Hoa Tình Thươnghttps://hoatinhthuong.net/assets/images/logo.png
Thứ năm - 23/09/2021 02:30
"Tham nhũng chính sách là bệnh nan y của chế độ này. Chính sách chặn thuốc thật tạo điều kiện cho thuốc giả, thuốc dỏm tung hoành nó mang lại 2 cái lợi lớn cho đám sân sau: Cái lợi thứ nhất là đám sân sau có thể mua hàng giá bèo bán giá cao cho bệnh nhân, từ đó mới “tối đa hóa lợi nhuận”; Cái lợi thứ nhì là nó tạo cho thị trường một lượng bệnh nhân đông đảo"
THAM NHŨNG CHÍNH SÁCH NGÀNH Y, TỘI ÁC TỘT CÙNG
Đỗ Ngà
Năm 2017, Sở y tế TP. HCM phải hủy 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư vì quá hạn sử dụng. Đây là lô thuốc mà TP. HCM được chương trình GPAP tặng miễn phí để hỗ trợ bệnh nhân ung tư thành phố, tuy nhiên lô thuốc quý giá này đã bị giam trong kho từ năm 2013 và đến tháng 5/2015 thì hết hạn. Đến năm 2017 buộc phải bị tiêu hủy. Việc hủy thuốc thật như thế được báo chí giải thích là do “thủ tục rườm rà”.
Song song với việc ém và hủy thuốc trị ung thư thật thì công ty VN Pharma được sự hỗ trợ của Sở Y tế TP. HCM và Bộ Y Tế đã nhập khẩu thuốc ung thư giả về phân phối tại các bệnh viện. Vụ án này sau đó bị phanh phui, tuy nhiên những quan chức cấp bộ đã ký giấy tờ cho VN Pharma nhập thuốc giả lại không bị truy tố. Làm ăn có hệ thống nhưng khi bị phanh phui thì chỉ có “hình nhân thế mạng” để xoa dịu dư luận chứ quan chức quyền to chức lớn không sao.
Xâu chuỗi 2 sự việc này lại, nó nổi lên một cái ung nhọt đáng lo ngại của ngành y Việt Nam, đó là đang có thế lực chặn đứng những nguồn hỗ trợ thuốc thật và đưa thuốc giả vào tiêu thụ. Không thể nói do “thủ tục rườm rà” được, vì thủ tục gì mà 2 năm không xuất thuốc để chữa cho dân? Mà nếu nói do “thủ tục rườm rà” thì tại sao Bộ Y tế lại ký duyệt cho VN Pharma nhập thuốc giả dễ dàng đến vậy? Thủ tục rườm rà ở Việt Nam là sự thật nhưng trong trường hợp hủy 20.000 thuốc đặc trị ung thư là không phải. Ngâm thuốc đến 2 năm trong kho để thuốc hết hạn rồi hủy là có âm mưu bẩn trong ngành y tế chứ không chỉ đơn giản là do “thủ tục rườm rà” được. Ngành y tế lúc ấy dưới quyền điều hành của bà Nguyễn Thị Kim Tiến. Liệu rằng đây là lỗi điều hành của bà Tiến hay là lỗi thể chế?
Qua thời bà Nguyễn Thị Kim Tiến và giờ là thời ông Nguyễn Thanh Phong thì có vẻ như ngành y tế cũng chẳng khá hơn. Vừa qua Sở Y tế tỉnh Bình Dương để xảy ra trường hợp vaccine Moderna quá hạn sử dụng phải bỏ, trong khi đó dân đang thiếu vaccine nghiêm trọng. Câu hỏi đặt ra là tại sao loại vaccine không ai chịu chích như Sinopharm lại không bị vứt bỏ mà vaccine Moderna xịn xò ai cũng muốn lại đem đổ bỏ một cách hoang phí như vậy? Tại sao vấn đề của ngành y dưới thời bà Tiến vẫn còn xuất hiện dưới thời ông Nguyễn Thanh Phong? E rằng đây không phải là “tai nạn” mà là tiêu cực có hệ thống và dù cho ai làm bộ trưởng thì vấn đề này nó vẫn tồn tại.
Theo trang Statista thì năm 2020, người dân Việt Nam chi tiêu cho y tế hết khoảng 20 tỷ đô la, ắt hẳn năm 2021 người dân Việt chi tiêu cho vấn đề sức khỏe không dưới con số này. Tuy nhiên, nhà nước CS lại xuất ngân sách chi cho ngành y một con số vô cùng nhỏ, chỉ khoảng 400 triệu đô la (tương đương 9.170 tỷ đồng). Chỉ cần làm một bài toán đơn giản thì ra, ngành chăm sóc sức khỏe của Việt Nam là một thị trường rất béo bở, với khoảng 19,6 tỷ đô la mỗi năm. Mà y tế Việt Nam là y tế thả nổi, thuốc giả thuốc dỏm tự tung tự tác nên đây là nơi mà các sân sau có thể nhảy vào tha hồ làm ăn.
Hiện nay, Vingroup cũng đã thành lập hệ thống bệnh viện Vinmac để hứng lấy lượng khách hàng VIP của Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng muốn hốt tiền của thành phần bệnh nhân mà dám đổ núi tiền để sang Singapore, Nhật, Mỹ, Pháp chữa trị. Ông Vượng quả là nhạy bén khi nhìn thấy ngành y tế Việt Nam có một khoảng trống mênh mông như thế.
Ở tầng thấp hơn Vinmac vẫn còn khoảng trống mênh mông với thị phần hàng chục tỷ đô la mỗi năm, nơi đây là “sân nhà” của các sân sau quan chức ngành y. Vì thế những quan chức của bộ này đã làm chính sách để cho sân sau có cơ hội tốt nhất hút tiền từ túi bệnh nhân trên toàn đất nước Việt Nam. Vingroup nhìn ra cơ hội làm ăn thì sân sau của “các sếp” không thể không nhìn ra. (Có thể Vingroup là sân sau của cả Bộ Chính Trị hoặc ít nhất là sân sau của một nhóm dẫn đầu trong Bộ Chính Trị)
Tham nhũng chính sách là bệnh nan y của chế độ này. Chính sách chặn thuốc thật tạo điều kiện cho thuốc giả, thuốc dỏm tung hoành nó mang lại 2 cái lợi lớn cho đám sân sau: Cái lợi thứ nhất là đám sân sau có thể mua hàng giá bèo bán giá cao cho bệnh nhân, từ đó mới “tối đa hóa lợi nhuận”; Cái lợi thứ nhì là nó tạo cho thị trường một lượng bệnh nhân đông đảo (vì dùng thuốc giả và thuốc dỏm sẽ không khỏi bệnh) và từ đó thị trường lĩnh vực này mới phình ra. Đây là vấn đề của chế độ, nó làm chính sách thất đức để trục lợi trên đầu người dân khốn khổ.
Khi mà một chế độ được nắm quyền bởi những con người thất đức và được chủ thuyết phi nhân dẫn hướng, thì nỗi khốn cùng và nỗi đau khổ của người dân không làm cho đám đám lãnh đạo có một chút động lòng, mà ngược lại, họ lại thấy cơ hội kiếm tiền rất lớn ở những con người đáng thương đó mà thôi. Cái ác này nó thuộc về bản chất của chế độ, không thể thay đổi được trừ phi thay đổi được chế độ này./.