Những bắp ngô và lòng tự trọng.

Thứ ba - 19/09/2023 23:09
Những bắp ngô và lòng tự trọng.
Những bắp ngô và lòng tự trọng  
 

Buổi trưa hôm ấy tôi đã được ăn những bắp ngô ngon nhất trong đời, tôi đã thấm thía lời mẹ dạy sống thế nào cho kiêu hãnh, trong sạch. Đó cũng là bài học đầu tiên về lòng tự trọng mà mẹ dạy chúng tôi suốt bao năm nay.

 
Chiều nay, những cánh cò miền Tây đậu trắng bờ vuông tôm đưa tôi về vùng Kinh Bắc xa xôi, nơi tuổi thơ tôi từng trôi qua nhẹ êm như nhịp thở, ngọt ngào và ấm áp như câu chuyện cổ tích bà kể cho chị em tôi mỗi khi mẹ vắng nhà tần tảo ngược xuôi theo những chuyến buôn may rủi.

  

Tôi nhớ mẹ lắm, mẹ tôi đã đi về miền xa thẳm ngót nghét hơn năm năm nay. Nhớ cái ngõ nhỏ dẫn vào nhà tôi hai bên lối đầy cây xoan. Nhớ ngôi nhà nhỏ của mẹ con tôi có mảnh vườn mẹ trồng bao nhiêu thứ rau xanh. Nhớ góc vườn bé tí của tôi bốn mùa nở hoa dù ngày đông tháng giá hay mùa hè rực lửa… Ngày ấy chúng tôi vẫn còn ở làng Dục Quang, thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Mẹ hay chải tóc trước hiên nhà, tóc mẹ mượt mà trộn lẫn hương hoa. Ngồi học trong nhà, mỗi lúc nhìn mẹ chải tóc tôi cứ ngẩn ngơ nhìn. Mẹ tôi đẹp lắm, mắt to tròn với hàng mi vút cong, môi thắm đỏ nhỏ nhắn, dáng cao cao thon thon… Tôi cứ ước sau này lớn lên mình đẹp như mẹ.
Tôi chưa thấy ai khổ như mẹ tôi. Cuộc đời bé mọn của mẹ bị sóng gió cuộc đời xé cho tơi tả như tàu lá chuối sau cơn bão động. Mẹ tần tảo sớm nắng chiều mưa ngược xuôi với những chuyến buôn ngô, khoai, sắn, lạc… Cuộc mưu sinh vất vả mẹ lặn lội như cái cò, cái vạc, cần mẫn như con ong, cái kiến. Cách mẹ dạy chúng tôi cũng lạ lùng hơn các bà mẹ khác. Mẹ treo một ngọn roi mây ở góc nhà nhưng chưa bao giờ mẹ đánh chúng tôi. Mẹ dạy chúng tôi lòng tự trọng, niềm kiêu hãnh và sự tự lập.
Có lần tôi và Trung đi kiếm rau lợn ở cánh đồng ngô trên bãi Sông Lô. Cánh đồng tới mùa ngô mẩy hạt căng sữa. Nghĩ đến những bắp ngô ngát hương, ngọt bùi, nóng hổi vừa chín tới tôi bỗng thèm không tả nổi và nẩy ra lòng tham ăn trộm ngô. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi ăn trộm thứ không phải của mình: Tôi đã bẻ sáu bắp ngô! Mang ngô về nhà tôi hí húi lột vỏ bỏ vào nồi, hai chị em định nhúm lửa thì mẹ về. Mẹ hỏi:
- Ai cho con ngô?.
Tôi chưa kịp nói dối thì út Trung đã líu lo:
- Chị Hà bẻ trộm của người ta đấy mẹ ạ. Mẹ yên tâm, không ai nhìn thấy chị ấy ăn trộm.
Mẹ quát như muốn khóc:
- Ai cho con làm thế hả Hà? Ai cho con tập cho em ăn trộm. Cái thứ ăn trộm xấu xa lắm con biết không?
Mẹ cầm roi mây vung lên, tôi òa khóc nhưng mẹ không đánh mà buông thỏng làm rớt chiếc roi… Mẹ vớt mấy bắp ngô bỏ vào cái rá tre rồi bảo tôi theo mẹ. Mẹ dắt tôi đến nhà chủ đồng ngô xin lỗi người ta rồi trả tiền mấy bắp ngô. Chủ nhà tốt bụng sởi lởi chẳng nỡ mắng mỏ còn bênh tên ăn trộm là tôi. Họ còn cho thêm độ mươi bắp ngô nhưng mẹ nhất định không nhận mà xin mua mấy chục ngô, mẹ bảo:
- Cám ơn các bác, tôi phải dạy lại cháu. Các bác thông cảm, con dại cái mang.
Về nhà mẹ không mắng nữa mà chụm lửa luộc ngô gọi ba chị em ngồi trên chiếc chiếu hoa dưới giàn thiên lý râm mát kể chuyện cho chúng tôi nghe chờ ngô chín. Mẹ vừa kể vừa khóc, ba đứa tôi vừa nghe vừa khóc, tôi cứ bó gối khóc rấm rứt mãi… 
Ngô chín mẹ chọn những bắp ngon nhất bóc vỏ, thổi cho bớt nóng rồi phát cho từng đứa rồi rót nước luộc ngô vào một cái ca to, mẹ bảo uống nước ngô vừa mát vừa ngọt. Buổi trưa hôm ấy tôi đã được ăn những bắp ngô ngon nhất trong đời, tôi đã thấm thía lời mẹ dạy sống thế nào cho kiêu hãnh, trong sạch. Đó cũng là bài học đầu tiên về lòng tự trọng mà mẹ dạy chúng tôi suốt bao năm nay cho đến khi chị em chúng tôi quấn quýt bao bọc nhau rồi dắt díu nhau từ Bắc Giang lập nghiệp mãi tận đất Mũi Cà Mau, chúng tôi vẫn sống như những gì mẹ dạy theo ý nghĩa đẹp đẽ của cuộc đời này cho dù mẹ tôi không còn nữa.!
 
 

Nguồn tin: Nguyen Van Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập48
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm47
  • Hôm nay13,189
  • Tháng hiện tại261,860
  • Tổng lượt truy cập35,908,205
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây