Cả dòng suối trong chỉ cần một gáo nước để uống, đời người có cần quá truy cầu?
Một vị Thiền sư hỏi một người: “Trong mắt người phàm trần, con có tiền, có quyền thế, có một người vợ thương yêu hết mực, vì sao con vẫn không vui?”.
Người này đáp: “Nhiều thứ sao? Nhưng con vẫn còn thấy chưa đủ!”.
Đức Phật cười nói: “Vậy hãy để ta kể cho con một câu chuyện…
Chuyện kể rằng, một khách lữ hành băng qua sa mạc nắng như thiêu như đốt, cơn khát cháy bỏng khiến ông gục ngã ngay giữa cuộc hành trình. Thượng đế xót thương đã cho một hồ nước xuất hiện trước mặt vị khách bộ hành, nhưng lạ thay người ấy không uống lấy một giọt.
Thượng đế thấy lạ, bèn hỏi nguyên do. Vị khách bộ hành đáp: “Nước hồ nhiều thế này, còn bụng tôi lại bé nhỏ như vậy, uống một ngụm làm sao hết được đây? Vậy thì thà không uống còn hơn”.
Kể tới đây, Thiền sư nói với người đàn ông nọ: “Con hãy nhớ rằng, trong cuộc đời sẽ có rất nhiều điều tốt đẹp đến với con, nhưng con chỉ cần nắm giữ một thứ trong đó thì đã có thể mãn nguyện. Cũng giống như nước cuồn cuộn chảy 3.000 dặm thì con chỉ cần một gáo là đủ uống rồi”.
Sinh mệnh là có duyên, cũng là có phận. Đôi khi có những điều chúng ta dành cả đời truy cầu vẫn không đạt được; nhưng ngược lại, có những thời khắc bừng sáng mà ta không ngờ tới lại đến một cách thong dong đạm bạc.
Cuộc đời của một người bình thường nói chung là để truy cầu, cho dù ở giai tầng nào đi nữa. Dẫu người đó giàu hay nghèo, đều không thể thoát khỏi chữ “cầu”. Điều này tương tự với vợ của người chài cá trong câu chuyện cổ tích “Ông lão đánh cá và con cá vàng”.
Khi đã được cái máng ăn, bà lại ước một căn nhà gỗ. Khi được căn nhà gỗ rồi, bà lại ước một cung điện. Khi đã được rồi, bà lại ước mình trở thành vua của biển cả để điều khiển cá vàng. Trong cuộc đời một con người, người ta cũng truy cầu bất tận như vậy.
Tuy nhiên, trong “Ông lão đánh cá và con cá vàng”, cho dù dục vọng của người vợ không ngừng bành trướng, bà kết thúc bằng việc mất đi mọi thứ và trở về trạng thái ban đầu. Mặc dù cách hiểu phổ biến về câu chuyện đạo đức này là cảnh tỉnh con người không tham lam quá trớn, nhưng ngụ ý sâu hơn của tác giả là nói với chúng ta rằng truy cầu của con người trên thế gian này thật là vô nghĩa, chỉ như một giấc mộng vậy. Tất cả những gì có được chỉ là tạm thời, và cuối cùng, mọi thứ trở về với nguyên gốc, không đạt được gì cả.
Lại có câu chuyện thế này. Một thương nhân người Mỹ ngồi trên bến tàu của một làng chài nhỏ trên bờ biển Mexico, xem một ngư dân Mexico đang chèo chiếc thuyền nhỏ cập bến. Trên chiếc thuyền nhỏ có một vài chiếc đuôi cá Đại Hoàng và vây Cá Ngừ. Vị thương nhân người Mỹ này khen ngợi người ngư dân Mexico bắt được loại cá có giá trị cao như thế.
Ông hỏi người ngư dân: “Anh đã mất bao nhiêu lâu để bắt được số cá đó?”.
Người ngư dân Mexico trả lời:”Chỉ một lát là bắt được từng đó rồi“.
Vị thương nhân người Mỹ lại hỏi: “Anh tại sao lại không nán lại lâu hơn một chút để bắt được thật nhiều cá hơn?”.
Người ngư dân Mexico cảm thấy không cần làm như thế liền nói: “Số cá này là đã đủ cho người nhà tôi dùng rồi”.
Vị thương nhân người Mỹ hỏi: “Như thế thì thời gian trong ngày của anh còn rất nhiều, anh làm những việc gì?”
Người ngư dân Mexico giải thích: “Tôi à? Tôi mỗi ngày ngủ đến lúc hết buồn ngủ mới dậy, ra biển đánh bắt mấy con cá, sau đó trở về nhà chơi cùng các con, rồi ngủ trưa cùng vợ, lúc hoàng hôn đến, cùng với anh em uống chút rượu, chơi đàn ghi ta. Cuộc sống của tôi trôi qua vô cùng tốt đẹp”.
Thương nhân người Mỹ cho rằng như thế là không tốt liền nghĩ kế giúp người ngư dân, ông ta nói: “Tôi là thạc sĩ quản trị kinh doanh của trường Đại học Harvard tôi có thể giúp anh bận rộn hơn, mỗi ngày anh hãy dành nhiều thời gian đi bắt cá hơn, đến khi đó anh sẽ có tiền để mua một chiếc thuyền to hơn một chút, đương nhiên anh sẽ bắt được nhiều cá hơn nữa, anh lại mua được một chiếc thuyền to hơn nữa, sau đó anh có thể có được cả một đoàn thuyền đánh cá”.
Ông nói tiếp: “Đến lúc đó anh không cần phải mang cá đi bán cho người buôn cá, mà trực tiếp bán cho cơ sở chế biến cá, sau nữa anh có thể mở một nhà máy chế biến đồ hộp, như thế anh có thể kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất, gia công, tiêu thụ. Sau đó anh có thể từ bỏ làng chài nhỏ này, chuyển đến Mexico, lại chuyển đến Los Angeles, cuối cùng là đến New York, ở đó xí nghiệp kinh doanh của anh sẽ không ngừng phát triển mở rộng”.
Người ngư dân Mexico hỏi: “Điều này phải mất bao nhiêu thời gian đây?”
Vị thương nhân người Mỹ trả lời: “15 đến 20 năm”.
Người ngư dân Mexico hỏi: “Vậy còn sau đó thì sao?”.
Vị thương nhân người Mỹ cười lớn và nói: “Sau đó thì anh có thể ở nhà làm hoàng đế. Thời cơ thích hợp đến, anh có thể đưa cổ phiếu ra thị trường, bán cổ phần của Công ty anh cho dân chúng, đến lúc đó anh sẽ giàu có đấy, anh có thể có vài tỷ, vài tỷ đô la tiền lợi nhuận”.
“Tiếp sau đó nữa thì sao?”.
Vị người Mỹ nói: “Cho đến lúc đó anh có thể nghỉ hưu, anh có thể đến bờ biển của làng chài nhỏ mà sinh sống, mỗi ngày ngủ đến tỉnh ngủ mới dậy, ra bờ biển bắt vài con cá, chơi cùng các con, lại cùng vợ ngủ trưa, lúc hoàng hôn, lại cùng anh em trong thôn uống chút rượu và chơi đàn ghi- ta”.
Người ngư dân Mexico nghi ngại nói: “Tôi hiện tại chẳng đúng là đang như thế sao?”.
……..
Chúng ta sống trên đời, kỳ thực không cần quá nhiều để có thể hạnh phúc. Dẫu vinh hoa và phú quý hơn nữa, thì cuối cùng chúng cũng chỉ là chiếc váy cưới tô điểm cho người khác. Khi chúng ta thực sự tỉnh ngộ về những điều mình đạt được, thì sau biết bao lo toan, mệt mỏi và tranh giành, ta mới phát hiện ra rằng… năm tháng tươi đẹp đã tuột khỏi tầm tay…
“Nước chảy 3.000 dặm cũng chỉ cần một gáo để uống”. Trong cả cuộc đời, có thể chúng ta sẽ gặp được rất nhiều điều tốt đẹp, nhưng chỉ cần chuyên tâm nắm vững một thứ là đủ rồi. Cuộc sống là những chuỗi ngày nối đuôi nhau, con đường phải bước từng bước một, công việc cũng phải làm từng việc một.
Cao ốc ngàn gian, đêm cũng chỉ ngủ trên chiếc giường không quá hai mét; thức ăn vạn món, ngày ăn cũng không quá ba bữa. Con nước lớn dẫu dâng trào cuồn cuộn, bạn không thể lấy hết được, cũng không thể dùng hết được, bởi điều thực sự thuộc về bạn chỉ là một gáo nước mà thôi.
Bởi vậy, hạnh phúc của đời người không ở niềm vui về vật chất, mà ở chỗ biết đủ, biết dừng, vứt bỏ cám dỗ của dục vọng để gìn giữ một cuộc sống bình an nhất.
Tác giả bài viết: Nguyen van Thanh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn