tác nghiên cứu văn hóa. Nhưng với những người làm công tác giáo dục, họ có cớ để lo ngại rằng diễn xướng đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới thế hệ trẻ?
Trước khi định giá hay phê phán một văn hóa cần phải hiểu văn hóa ấy. Tôi lấy ví dụ: Nếu không hiểu các nghi trình trong đám hỏa thiêu của người Chăm là biểu trưng của quá trình tái sinh, hành vi lấy đầu người trên dàn hỏa thiêu xuống là biểu trưng cho sự đón đỡ một hài nhi chào đời thì người ta sẽ thấy việc đập nát hộp sọ ra để lấy chín mảnh xương nhập cút (tiểu) là rất man rợ; người hiểu thì sẽ thấy đó là một văn hóa.
Ở đây, người dân làng Ném Thượng thực hiện “hèm” chém lợn như một nghi thức thiêng để tưởng nhớ vị thánh từ thời Lý, được dân làng thờ phụng, gắn với sự tích săn lợn rừng về nuôi quân đánh giặc. Họ muốn nhắc nhở con cháu phải nhớ ơn vị thánh của làng. Đó là hành vi mang tính nghi lễ chứ không phải hành vi đồ tể.
Nghi le chu khong phai hanh vi do te!
PGS.TS Bùi Quang Thắng, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam nói về lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh. 
UNESCO không bao giờ làm thế
Việc nhiều người, kể cả một số nhà nghiên cứu văn hóa, nhà quản lý đề nghị phải bỏ diễn xướng "tàn bạo" ở lễ hội làng Ném Thượng nói lên điều gì, thưa ông?
Đó là đặc trưng của thói sính ngoại, cứ tây nói cái gì về ta thì cho là thánh nói và nghe theo. Khi anh không hiểu nền văn hóa của người ta thì đừng có nói là man rợ hay không. Chúng ta đã có những bài học như lễ hội đâm trâu của người Tây Nguyên, nhiều người lấy "đấu" của người Việt coi "con trâu là đầu cơ nghiệp" ra "đong". Nhưng trong truyền thống, con trâu ở Tây Nguyên là vật để tế thần chứ không phải để cày bừa! 
Thêm vào đó, nếu nói man rợ thì ở Nê-pan người ta giết hàng nghìn con trâu bò vào mỗi mùa lễ hội, hay Đan Mạch giết hàng trăm con cá heo vào mùa lễ hội đấy thôi, ai dám yêu cầu người ta bỏ? Động vào điều đó là động vào niềm tin, vào văn hóa của người ta và rất dễ xảy ra xung đột tôn giáo.
Nhưng chúng ta đang hội nhập với quốc tế thì việc lắng nghe, tiếp thu ý kiến cũng là điều nên làm chứ?
Đúng, nhưng hội nhập không có nghĩa là hủy hoại nền văn hóa của chính mình, mà phải trên tinh thần khoan dung văn hóa, tôn trọng sự khác biệt của nhau. Ta giữ gìn bản sắc văn hóa không có nghĩa là lơ đi ý kiến của người khác, nhưng cũng không phải là người ta nói gì thì mình cũng răm rắp nghe theo. Việc lắng nghe phải trên cơ sở của sự hiểu biết. Vả lại, không phải tổ chức quốc tế nào cũng có tiếng nói quan trọng trong lĩnh vực văn hóa. Ở đây là Tổ chức Động vật châu Á chứ có phải UNESCO (Tổ chức Giáo dục - Khoa học - Văn hóa Liên Hợp Quốc) đâu mà nhảy dựng lên! Tôi biết và tin rằng, UNESCO không bao giờ làm thế bởi họ hiểu và tôn trọng sự khác biệt văn hóa.
Không thể cấm văn hóa
Nhiều người muốn bỏ đi diễn xướng chém lợn "tàn bạo" (theo đánh giá của Tổ chức Động vật châu Á) là vì họ muốn tạo dựng hình ảnh đất nước thật đẹp trong mắt bạn bè quốc tế, thưa ông?
Tôi không thấy thế mà chỉ thấy ở đó sự tự ti, mặc cảm. Và khi anh không đủ tự tin, không tôn trọng chính văn hóa của mình thì đừng mong người khác tôn trọng anh.
Bằng trải nghiệm của mình, theo ông thì có cách gì để dung hòa được diễn xướng mang màu sắc văn hóa mà vẫn không khiến người ta lo ngại ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, giáo dục như ở làng Ném Thượng?
Trước hết, phải thống nhất với nhau rằng không ai cấm được văn hóa, vì nó là truyền thống đã tồn tại hàng trăm, hàng nghìn năm. Cấm không phải là giải pháp thông minh để giải quyết những xung đột kiểu này.
Riêng trường hợp Ném Thượng, hãy tôn trọng người dân trong việc thể hiện sự tôn kính của họ với vị thánh của làng. Người Ném Thượng có thể bảo tồn diễn xướng chém lợn nhưng nên dùng cờ phướn che lại (đây cũng là cách làm truyền thống) để chỉ những người trực tiếp tham gia nghi lễ ấy mới thấy, còn người khác tuy không nhìn thấy cảnh chém lợn nhưng vẫn sẽ trải nghiệm được không khí tổng thể mang tính linh thiêng ở thời điểm ấy. Như vậy cả hai phía là cộng đồng làng và xã hội đều được thỏa mãn.
Tôi tin người dân làng Ném Thượng sẽ có sự chia sẻ sâu sắc với quan điểm của ông. Trân trọng cảm ơn ông!
Lễ hội làng Ném Thượng, phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh diễn ra vào ngày mùng 6 tháng Giêng hằng năm. Vào ngày này, làng sẽ tổ chức lễ chém lợn để tưởng nhớ vị thành hoàng là tướng thời Lý mang tên Đoàn Thượng. Theo đó, hai "cụ ỉn" sẽ được rước vòng quanh làng trước khi bị chém. Người dân sẽ quệt tiền vào tiết của "cụ ỉn" với mong muốn may mắn cả năm.
Ngày 27/1/2015, Tổ chức Động vật châu Á đã phát động chiến dịch cùng ký tên kêu gọi các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh, Bộ Thông tin & Truyền thông ban hành quy định chấm dứt màn chém lợn vì cho rằng nó tàn bạo. Ông Nguyễn Văn Ảnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Bắc Ninh xác nhận: Từ năm 2015, làng Ném Thượng sẽ tổ chức lễ hội rước lợn thay cho chém lợn.
Vũ Thủy (thực hiện)
 

 

Tác giả bài viết: Thanh Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập113
  • Hôm nay13,251
  • Tháng hiện tại282,663
  • Tổng lượt truy cập35,548,944
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây