Linh mục mang trong mình ơn gọi thiêng liêng là ơn thiên triệu. Thiên triệu tức là ơn gọi từ Trời. Để nhận ra ơn gọi hoặc ơn thiên triệu của mình, ứng viên phải trải qua thời kỳ huấn luyện dài trong chủng viện. Tại nhiều quốc gia như Việt Nam, khi xưa, trước khi bước vào Đại Chủng viện, tức là “làm thầy” chủng sinh trải qua thời gian Tiểu Chủng viện. Nơi Tiểu Chủng viện, chương trình “tập huấn” gian nan và nhiều thử thách có khi còn hơn đại chủng viện. Câu thơ của Cao đài đại đạo Tam kỳ phổ độ “Bao giờ chết bẩy còn ba, chết hai còn một mới ra thái bình” được sửa thành “Bao giờ đuổi bẩy còn ba, đuổi hai còn một mới ra làm thầy” kể cũng không sai cho lắm. Nhiều lớp tiểu chủng sinh, khi vào lớp sáu có 40 chú, đến hết lớp mười hai chỉ còn lại vài “mống loe ngoe.” Tuy hàng năm vẫn được “tân tuyển” thêm dăm ba chú, nhưng “gọi thì nhiều mà chọn thì ít” vẫn là câu châm ngôn cần thuộc lòng.
Làm sao biết mình có ơn gọi linh mục?
Thánh Kinh kể đến một vài trường hợp đẹp và khá lãng mạn khi tiếng đáp trả của Samuel trở thành lời tuyên xưng dứt khóat: “Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe.” Câu truyện thật đẹp. Chú bé “giúp lễ” đang ngủ đêm, trong giấc mơ nghe thấy tiếng. Lúc đầu chú tưởng là vị tư tế, tức là cha xứ, gọi, nhưng sau mới biết là Chúa. Chàng cương quyết trả lời “Lậy Chúa, xin hãy phán”.
Đẹp và lãng mạn không kém là thái độ của bốn chàng ngư phủ. Khi Chúa mời “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ đánh cá người.” Bốn chàng “lập tức, các anh bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người” (Matthêu 5.; Mc. 1; và Luca 5). Ôi chao, nếu được Chúa hiện ra –dù trong giấc mơ bảo rằng “Hãy theo Ta” thì dễ dàng quá. Trên thực tế, mơ thì nhiều mà thấy Chúa chẳng được bao nhiêu, cho nên ơn thiên triệu vẫn luôn là điều bí mật.
Dấu hiệu ơn thiên triệu
Từ sau công đồng Vatican II, người Âu Mỹ không dành chữ ơn gọi hoặc ơn thiên triệu riêng cho linh mục và tu sĩ nữa. Vatican II muốn nhắm đến ân sủng làm con cái và dân thánh Chúa qua bí tích rửa tội, nên định nghĩa rằng mỗi người đều có ơn gọi riêng. Người thì có ơn gọi làm cha mẹ, người khác làm linh mục, người nữa sống đời độc thân. Điểm quan trọng là mỗi người tìm ra ơn gọi của mình. Tuy Giáo hội không dùng chữ ơn thiên triệu thường xuyên như trước, nhưng tiến trình đào tạo chủng sinh vẫn tập trung vào cùng chủ đích. Chủng sinh, khi bước lên đại chủng viện, bên cạnh văn hóa và tầm hiểu biết trần thế, đặc biệt lưu tâm đến ba khía cạnh quan trọng khác là “huấn luyện tu đức, huấn luyện trí thức và huấn luyện mục vụ.” Nên lưu ý nơi đây, các thầy trải qua tiến trình huấn luyện chứ không phải chỉ giáo dục. Giáo dục chú tâm nhiều đến hiểu biết và thu đạt, còn huấn luyện tập trung không những đến hiểu biết, tức là trí thức, mà còn nhất là đến sự hòa nhập của chính người được huấn luyện vào với đối tượng của sự huấn luyện là Thiên Chúa. Không khác gì nơi quân trường, người tân binh không chỉ tập chào, đi, đứng, tập bắn súng cho chính xác, mà còn khiến họ trở thành lính. Giấc mơ, sinh hoạt và đời sống của họ là lính.
Cả ba khía cạnh này được hun đúc trên một chương trình huấn luyện khác: huấn luyện nhân bản. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II lưu tâm sâu xa tiến trình huấn luyện nhân bản trong thông điệp “Pastores dabo vobis.”
Không giống như chương trình huấn luyện trí thức và ngay cả mục vụ với môn học và bài bản cụ thể, sau đó là các bài thi kiểm soát, tiến trình nhân bản tùy thuộc nhiều vào sự tiếp thu của từng cá nhân. Loại huấn luyện này tương tự như mối tương giao sư phụ-đệ tử thời xưa. Cùng một bài giảng nhưng mỗi trò hiểu và cảm nhận khác nhau. Do đó, người ta không lạ, khi các linh mục, tuy xuất thân cùng một đại chủng viện, học chung một thầy, một chương trình, nhưng khi ra trường thì làm việc mục vụ và liên hệ với giáo dân khác nhau. Đương nhiên không ai phủ nhận rằng tâm tính cá nhân đóng vai trò rất quan trọng trong các quyết định, nhưng ảnh hưởng của huấn luyện nhân bản dìu dắt và hướng dẫn các giao tiếp này.
Đặt vấn đề
Giao tiếp và va chạm với trần thế, đôi khi linh mục “được khen” hay bị “chê” là “đi tu cho nên chẳng biết gì!” hoặc “sống một mình nên không quen giao tiếp theo kiểu người đời,” “cứ tưởng là ai cũng thành thật như mình…” Có lẽ những nhận xét trên không sai cho lắm. Nhiều vị sống đơn sơ như thiên thần, lúc nào cũng như trên mây, và hình như không hiểu rõ sinh hoạt trần thế, hoặc không kịp thích ứng với tiến triển của xã hội.
Gần đây, nhiều chủng viện Âu Mỹ quy định rõ mục tiêu và phương tiện của huấn luyện nhân bản cho cả chủng sinh và linh mục. Hội đồng Giám mục Hoa kỳ trong “Priestly Formation Program” (PPF) quy định mục đích của huấn luyện nhân bản là giúp ứng viên nhận ra rằng mình và tha nhân cùng là nhịp cầu nối kết với nhau chứ không cản trở nhau. Nói cách khác, mình không sợ tha nhân, và không coi bản thân mình hoặc tha nhân như cơn cám dỗ.
Điểm khó khăn cho huấn luyện nhân bản là tiến trình tùy thuộc rất nhiều vào văn hóa của từng quốc gia và từng miền. Trên thực tế, nhiều ưu điểm của Á châu có thể không hoàn toàn thích hợp với Âu Mỹ, và đương nhiên ngược lại. Người ta kể lại, vào đầu thập niên 1980, khi dân Việt còn chân ướt chân ráo mới đến định cư tại Hoa kỳ, một tân chức vì lo lắng người khác hiểu lầm, và cũng lo cho các “cám dỗ” của “nam nữ thọ thọ bất thân” theo lối Á đông, nên khi chúc bình an trong lễ mở tay, thay vì nói bình an với anh, với chị, ngài vừa ôm hôn vừa chào “Mỹ tí nhá.” Nghĩa là chúc bình an kiểu “hugging” là Mỹ thôi, chứ Việt không có vậy đâu!!! Tuy nhiên, không phải Đông-Tây không có điểm chung. Một điểm chung quan trọng cho cả Đông Tây là ảnh hưởng gia đình. Có lẽ vai trò gia đình quan trọng nhất cho nét hình thành nhân bản của mỗi người. Nơi gia đình cởi mở, hiếu khách, ân cần với tha nhân, nét nhân bản lộ rõ. Do đó tại sao các vị Giáo hòang thường nói rằng gia đình là nôi nuôi dưỡng ơn gọi và nuôi dưỡng con cái thành người. PPF chân thành nhìn nhận rằng với các ứng viên cứng cỏi, yêu mình quá độ, khó hòa đồng với xã hội, không tôn trọng thân xác mình, sợ hãi tính dục, mau nổi giận, chống lại quyền bính, mê thích vật chất, dễ nghiện ngập.. thì dù chương trình huấn luyện nhân bản có hay đến đâu chăng nữa, kết quả không tiến triển bao nhiêu.
Những thách đố nhân bản của đời linh mục
Có nhiều đối kháng trong cuộc đời và sứ vụ linh mục.
- Độc thân và Khiết tịnh. Trong khi trân quý bản năng tính dục như hồng ân Chúa ban, thì linh mục phải nhìn đến đời sống độc thân như sự kết hợp cao cả với Chúa và hy sinh cho tha nhân. Khi muốn chia sẻ cuộc sống với xã hội và với người khác, thì lại không được phép hòa nhập vào đời sống trần gian. Linh mục có bổn phận giảng về tình yêu, chủ sự các cuộc hôn nhân của tình yêu vợ chồng, nhưng không được sống tình yêu đó. Ngài phải biết và tôn trọng những khuynh hướng tình dục và tính dục để khuyên bảo và để giúp cho tha nhân hướng về Chúa, nhưng lại không có quyền sống những thử nghiệm này. Ngài phải biết yêu mọi người nhưng không được phép yêu một người.
- Nhập thế. Ngài cùng đồng hành với tha nhân, cùng chia sẻ buồn đau với họ nhưng hình như khó có thể định rõ biên giới của đồng hành như bằng hữu và đồng hành như chủ chiên. Là người, vị linh mục cần tình bạn. Nhưng thế nào là tình bạn? Dựa trên văn chương như bạn văn? Dựa trên bàn tiệc như bạn nhậu? Dựa trên tình hàng xóm với người ở gần nhà thờ? Hay dựa trên vai trò lúc giảng Thánh Kinh mà thôi? Nếu ngài chỉ sống trong giới hạn của bổn phận, thì đương nhiên người khác cũng sẽ giới hạn bổn phận khi giao tiếp với ngài. Còn nếu ngài thực sự cùng chia sẻ nỗi đau, thăng trầm trong đời sống của họ, thì họ cũng sẽ cùng sống chết với ngài. Đến đây, một thách đố khác xẩy ra, ngài có nên dấn thân, vào đời cách mãnh liệt, hoặc xã hội có đồng ý “cho phép” như vậy không? Trước năm 1975, một vài dòng tu tại miền Nam Việt Nam thử nghiệm chương trình vào đời cho các thầy. Kết quả chưa rõ vì sau năm 1975, kết quả bị gián đoạn.
Việt Nam chúng ta có lời ví von rất hay và rất thực tế “gần chùa gọi Bụt bằng anh.” Nếu linh mục sống tách biệt khỏi xã hội thì bị chê là sống trong tháp ngà, xa rời thực tế, không thông cảm các khổ cực và đau khổ của người khác. Nếu ngài sống gần gũi với dân thì dù là Bụt còn bị gọi là anh, huống chi con người. Vậy, đâu là chỗ đứng trung dung, đâu là vị thế tương hợp?
- Khó nghèo. Linh mục phải lo lắng cho tương lai của mình. Trên thực tế đã có những vị khi ra đi, việc an táng và nhà thương tùy thuộc vào lòng hảo tâm của người khác. Dân Việt chúng ta rất rộng rãi giúp đỡ các trường hợp trên, nhưng những thập niên kế tiếp, chắc gì còn dễ dàng thấy những lòng hảo tâm này? Linh mục không được thu tích của cải, ngược lại, cần biểu lộ tấm gương sống đơn giản và giúp đỡ người khác. Dĩ nhiên, với tâm tình phó thác, cần hoàn toàn trông cậy vào Chúa, thế nhưng, đâu là sự khôn ngoan cần thiết phải lo cho chính mình, nhất là khi có tuổi, về già? Phải hiểu thế nào với câu châm ngôn “Hãy giúp mình, Chúa sẽ giúp bạn sau.” Nhìn xa hơn, Thiên Chúa ban cho con người khả năng phát triển. Quốc gia Hoa kỳ tự hào vì Thượng đế ban cho nhiều tài nguyên thiên nhiên. Họ biết dùng sự khôn ngoan của con người –cũng là hồng ân Chúa ban- vào việc xử dụng tài nguyên thiên nhiên đó và trở thành cường quốc giầu mạnh nhất thế giới. Người da đỏ sở hữu những tài nguyên này hàng ngàn năm qua, nhưng không biết phát triển.” Vậy mình nên theo gương người da đỏ hay da trắng? Tại sao con người nói chung và các linh mục nói riêng không biết dùng khả năng Chúa ban vào việc phát triển của cải vật chất? Nhưng như thế, đâu là giá trị cần thiết của nhân đức thanh bần?
- Vâng phục. Cùng theo những suy luận trên, Chúa cho mỗi người một trí khôn ngoan và tài lãnh đạo. Trí khôn ngoan và tài lãnh đạo cộng với khả năng phán đoán đúng sai, quả thực là hồng ân vĩ đại nhất mà trong số mọi sinh vật, chỉ con người và thiên thần mới có. Tuy nhiên, linh mục là người nêu tấm gương vâng phục và phó thác. Dĩ nhiên, vâng phục và phó thác vào Thiên Chúa thì rất hợp lý, vì Thiên Chúa là đấng dựng nên con người, nhưng linh mục phải vâng phục và phó thác vào một thụ tạo khác, có khi chưa hẳn đã thông minh và khôn ngoan bằng mình, đồng thời phải tin tưởng rằng người đó được lựa chọn để hướng dẫn mình. Sự thách đố này có lẽ khó khăn nhất. Khó khăn không kém là phải tuân phục người mình không thích và không bầu chọn làm lãnh đạo. Trong đời sống linh mục, khả năng, khôn ngoan, trí hiểu biết phải nhường cho nhân đức khiêm nhường, vâng phục và phó thác.
- Thành công trong Mục Vụ. Bên cạnh đó, thành công trong việc mục vụ trở thành kẻ thù lớn. Nghe có vẻ hơi ngược đời. Phúc âm dậy dỗ môn đệ Chúa phải khiêm nhường; tuy nhiên, trong thiên chức, linh mục là người chịu thử thách về khiêm nhường hơn cả. Dân Chúa, kính trọng người đại diện Đức Kitô, người giúp mình lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích làm con Thiên Chúa, và bí tích lãnh nhận mình máu thánh Chúa, gọi vị linh mục là Cha. Đây là thói quen bên Âu Mỹ đã có từ lâu, khi áp dụng vào Á châu và Việt Nam, trở thành nguồn an ủi và cũng là cơn cám dỗ lớn. Đang từ “chức” chú trong tiểu chủng viện, đồng nghĩa với chú em, lên làm thầy, đồng nghĩa với thầy giáo dậy học. Từ thầy, sau ngày chịu chức, lên làm cha, ngang hàng với bậc phụ huynh trong gia đình. -Cũng nên nhắc nhở đặc tính văn hóa nơi đây. Người chủng sinh không được tiến chức vì lý do nào đó, bỗng dưng bị người chung quanh coi thường một cách oan uổng dù không làm gì sai trái-. Người Âu Mỹ khi gọi vị linh mục là cha biểu lộ yêu thương và quý mến hơn là đẳng cấp. Họ dùng các đại danh từ như “you và me” hoặc “vous và moi” là lối xưng hô bình thường sau chữ “father.” Việt Nam và nhiều nước Á châu, chịu văn hóa Khổng Mạnh với tam cương, ngũ thường, xác định, không chỉ giá trị, mà còn vị thế của người làm cha.
Cách gián tiếp, vị linh mục khi quen được gọi là cha, cách tích cực, phải hành xử cho đúng với cương vị của người cha hiền hậu và đáng kính. Tiêu cực, dễ bị cám dỗ, nghĩ rằng mình quyền thế và thông biết hơn người khác.
- Luật bù trừ. Các nhà tâm lý học nhắc nhở nhiều đến luật bù trừ và đến luật sinh tồn. Theo họ thì theo bản năng tự nhiên, con người, kể cả linh mục và tu sĩ dù của bất cứ tôn giáo nào đều bị chi phối bởi luật bù trừ. Luật bù trừ là gì? Đó là phản ứng tự nhiên của con người. Khi bị thiếu thốn hoặc bị cấm đoán ở một điểm, sẽ tìm cách giải tỏa hoặc giải khuây ở điểm khác. Từ suy luận trên, người ta thấy có vị tu hành nghiện rượu, mê coi thể thao quá độ, thích đi du lịch quá thường xuyên. Đôi khi các vị dồn mơ ước của mình vào danh giá và quyền hành, cho nên tuy từ bỏ mọi sự -ngay cả chính bản thân mình- nhưng khó khăn khi phải lìa xa một chức tước như chánh xứ, giám đốc là những vị thế không đáng so với sự từ bỏ chính đời sống của mình.
Luật sinh tồn
Thiên Chúa phú thác cho mỗi người bẩm tính truyền sinh. Ai nấy đều muốn trông thấy cuộc sống của mình nối dài nơi con cái, nơi công trình, sự nghiệp, hoặc muốn để tiếng ngàn thu cho hậu thế. Nếu quá chú tâm đến sinh tồn dù vật chất hay tinh thần, linh mục dễ bị ràng buộc vào một đam mê nào đó, dù đam mê ấy trong sạch và hữu ích thí dụ như dậy học, nghiên cứu, thực thi dự án, hệ thống, chương trình xã hội. Các vị trở thành công chức hoặc chuyên viên, và không hành xử sứ vụ cũng như mục vụ linh mục. Các văn bản mục vụ, thần học, thánh kinh của giáo hội trở thành thứ yếu so với mục tiêu chuyên môn.
Huấn luyện nhân bản
Để đạt được sự tự giác về nhân bản, trở thành một người biết lắng nghe tha nhân, trưởng thành tâm sinh lý, biết kính trọng, lo lắng trước hết cho bản thân mình, có thể liên hệ với người khác, cùng phái và khác phái, không coi thường người thiểu số, người di cư, người nghèo khổ, biết giá trị của đời sống hôn nhân cũng như độc thân, các vị có trách nhiệm trong chủng viện, nhìn nhận rằng chương trình huấn luyện thần học, thánh kinh và ngay cả mục vụ, chưa hoàn toàn trọn vẹn. Vị linh mục tương lai cần đến chương trình huấn luyện nhân bản cách cụ thể hơn nữa. Huấn luyện nhân bản cần thiết không chỉ cho chủng sinh mà còn cho linh mục.
Huấn luyện nhân bản sẽ giúp tu sĩ và linh mục hiểu biết và kính trọng thân xác như quà tặng Chúa ban. Sự phát triển tâm lý, thể lý và sinh lý của con người, nhu cầu của cả thân xác và tinh thần. Chúa sinh ra thân xác không phải để chúng ta hành hạ, nhưng để ca tụng Chúa. Vậy, nên hiểu thế nào về ăn chay, hãm mình, phạt xác? Trong cùng chiều hướng đó, đâu là giá trị của đời sống độc thân và đời sống gia đình? Nếu muốn sống độc thân trong cuộc đời linh mục, thì đâu là những phương cách, phương tiện giúp chúng ta? Tình bạn, tình yêu, cầu nguyện, linh hướng, khổ hạnh giúp nhân đức và lời khấn trinh khiết đến mức nào? Đâu là giá trị của suy niệm, của cầu nguyện, của những phương tiện tu đức?
Huấn luyện nhân bản cũng sẽ giúp linh mục tự chủ. Tự chủ không chỉ về phương diện tinh thần như làm thế nào đương đầu với cơn nóng giận, bực bội, đau khổ mà còn với vật chất. Về tự chủ và tự kiểm soát tinh thần, nhiều chủng viện từ lâu đã chú tâm đến chương trình CPE (Clinical Pastoral Education). Chương trình dành cho cả mục sư, linh mục và chủng sinh nhằm giúp các vị đối diện với tâm tình và cảm súc của mình khi giúp đỡ và giao tiếp với bệnh nhân trong nhà thương. Khi thấy người bệnh đau khổ, khi thấy họ sắp chết, mình có cùng chia sẻ cảm súc hay thờ ơ? Tại sao thờ ơ? Nếu cùng chia sẻ cảm súc với họ, chính mình có bị chán nản và suy nhược giống họ, giống gia đình họ?
Đào sâu chiều hướng nhân bản giúp cho vị linh mục không bỡ ngỡ và ngại ngùng khi cần đối diện với các thách đố của nội tâm chính mình cũng như khi giao tiếp với người khác. Vị linh mục không tự hào vì được gọi là Cha, là mục tử, là linh mục, nhưng tự tin khi biết rằng, sau khi đã hiểu biết các thách đố, đã so sánh và nhận ra rằng mình đã lựa chọn đúng. Biết mình đã lựa chọn đúng thì mới dễ tìm ra phương cách thích ứng sống lựa chọn của mình cách hạnh phúc và bình an. Nhiều giáo phận trong chương trình hậu huấn luyện, đã chú tâm cách mạnh mẽ, tổ chức các buổi huấn luyện cho linh mục phát triển thêm khía cạnh nhân bản.
Biết đâu là vấn đề, đâu là thách đố. Bước kế tiếp sẽ là sống thanh thản những lựa chọn này.