Bài Phúc Âm hôm nay là dụ ngôn cuối cùng trong ba dụ ngôn của Đức Giêsu mà Mátthêu đã kể lại. Mỗi dụ ngôn đều có một ý nghĩa đặc biệt đòi hỏi mọi Kitô hữu phải chuẩn bị cho ngày vinh quang của Đức Kitô trên Vương quốc Nước Trời. Bài Tin Mừng nói về ông chủ, đám bày tôi với những tài năng khác nhau (Mt 25:14-30) cho thấy việc chúng ta làm hàng ngày phải theo thiện chí, và khả năng mà Chúa ban cho. Những việc thiết thân nhất thì chúng ta không thể bỏ qua được. Sứ điệp Chúa muốn gửi cho chúng ta là tinh thần trách nhiệm đối với Thiên Chúa và loài người với nhau để đạt được vương quốc nước Trời.
LÝ DO CHÚA KỂ DỤ NGÔN
Dụ ngôn Chúa kể dựa theo cách sinh hoạt thường ngày trong cuộc sống của chúng ta. Người không ca tụng hay kết án bất cứ thái độ nào, nhưng qua cách chúng ta sống để dạy chúng ta phải sống sao cho hợp với mục đích của vương quốc nước trời.
Dụ ngôn nêu ra một vài thắc mắc. Chuyện có vẻ cổ võ cách sống kiểu tư bản chủ nghĩa, mong cho được giàu sang, lắm tiền nhiều bạc. Thứ đến là cách tính toán sổ sách khi ông chủ trở về. Và như vậy thái độ của ông chủ đối với gia nhân rõ ràng là có khen thưởng và luận phạt.
Theo câu chuyện, Chúa Giêsu muốn làm nổi bật khả năng khác nhau của con người đối với tặng phẩm Chúa ban để đạt Nước Trời. Hai người đầu tiên, vì hiểu rằng họ có tặng phẩm là do lòng quảng đại của Chúa nên đã cố gắng làm theo ý Chúa đúng như cách sống hàng ngày của họ. Đối với tên thứ ba, Thiên Chúa đã hành sử đúng như hắn nghĩ: “Thưa ngài, tôi biết ngài hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi…” (Mt 25:24).
ĐẦY TỚ NGHÈO NHƯNG CẨN THẬN
Tên đầy tớ thứ ba này đúng là quá “cẩn thận” và “chắc ăn”. Hắn xem ra có vẻ ngay thẳng và lương thiện. Vì không thông minh đủ như hai tên kia nên được chủ cho số tiền vốn ít nhất. Tuy nhiên phải công nhận, nếu hắn không phải là người đứng đắn thì ông chủ đã không tin tưởng mà trao cho hắn tiền. Hai tên đầy tớ thứ nhất và thứ hai là những tên thông minh, có óc thương mại, biết nhìn thị trường chứng khoán mà đầu tư để sinh lời gấp đôi. Tên thứ ba luôn luôn sống trong sợ hãi vì biết ông chủ có tính tham lam và đòi hỏi, chỉ thích tiền, không ưa nhân viên làm liều để thất bại… cho nên để chắc ăn đã đem chôn dấu số tiền ông chủ đưa. Theo truyền thống Do Thái, chôn tiền là phương cách an toàn nhất để khỏi bị ăn cắp hay thất lạc. Ở Việt Nam, rất nhiều người cũng hành động giống như vậy, họ không dám mạo hiểm, liều đi vào nơi mà họ không biết hậu quả sẽ thế nào. Vì quá lo lắng và sợ hải, tên này đã trở thành kẻ tội phạm đối với ông chủ. Cuối cùng hắn ta đã mất tất cả. Hắn đã hành động phần nào vì vô ý vô tâm, thiếu thông minh, nhất là quá cẩn thận. Có lẽ ông chủ nên đối sử với hắn một cách hiểu biết, thông cảm thì hay hơn.
TÍNH LUÂN LÝ CỦA CÂU CHUYỆN
Những ai coi cách đối sử của Thiên Chúa với loài người kiểu tiêu cực, nghèo nàn hay bủn xỉn thì cũng sẽ đối sử với đồng loại của mình như vậy. Những người như thế sẽ khó có thể được nhìn thấy vương quốc Thiên Chúa. Đây chính là sự nghèo nàn và mù lòa của tên đầy tớ thứ ba! Hắn đã chẳng dám làm gì cả chỉ vì sợ hãi đã làm hắn tê liệt để rồi không thể tiếp cận được với những người cần phải giúp đỡ đang ở quanh hắn. Trọng điểm của Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô là phải vượt qua mọi sợ hãi để trở thành cần mẫn, đáng tin cậy và sáng tạo để thực hiện ước muốn của Thiên Chúa, không trở thành tên đầy tớ thứ ba “vô tích sự và vụng về lại lười biếng”! Để là môn đệ Chúa Kitô, chúng ta phải dám hy sinh mạng sống mình, chấp nhận cái chết để được “sống”. Nếu chúng ta liều mạng vì một Chúa Kitô toàn vẹn thì chúng ta không thể nhìn thấy kết quả, có lẽ chúng ta phải liều hơn nữa để cam kết với một Giáo Hội bất toàn thì chúng ta mới có thể nhìn thấy. Nếu chúng ta coi niềm tin của chúng ta là cần phải được bảo vệ thì có lẽ nó không được hoàn hảo, và chắc chắn nó sẽ không phát triển và trưởng thành nếu mục đích chính của nó chỉ là “ hành động khi chắc ăn”.
Bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần sau là cuộc phán xét sau cùng, sẽ cho chúng ta thấy quang cảnh đối ngược với tên đầy tớ thứ ba. Nó sẽ giúp chúng ta thấy được sự thật sâu thẳm nhất nơi tâm can chúng ta khi chúng ta vượt qua nỗi sợ hãi để cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, tiếp đón kẻ khách lạ, đem áo quần cho kẻ trần truồng, viếng thăm kẻ ốm đau và tù tội.
YẾU TÓ BẤT NGỜ CỦA DỤ NGÔN HÔM NAY
Ngay từ đầu, chúng ta thấy ông chủ đã cho mỗi đầy tớ một số tiền coi như tặng phẩm nhưng không. Ông đã chứng tỏ là một người hoàn toàn quảng đại. Tên đầy tớ thứ ba chẳng hiểu gì về ông chủ, nhất là lòng quảng đại của ông. Hình như hắn chỉ dựa vào hành động của ông về một số công bằng khít khao theo nghĩa đen nên hắn đã hành động bủn xỉn dại dột để rồi cuối cùng đã mất hết tất cả.
Áp dụng quan niệm này vào Thiên Chúa, chúng ta rút ra được một bài học rất hay. Khi chúng ta cố gắng hiểu Thiên Chúa và tạ ơn lòng quảng đại của Người vì đã ban cho chúng ta con một người là Đức Giêsu Kitô, chúng ta sẽ cảm nghiệm được sự tự do và lòng tri ân đặc biệt, để chúng ta chấp nhân hy sinh. Để thực hiện ước muốn của Thiên Chúa, chúng ta phải quyết định dám chấp nhận mạo hiểm vì lòng quảng đại bao la, lẽ công bằng, tình thương sót vô bờ bến và sự tin tưởng của Người đối với nhân loại. Dụ ngôn nhấn mạnh đến lòng can đảm dám hành động; nó giúp chúng ta sửa soan đón nhận những tác động vĩ đại của lòng thương sót, lẽ công bằng của Thiên Chúa trong giờ phán xét sau cùng!
KẾT LUẬN: KHO TÀNG PHẢI ĐƯỢC SỬ DÙNG, ĐẦU TƯ VÀ CHIA SẺ
Để kết luận, xin mượn bài giảng của ĐGH Biển Đức XVI tại thánh đường Angelus ngày 16-11-2008 để cùng nhau suy niệm.
“Tài năng” giống như đồng bạc cổ La Mã rất có giá trị, và đặc biệt vì tính phổ thông của câu chuyện dụ ngôn, nó trở thành đồng nghĩa với quà tặng cá nhân mà mỗi người chúng ta được Thiên Chúa kêu gọi phải phát triển. Câu chuyện nói: ông chủ sửa soạn đi du lịch xa nhà lâu ngày, đã gọi các gia nhân lại và tin tưởng trao cho họ tài sản của mình (Mt 25:14). Ông chủ ở đây là Đức Kitô, người làm là các môn đệ, và tài năng là những tặng phẩm mà Đức Giêsu đặt tin tưởng trao cho họ. Những tặng vật này, ngoài những đặc tính tự nhiên của nó, còn tượng trưng cho sự phong phú mà Chúa Giêsu đã truyền lại cho chúng ta làm di sản, vì vậy chúng ta phải làm sao để nó phát triển và sinh lời: Lời Chúa trong Tin Mừng, nơi Phép Thanh Tẩy đã canh tân chúng ta trong Chúa Thánh Linh. Khi đọc kinh Lạy Cha, chúng ta ca tụng Thiên Chúa, chúng ta là con cái Người, hiệp nhất với con một Thiên Chúa; sự tha thứ mà người đã ban cho tất cả chúng ta; Mình Thánh Chúa đã hy sinh; Máu Chúa đã đổ ra. Gọn một lời, Vương Quốc Thiên Chúa chính là Thiên Chúa, hiện tại và sống động giữa chúng ta hằng ngày!
Đây là một kho tàng mà Chúa Giêsu đã đặt tin tưởng trao cho các bạn của người vào giờ phút cuối cùng của cuộc sống ngắn ngủi nơi dương thế. Bài dụ ngôn hôm nay nhấn mạnh đến tính thiên hướng nội tại cần thiết để chấp nhận và phát triển tặng phẩm này. Sợ hãi là một thái độ sai lầm: tên đầy tớ sợ ông chủ, sợ cả lúc ông trở về, đã chôn đồng tiền xuống đất nên nó chẳng sinh lời gì cả. Điều này xẩy ra cho những ai, sau khi chịu phép Thánh Tẩy, Rước Lễ và phép Thêm Sức đã chẳng làm gì cả, lại đem những tặng vật đó dấu dưới chăn mền của thiên kiến, của hình ảnh sai lầm về Thiên Chúa, đã làm tê liệt niềm tin và những tác động thiện của họ. Tuy nhiên, câu chuyện cũng nói lên những tác động sinh hoa trái lớn lao do các môn đệ đã sung sướng khi đón nhận những tặng vật mà không đem chôn vì sợ hãi hay ghen ghét, nhưng làm cho nó sinh lời bằng cách cộng tác và chia sẻ. Đúng vậy, Chúa đã ban cho chúng ta gấp cả ngàn lần như vậy!
Kho tàng này phải được chi dùng, đầu tư và chia sẻ cho tất cả mọi người, như thánh Phaolo Tông đồ, nhà hành chánh vĩ đại của Chúa Giêsu về tài năng đã dạy. Bài Tin Mừng Mátthêu hôm nay cũng đã cho chúng ta -về phương diện lịch sử và xã hội- một bài học rất giá trị là khuyến khích lòng can đảm và tinh thấn dấn thân của mọi Kitô hữu.
Nguồn tin: Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn