Hoa Tình Thươnghttps://hoatinhthuong.net/assets/images/logo.png
Thứ sáu - 14/05/2021 04:57
Amya là người làm công cho gia đình ông bà Shuharto, công việc của cô là giặt giũ và đi chợ nấu nướng hàng ngày. Gia đình ông bà Shuharto rất giàu có, có cả một hồ để nuôi cá và một trang trại nuôi gia súc gia cầm chỉ để làm thực phẩm trong nhà. Amya chăm chỉ và sạch sẽ nên được ông bà Shuharto rất quý mến. Một ngày, Amya đang làm việc thì em gái tìm đến báo tin mẹ cô trở bệnh mà nhà không còn tiền để mua thuốc và đồ ăn. Vì chưa đến ngày lĩnh lương nên Amya nghĩ mãi không biết làm thế nào. Đúng lúc ấy người chăm sóc đàn gia cầm nhờ Amya trông giúp một lúc vì có việc nhà, Amya bèn nghĩ: cả đàn ngỗng nhiều như thế kia, có lấy đi vài ba con ông bà chủ cũng không phát hiện ra. Túng quẫn làm liều, Amya ôm lấy 3 con ngỗng cho vào bao rồi đem ra chợ bán lấy tiền đưa cho em gái mang về mua thuốc và đồ ăn cho mẹ. Tối hôm ấy, người chăm sóc đàn gia cầm đếm số ngỗng và phát hiện thiếu 3 con đã báo với ông bà chủ rằng ngỗng mất khi anh ta nhờ Amya trông giúp. Bà Shuharto nghe xong tức giận đùng đùng, đòi đuổi ngay Amya đi. Ông Shuharto xua tay, ôn tồn can ngăn: “Bà đừng làm ầm lên, tôi đã có cách”. Hôm sau, ông Shuharto cho gọi Amya lên nhà, ông đưa một món tiền rồi nhẹ nhàng bảo: “Ta nghe nói mẹ con lại trở bệnh cũ, nhà con đang túng thiếu, ta cho con nhận trước tiền lương tháng này và cho con thêm một ít để gửi về lo thuốc thang cho mẹ, ta đã gọi người bắt cho con 2 con ngỗng béo để con mang về nấu đồ ăn cho mẹ. Hôm nay con nghỉ về thăm mẹ rồi mai trở lại làm việc”. Nghe ông chủ nói, Amya nước mắt lưng tròng, mặt cúi gằm thưa: “Thưa ông, ông bà luôn đối xử tốt với con mà con lại làm một việc xấu xa là ăn trộm 3 con ngỗng của nhà mình, con rất xấu hổ và ân hận, con không còn mặt mũi nào để làm việc tiếp, con xin về quê ạ”. Ông Shuharto gật đầu: “Con đã biết lỗi và tự nói ra như vậy là được rồi, ta sẽ không truy cứu nữa nhưng con phải nhớ không bao giờ được tái phạm cho dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào. Giờ hãy về thăm mẹ rồi mai trở lên làm việc tiếp”. Amya đi rồi, bà Shuharto mới ở nhà trong bước ra, cười bảo: “Ông xử sự rất có tình có lý, nếu tôi mà làm ầm lên, con bé nó không nhận rồi bỏ đi, mình vừa mang tiếng, vừa mất người làm”. Ông Shuharto gật đầu: “Quan trọng là mình nhìn đúng bản chất con người, hiểu rõ vấn đề và hoàn cảnh để đánh giá sự việc. Không nên dồn ai vào bước đường cùng vì con người ai cũng có lúc khó khăn, sống phải biết bao dung mới là con người chân chính”.