Thông điệp của EU khi cấp tư cách ứng viên cho Ukraine

Thứ bảy - 25/06/2022 10:00
unnamed (1)
unnamed (1)

Trao tư cách ứng viên cho Ukraine, EU dường như muốn phát đi thông điệp đoàn kết nội bộ và quyết tâm sát cánh cùng Kiev trong xung đột với Nga.

Lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu (EU) ngày 23/6 quyết định cấp tư cách ứng viên cho Ukraine và nước láng giềng Moldova trong hội nghị thượng đỉnh tại Brussels, Bỉ.

Quyết định này được đánh giá là một chiến thắng mang tính biểu tượng với Ukraine trong nỗ lực kháng cự Nga và cho thấy cách cuộc xung đột đang định hình lại thế giới.

Tư cách ứng viên không biến Ukraine thành thành viên EU và nước này sẽ phải trải qua quá trình kết nạp chông gai có thể kéo dài nhiều năm. Tuy nhiên, nó là một bước tiến mang tính lịch sử đối với châu Âu, thể hiện tinh thần đoàn kết nội bộ và gửi thông điệp rõ ràng tới Mosva, giới chuyên gia nhận định.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) bắt tay Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc họp báo ở Kiev ngày 16/6. Ảnh: AFP.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) bắt tay Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc họp báo ở Kiev ngày 16/6. Ảnh: AFP.

"Một thời khắc lịch sử. Hôm nay đánh dấu bước quan trọng trên con đường hướng tới EU của các bạn (Ukraine)", Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đăng Twitter trong lúc diễn ra hội nghị. "Tương lai của chúng ta là cùng nhau sát vai".

"Đây là một ngày trọng đại đối với châu Âu", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố trong một cuộc họp báo ở Brussels.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng bày tỏ vui mừng. "Trân trọng tán dương quyết định của các lãnh đạo EU", ông viết trên Twitter.

Vsevolod Chentsov, người đứng đầu phái bộ Ukraine tại EU, cho rằng việc được trao tư cách ứng viên của khối gửi thông điệp rằng Ukraine hoàn toàn là một quốc gia với tương lai do chính họ lựa chọn. Đối với những người Ukraine đã mệt mỏi sau nhiều tháng chiến đấu, tư cách ứng viên EU là một "cử chỉ của lòng tin" và dấu hiệu cho thấy "EU tin Ukraine có thể làm được điều này", ông nói.

Việc EU bật đèn xanh cho Ukraine còn là một "tín hiệu gửi đến Mosva, rằng Ukraine, cũng như các quốc gia thuộc Liên Xô trước đây, sẽ không còn thuộc phạm vi ảnh hưởng của Nga nữa", Chentsov nhấn mạnh.

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng mô tả người Nga và người Ukraine là "một dân tộc, một tổng thể duy nhất" và coi Ukraine là "lãnh thổ thuộc về Nga về mặt lịch sử".

Chiến dịch quân sự ở Ukraine được nhiều người coi là nỗ lực của Moskva nhằm tái lập ảnh hưởng đối với Kiev.

"Tư cách ứng viên EU trao cho Ukraine gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Moskva rằng cả Kiev và Brussels đều không chấp nhận tầm nhìn của Nga về một trật tự mới ở châu Âu", theo bình luận viên Jessica Parker của BBC.

Các lãnh đạo, nhà ngoại giao và quan chức thế giới đã bày tỏ ngạc nhiên khi các quốc gia thành viên EU cuối cùng đã có thể nhất trí về tư cách ứng viên của Ukraine cũng như Moldova sau nhiều năm tranh luận và bế tắc.

"Chỉ vài tháng trước, tôi thực sự nghi ngờ về việc chúng tôi sẽ đạt được đồng thuận như vậy", Thủ tướng Estonia Kaja Kallas nói ngày 23/6. "Tôi rất vui vì chúng tôi đã làm được".

Một quan chức châu Âu giấu tên cho rằng các lãnh đạo EU trong hai tuần qua đã nỗ lực mở rộng khối hơn cả "25 năm cộng lại".

Quyết định được đưa ra vào thời điểm khó khăn đối với Ukraine, khi Nga đang giành được nhiều bước tiến quan trọng ở miền đông nước này.

Bộ trưởng Ukraine hôm qua cho biết các hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS M142 đầu tiên do Washington viện trợ đã đến Kiev. Vũ khí này sẽ cho phép lực lượng Ukraine tấn công quân đội Nga một cách nhanh chóng và chính xác hơn, theo giới chức Mỹ.

Tin tức từ Brussels giống như "liều thuốc khích lệ tinh thần" đối với người dân Ukraine. "Ukraine sẽ chiến thắng. Châu Âu sẽ chiến thắng", Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tuyên bố trong một video.

"Hôm nay đánh dấu khởi đầu của một chặng đường dài mà chúng ta sẽ cùng nhau bước đi", ông nói. "Người Ukraine thuộc về gia đình châu Âu. Tương lai của Ukraine là với EU".

Ukraine từ lâu đã tìm cách gia nhập EU. Vài ngày sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự, Tổng thống Zelensky đã ký đơn xin gia nhập EU, kêu gọi các lãnh đạo khối vạch lộ trình nhanh chóng giúp họ trở thành thành viên, coi đây như một vấn đề sống còn. Trong khi các quốc gia Baltic và Đông Âu ủng hộ nỗ lực của Ukraine, nhiều thành viên chủ chốt của EU đã lên tiếng phản đối.

Trong suốt mùa xuân, lãnh đạo các quốc gia đó tươi cười khi chụp ảnh với Tổng thống Zelensky, nhưng do dự trước câu hỏi có nên mở đường cho Ukraine trở thành thành viên EU hay không.

"Không ai trong 27 lãnh đạo EU từ chối thẳng thừng trước mặt Tổng thống Zelensky", Phó thủ tướng Ukraine Olha Stefanishyna hôm 9/6 nói với báo Washington Post trong chuyến thăm tới Brussels. "Nhưng những gì đang diễn ra ở hậu trường cho thấy họ sẵn sàng gây trở ngại với quá trình này".

Tổng thống Zelensky vẫn kiên trì thúc giục các lãnh đạo EU làm nhiều hơn nữa, trong bối cảnh tình hình chiến trường ngày một khó khăn.

Việc trao tư cách ứng viên EU cho Ukraine sẽ "chứng minh rằng những tuyên bố về niềm khao khát trở thành một phần trong gia đình châu Âu của người dân Ukraine không chỉ là lời nói suông", ông phát biểu ngày 10/6. Hôm sau, bà von der Leyen bất ngờ tới thăm Kiev để hoàn thiện những đánh giá về tư cách ứng viên của Ukraine.

Trong lúc đó, quan chức ngoại giao Ukraine liên tục tới các nước châu Âu để duy trì áp lực. Những người ban đầu phản đối bắt đầu giảm bớt hoài nghi, vì lo ngại bị coi là "kỳ đà cản mũi" nỗ lực của Ukraine.

Tuần trước, lãnh đạo Đức, Pháp và Italy đi tàu hỏa tới Kiev và lên tiếng ủng hộ việc Ukraine trở thành thành viên của EU. Ngày hôm sau, EC đề xuất cấp tư cách ứng viên cho Kiev. Đến đầu tuần này, các nhà ngoại giao EU nói rằng "thỏa thuận đã xong".

Nhưng các nhà ngoại giao cũng cảnh báo Ukraine còn cả chặng đường dài phía trước. Ủy ban châu Âu đã đề ra 6 yêu cầu Ukraine cần đáp ứng trước khi có thể bước tiếp, trong đó có ban hành luật để đảm bảo lựa chọn được những thẩm phán có năng lực, hạn chế ảnh hưởng của giới tinh hoa và cải thiện quy trình điều tra, truy tố, kết án đối với hành vi tham nhũng.

Với giao tranh đang diễn ra căng thẳng ở miền đông , các quan chức Ukraine thừa nhận sẽ rất khó để thực hiện một số cải cách tư pháp. "Chắc chắn sẽ có những vấn đề cần được giải quyết sau khi ngưng tiếng súng", Chentsov nói.

Thách thức không chỉ nằm ở phía Ukraine. Mặc dù EU đã quyết định mở đường cho Ukraine cùng Moldova gia nhập, mong muốn mở rộng khối vẫn còn khá khiêm tốn. Sau khi thực hiện một cử chỉ mang tính biểu tượng với Ukraine, các thành viên EU giờ đây có thể tìm cách khép bớt cánh cửa của họ, giới phân tích đánh giá.

Thổ Nhĩ Kỳ nộp đơn xin gia nhập EU năm 1987 và tới nay vẫn là một ứng viên. Serbia, Montenegro, Bắc Macedonia, Albania và Bosnia đều đã đàm phán về tư cách thành viên với EU suốt nhiều năm qua.

Các quan chức châu Âu cho biết Ukraine đã đáp ứng khoảng 70% quy tắc và tiêu chuẩn của EU, nhưng họ cũng chỉ ra tình trạng tham nhũng ở nước này, đòi hỏi phải cải cách kinh tế, chính trị sâu rộng để đáp ứng tiêu chuẩn của EU.

"Sẽ cần có những nỗ lực đáng kể, đặc biệt là trong cuộc chiến chống tham nhũng và thiết lập một nhà nước pháp quyền hiệu quả", Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo nói. "Nhưng tôi tin rằng chính quá trình tái thiết sau xung đột của Ukraine sẽ mang lại cơ hội để thực hiện các bước quan trọng đưa họ tiến về phía trước".

Nguồn tin: Vũ Hoàng (Theo BBC, TIME, Washington Post)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập27
  • Hôm nay7,119
  • Tháng hiện tại70,030
  • Tổng lượt truy cập35,716,375
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây