Chánh án liên bang gốc Việt: Luật cấm trở lại Mỹ sau khi bị trục xuất là vi hiến

Thứ ba - 07/09/2021 09:25
unnamed (12)
unnamed (12)

LAS VEGAS, Nevada (NV) – Một chánh án tòa liên bang ở Nevada vừa ra phán quyết rằng một luật về di trú, theo đó coi là phạm tội hình sự đối với người tìm cách trở lại Mỹ sau khi bị trục xuất, là vi hiến vì có tính cách kỳ thị chủng tộc. Tòa cho rằng luật chỉ thuần túy nhắm vào người gốc Mexico cũng như người đến từ vùng Mỹ Châu La Tinh.

 

Theo bản tin của tờ báo địa phương Las Vegas Review-Journal hôm Thứ Năm, 19 Tháng Tám, thì Chánh Án Miranda Mai Du, người gốc Việt tị nạn Cộng Sản, viết trong phán quyết của bà rằng: “Tòa nhận thấy Quốc Hội không hề có biện pháp gì để đối phó với nguồn gốc kỳ thị của Mục 1326 trong Luật Di Trú và Quốc Tịch.”

Chánh Án Miranda Mai Du. (Hình: US District Court District of Nevada)

Phán quyết đưa ra hôm Thứ Tư của Chánh Án Miranda Du hủy bỏ việc xét xử một người đàn ông tên Gustavo Carrillo-Lopez, người bị truy tố thời chính phủ của Tổng Thống Donald Trump.

Các chuyên gia pháp lý nói rằng phán quyết này có thể ảnh hưởng lớn lao đến các vụ truy tố khác do bị coi là vi phạm luật di trú.

Luật sư công Lauren Gorman, người đại diện cho bị cáo Gustavo Carrillo-Lopez và đã yêu cầu tòa hủy việc truy tố, nói: “Đây là phán quyết đầu tiên về khía cạnh này. Trước đây đã từng có các vụ kiện nêu lên vấn đề phải được bảo vệ bình đẳng trước pháp luật, nhưng nay là lần đầu tiên có phán quyết luật này là vi hiến.”

Bị cáo Carrillo-Lopez bị tìm thấy ở Mỹ vào mùa Hè năm 2019 sau khi bị trục xuất hồi Tháng Ba, 1999, và trục xuất lần nữa hồi Tháng Hai, 2012, theo hồ sơ truy tố.

Theo mục 1326 của Luật Di Trú và Quốc Tịch, việc vào Mỹ là bất hợp pháp đối với những ai bị từ chối không nhận vào, bị trục xuất hay bị bắt đưa ra khỏi nước Mỹ.

Trong phán quyết dài 43 trang, Chánh Án Miranda Du vạch ra nguồn gốc của Mục 1326 là vào thập niên 1920, vốn theo bà là “thời đại đầu tiên và duy nhất trong đó Quốc Hội Mỹ công khai dựa vào Thuyết Ưu Sinh (Theory of Eugenics) để đưa ra luật di trú.”

Thuyết ưu sinh, vốn rất nổi tiếng vào những thập niên đầu thế kỷ 20, khuyến khích việc “dùng mọi biện pháp để cải thiện phẩm chất giống loài, thay đổi cấu tạo gene của dân số để có những con người hoàn hảo nhất, cải thiện cả xã hội.” Và như vậy, theo cách suy nghĩ này thì có những giống người bị coi là thấp kém hơn các giống khác và nên bị ngăn chặn không cho vào Mỹ.

Quốc hội Mỹ lần đầu thông qua luật coi là phạm tội hình sự việc tìm cách trở vào Mỹ sau khi bị trục xuất là vào năm 1929, với luật có tên Undesirable Aliens Act, còn gọi là Blease’s Law, thuần túy nhắm vào người Mexico, để giải quyết tranh chấp giữa các chủ trại cần nhân công và giới chính trị gia có khuynh hướng kỳ thị chủng tộc muốn giới hạn nhập cảnh những sắc dân bị họ coi là thấp kém.

Chánh Án Miranda Du viết rằng khi Mục 1326 được thông qua 20 năm sau đó, Quốc Hội Mỹ dùng lại văn bản luật năm 1929, “theo đúng từng câu từng chữ,” không thay đổi nguồn gốc kỳ thị của luật.

Phó Biện Lý Liên Bang Mỹ Richard Casper, người có nhiệm vụ công tố trong vụ này, xác nhận là phía công tố không bác bỏ nhận định cho rằng Mục 1326 ảnh hưởng nhiều tới người từ Mexico và từ vùng Mỹ Châu La Tinh. Nhưng ông Casper nói rằng đó là vì vị trí địa dư, do vấn đề đi kiếm việc làm cùng là các yếu tố kinh tế và xã hội khiến có nhiều người từ Mexico vào Mỹ, chứ luật không đặc biệt nhắm vào giới nào.

Chánh Án Miranda Du bác bỏ lập luận này.

Chánh Án Miranda Mai Du sinh ra ở Cà Mau năm 1969. Bà cùng gia đình vượt biên sang Malaysia năm 9 tuổi. Gia đình bà từng sống nhiều nơi, như Alabama và Washington, trước khi dọn về Oakland, California. Bà được đề cử làm chánh án tòa liên bang dưới thời chính phủ của Tổng Thống Barack Obama.

Nguồn tin:  (V.Giang) [qd]

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập67
  • Hôm nay8,889
  • Tháng hiện tại271,588
  • Tổng lượt truy cập35,537,869
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây