Cậu cảm thấy vô cùng bối rối, chưa nghĩ ra được cách nào để tránh bị phạt, thì bỗng nghe tiếng bước chân của người thầy tới gần.
Ikkyu cầm những mảnh cốc vỡ giấu sau lưng mình. Chờ đến khi thầy bước tới, Ikkyu ngay lập tức hỏi thầy: “Thưa thầy, tại sao người ta phải chết ạ?”.
“Điều này là lẽ tự nhiên”, người thầy giải thích – “tất cả mọi thứ phải chết chỉ vì đã sống quá lâu”.
Ikkyu, lúc này mới đưa chiếc tách vỡ ra, và nói với thầy: “Vậy là, đã đến lúc chiếc tách cổ của thầy phải chết”.
Câu chuyện từ thuở bé của vị thiền sư để lại nhiều chiêm nghiệm cho người đọc. Mọi sự đến rồi đi, không thể cưỡng cầu hay chiếm đoạt.
Có thứ đồ vô cùng quý giá đến ngày cũng phải mất đi, có người ta yêu thương hết mực đến khi cũng không còn ở bên ta được nữa. Mọi sự đến rồi đi như lẽ tự nhiên, con người hiểu và chấp nhận lẽ đó thì sẽ tránh được hụt hẫng hay rơi vào hố sâu buồn tủi, tiếc nuối trong đời.
Một chuyến phiêu lưu
Ngày kia, khi đang thực hiện chuyến du ngoạn đến một khu rừng rậm, người đàn ông nọ không may gặp phải một con hổ vô cùng hung dữ. Anh ta chạy bán sống bán chết để thoát thân, nhưng cuối cùng lại tiến sát mép vách đá cao.
Tuyệt vọng, anh đánh liều nhảy xuống, bám được vào một cành nho và treo mình lơ lửng trên vách đá. Khi đó, bỗng có hai chú chuột chui ra từ một lỗ nhỏ trong vách đá và bắt đầu gặm nhấm cây nho.
Cũng chính lúc này, người đàn ông mới để ý trên cây nho có một cây dâu tây dại sum suê quả. Anh ta hái một chùm dâu và ngay lập tức cho vào miệng. Chưa bao giờ trong đời anh được ăn những trái dâu ngon như vậy trước đây!
Người ta thường nói: chỉ đến khi nhìn thấy sự hữu hạn của cuộc đời mình, con người mới thực sự sống và tận hưởng từng phút giây được sống.
Như người đàn ông trong câu chuyện, nếu không gặp con hổ hung dữ, nếu không bị treo ngược trên cành cây nhỏ bé giữa vách núi cheo leo, có thể chẳng bao giờ anh cảm nhận được vị của một chùm dâu tây dại lại ngon đến vậy.
Sống và cảm nhận hạnh phúc trong mỗi phút giây đang sống, tìm thấy niềm vui từ những điều nhỏ nhất, thậm chí ngay cả trong nỗi khó khăn, thực hành được điều ấy, chẳng phải ta đang làm đúng điều Phật dạy đó sao?
Ngày nọ, có một Phật tử trẻ tuổi trên hành trình của mình phải vượt qua một khúc sông rộng, nước quanh năm chảy xiết. Ái ngại nhìn chướng ngại vật phía trước, anh suy nghĩ về việc làm thế nào sang được tới bờ bên kia.
Nhiều giờ liền trôi qua, ngay khi anh ta sắp từ bỏ thì bỗng nhìn thấy một vị thiền sư ở bờ bên kia của con sông.
Người Phật tử trẻ tuổi hét lớn hỏi: “Thiền sư, ngài có thể cho tôi biết làm thế nào để đi tới được bờ bên kia của con sông này?”.
Vị thiền sư ngẫm trong giây lát trong khi nhìn dòng sông chảy xiết và đáp: “Con trai, con đang ở sẵn bờ bên kia rồi đó“.
Câu chuyện về bờ sông rộng cũng giống như những khó khăn mà ta gặp phải trong cuộc sống này. Đôi khi, trong khó khăn, thậm chí ngay cả trong đời sống thường nhật, con người thường hay so sánh cuộc đời mình với người khác, mong ước được như người khác và tự than vãn thương xót bản thân mình.
Nhưng nếu đứng ở góc cạnh khác, như đứng ở bờ bên kia của con sông nhìn lại, thì tất cả khó khăn thực sự chỉ giống như cuộc sống luôn luôn phải chảy trôi, vượt qua thử thách này, sẽ có những ngọt ngào và cả thử thách khác đang chờ ta đối mặt.
Vậy nên, cuộc đời mà bạn đang có và đôi khi thấy chán nản thực lại là ước mong của bao người khác. Hiểu được điều đó để tận hưởng trọn vẹn mỗi phút giây mà cuộc đời đang ban tặng.
Sưu tầm
Hà Hạo Nhược thăm Albert Einstein
Hà Hạo Nhược: Tôi nghe nói vào thời trẻ, ông không tin vào thượng đế, điều này có thật không? Bây giờ thì sao?
Albert Einstein: Đúng là khi tôi còn trẻ hoàn toàn không tin thượng đế, nhưng bây giờ cảm nhận được thượng đế thật sự tồn tại, hơn nữa tín niệm này càng ngày càng được củng cố.
Hà Hạo Nhược: Mọi người đều nhìn nhận ông là một đại khoa học gia, lời nói ra đều phải có căn cứ, ông nói ông rất tin là thượng đế tồn tại, vậy ông dựa trên cái gì mà nói thế?
Albert Einstein: Trước khi trả lời câu hỏi này của ông, tôi xin hỏi ông vài điều, ông có biết tách trà trên bàn này là do ai đặt ở đây không?
Hà Hạo Nhược: Là do ông đặt.
Albert Einstein: Đúng rồi, bởi khi ông đến, tôi mới đem tách trà này đặt trên bàn. Vậy thì tôi hỏi ông, các vì sao và vầng trăng sáng trên trời kia là do ai bày đặt ra? Vũ trụ có hằng hà sa số mặt trời, mặt trăng và ngôi sao, từ trước đến giờ đều vận hành theo một quỹ đạo không đổi, vĩnh cửu bất biến, chu kì chuyển động theo thời gian cũng không sai một li, hơn nữa lại không hề va chạm vào nhau… Xin hỏi nếu truy xét cho đến tận cùng thì ai là người sắp đặt, thiết kế, an bài mọi thứ?
Tôi lại hỏi ông một điều nữa, nếu như ông đến thám hiểm một hoang đảo, khi đó trên bờ cát tại đảo hoang, ông ngẫu nhiên nhặt được một cái đồng hồ đeo tay, rồi giả sử nó lại là khối tròn vỏ thiết, với nhiều bánh răng lớn nhỏ vận hành ăn khớp, lại có cả dây truyền động cùng mặt thủy tinh vừa vặn, và cứ cho là cái đồng hồ này chạy đúng giờ hiện tại, vậy ông có kết luận chiếc đồng hồ này là tạo tác ngẫu nhiên của tự nhiên hay không?
Hà Hạo Nhược: Đương nhiên là không rồi.
Albert Einstein: Tôi cũng nghĩ ông sẽ không vô tư cho rằng đây là kiệt tác của thiên nhiên, mà hiển nhiên sẽ nhận thức rằng cái đồng hồ này là tạo tác của con người, đúng không? Ấy vậy, nhưng con người có khi cũng rất mâu thuẫn, khi họ thường xuyên thấy chiếc đồng hồ càng ngày càng phức tạp và ảo diệu, thì họ lại càng cho rằng đằng sau ắt có điều gì đó thần kì, từ đó cho rằng cái vật này là sáng tạo ngẫu nhiên của thiên nhiên, và đó lại trở thành một kết quả “đương nhiên”.
Nhưng mà, con chim bồ câu kia, giữa biển cả mênh mông, chỉ một cái vỗ cánh thẳng tiến là có thể trở về tổ của mình, vậy tôi hỏi ông ai đã giúp nó đặt một chiếc la bàn định hướng chuẩn xác đến thế? Một con dơi dẫu có bịt kín mắt nó trong đêm tối, nó cũng có thể bắt được muỗi, hơn nữa bay nhảy không va phải tường vách hay thân cây, thế thì xin hỏi ai đã gắn cho nó một cái ra-đa định vị tài tình đến thế?
Tôi lấy ngay thân thể con người làm ví dụ, chúng ta ai cũng biết con mắt người có kết cấu phức tạp đạt trình độ vô cùng xảo diệu, so với chiếc máy ảnh tốt nhất thì vượt trên cả ngàn lần, một con muỗi đập cánh mỗi giây cũng đã trên 300 lần. Ông nghĩ mà xem, hết thảy các hiện tượng như thế, chúng ta chỉ có thể dùng mỗi câu “ngẫu nhiên sinh ra” mà lý giải được sao?
Thoạt nhìn vào thiên nhiên, chúng ta cơ hồ sẽ cảm thấy nó rất phức tạp, nhưng cẩn thận quan sát một chút sẽ phát hiện rằng mọi thứ vận động vô cùng hài hòa, vô cùng trật tự. Do đó, thiên nhiên có thể duy trì sự cân đối, không ngừng sinh sôi. Hết thảy những điều này ắt phải nằm dưới sự sắp đặt và khống chế của một trí tuệ tối cao. Nó giống như quân đội lúc chinh chiến, nhất loạt hành động đều phải có mệnh lệnh từ người chỉ huy tối cao. Chỉ có như thế thì thiên quân vạn mã mới có thể đồng lòng, cùng thực hiện chung một mục tiêu, như thế mới có cơ hội thắng lợi. Đạo lý là vậy đó.
Con người đối với sự việc trước mắt, cảm giác vô cùng mâu thuẫn, bởi họ có thể nhìn rõ sự việc, có thể quan sát được phần nào hiện tượng, nhưng lại không thể nhìn thấu quy luật tổng thể. Điều này không thể không nói đó là sự tình vô cùng đáng tiếc.
Phỏng vấn Thomas Edison
Phóng viên: Xin hỏi ngài, cả đời ngài đã có được hàng ngàn phát minh, vậy phát minh nào được ngài cho là vĩ đại nhất.
Edison: Thật tình xin lỗi, những thứ tôi phát minh ra, không có cái nào là vĩ đại cả.
Phóng viên: Những phát minh của ngài khiến người ta vô cùng kinh ngạc và ngưỡng mộ. Ví như chiếc máy phát điện và bóng đèn điện do ngài phát minh ra, đã mang đến cho nhân loại ánh sáng và hy vọng. Ngài còn phát minh ra được máy quay phim cùng máy hát, có thể ghi lại cuộc sống sinh hoạt của con người rồi hiển thị lên một màn hình nhỏ, thu lấy âm thanh con người phát ra rồi truyền đi nơi khác. Đó chẳng phải là những phát minh vô cùng vĩ đại hay sao?
Edison: Thật tình xin lỗi, những cái đó cũng không phải là phát minh vĩ đại.
Phóng viên: Như vậy, theo góc nhìn của ngài, thì đâu mới là phát minh vĩ đại.
Edison: Anh bạn này, anh từ trước tới nay có từng nghĩ tới điều này chưa, nhân loại chúng ta, cho tới giờ vẫn chưa có cách nào từ trong bùn đất mà chế tạo ra một hạt mầm nhỏ màu xanh. Hơn nữa, hạt mầm nhỏ này sẽ không những không ngừng lớn lên mà còn phát triển mạnh mẽ, đâm chồi nảy lộc, rồi còn có thể nở ra được những đóa hoa tươi thắm, khi hoa héo tàn thì lại kết thành quả ngọt. Điều khiến tôi kinh ngạc nhất nữa là, cái máy tạo ra được điều này lại chẳng hề phát ra thứ âm thanh ồn ào nào.
Vì vậy, tôi cảm thấy phát minh vĩ đại nhất không phải là máy móc do con người tạo ra, mà là kiệt tác của thượng đế: Một mầm non nho nhỏ.
Nguồn tin: Hàn Mai biên dịch
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn