Giản đơn nhất khi ta nhìn thấy cái bàn hay cái ghế. Trên lý thuyết, người đóng bàn ghế được hướng dẫn rất tỉ mỉ về chiều dài, rộng, cao ... Rồi nào là mộng dương, mộng âm ... Rồi phần nào là dùng ghép lại với nhau bằng những cái mộng và phần nào nên đóng đinh để giữ độ bền cho bàn ghế cũng như nhìn cho có thẩm mỹ một tí.
Người bắt đầu bước vào nghề sẽ được dạy rất tỉ mỉ từ ông thầy. Thế nhưng đến khi đóng thì không phải ai cũng như ai rằng sẽ đóng được như ý mình muốn. Có khi phải tháo ra bào tới bào lui, bào xuôi bào ngược và thậm chí phải tháo ra đóng lại.
Với người chịu khó thì dần dần với thời gian và kinh nghiệm sẽ đóng được những cái bàn hay cái ghế vừa bền, vừa đẹp mà vừa chắc. Rõ ràng là trong thực tế khi đóng khác với những gì được học trong lý thuyết. Nói như thế, cần và rất cần phải có lý thuyết để thực hiện một bộ bàn ghế nhưng cũng cần và rất cần những kinh nghiệm trong thực tế để cho việc đóng bàn ghế ngày thêm đẹp và tốt hơn.
Đi xa hơn một chút, người nội trợ cũng cần phải được truyền đạt lý thuyết để nấu món này món kia cho người thân trong gia đình hưởng dùng. Thế nhưng, sau cái lần học lý thuyết đó mà đem vào thực hành thì dĩ nhiên sẽ không bao giờ được như ý muốn. Muốn món ăn được ngon thì phải có một thời gian đụng chạm với thực tế và tùy mỗi người gia giảm gia vị như thế nào đó để cho thức ăn do mình chế biến được ngon hơn và thu hút người dùng hơn.
Lại một lần nữa ta thây giữa lý thuyết và thực tế nó có một khoảng cách. Khoảng cách đó đôi khi không phải một ngày một bữa thì ta có thể áp dụng vào đúng với thực tế. Khoảng cách đó cần có thời gian, có kiên nhẫn, có cả chịu đựng và hy sinh mới có thể làm ra những món ăn ngon thật sự.
Nhắc đến chuyện lý thuyết và thực tế trong cuộc sống chắc có lẽ có ngàn ngàn chuyện bởi vì cuộc sống muôn màu muôn vẻ và cái gì cũng đụng thực tế mới biết được.
Nhớ lại có hai cha kia khá thân với nhau, ngồi chung mâm cơm với nhau trong thời gian khá dài. Một cha thì lo cho thiếu nhi, cha còn lại thì lo cho người lớn - cách riêng về hôn nhân gia đình.
Vào bàn cơm thì ngoài chương trình thời sự Giáo Hội, Xã Hội ra thì hai cha luôn luôn có những chia sẻ về những công việc mục vụ mà các ngài đang phục vụ.
Chẳng cha nào nhường cha nào, bởi lẽ cha lo hôn nhân thì bảo rằng anh lo thiếu nhi là anh lo cái ngọn. Nếu anh muốn lo cho đời sống gia đình thì anh phải lo từ đời sống hôn nhân của bố mẹ để cho bố mẹ sinh ra những đứa con ngoan - cha lo hôn nhân thường lý luận như thế.
Cha lo thiếu nhi thì ngược lại, cha bảo rằng anh lo hôn nhân không được. Nếu anh muốn lo cho hôn nhân thì anh phải lo cho thiếu nhi vì thiếu nhi tốt thì khi lớn lên nó mới tốt và khi đó nó bước vào đời sống hôn nhân gia đình tốt.
Chẳng cha nào chịu cha nào bởi lý lẽ cha nào cũng cho mình là đúng.
Một hôm, giờ lễ thiếu nhi, có việc đi ngang, cha lo hôn nhân lẩm bẩm "lý thuyết".
Đến giờ cơm, cha lo hôn nhân vẫn cố chọc cha lo thiếu nhi : "lý thuyết !".
Câu chuyện hôn nhân và thiếu nhi vẫn là câu chuyện dài nhiều tập, được đưa ra bàn cơm để bàn thảo mỗi khi có dịp, bởi lẽ sau này hai cha không còn có duyên ngồi chung mâm với nhau nữa.
Câu chuyện "lý thuyết" mà cha lo hôn nhân trêu cha lo thiếu nhi, vẫn được lưu truyền và như là câu chuyện vui trên bàn cơm được anh em truyền lại.
Là câu đùa "lý thuyết" nhưng khi suy nghĩ cũng đáng để suy nghĩ lắm. Bởi lẽ, giữa cái lý thuyết mà mình nói ra, thì dường như rất dễ nói, nhưng trong thực tế của cuộc sống, không phải là chuyện giản đơn.
Kinh nghiệm nhỏ nhoi khi còn giúp giáo lý hôn nhân cho các bạn trẻ. Hội Thánh dạy, giáo lý của Hội Thánh chỉ bảo những gì được làm và không được làm trong đời sống hôn nhân, cách riêng trong phần luân lý tính dục. Dĩ nhiên, thầy hay cha hay sơ hay giáo lý viên đứng lớp sẽ chỉ có một cách duy nhất là trình bày phần lý thuyết mà Giáo Hội cho phép. Thế nhưng, nhiều trường hợp hỏi một câu làm những người đứng lớp cũng khó nghĩ : "Thầy đâu có sống đời sống hôn nhân gia đình như tụi con đâu mà thầy biết !".
Câu nói đó nghe cũng thấm thấm ! Mình đứng lớp mình nói, mình dạy rất hay nhưng trong thực tế đời sống hôn nhân gia đình và đặc biệt của các gia đình trẻ ngày hôm nay, không còn là vấn đề đơn giản.
Và như thế, trong cuộc sống, ta có thể thấy lý thuyết và nói lý thuyết rất hay, nhưng thực tế không như thế.
Đã hơn một lần, Chúa Giêsu nói thẳng về những người biệt phái, pharisêu là đồ cái thứ đạo đức giả, đồ cái thứ mồ mả tô vôi, đặt nặng trên vai người khác nhưng không bao giờ đưa ngón tay lay thử ...
Nghe xong thì không thấy gì, nhưng suy nghĩ thêm một tý cũng đau lắm chứ ! Người mà Chúa Giêsu lại ví như mồ mả tô vôi !
Tại sao Chúa Giêsu lại nói thế với họ ? Bởi lẽ những người đó nói rất hay, nhưng họ làm hoàn toàn ngược lại. Và, Chúa Giêsu cũng đã nhắc các môn đệ rằng, hãy nghe những gì họ nói chứ đừng nhìn vào việc họ làm.
Nhìn lại thực tế đời sống, đôi khi ta nói cực hay, ta nói không ai có thể nói lại ta, bởi lẽ cái lý cái lẽ của ta không ai có thể bắt bẻ được. Và, đôi khi cái đạo mạo, đạo đức, cái dung mạo bên ngoài của ta làm cho nhiều người phải khiếp sợ. Thế nhưng, trong thực tế, giữa những lời ta giáo huấn, những lời ta dạy dỗ, ta có sống hay ta cũng chỉ là những thanh la phèng phèng kêu thật to, nhưng ta không có sống.
Vẫn còn đó những khó khăn thực tại, bởi con người vẫn là con người mỏng dòn và yếu đuối. Và cái thực tế mà không ai phủ nhận được, đó là khoảng cách từ cái miệng đến đôi bàn tay là khoảng cách xa vời vợi.
Xin Chúa ban thêm ơn cho ta để ngày mỗi ngày, ta dám sống những điều ta nói, và ta làm những điều mà ta dạy người khác, chứ đừng chỉ là nói lý thuyết suông hay những lời sáo ngữ.
Tác giả bài viết: Anmai, CSsR
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn