Nếu khoảnh khắc vào 11 giờ đêm qua - bạn đang cực kỳ vui vẻ với bạn bè, âm nhạc... ... thì sáng hôm sau, bạn sẽ trở nên uể oải thế này. Cùng với đó, bạn sẽ cảm thấy đầu đau như búa bổ, nôn nao, khô miệng và một list dài những vấn đề khác nữa. Cùng hiểu hơn về những triệu chứng mà bạn sẽ trải qua sau một đêm "bùng cháy". 1. Đầu đau như búa bổ Nhiều người cho rằng, loại bia, rượu mà họ uống không chuẩn nên khiến họ bị đau đầu, nhưng điều này lại bị ảnh hưởng nhiều bởi nồng độ thành phần Congener có trong từng loại rượu. Đây là một hợp chất sinh học sinh ra trong quá trình lên men rượu hoặc được thêm vào trong quá trình sản xuất. Một số nghiên cứu đã chứng minh, nồng độ Congener càng cao, thì người uống càng đau đầu. 2. Người nôn nao, mũi nghẹt nghẹt Thành phần chính của rượu là ethanol (C2H5OH) - một chất có thể gây nên ngộ độc trên tất cả các cơ quan của cơ thể, thậm chí gây tử vong ở liều lượng cao. Khi nồng độ rượu trong máu quá cao sẽ kích thích niêm mạc dạ dày, làm tăng sản xuất acid dạ dày, khiến bộ phận tiêu hóa bị đình trệ, gây ra tình trạng nôn, oẹ, khó tiêu, cơ thể nôn nao. Bên cạnh đó, rượu cũng gây giãn mạch ngoại biên khiến mũi sẽ bị nghẹt, khó thở nhiều hơn. 3. Tiểu nhiều, miệng khô và đắng ngắt Theo các nhà nghiên cứu, sở dĩ bạn cảm thấy như vậy là bởi cơ thể bạn đang bị mất nước trầm trọng. Rượu có khả năng làm cho cơ thể mất nước do ức chế sự hình thành vasopressin - hormone chống bài niệu giúp cơ thể ngăn chặn việc đi tiểu nhiều lần. Đây cũng là lý do vì sao khi uống bia/rượu, chúng ta thường đi tiểu nhiều hơn bình thường. Việc nước tiểu sản xuất nhiều hơn sẽ khiến cơ thể rơi vào trạng thái mất nước. Điều này dẫn đến các phản ứng cơ thể như đau đầu, khô miệng, đưa con người vào trạng thái hôn mê, ngủ lịm sau say xỉn. Theo thống kê, 250ml rượu vang sẽ khiến cơ thể đào thải 800 - 1.000ml nước. Tùy vào lượng rượu uống, số lượng chất lỏng đi ra khỏi cơ thể có thể gấp 4 lần so với đi vào cơ thể. 4. Nhịp tim và mức độ lo lắng tăng vọt Khi uống bia, rượu, lượng cồn trong máu sẽ tăng nhanh, kích thích cơ thể sản xuất adrenaline và noradrenaline, gây co mạch, tăng huyết áp, kích thích tim đập nhanh, tăng tiêu thụ oxy của tế bào cơ tim. Cùng với đó, acetaldehyde (chất chuyển hóa của rượu) là một chất oxy hóa mạnh có khả năng làm tăng gốc tự do gây tổn thương tế bào và mô. Acetaldehyde làm suy giảm khả năng phosphoryl hóa của ty lập thể, từ đó làm giảm chuyển hóa tế bào trong đó có tế bào cơ tim, làm rối loạn sự lưu chuyển canxi giữa trong và ngoài tế bào, tăng co thắt mạch vành gây thiếu máu cơ tim, rối loạn nhịp tim. 5. Giấc ngủ chập chờn, hay giật mình khi ngủ Ngoại trừ cảm giác hưng phấn ban đầu, rượu sẽ khiến não bộ bị ức chế. Bằng việc làm chậm quá trình tiếp nhận thông tin giữa các dẫn truyền thần kinh, ethanol trong đồ uống có cồn sẽ khiến não bị tổn thương, gây ra tình trạng ngủ chập chờn, không sâu giấc. Cùng với đó, bạn cũng sẽ hay gặp ác mộng hơn bởi giấc ngủ REM (ngủ đảo mắt nhanh) - giai đoạn mà chúng ta sẽ tích hợp lại mọi thứ mình đã trải qua trong ngày khiến bạn dễ mộng mị. 6. Nhìn gì cũng thấy quay cuồng Lý giải cho điều này, các chuyên gia cho biết, phần tai trong cơ thể chúng ta có các ống bán nguyệt chứa chất dịch lỏng đặc biệt gọi là endolymph và cấu trúc cứng cố định - cupula. Khi di chuyển, endolymph cũng di chuyển theo, tác động vào cupula - hình thành tín hiệu điện gửi tới trung ương não bộ, điều chỉnh sự thăng bằng cơ thể phù hợp với tư thế chuyển động. Việc bạn uống rượu hay đồ uống có cồn khác, hơi rượu sẽ bóp méo cấu trúc cupula - làm ảnh hưởng tới các tín hiệu giữ thăng bằng được truyền tới bộ não. Kết quả là cơ chế vận hành trên bị ảnh hưởng, bạn cảm giác như mọi vật xung quanh đang bay nhảy, chao đảo. 7. Cảm xúc thất thường, "khóc như mưa" Uống bia rượu đồng nghĩa với việc bạn sẽ nạp một lượng lớn đồ uống có cồn vào cơ thể. Lượng cồn này sẽ tác động lên hệ thần kinh trung ương, gây rối loạn cảm xúc, ý thức, hành vi của người say rượu. Những bạn có thần kinh yếu sẽ dễ bị kích thích, nói nhiều, cười nhiều, "khóc như mưa". 8. Không nhớ "những chuyện của ngày hôm qua" Ethanol trong rượu tấn công rất mạnh vào các cơ quan thuộc hệ thần kinh trung ương, gây nhiễu loạn hoạt động truyền tải glutamate (hóa chất chuyên chở tín hiệu giữa các tế bào thần kinh) của các cảm thụ quan trong vùng đồi hải mã. Trong quá trình can thiệp này, rượu ngăn cản một số cảm thụ quan hoạt động, đồng thời kích hoạt những cảm thụ quan khác. Quá trình này khiến các tế bào thần kinh tạo ra các steroid, sau sẽ ngăn cản chúng thông tin liên lạc với nhau một cách thích hợp, dẫn đến hủy hoại phần não phục vụ cho sự học hỏi và ghi nhớ. Bởi vậy mà nhiều người sau khi tỉnh dậy không nhớ những việc mình đã làm ngày hôm qua. Rượu không chỉ khiến sức khỏe "tụt dốc" mà còn làm bạn trở nên mệt mỏi, xấu xí vào ngày hôm sau. Liệu rằng, với những sự thật khoa học này, bạn còn muốn "bùng cháy" với rượu? | |
|
Tác giả bài viết: Thanh Thanh
Nguồn tin: Nguồn: Buzzfeed, HuffingtonPost
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn