Hoa Tình Thươnghttps://hoatinhthuong.net/assets/images/logo.png
Chủ nhật - 24/09/2023 01:04
Địa ngục khác thiên đường ở một điểm duy nhất, đó là nó có sự thống trị của lòng tham và sự ích kỷ. Hai điều này sẽ dẫn đến vô số những rắc rối và bất hạnh. Tại sao lại làm ra những chén trà dễ vỡ ? Có lần, một học trò hỏi thiền sư Suzuki Roshi rằng tại sao người Nhật thích uống trà mà lại làm ra những chiếc chén uống trà mỏng manh dễ vỡ như vậy, chẳng phải là khó dùng sao. Suzuki đã điềm tĩnh trả lời rằng: "Vấn đề không nằm ở cái chén mỏng manh ấy, mà là ở tay người sử dụng nó. Ta phải điều chỉnh bản thân theo môi trường, chứ không phải ngược lại". Địa ngục và thiên đường khác nhau như thế nào ? Có lần, một người lại hỏi thiền sư Suzuki rằng, địa ngục và thiên đường chắc hẳn là khác nhau một trời một vực phải không? Trái với câu trả lời mong đợi của người này, Suzuki trả lời rằng, về cơ bản thì thiên đường và địa ngục không có gì khác nhau, khiến anh ta vô cùng ngạc nhiên, mới hỏi lại rằng "Sao có thể như thế?" "Tôi nghĩ, thiên đường hẳn là nơi đẹp đẽ, sung sướng mà ta muốn gì được nấy, còn ở địa ngục vừa tăm tối, vừa bị quỷ dữ tra tấn dã man chứ ?", anh ta thắc mắc. Suzuki viện dẫn một câu chuyện dân gian của Trung Quốc, nói rằng thực ra ở thiên đường và địa ngục, mọi người đều ngồi ăn cơm quanh một chiếc bàn, phải dùng một đôi đũa thật dài để gắp thức ăn. Trên bàn là cơ man nào các loại sơn hào hải vị. Tuy nhiên, ở địa ngục, dù họ cố sức bao nhiêu cũng không thể gắp được thức ăn. Họ có tức giận, cáu gắt thế nào cũng vô ích, và đành chịu đói. Trong khi đó, ở thiên đường, nhưng thay vì gắp cho mình, họ gắp cho người khác, và người khác lại gắp cho họ, cứ thế, bữa ăn diễn ra êm ả, ai cũng được ngon miệng, đôi đũa dài chẳng hề là cản trở đối với họ. Tại sao ? Thiền sư Suzuki có vô số các học trò từ khắp nơi tìm đến mong được chỉ giáo. Với những bài giảng của thầy, họ thường hỏi một câu, "Tại sao?". Suzuki nói rằng, ở Nhật Bản, hầu như không ai nghĩ đến hai chữ "Tại sao?" khi bạn nói ra một điều gì đó. Mặc dù rất ngưỡng mộ sự tò mò và chân thật của học trò, nhưng ông nói với họ rằng, đôi khi việc cứ luôn hỏi "Tại sao" sẽ cản trở quá trình hoàn thiện của mỗi người. Bởi vì, khi mà đầu óc vẫn còn băn khoăn và thắc mắc quá nhiều điều, ta sẽ khó mà tập trung vào việc học hỏi. Theo Suzuki, một khi đã tin tưởng vào thầy của mình, việc của người học trò là hãy cần mẫn làm theo đúng lời dạy của thầy. Đến một lúc nào đó, khi họ đã có đủ sự trải nghiệm, ắt hẳn họ sẽ tự mình tìm ra được câu trả lời. Suzuki thường nói với các học trò của mình: "Trong năm năm đầu tiên, đừng từ chối bất kỳ công việc gì. Cứ làm thôi". ---------------- Shunryu Suzuki Roshi (1904 – 1971) là một thiền sư của phái Tào Động ở Nhật Bản, có công lớn trong việc truyền bá Phật giáo vượt khỏi biên giới các nước châu Á. Ông là người có công sáng lập ra nhiều tổ chức Phật giáo cũng như đền chùa ở Mỹ và có nhiều cuốn sách vô cùng nổi tiếng, được nhiều thế hệ học hỏi và ngưỡng mộ