André Rieu là một nghệ sĩ vĩ cầm đồng thời là nhạc trưởng người Hà Lan, mà sự nghiệp cống hiến trọn vẹn cho điệu nhảy valse, đã luôn có những buổi diễn vòng quanh thế giới với số lượng khán giả khổng lồ. Không chỉ thế, điều đặc biệt nhất ở hầu hết buổi diễn của ông là thói quen xếp ghế lại để cùng tay trong tay khiêu vũ bên nhau giữa các lối đi của người hâm mộ.
Trong một lần phỏng vấn với Reuters, Andre nói: “Tôi chưa khi nào yêu cầu khán giả khiêu vũ giữa các lối đi như thế, nhưng họ đã làm vì họ cảm thấy niềm vui từ điều ấy. Mọi người thường hỏi liệu tôi có bị phân tâm khi khán giả khiêu vũ lúc đang chơi bản Dòng sông Danube xanh? Câu trả lời là hoàn toàn không. Thật tuyệt khi sự việc trở nên sống động như vậy. Thường thì khi tôi chơi một bản valse, hầu hết khán giả bắt đầu đứng lên cùng nhảy và mỉm cười thích thú”.
Andre Rieu và dàn nhạc giao hưởng Johann Strauss của ông đã làm nên điều kỳ diệu với bản Second Waltz.
Pierre, người con trai 31 tuổi của ông Andre, hiện đang trông coi mảng sản xuất của các buổi trình diễn cho biết: “Tại hầu hết các quốc gia, đặc biệt là ở Anh, khán giả sẽ vẫn tiếp tục vỗ tay cho đến khi thành viên cuối cùng của dàn nhạc ngồi xuống”.
“Âm nhạc có thể trị bệnh”, Pierre nói thêm. “Chúng tôi có nhiều trải nghiệm khi khán giả đến phải ngồi xe lăn nhưng trong buổi biểu diễn họ đã có thể đứng lên và đi lại. Các bác sĩ nói với tôi: ‘Chúng tôi ở bệnh viện là để giúp đỡ những bệnh nhân này, còn các ông đến với chiếc đĩa DVD của mình và họ không cần chúng tôi nữa!’ Tôi nhận được những bức thư gửi đến mỗi ngày, tôi nghe chuyện này rất thường xuyên. Họ nói họ cảm thấy hạnh phúc hơn, gương mặt của họ bừng sáng lên sau buổi trình diễn”.
Andre có một quy tắc là: Không ai được phép tháo dỡ sân khấu cho đến khi người hâm mộ cuối cùng rời khỏi tòa nhà, ông nói: ”Chúng không muốn phá vỡ điều kỳ diệu ấy”.
Một khán giả khác là Mary, mẹ của cô đã 87 tuổi có lẽ là người hâm mộ lớn nhất của Andre, chia sẻ: “Chúng tôi chỉ xem buổi hòa nhạc Giáng sinh của ông ấy trên Sky Arts, và ông đã cho mẹ tôi một cảm giác mãn nguyện. Bà ấy bị chứng mất trí, nhưng bà đã hát theo điệu nhạc. Ông đã mang lại điều tốt lành nhất cho mẹ tôi”.
André Rieu là con thứ ba trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, cha là một nhạc trưởng chuyên nghiệp. Ông sinh tháng 10/1949 ở Amsterdam, Hà Lan và bắt đầu học vĩ cầm từ khi lên 5. Tài năng của André đã liên tục phát triển và dẫn dắt ông lên các bậc học cao hơn ở Nhạc viện hoàng gia tại Liège và sau đó là ở Maastricht khi gia đình ông chuyển đến đây sinh sống.
Trong khoảng thời gian rèn giũa tại Học viện âm nhạc ở Brussels (1974-1977), ông đã có buổi trình diễn tác phẩm Gold and silver waltz của nhà soạn nhạc người Áo gốc Hungary Franz Lehár. Buổi diễn đã nhận được rất nhiều khen ngợi và cổ vũ của khán thính giả, để từ đó Rieu quyết định sẽ chuyên tâm trình diễn các tác phẩm valse.
Đến năm 1978 ông thành lập dàn nhạc giao hưởng đầu tiên của mình Maastricht Salon Orchestra. Dàn nhạc đã có nhiều chuyến lưu diễn ở Hà Lan, Cộng hòa liên bang Đức và cả Hoa Kỳ.
Năm 1987, André tiến gần hơn đến mục tiêu lớn nhất của ông là chuyên nhạc valse qua việc lấy tên ông hoàng của điệu valse Johann Strauss để đặt tên cho dàn nhạc mới Johann Strauss Orchestra. Thuở mới thành lập dàn nhạc chỉ có 12 thành viên, song ngày nay biên chế chính thức đã là 50, chưa kể các nhạc sĩ và ca sĩ khách mời.
Trong danh sách các nghệ sĩ lưu diễn thành công nhất thế giới năm 2008 của Pollstar thì André đứng hạng 8 với doanh thu 76,9 triệu USD. Điều này thật đáng nể vì ông không diễn dòng nhạc thị trường, vốn là dòng nhạc dễ dàng đem lại một lượng khán giả lớn hơn nhiều so với dòng nhạc bác học.
Album F-rom Holland with love phát hành năm 1994 ở Hà Lan đã gặt hái được thành công ít người ngờ đến: là xúc tác làm dậy lên làn sóng yêu nhạc valse ở một quốc gia nhỏ bé Hà Lan. “CD ấy thật sự là một đột phá đối với tôi. Một trong những tác phẩm có trong CD là Second waltz, một bản valse rất giàu hình ảnh”, André hồi tưởng.
Sự thật thì nó có tên Waltz No. 2 lấy từ Tổ khúc Jazz No. 2 của Dmitry Shostakovich, nhưng nó sẽ không bao giờ thành một hit nếu vẫn giữ nguyên cái tên ấy. Thế là Marjorie, người bạn đời và là tình yêu vĩ đại của André, đã đổi nó thành Second waltz và chuyện tiếp theo đã diễn ra như hiện thấy. F-rom Holland with love mau chóng đứng đầu top 100 ở Hà Lan. Hơn thế, album còn đứng trong top 10 trong hơn một năm.
Một năm sau đó, trong một trận đấu bóng đá quốc tế diễn ra ở sân vận động Amsterdam, Second waltz đã được tấu lên ở những phút giải lao giữa hai hiệp đấu. Tất cả người hâm mộ bóng đá cùng lắc lư, ngân nga theo kể cả những khán giả theo dõi qua màn ảnh nhỏ.
Đến năm 1996, với album The Vienna I love và album thu trực tiếp In concert, André Rieu chính thức được giới truyền thông và các nhà phê bình phong là “Ông hoàng mới của valse – Modern king of waltz”.
Một lần nữa, các bảng xếp hạng ở nhiều quốc gia đã phải nghiêng mình chào đón ông, kể cả việc vì vậy mà phải “hắt hủi” một trong những tượng đài lớn của làng âm nhạc thế giới là Madonna. Cùng năm này André Rieu được trao Giải thưởng âm nhạc thế giới (World Music Award) ở Monte Carlo.
Thành công của André không chỉ gói gọn ở thị trường âm nhạc châu Âu. Năm 2001, ông và dàn nhạc đã có tour diễn thăm dò thị trường châu Á với điểm đến đầu tiên là Nhật. Album Dreaming, kết quả của chuyến lưu diễn, đã là một thành công lớn. Đến năm 2003, ông trở lại Nhật và lần này mở rộng ra 17 buổi diễn ở 11 thành phố khác nhau.
Khi được hỏi ông nghĩ thế nào về việc nghỉ hưu, André nói: “Tôi sẽ tiếp tục như thế này, đi khắp thế giới trong suốt quãng đời còn lại”.
“Tuy nhiên lịch trình biểu diễn gần như ở một thành phố khác nhau mỗi đêm, liệu ông vẫn phải luyện tập?” – “Tất nhiên!”, ông đáp.
Tác giả bài viết: Van Nguyen Thanh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn