Tiếng ngáy làm tôi yên tâm.

Thứ tư - 29/03/2017 09:03

Tiếng ngáy làm tôi yên tâm.

Tháng này tôi phải tiễn chân 4 người bạn về bên kia thế giới. Những người bạn thân thiết đã một thời quen biết già có, trẻ có cứ lần lượt bỏ tôi đi khiến dù muốn hay dù không tôi cũng phải suy nghĩ về thân phận của mình.
Nghĩ đến lúc mình phải từ giã cõi đời cũng thấy nao nao và có cái gì xao xuyến. Nhưng nếu là số phận thì biết làm sao, chi bằng nhìn vào cuộc đời để rút ra một vài điều bổ ích cho cuộc sống. Sống tốt để sau khi nằm xuống khỏi hối hận.
 
Suy nghĩ vẩn vơ, tôi chợt nhớ ra câu truyện được kể trong một Khóa Nazareth. Thuyết trình viên kể rằng, trước đây bà thường dành 1 hoặc 2 tháng xa nhà để trông nom cho các con bà sau khi sinh nở. Nhưng gần đây bà chỉ dành 1 hoặc 2 tuần cho các con trong những trường hợp như vậy. Các con bà có hỏi tại sao, thì bà trả lời: “Má nghĩ đã đến lúc má cần dành nhiều thời gian cho ba các con. Ba các con lúc này mới thật sự cần má. Miếng cơm manh áo của ba, giấc ngủ và sức khỏe của ba luôn luôn là điều mà má phải quan tâm. Ba má nay đã cao tuổi, thời gian còn ở với nhau được bao lâu, nên má thấy cần ba, và ba cũng cần má.”
 
Đúng vậy, câu trả lời của bà rất ý nghĩa và đánh động tôi rất nhiều. Và nghĩ đến điều này tôi càng thấy thương cho các cặp vợ chồng trẻ mà không hiểu sao họ lại coi nhau như cỏ rác, như kẻ thù, và như những tạo vật đáng ghét. Cãi vã, chửi rủa, và làm cho nhau đau lòng là những chuyện thường ngày xảy ra mà họ không hề để ý quan tâm tới. Nhưng sẽ có một ngày mà nếu không nghĩ lại, họ sẽ hối hận rất nhiều.
 
Cũng một câu truyện trong nhiều câu truyện mà tôi vẫn nghe về đời sống hôn nhân, về những khó chịu, về những hiểu lầm, về những xích mích giữa vợ chồng. Nhưng trong những cái làm cho nhau khó chịu ấy, lần này tôi được nghe một nhận xét tích cực, và xây dựng. Truyện do một người vợ trẻ kể lại:
 
“Tôi thường ngày rất khó chịu và hay cằn nhằn chồng tôi vì anh có cái tật ngủ ngáy to. Bình thường thì cũng không đến nỗi nào, nhưng những đêm mất ngủ thì tiếng gáy của anh là một tra tấn dã man đối với người mất ngủ như tôi. Những đêm như vậy tôi khó chịu và ghét anh vô cùng. Nhưng gần đây thì tôi không còn thù ghét tiếng ngáy đó nữa, mà ngược lại, bất cứ lúc nào thức giấc ban đêm mà tôi không nghe tiếng gáy đó là tim tôi đập thình thịch, và ngớ ngẩn suy nghĩ không biết chuyện gì xẩy ra cho anh.
 
Thời gian gần đây tôi thường bị lo lắng, hốt hoảng, và sợ hãi. Chuyện lớn, chuyện nhỏ, chuyện quan trọng, chuyện tầm thường, chuyện trong nhà, chuyện ngoài ngõ hễ cái gì đập vào mắt tôi, lọt vào lỗ tai tôi đều làm cho tôi suy nghĩ và lo lắng. Tôi trở thành mất ăn, mất ngủ, và mất hết nghị lực để sống.
Nhưng người mà phải gánh chịu mọi dằn vặt, kêu ca, cằn nhằn, khó chịu từ tôi đó chính là chồng tôi.
Tôi đã được khuyến khích đi gặp những bác sỹ chuyên môn và uống những thứ thuốc đắt tiền, nhưng cũng chẳng giúp gì ngoại trừ tôi phải trút đổ trên đầu chồng tôi hết mọi thứ lo lắng, bực bội trong tôi, họa may tôi mới được nhẹ nhõm một chút.
Thì ra, chồng tôi chính là cái thùng rác để tôi trút bỏ mọi thứ ngổn ngang trong cuộc sống vào đó.
Cho đến một ngày tôi bừng nhận ra tôi đã gây đau khổ cho chồng tôi quá nhiều. Tôi hối hận, và tôi cảm thấy hết sức lo lắng.
Tôi lo lắng cho sức khỏe của anh cũng như tôi đang lo lắng cho chính mình. Tôi sợ rằng điều mà tôi gây ra cho anh sẽ làm anh sớm bỏ tôi hơn là do căn bệnh quái ác của tôi khiến cho tôi phải bỏ lại anh. Tôi vẫn thường nghe nói, những người chăm sóc cho người bệnh thường lại chết trước người bệnh. Và điều này khiến tôi chợt tỉnh. Nó giúp tôi từ từ bình phục cùng với sự giúp đỡ, thương yêu và lo lắng của người chồng rất mực yêu thương tôi.
 
Cũng từ đó, mỗi đêm tôi đều ôm sát lấy anh dù là trong giấc ngủ vì sợ rằng anh sẽ vuột mất. Nhất là mỗi đêm tôi phải để ý, nghe ngóng từng hơi thở, tiếng ngáy của anh. Tiếng ngáy của anh lúc này đối với tôi có một ý nghĩa rất tuyệt vời. Nó bảo tôi rằng anh hãy còn khỏe mạnh, đang ngủ say bên tôi, và vẫn còn đang sống với tôi. Tiếng ngáy làm tôi yên tâm. Làm tôi thấy hạnh phúc”.
 
Có những mối tình già mà người này không thể quên săn sóc cho người kia. Có những mối tình trẻ mà tiếng ngáy đã có lần làm khó chịu nhưng bỗng trở nên âm thanh mang lại hạnh phúc cho nhau.
Cái đó gọi là tình yêu. Là quan tâm và lo lắng cho nhau.
Là vợ chồng, và là một xương một thịt. Còn gì trên đời đáng yêu, đáng quí, và đáng gìn giữ hơn người chồng, người vợ. Nhưng cũng không biết trên đời có bao nhiêu người đã khám phá, tiếp tục khám phá và trân quí món quà thiêng liêng nhưng cũng rất vật chất này? Hay phải chăng phải đợi đến khi không còn thấy mặt nhau, nghe tiếng nhau, nghe tiếng ngáy của nhau mới hốt hoảng, mới đau khổ đi tìm.  
Có tốt với tôi thì tốt với tôi bây giờ 
Đừng đợi ngày mai đến lúc tôi xa người
Đừng đợi ngày mai đến khi tôi phải ra đi
Ôi muộn làm sao nói lời tạ ơn
 
Nếu có bao dung thì hãy bao dung bây giờ 
Đừng đợi ngày mai đến lúc tôi xa đời
Đừng đợi ngày mai biết đâu tôi nằm im hơi
Tôi chẳng làm sao tạ lỗi cùng người
 
Có nhớ thương tôi thì đến với tôi bây giờ 
Đừng đợi ngày mai lúc mắt tôi khép lại
Đừng đợi ngày mai có khi tôi đành xuôi tay
Trôi dạt về đâu, chốn nào tựa nương
 
Nếu có yêu tôi thì hãy yêu tôi bây giờ 
Đừng đợi ngày mai đến lúc tôi qua đời
Đừng đợi ngày mai đến khi tôi thành mây khói
Cát bụi làm sao mà biết lụy người.”
 
Tiếng hát của ai đó qua nhạc phẩm “Nếu Có Yêu Tôi” của Trần Duy Đức vang vọng trong đêm khuya như âm vang tiếng ngáy của người chồng trẻ. Tiếng gáy mà theo vợ anh là “Tiếng ngáy làm tôi yên tâm. Làm tôi thấy hạnh phúc”.
Cũng như thức tỉnh cái nhìn của những cặp vợ chồng sau những năm dài chung sống:
“Ba má nay đã cao tuổi, thời gian còn ở với nhau được bao lâu,nên má thấy cần ba, và ba cũng cần má.”
 
Đúng vậy, hạnh phúc luôn ở bên ta, quanh quẩn bên ta trong người chồng, người vợ mà hàng ngày gặp gỡ, chỉ cần ta :
thay đổi thái độ,
thay đổi cái nhìn,
và thay đổi lại phán đoán về người đó.

Tác giả bài viết: Trần Mỹ Duyệt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập920
  • Hôm nay12,313
  • Tháng hiện tại282,210
  • Tổng lượt truy cập36,336,765
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây