Farthing, cựu binh từng phục vụ 22 năm trong thủy quân lục chiến Anh, mở trung tâm cứu hộ động vật Nowzad tại thủ đô Afghanistan từ năm 2007. Đến nay, cơ sở này có 25 nhân viên là người Afghanistan, bao gồm ba nữ bác sĩ thú ý đầu tiên của quốc gia Trung Á này.
Sau khi lực lượng Taliban chiếm Kabul, Farthing từ chối sơ tán về nước. Ông đề nghị chính phủ Anh can thiệp giải cứu cả nhân viên trung tâm cùng người thân và cấp cơ chế tị nạn cho họ.
"Nhân viên của tôi không đáng phải chịu số phận kẹt lại Afghanistan", ông nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây.
Cựu binh Anh Pen Farthing trả lời phỏng vấn từ Kabul. Ảnh chụp màn hình video của CNN.
Farthing lo sợ trung tâm cứu hộ động vật Nowzad sẽ nằm trong danh sách "trả thù" của Taliban do hoạt động bằng nguồn tài trợ từ nước ngoài. Taliban chủ trương áp dụng những cách diễn giải hà khắc nhất từ luật Hồi giáo Sharia, trong đó cấm phụ nữ đi học, đi làm và không xem chó là thú cưng trong nhà.
"Tôi được trao cơ hội vì là công dân Anh, vậy nên tôi sẽ tận dụng hết mức cơ hội của mình. Tôi sẽ không rời đi đến khi nhân viên của tôi được đưa khỏi đất nước này", ông tuyên bố.
Sau khi tiếp quản Kabul, Taliban đã tìm cách trấn an người dân với lời hứa cho phép phụ nữ tiếp tục làm việc "trong khuôn khổ" luật lệ Hồi giáo. Nhóm cũng để ngỏ khả năng cho phép các tổ chức phi chính phủ (NGO) tiếp tục hoạt động ở Afghanistan.
Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế vẫn chưa vội công nhận Taliban là lực lượng nắm quyền hợp pháp tại Afghanistan. Các lãnh đạo nhiều nước đã cảnh báo quyết định công nhận Taliban hay không tùy thuộc vào cách hành xử của nhóm này trong vấn đề nhân quyền.
Nguồn tin: Trung Nhân (Theo Hindustan Times)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn