Mùa xuân nói chuyện bia rượu

Thứ sáu - 20/02/2015 05:21

Mùa xuân nói chuyện bia rượu

Người Việt Nam uống bia nhiều nhất Đông Nam Á mặc dù thu nhập xếp vào nhóm 4 nước chót bảng. Mùa lễ Tết cũng là một dịp làm thị trường bia rượu sôi động hơn nữa không chỉ riêng với các đệ tử lưu linh.
 
Việt Nam được đánh giá là nước tiêu thụ bia nhiều nhất Đông Nam Á

Việt Nam được đánh giá là nước tiêu thụ bia nhiều nhất Đông Nam Á

Rượu bia không thể thiếu trong ngày Tết

Ẩm thực thường thể hiện dân trí, văn hóa, mức sống và thói quen của người tiêu dùng ở bất cứ quốc gia nào. Bia rượu đặc biệt là bia trở thành một thức uống không thể thiếu vắng ở Việt Nam ngày nay. Ông Hai, một cán bộ về hưu ở Phú Yên nói với chúng tôi là tập quán bia rượu ngày Tết là không thể thiếu ở Việt Nam kể cả những gia đình nghèo nhất. Ông nói:

 Đối với những người khá giả, người ta lúc nào cũng có sẵn bia tại nhà trong dịp Tết, thí dụ người ta mua một hai thùng bia lon. Còn những người tương đối nghèo họ cũng mua hai ba lít rượu để trên bàn thờ để cúng, ai tới thì rót một ly mời như chúc mừng đầu năm vậy. Còn những người khá giả gọi là “quan” hay làm ăn kinh doanh làm ăn thành đạt thì người ta mua rượu ngoại thí dụ như là “Martin” thứ rượu bên Tây giá năm bảy trăm một triệu hay có những chai hai ba triệu.”

Theo thống kê chính thức, riêng trong năm 2014 người Việt Nam đã tiêu thụ đến 3,14 tỷ lít bia sản xuất nội địa trị giá hơn 3 tỷ USD. Đó là chưa kể đến một lượng lớn bia nhập khẩu mà chúng tôi không có số liệu ghi nhận. Trên báo chí đã có nhiều tranh luận về ích lợi kinh tế, thu ngân sách, tạo công ăn việc làm trong công nghiệp sản xuất thức uống và tác dụng ngược lại về y tế sức khỏe, tai nạn giao thông. Những vấn đề này xuất phát từ thói quen uống bia rượu bừa bãi một cách không kiểm soát của không ít người Việt Nam.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long chuyên gia kinh tế từ Hà Nội nhận định:

 Giữa kinh tế và xã hội thì vấn đề ở đây là có mục đích làm sao tránh mâu thuẫn. Với một sự tiêu dùng bia rất lớn như vậy thì có nhiều quan điểm cho là nó cũng có tác động đến công ăn việc làm, thu nhập. Nhưng thực chất chúng ta thấy sản xuất nhiều bia thì phục vụ tiêu dùng là chính mà phục vụ tiêu dùng về bia gây hại nhiều hơn lợi. Thứ nhất nó gây nhiêu hiện tượng như tệ nạn xã hội, hoặc những vấn đề tai nạn giao thông, hoặc những nhu cầu ấy không cần thiết lại ảnh hưởng đến sức khỏe và chính vì vậy giải quyết nó hài hòa như thế nào. Trong thực tế như vậy, cũng như các nước khác hiện nay ở Việt Nam đang có kiến nghị từ Bộ Tài chính, cơ quan chức năng cũng như Bộ Y tế, để chống những mặt trái của nó thì đã nâng tỷ lệ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia hoặc thí dụ nâng thuế bia lên cao. Đấy cũng là vấn đề hiện nay Chính phủ Việt Nam đặt ra. Nhưng nói tóm lại ngành bia càng phát triển sản xuất bao nhiêu thì theo quan điểm cá nhân tôi là sẽ có hại cho nền kinh tế nhiều hơn là có lợi.”

Trên thế giới, những sản phẩm mà thầy thuốc khuyến cáo sử dụng hạn chế như bia rượu và thuốc lá, lại thường có doanh thu cao và đóng thuế rất nhiều vào ngân sách quốc gia. Việt Nam cũng có tình hình tương tự, báo mạng Dân Trí ngày 28/1/2015 trích lời Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, ngành hàng bia rượu nước giải khát có số lao động chỉ chiếm 0,3% số lao động trong các doanh nghiệp cả nước nhưng nộp ngân sách qua thuế tiêu thụ đặc biệt và các loại thuế khác chiếm trên 2,5% tổng mức thu ngân sách Nhà nước. Đặc biệt năng suất lao động đạt trên 600 triệu đồng/người/một năm, điều mà bà Thứ trưởng mô tả là thuộc hàng cao nhất trong tất cả các ngành sản xuất ở Việt Nam.

Khi rượu bia bị lạm dụng

Ở các thành thị của Việt Nam dễ thấy được sự lãng phí thời gian vì hàng quán lúc nào cũng có người lai rai ba sợi. Người ta nhậu bất cứ giờ giấc nào chứ không phải chỉ lúc chiều về sau giờ tan sở. Nhà giáo Đỗ Việt Khoa ở Hà Nội nhận định:

 Không biết so với thế giới thì thế nào, ở Việt Nam bia hơi trung bình là 7.000 đ một cốc. Thói quen lâu nay sử dụng nhiều uống nhiều cho nên vui cũng uống buồn cũng uống, đám ma đám chay cũng uống. Có lẽ riêng Việt Nam mới có, thế giới không có được. Chuyện uống để giải tỏa bức xúc, theo tôi số người uống để giải tỏa cũng có, vui cũng uống cũng đúng mà thói quen rồi không bỏ được. Rất nhiều người Việt hiện nay uống ngày uống đêm, khi tiền chẳng có đồng nào thì uống chịu, uống nợ; uống xong rồi sinh ra càn quấy, không kềm chế được bản thân đánh nhau đâm chém nhau trong các cuộc nhậu. Chuyện này xảy ra rất nhiều trên báo chí.”

Từng là cán bộ chính quyền và có dịp đi nhiều nơi, ông Hai Phú Yên phân tích nạn bia rượu tràn lan ở Việt Nam theo cách nhìn khá đặc biệt của mình:

“ Tình hình rượu bia ở Việt Nam có hai xu hướng, thứ nhất người ta uống vì xã giao tức là không nghiện lắm, có thì uống không có thì thôi. Đó là ‘gói’ thứ nhất, còn ‘gói’ thứ hai là ‘gói’ nghiện, thậm chí người ta nghiện bia rượu cũng như nghiện ma túy vậy; bằng mọi cách trong ngày là phải có. Nếu không đủ tiền mua bia thì người ta lại mua rượu, thực tế rượu ở Việt Nam lúa gạo sẵn nên rượu rẻ, giá trung bình 1 lít khoảng 15 ngàn thôi.

Tôi cũng đi nhiều chỗ nhiều nơi, vấn đề uống bia tôi nghĩ nó như bệnh truyền nhiễm nó đã tồn tại từ lâu rồi. Riêng ở Việt Nam bia còn là thể hiện đẳng cấp, người ta chứng tỏ mình đã giàu có. Họ còn thách đố nhau đọ sức uống, độ tửu lượng, thí dụ khả năng tôi uống 5 chai bia nhưng một người bạn uống 10 chai, 15 chai thì người ta chứng tỏ rằng đẳng cấp của tôi, sức chịu đựng của tôi hay độ chịu chơi của tôi hơn anh. Cho nên vấn đề uống bia là tùy theo dân trí.”

Một người hiểu biết bia rượu nói rằng, những người chưa biết uống bia sẽ thấy bia đắng khi đã quen đã thích thì thấy ngọt. Rượu thì kích thích mạnh hơn rất nhiều nhưng nếu uống nhiều bia thì cũng tạo một mức kích thích chẳng kém rượu.

Sách vở từng khuyến cáo uống bia rượu chừng mực không có hại và trong nhiều trường hợp còn có lợi cho sức khỏe về tiêu hóa hoặc tim mạch. Nhưng mọi sự lạm dụng đều dẫn tới hậu quả nghiêm trọng cho bản thân cũng như xã hội.

Trong số 11 quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam xếp hạng 8 về thu nhập nhưng lại giữ kỷ lục đầu bảng về tiêu thụ bia. Trên bảng xếp hạng toàn cầu, Việt Nam nằm trong danh sách 25 quốc gia uống bia nhiều nhất thế giới và xếp thứ 3 toàn Châu Á chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản. Tính trung bình một người Việt Nam uống 32 lít bia mỗi năm.

Năm 2014 Chính phủ Việt Nam bắt đầu áp dụng Chính sách Quốc gia về phòng chống tác hại bia, rượu. Thế nhưng tổng kết cuối năm 2014 cho thấy mức tiêu thụ chỉ riêng về bia là 3,14 tỷ lít tức đã tăng 8,1% so với 2013. Chưa hiểu vấn đề tăng các sắc thuế liên quan đến sản xuất và tiêu thụ bia, cũng như chính sách phòng chống tác hại bia rượu sẽ thay đổi được chút nào về điều gọi là văn hóa bia rượu của Việt Nam hay không?

 

Tác giả bài viết: Nam Nguyên

Nguồn tin: Theo rfa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập70
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm69
  • Hôm nay11,830
  • Tháng hiện tại275,429
  • Tổng lượt truy cập36,329,984
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây