8 bí quyết thành công của Thomas Edison.

Thứ tư - 08/04/2020 10:48

8 bí quyết thành công của Thomas Edison.

Đến trường chỉ 3 tháng, từ một cậu bé bị cho là loạn trí, kẻ đần độn, bước lên đài vinh quang của nền khoa học nhân loại, Thomas Alva Edison đã để lại một triết lý sống phấn đấu hết mình, không bao giờ từ bỏ và tư duy đột phá, táo bạo.

8 bí quyết thành công của Thomas Edison  
Khi nhắc đến ông, người ta sẽ ngạc nhiên với một di sản đồ sộ của nhà bác học này, với tổng cộng 1093 bằng chế mang tên ông tại Hoa Kỳ, và các bằng sáng chế ở Anh, Pháp, Đức.

 

 

1. Hãy sáng chế những gì mà thị trường cần.


  

"Cái gì không bán được thì tôi không muốn sáng chế. Doanh số là bằng chứng về tính hữu dụng, và tính hữu dụng là thành công."

Bằng sáng chế đầu tiên của Edison là một thất bại với chiếc máy đếm phiếu, phục vụ các cơ quan lập pháp. Khi nó được đem đến thủ đô Washington, Quốc hội đã dội một gáo nước lạnh: "Nếu phát minh nào trên trái đất mà chúng tôi không muốn thấy ở đây chính là nó ". Và chiếc máy không bao giờ được sử dụng.
Một kinh nghiệm trong buổi đầu khởi nghiệp của chàng trai 22 tuổi Edison. Từ ấy, chàng quyết định hãy nghiên cứu và tập trung cho những thứ mà có thể đưa nó vào thị trường một cách khả thu và hiệu quả. Nguyên tắc đến nay như thành câu của miệng của dân kinh doanh Bán cái người ta cần, không bán cái ta có. 

2. Mở lối đi riêng.


  

"Bất mãn là sự cần thiết đầu tiên cho tiến bộ"

Edison không được học ở trường. Tuy nhiên, các kiến thức và kinh nghiệm được ông tích lũy theo một cách riêng của mình. Tuổi thơ ông đã bắt đầu nhìn thế giới diệu kì bằng những câu hỏi về sự hoạt động của mọi vật. Trong đầu ông luôn nảy sinh những ý tưởng táo bạo mà những người xung quanh cho là điên rồ. Có lẽ, đó chính là tiền đề cho các sáng chế không tưởng trong suốt cuộc đời ông.
Ông không bao giờ đặt mình vào một trạng thái an phận, chấp nhận với thực tại vì ông nghĩ rằng mọi vật đều có thể cải tiến để cho chúng hoạt động tốt hơn. Việc không chấp nhận thực tại theo ông là nền tảng của sự phát triển.
Thời niên thiếu trải qua nhiều công việc mưu sinh gian nan. Edison luôn tìm cách dịch chuyển mình liên tục để thích ứng với thời đại.
Không chấp nhận với sự nhàm chán với công việc điện báo viên, một buổi sáng tháng năm 1869, chàng thanh niên 22 tuổi ấy từ Boston đặt chân đến hải cảng New York và bắt đầu hành trình chinh phục thành công với hai bàn tay trắng cùng món nợ 800 đô la.
Ông lang thang nơi đô thành xa lạ này, hỏi vay được người quen chỉ 1 đô la để tiếp tục nuôi hoài bão của mình. Sống với đồng tiền nhỏ mọn này cho đến ngày thứ ba, khi đi ngang qua công ty hối đoái Gold Indicator, Edison bắt gặp cả trăm người đang chen chúc chờ đợi. Nguyên nhân là do chiếc máy ghi giá vàng đã bị hỏng. Viên giám đốc thì nổi cáu lên với các nhân viên của mình: "Tôi cần một người thợ có tài". Cơ hội đã đến với ông Edison, ông nói với viên giám đốc rằng: " Thưa ông! Tôi không phải là thợ sửa nhưng tôi có thể sửa được chiếc máy". Edison đã làm chiếc máy kia hoạt động chỉ sau hai giờ. Và vị giám đống đã quyết định sẽ thuê cậu với mức lương 300 Đô la một tháng để làm quản đốc kĩ thuật.

Nhưng, một lần nữa Edison vẫn không chấp nhận một cuộc sống làm công ăn lương như thế vì trong đầu ông luôn chứa đựng hàng tá các phát minh luôn thôi thúc ông đi tìm một công việc mới. 

Nếu là bạn, bạn có dám rời khỏi một vùng an toàn nào đó, chấp nhận dấn thân cho một chuyến phiêu lưu mới để thay đổi cuộc đời mình không hay chấp nhận để guồng quay cuộc sống cứ đưa bạn đi theo một thời khóa biểu cố định ngày qua ngày ?

3. Bạn có khả năng nhiều hơn bạn nghĩ.


  

"Nếu ta làm tất cả những gì mình có thể làm, ta sẽ làm chính bản thân mình kinh ngạc."

Một cậu bé sớm rời ghế nhà trường vì bị cho là kẻ đần độn. Edison đã chứng minh cho thế giới thấy một chân lý bằng nỗ lực hết mình bạn sẽ trở thành một nhân vật vĩ đại hơn bạn nghĩ. Đôi lúc, như những chú cá hồi hối hả bơi ngược dòng như một quy luật tất yếu của cuộc sinh tồn này khiến ta dường như kiệt sức và nghĩ rằng ta không thể tiếp tục hoặc không đủ sức, hay chúng ta đổ thừa do năng lực ta có hạn.
Con đường lên đỉnh vinh quang không bao giờ bằng phẳng, mà toàn là chông gai. Bạn có biết để chế tạo thành công bóng đèn dây tóc, Thomas Edison đã thất bại hơn 10.000 lần thí nghiệm ? Cư sau mỗi lần thất bại, ông lại tự nhủ bản thân rằng "mình đã đến rất gần với thành công". Ông từng phát biểu:
"Thất bại lớn nhất của con người là anh ta bỏ cuộc trước khi nhận ra mình gần đến thành công như thế nào".
Bạn nghĩ sao nếu Edison chấp nhận bỏ cuộc ở lần thử nghiệm thứ 9999 ? Ắt hẳn nhân loại sẽ bỏ qua một phát kiến vĩ đại mang tên ông. Ta cứ nghĩ là xây một tòa từ những viên gạch nhỏ bé. Ấy vậy mà ta lại bỏ dở công việc kì tích kia khi chỉ còn một vài viên gạch nữa.

Thật đáng tiếc thay vì trong tâm trí ta luôn có một tiếng nói phá bĩnh nào đó cứ làm ta chùn bước " anh chẳng thể làm được đâu, thật vô ích, hãy ngưng lại đi" hay "thật khó khăn, vì chặng đường còn dài thăm thẳm, anh sắp kiệt sức rồi". Bậc vĩ nhân luôn giành thắng lợi quan trọng đầu tiên chính là chiến thắng bản thân mình. 

4. Người ta không thành công chỉ với một ý tưởng.


  

"Để có một ý tưởng lớn, hãy có thật nhiều ý tưởng".

Một chân lý hiển nhiên đến với người thành công là họ luôn nảy ra nhiều ý tưởng. Vì cớ, Thượng Đế ban cho con người một trí tưởng tượng vô cùng phong phú. Đó chính là một nguồn tài nguyên dồi dào trong não bộ con người con hơn cả những mỏ dầu của xứ Ả Rập. Nếu không như vậy thì cái văn minh trên địa cầu này ắt hẳn không phát triển như ngày hôm nay.
Nếu Edison chỉ dừng lại ở một ý tưởng thì chắc mọi người chỉ biết đến ông qua chiếc máy điện tính. Tuy nhiên, hiểu rộng vấn đề hơn đó chính là tính tập thể.
Bạn muốn đi nhanh hãy đi một mình, nhưng để có thể đi xa, bạn cần những cộng sự. Xung quanh Edison có rất nhiều đồng sự có khả năng xây dựng và củng cố , hoàn thiện những ý tưởng cơ bản ban đầu của ông. Đó chính là sự đóng góp chất xám vô cùng quan trọng giúp ông luôn hoàn thiện, cải tiến các sáng chế của mình. Một số phát minh mang tên ông. Tuy có thể ý tưởng khởi nguồn không bắt đầu từ Edison. Nó chính là thành quả lao động miệt mài của ông và các cộng sự đắc lực.

5. Cạnh tranh là nguyên tắc thiết yếu.


  

"Tôi tìm thấy lạc thú lớn nhất, và cũng như phần thưởng, nằm trong công việc vượt qua điều mà thế giới gọi là thành công".

Có một cuộc chiến mà giới khoa học thế kỷ 19 gọi là " cuộc chiến tranh điện" diễn ra giữa Nikola Tesla và Thomas Edison. Cuộc chiến để quyết định dòng điện 1 chiều (DC) hay dòng điện xoay chiều (AC) sẽ trở thành tiêu chuẩn cho ngành công nghiệp điện. Trong khi, Tesla muốn thúc đẩy cho ý tưởng về một hệ thống điện xoay chiều thì Edison ở phía ngược lại.

Sự thành công vượt bậc của Edison ở khía cạnh là ông đã xây dựng lên một đế chế của dòng điện một chiều bao gồm một hệ thống sản xuất, phân phối dòng điện một chiều đến các doanh nghiệp và các gia đình để họ trải nghiệm các phát minh mới của ông.

Nhược điểm lớn nhất của hệ thống truyền tải điện một chiều là điện năng bị tổn thất và giảm điện áp theo chiều dài dây dẫn. Như vậy, các nhà máy phát điện phải đặt trong phạm vi 1 km để truyền điện đến nơi tiêu thụ điện. Việc xây dựng rải rác nhiều nhà máy điện hơi nước sẽ gây ra rất nhiều tốn kém và ô nhiễm môi trường.

Năm 1884, một kỹ sư trẻ người Serbia tên là Nikola Tesla di cư sang Mỹ và gia nhập phòng thí nghiệm của Edison. Trong quá trình làm việc, Tesla đã giúp cải tiến máy phát điện một chiều của Edison. Không dừng lại ở đó, Tesla tìm ra cách để chế tạo động cơ và máy phát điện xoay chiều. Nó hoạt động hiệu quả hơn, rẻ hơn và đáng tin cậy hơn so với hệ thống điện một chiều. Tesla trình bày ý tưởng của mình cho Edison, nhưng Edison tuyên bố rằng điện xoay chiều quá nguy hiểm và không thể kiểm soát.

Thất vọng khi bị Edison từ chối, Tesla xin nghỉ việc và nhanh chóng thành lập doanh nghiệp riêng của mình vào năm 1887 để phát triển hệ thống điện xoay chiều. Công ty điện lực Tesla nhanh chóng thu hút được nhiều vốn đầu tư cũng như sự chú ý của George Westinghouse – người đã thương lượng để Tesla nhượng quyền sáng chế điện xoay chiều với giá 2,5 USD cho mỗi mã lực (HP) được bán ra. Kể từ đó, Tesla hợp tác chặt chẽ với Westinghouse để cùng nhau triển khai hệ thống điện xoay chiều. Công ty điện lực của Westinghouse nhanh chóng trở thành đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Edison.

Và ưu điểm của dòng điện xoay chiều nằm ở điểm dòng điện có thể truyền đi xa một cách tối ưu mà không gây tổn thất điện năng trên đường truyền, đem lại hiệu quả kinh tế đáng kể.

Trước sự đe dọa này, Edison đã phát động một chiến dịch truyền thông nhằm chống lại Nikola Tesla. Ông đã cho thí nghiệm trước công chúng rằng điện xoay chiều có thể giết chết động vật. Thậm chí, tại New York, chính quyền còn áp dụng xử tử tù nhân bằng dòng điện xoay chiều. Chiến dịch của Edison đã làm chậm lại việc sử dụng phổ biến điện xoay chiều trong nhà ở tư nhân khoảng nửa thế kỷ. Ngay cả trong những năm 1950, một số căn hộ tại thành phố New York vẫn dùng điện một chiều. Tuy nhiên, sau đó, người ta chứng minh được rằng dòng điện một chiều trên thực tế có khả năng gây chết người cao hơn.

Qua thời gian sử dụng, hệ thống điện xoay chiều tiên tiến hơn, linh hoạt hơn và rẻ hơn về mặt kỹ thuật đã chiếm dần thị phần và đánh bại hệ thống truyền tải điện một chiều của Edison.

Một bài học được rút ra là nếu Edison chấp nhận về ý tưởng táo bạo của Tesla ắt hẳn đế chế "Dòng điện" của ông còn lớn mạnh hơn và thậm chí còn có ảnh hưởng cho đến ngày nay. Việc bảo thủ ấy đã khiến ông rơi vào một cuộc cạnh tranh và như ông đã nói nguyên tắc là sự cải tiến và hiệu quả sẽ giành chiến thắng, ông đã bị đánh bại.

6. Chúng ta là ai ?


  

"Giá trị của bạn nằm ở việc bạn là ai, chứ không nằm ở việc bạn có gì"

Xuất phát điểm về học vấn của thiên tài Edison chỉ là 3 tháng đến trường thuở nhỉ cùng nhũng năm tháng mưu sinh cơ cực. Sau này, trong một lần tiếp kiến Tổng thống Mỹ Rutherford B. Hayes tại Nhà Trắng, Edison đã làm mọi người kinh ngạc khi trả lời câu hỏi của tổng thống về việc mình tốt nghiệp kĩ sư ở Mỹ hay tại Châu Âu? Ông đưa ra tờ giấy gấp tư trong đó có dòng nhận xét của thầy hiệu trưởng gửi về cho gia đình: "... trò T. Edison, con trai ông, là một trò dốt, lười và hư. Tốt nhất là nên cho trò ấy đi chăn lợn thì hơn vì chúng tôi thấy rằng, trò ấy có học nữa thì sau này cũng không làm được trò trống gì...”.
Edison đã luôn luôn học trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh và không ngừng tìm tòi trong thực tế. Có thể nói, cuộc sống lao động với tinh thần dũng cảm đương đầu chính là học đường lớn nhất của Edison.
Bạn hay kêu ca rằng hành trang vào đời bạn quá khiêm tốn, không đầy đủ trình độ, kĩ năng bằng những người khác hoặc cuộc sống hiện tại bạn quá bận rộn không có thời gian để tích lũy thêm nhưng kiến thức, kĩ năng nhằm cải thiện công việc hiện tại, có lẽ, bạn nên xét lại.
Cuộc đời của Edison là một chuỗi những ngày làm việc không ngơi nghỉ. Dù luôn khá tất bật với công việc, nhưng Edison đã đọc hơn 10.000 cuốn sách với 3 quyển mỗi ngày.
Bạn cần chứng tỏ bản lĩnh của mình trước cuộc đời, vì bạn mạnh mẽ và phi thường hơn bạn nghĩ. Những tư tưởng tiêu cực trong bạn hạ gục bạn chứ không phải do những tác nhân bên ngoài. Đã đến lúc, bạn phải tìm ra giá trị thật của bản thân bạn.Bạn là ai và trở thành như thế nào là do nơi sự lựa chọn của bạn chứ không phải số phận.

7. Cơ hội ở đâu ?


  

"Cơ hội bị hầu hết mọi người bỏ lỡ vì nó mặc áo khoác làm việc và trông giống như công việc."

Có bao giờ chúng ta nhìn trong quá khứ và tự tiếc nuối: "giá mà....", "nếu như....",.. Và chúng ta đã để vụt mất cũng không ít cơ hội. Cơ hội khi đến nó lại ẩn nấp trong các vỏ bọc rất ư là bình thường. Nhiều lúc chúng ta mộng tưởng những việc cao xa như hái hoa trên trời nhưng cơ hội lại nằm ngay dưới chân ta, chúng ta chẳng cúi xuống để nhìn mà thản nhiên bước qua nó thôi. Chẳng phải chỉ với một trái táo ngẫu nhiên nào đó Newton đã đưa ngành vật lý học sang một chương mới sao. Đôi khi những phát kiến vĩ đại nằm ở những sự vật, sự việc rất đỗi tầm thường, nhỏ bé.
Quay lại câu chuyện về chiếc máy ghi giá vàng khi Edison vừa bước đến New York. Nếu chàng thanh niên ấy bỉ qua đám đông thì chắc chiếc máy kia sẽ không rơi vào tay một thiên tài và cậu thì sắp tiêu hết 1 Đô la vừa vay. Đó chính là công việc đầu tiên dù chỉ lương 300 Đô một tháng nhưng nó giúp cho cậu sinh tồn trong những ngày đầu, để nuôi hoài bão lớn lau tiếp sau đó.
Edison có một câu nói như thế này:
"Những ý tưởng lớn bắt nguồn từ cơ bắp".
Nghe có vẻ mâu thuẫn vì ta sẽ nghĩ ý tưởng lớn phải bắt nguồn tư duy trí tuệ, tại sao lại là cơ bắp. Vâng! Bạn muốn leo lên đỉnh tháp phải bắt đầu từ chân tháp, muốn làm những chuyện kinh thiên động địa phải bắt đầu bằng những việc nhỏ nhặt trước.
Khi được mười hai tuổi, Edison có công việc đầu tiên là bán rau cho những nhà hàng xóm trong khu phố. Ông còn xin thêm chân bán báo tại công ty xe lửa nhằm gia tăng thu nhập và nhờ vậy mà ông không phải mất tiền vé xe lửa mỗi khi mua rau.Công việc thuận lợi, Edison gom góp đủ tiền để mua một chiếc máy in cũ để có thể sản xuất và phân phối một tờ báo của chính mình. Lúc này, Edison mới mười lăm tuổi.

8. Chỉ suy nghĩ là chưa đủ.


  

"Có tầm nhìn về điều mình muốn là chưa đủ... Tầm nhìn mà không có thực thi chỉ là ảo ảnh".

Bạn có rất nhiều ý tưởng, rất nhiều mục tiêu để làm. Nhưng rốt cuộc, bạn lại trì hoãn rồi dần dà bạn quên bẵng nó đi và bạn nhét nào một xó nào đó trong bộ nhà, tất cả tự nhiên biến mất. Bạn đang lãng phí nguồn tài nguyên mà Thượng Đế đã ban tặng cho bạn.

Bạn có những ước mơ nhưng chẳng làm gì để thực hiện được. Nó cũng chỉ là ảo ảnh. Hãy biến trí tưởng tượng của bạn thành sự thật. Không thể cứ ngồi mà nghĩ đến một viễn cảnh huy hoàng, chìm đắm trong dòng suy tư đó nhưng quay về thực tại bạn vẫn là chính bạn.

Người Do Thái có một câu ngạn ngữ rất thâm thúy:
Thời gian trồng cây tốt nhất là hai mươi năm trước. Thời gian tốt thứ hai là ngay bây giờ.

Chúng ta không thể quay ngược thời gian để thay đổi quá khứ nhưng có thể hành động ngay bây giờ để chuẩn cho tương lai còn hơn là 20 năm sau chúng ta lại bắt đầu cho một sự tiếc nuối khác.

Nếu trong thế kỷ 19, có ai nói với bạn sẽ có một thứ thắp sáng thế giới mà không cần dầu, một chiếc máy có thể phát lại giọng hát của một danh ca hay một loại thiết bị có thể truyền một bức thư bạn đi vạn dặm trong vài phút thì bạn sẽ cho đó là một kẻ điên. Tất cả, những ý tưởng viễn vông ấy đã được Thomas Edison biến thành sự thật.


Xin kết lại bài viết tựa một ca khúc khá thú vị của giọng ca huyền thoại Elvis Presley - It's NOW or NEVER. Vâng! Hãy hành động ngay để biến ý tưởng của bạn thành sự thật. BÂY GIỜ hoặc KHÔNG BAO GIỜ !
 


 

Tác giả bài viết: Hồ Hoàng Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập345
  • Hôm nay11,830
  • Tháng hiện tại278,529
  • Tổng lượt truy cập36,333,084
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây