CON BÒ CÂM

Thứ tư - 14/06/2017 10:13

CON BÒ CÂM

Bé Toma Aquinas năm tuổi, dáng người phục phịch, lặng lẽ ngồi trên lưng ngựa với người đầy tớ. Họ đang chờ đợi giờ khởi hành. Bé thấy nôn nao vì sắp được rời xa tòa lâu đài xám, nơi đó, dù cha bé thống lãnh cả một vùng, nhưng ít khi ông ở nhà; còn mẹ thì chẳng mấy khi bé được gặp; có người chị thân nhất lớn hơn bé một tuổi thì mới bị sét đánh chết ngay trong phòng ngủ cách đây mấy tháng! Tôma rùng mình khi hồi tưởng trận bão ác nghiệt đó…….

Đoàn ngựa chở Tôma và ba má của bé cùng đoàn tùy tùng chẳng mấy chốc đã vượt qua 6 dặm đường núi, tiến về tu viện Cassinô, một tu viện danh tiếng tại Ý, mà vị Viện Trưởng lại có họ hàng với gia đình bé.  Tại đây, sau một nghi lễ vắn tắt, bé được đón nhận và trở thành một học sinh trường Dòng.

Tôma bắt đầu cuộc sống mới nơi đan viện không tiếng ồn ào.  Lạ lùng thay, bế chẳng thấy đơn côi, nhưng lại tỏ ra thích thú cuộc sống thinh lặng nơi đây.  Bé yêu thích trường sở, mộ mến vẻ thân thiện của các đan sĩ, say mê các khúc hát trầm bổng trong giờ nguyện kinh của các thầy.

con bò câmKhởi sự làm môn sinh của các thầy từ khi ê-a ba chữ A B C, Tôma ngày càng tỏ ra thông minh sáng trí.  Cuộc sống đạo hạnh của bé phát triển không ngừng.  Năm 13 tuổi Tôma đã vượt xa các bạn đồng lứa.  Cậu có một trí nhớ khác thường, thuộc lòng toàn bộ Phúc Âm và các thư thánh Phaolô.  Cậu đã chuyển ngữ nhiều tập sách từ tiếng Latinh sang tiếng Ý.  Người ta đồn rằng, Tôma không hề quên bất cứ điều gì cậu đã học!

Cuộc sống trầm lặng nơi đan viện đột nhiên nổi sóng.  Hoàng đế Frederick ra lệnh chiếm cư tu viện Cassinô.  Các đan sĩ và học sinh bó buộc phải rời bỏ đan viện.  Một lần nữa, Tôma bị đặt giữa khúc quanh cuộc đời.

Năm 14 tuổi, ba má cho Tôma nhập Đại Học thành Naples với nguyện vọng là sau cơn sóng gió, chàng có thể về lại đan viện để trở thành một đan sĩ dòng Bênêđicto.  Danh tiếng của Tôma nổi như sóng cồn, chàng không những vượt xa chúng bạn mà còn tỏ ra trổi vượt hơn các giáo sư cả về kiến thức lẫn cuộc sống thánh thiện, và được gọi là “Thiên thần của học đường”.  Chàng đã trải qua 5 năm tại Đại Học thành Naples.

Trong khoảng thời gian đó, thánh Đaminh lập Dòng mới có tên là dòng Giảng Thuyết.  Các thầy thuộc dòng này chuyên Giảng trong các đại học và giảng thuyết bất cứ nơi nào cần đến.  Không như dòng Bênêđito, các thầy Đaminh thời đó tự đi xin ăn và đón nhận của bố thí.  Mọi người đều nghe nói đến sự thánh thiện và kiến thức sâu rộng của các thầy.  Bị thu hút mãnh liệt bởi gương lành các tu sĩ dòng Đaminh, Tôma đã gõ cửa tu viện xin nhập dòng.  Các thầy khuyên chàng hãy chờ đợi và cầu nguyện. Chàng nghe theo lời khuyên của các thầy, đồng thời làm bạn với nhiều tu sĩ trong dòng.  Năm 20 tuổi, Tôma tốt nhiệp đại học, một lần nữa chàng xin nhập dòng Đaminh.  Lần này chàng đã được nhận lời.  Lập tức chàng nhắn tin cho mẹ hay.  Cha chàng đã qua đời một năm trước đó.

Được tin con vào dòng Đaminh, bà Thêôđôra, mẹ chàng nổi cơn lôi đình, bà nói:

–        Đây là điều bất hạnh cho dòng họ Aquinas!  Hãy tưởng tượng xem một người con trai vương giả lại đi ăn xin và giảng thuyết khắp đường phố như người điên!  Hãy đem ngựa cho tao!  Nội đêm nay tao sẽ lôi cổ nó ra khỏi tu viện!

Người ta báo cho Tôma biết cơn giận và âm mưu của mẹ chàng, chàng vội vã chuyển đến một tu viện khác tại Rôma.  Nhưng bà Thêôđôra phóng ngựa đuổi theo, bất chấp những gì xẩy đến, Tôma phải vâng lời bà! Bà quên rằng Thánh Ý Chúa còn vượt trên ý định của bà.  Gõ cửa tu viện ở Rôma, bà ra lệnh phải đem Tôma ra ngoài!  Nhưng thầy giữ cửa cho biết Tôma đã rời khỏi tu viện sáng nay cùng với một số thầy.  Lập tức bà sai người đưa tin cho các anh của Tôma đang đi lính đóng tại làng gần đó, phải tìm mọi cách bắt Tôma đưa về nhà.

Khoảng giữa trưa, Tôma cùng với nhóm các thầy đang ngồi nghỉ bên bờ giếng, thình lình một toán kỵ mã do các anh của Tôma dẫn đầu xông vào bắt chàng, rồi lôi chàng lên lưng ngựa và đem về lâu đài của gia đình.  Tại đây, mẹ chàng đã giam chàng trong một pháo đài, cửa sẽ khóa kín cho tới khi chàng hứa vâng lời bà.  Bà không thèm để ý đến Thánh Ý Chúa và tuổi tác của con bà.

Tôma nhìn quanh khu pháo đài bằng đá vắng lạnh đang giam hãm chàng: góc bên này là chiếc giường ngủ, bên kia là một chiếc bàn và chiếc ghế ọp ẹp.  Quang cảnh thật trống vắng!  Nhưng chàng lại thích bầu khí thinh lặng!  Chàng biết rằng chàng không đơn côi một mình, nhưng có Chúa hằng ở bên chàng.  Không có việc gì làm, chàng bắt đầu truyện vãn với Chúa bằng những lời cầu nguyện ….

Người duy nhất được phép đến thăm tôma là Marotta, em của chàng, một cô gái mang nặng đầu óc trần tục.  Nàng cố gắng dùng mọi lý lẽ thuyết phục Tôma phải vâng lời mẹ.  Để cho cô em thuyết chán, Tôma mới bắt đầu nói cho nàng nghe về tình thương bao la của Chúa đối với nàng. Chàng khéo nói đến nỗi chỉ sau đó ít ngày, Marotta đã đi đến quyết định chính nàng cũng sẽ dâng đời mình phụng sự Chúa.  Thế rồi nàng tìm cách giúp đỡ Tôma những gì có thể, và lén lút đem cho chàng sách vở cùng những vật dụng chàng cần đến.

Thế là Tôma chia thời giờ ra để học hành, viết sách, và cầu nguyện. Ý chí của chàng còn sắt đá hơn cả ý muốn của mẹ chàng, tưởng chừng chàng có thể vĩnh viễn sống cuộc đời giam hãm tại pháo đài, nếu Ý Chúa muốn như thế.  Mẹ và các anh của chàng dùng đủ mọi mánh khóe để chàng bỏ ý định tu dòng Đaminh.  Một đêm, họ dẫn vào cho Tôma một cô gái trẻ đẹp, với mục đích dùng nàng để quyến rũ Tôma phạm tội.  Không chút lưỡng lự, chàng liền rút que củi cháy đỏ trong lò sưởi, xua đuổi người con gái ra ngoài.

Đằng đẵng hai năm dài, Tôma bị giam hãm trong pháo đài.  Đã đến lúc Giáo Hội phải can thiệp.  Bà Thêôđôra được biết bà sẽ bị dứt phép thông công với Giáo Hội nếu bà không trả tự do cho con bà….  Thế rồi, một buổi sáng, Tôma thấy cửa pháo đài bỏ ngỏ, chàng lẹ chân trốn khỏi pháo đài trở về tu viện.  Chàng và mọi người quen biết lòng phấn khởi mừng vui.  Từ nay chàng được tự do phụng sự Chúa trong dòng Đaminh. Mọi người đều tỏ lòng kính yêu Tôma, một thầy dòng trẻ mập mạp, ít nói, nhưng chiếu tỏa sự thánh thiện.

Thầy được cử đi học Đại Học Paris dưới sự chỉ giáo của vị giáo sư danh tiếng, sau này trở thành thánh Anbêtô Cả.  Không một giáo sư hay sinh viên nào trong trường này quen biết Tôma khi người sinh viên mới, với dáng người nặng nề, trầm lặng này bước chân vào lớp.  Sau vài ngày, họ tự hỏi nhau tại sao và tranh luận sôi nổi.  Một sinh viên lên tiếng hỏi:

–  Anh chàng đó là ai vậy?  Một người nhanh nhẩu trả lời:

–  Một con bò câm!  Mọi người phá lên cười.

Tuy nhiên, Giáo sư Anbêtô sớm khám phá ra sự khôn ngoan, thông sáng của “Con Bò Câm”. Một hôm bị giáo sư công khai sát hạch Tôma giữa lớp.  Tôma trả lời cách hết sức thông minh, đến nỗi giáo sư Anbêtô phải lưu ý cả lớp:

–        Các bạn gọi thầy Tôma là “Con Bò Câm”, nhưng các bạnnên nhớ tiếng rống của “Con Bò Câm” này sẽ vang dội khắp thế giới!

Trước những sự kiện đó, Tôma chỉ mỉm cười.  Thầy không màng để ý đến cái tên riêng họ đặt cho thầy.

Chẳng bao lâu, Tôma được thụ phong Linh Mục.  Cha tăng gấp đôi giờ cầu nguyện trước Chúa Giêsu Thánh Thể.  Cha giảng thuyết, dậy học và viết sách.  Trong cố gắng trả lời câu nghi vấn đã ám ảnh Tôma từ hồi thơ ấu “Thiên Chúa là gì?”, cha đã viết hết pho sách này đến pho sách khác.  Và từ đó, cha trở thành một nhà tư tưởng trứ danh của mọi thời đại. Mỗi lần Tôma không thỏa mãn với những điều cha viết, hoặc phải giải quyết những vấn nạn ” hóc búa”, cha đều đến với Chúa Giêsu Thánh Thể và cầu nguyện lâu giờ.

Một lần đang khi cha Tôma quì cầu nguyện trước bàn thờ, thình lình ngài nghe tiếng Chúa phán từ tượng chịu nạn:

–        Tôma, con đã viết rất khéo về Cha!  Con muốn Cha thưởng gì cho con?

Lập tức cha Tôma trả lời:

–        Lạy Chúa, ngoài Chúa ra, con chẳng muốn điều gì khác!

Thế rồi, một ngày kia Tôma đột nhiên ngừng viết, mặc dầu ngài chưa hoàn tất tác phẩm nổi tiếng của ngài.  Khi được hỏi lý do, cha Tôma trả lời:

–        Mọi điều tôi viết chỉ là không, so với những gì đã được mạc khải cho tôi!

Cha Tôma qua đời năm 1274, khi Ngài mới được 49 tuổi.  Không đầy 50 năm sau, Ngài được tôn vinh trên bàn thờ.  Do các tác phẩm nổi tiềng của ngài, thánh Tôma được trao tặng danh hiệu “Tiến Sĩ Hội Thánh”.  Do sự trịnh trọng của ngài, thánh Tôma được gọi là “Tiến Sĩ Thiên Thần”. Do các giáo thuyết của Ngài, thánh Tôma được tôn phong là “Thánh Sư các Trường Công Giáo”.  Tiếng rống của “Con Bò Câm” đã thực sự vang dội khắp thế giới.  Hàng năm, Giáo Hội mừng kính Ngài vào ngày 28 tháng Giêng. 

 

Tác giả bài viết: Sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập176
  • Hôm nay12,664
  • Tháng hiện tại275,826
  • Tổng lượt truy cập35,922,171
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây