LỚP VIỆT NGỮ „VỀ NGUỒN“ TẠI HAMBURG, ĐỨC QUỐC

Thứ bảy - 13/04/2019 23:48

LỚP VIỆT NGỮ „VỀ NGUỒN“ TẠI HAMBURG, ĐỨC QUỐC

rất cám ơn những người con Đất Việt luôn muốn giữ gìn bản sắc của Quê Hương Kỷ niệm 15 năm âm thầm mở và 10 năm âm thầm đóng cửa lớp :) Những nhận định chung quanh việc học tiếng Việt Vốn là người „bảo thủ“, trước khi có con, tôi đã quan niệm, con mình phải nói và đọc được tiếng mẹ đẻ.

Trước đó xa hơn, khi mới về sinh sống tại thành phố Hamburg, vào năm 1986 tôi đã cùng vài người bạn „gồng mình“ mở một lớp học dạy tiếng Việt ở khu Steilshoop. Dù xuất thân là dân miền Tây, vùng phát âm và viết chinh tả sai nhiều nhất Việt Nam, mong muốn giúp trẻ con đọc được tiếng Việt đã thôi thúc tôi tìm người và phòng để thực hiện.

Lúc đó nghèo nàn về kinh phí lẫn tài liệu dạy. Nhưng trở ngại lớn nhất vẫn là số lượng học sinh quá ít ỏi, chừng 10 đứa mà thôi. Lớp học chưa kịp có tên thì đã âm thầm đóng cửa. Tuy nhiên tôi còn nhớ một đôi vợ chồng tên Tỷ và Lan dù ở tận khu Mümmelmannsberg xa xôi cũng cố gắng đưa hai đứa con đến lớp đều đặn.

Những năm đầu đến Đức, phần lớn phụ huynh chủ trương cho con mình tập trung vào tiếng Đức để rượt kịp bạn cùng lớp. Phần lớn đều có suy nghĩ, ngôn ngữ thứ hai sẽ làm đầu óc trẻ con rối lên, gây trở ngại cho việc học trong trường.

Thật ra suy nghĩ này không có lý. Ngược lại, đầu óc trẻ con có khả năng hấp thụ rất cao. Trẻ lớn lên trong gia đình dùng song ngữ thì khi đi học, việc học thêm 2, 3 ngôn ngữ khá dễ hơn trẻ chỉ biết một ngôn ngữ duy nhất. Vì óc trẻ đã quen với 2 sinh ngữ khác nhau.

Ngoài ra, trên thực tế, trẻ biết nói tiếng Việt thì học đọc rất nhanh. Nếu gia đình chỉ nói tiếng Đức với con thì khi đến lớp Việt ngữ, trẻ không hiểu thầy cô nói gì và học đọc cũng vô cùng khó khăn như người Đức học tiếng Việt. Dĩ nhiên là trừ những người có năng khiếu đặc biệt về ngôn ngữ.

Theo kinh nghiệm của tôi, trẻ học thành công nhất ở lức tuổi từ cuối lớp 2, tức là đã đọc và viết tiếng Đức đủ rành, đủ nhanh, đến cuối lớp 9. Trước cuối lớp 2 các em viết chậm, rất mất thì giờ. Sau lớp 9 bài vở trong trường nhiều quá và nhu cầu giao lưu với bạn bè cũng tăng mạnh, khó học hơn.

Hình thành lớp VNVN

Dòng đời trôi vùn vụt. Đến khi hai đứa con vào tiểu học, dĩ nhiên tôi muốn con mình đọc và viết được tiếng mẹ đẻ. Tôi bắt đầu dạy con đọc tiếng Việt ở nhà. Tuy nhiên, tôi đã nhanh chóng nhận ra là việc dạy tiếng Việt ở nhà không hề dễ dàng và đòi hỏi nhiều „kỷ luật“. Học không đều đặn, dễ bị ngắt quãng bởi khách khứa, điện thoại và bao thứ vụn vặt khác khiến cả cha lẫn con khó ngồi yên 90 phút liên tục để dạy và học.

Thế là bắt đầu vẽ kế hoạch hình thành lớp Việt Ngữ. Tìm người cùng dạy, tìm và soạn tài liệu dạy, làm quảng cáo cho người ta biết đến lớp học, tìm chỗ dạy và tìm học sinh có nhu cầu. Mọi việc phải xảy ra song song.

Phải có lớp học với bảng đen, phấn trắng và bàn ghế phòng học quen thuộc thì mới có không khí „học“ chứ không thể là bất cứ phòng nào. Phải là chiều thứ Sáu chứ không thể là ngày nào khác vì trong tuần thì các em học suốt rồi. Cuối tuần thì các em khó tham dự vì cả con lẫn cha mẹ đều bận rộn thăm viếng bạn bè thân nhân, tổ chức sinh nhật, đi chơi xa cuối tuần, … Các em thì phải đi học đều đặn vì mỗi tuần chỉ học 90 phút, nghỉ 1, 2 tuần thì tạo khó khăn lớn cho bạn học lẫn người dạy.

Rất hiếm học sinh ôn lại bài vở ở nhà nên chỉ học trong 90 phút ở lớp đó. Không thể dạy lại bài cũ vì không công bằng với các em đi học đều đặn. Còn nếu cứ tiếp tục giáo trình thì các em nghỉ nhiều quá vì đi ăn sinh nhật, cha mẹ bận không đưa con được, vì bệnh, vì đi xa cuối tuần … sẽ không theo kịp được nữa.

Đến mấy trường hỏi mượn/mướn phòng học. Cuối cùng, gặp được ông quản gia trường C-harlotte – Paulsen – Gymnasium, nơi con gái lớn mới vào học, tốt bụng giúp đỡ, cho „mượn“ mấy phòng học. „Điều kiện“ là quyên góp đều đặn cho quỹ trường học.

Chị Ngôn là người đầu tiên sốt sắng giúp tôi trong việc giảng dạy. Chị đã từng học sư phạm ở Việt Nam trước khi đi tị nạn. Sau này, khi lớp phát triển thêm thành 4 lớp, đã có thêm chị Đạm, chị Đượm, hai chị cùng tên Kim Thoa, anh Trọng, chị Trang gia nhập vào hàng ngũ giảng dạy.

Hình 1 cho thấy các học sinh đầu tiên của Lớp VNVN. Gọi là „lớp“ chứ không dám gọi là „trường“ theo đề nghị của một số bạn vì số người học và dạy ít ỏi quá. Lúc đó chia làm 2 lớp A và B với hai trình độ và lứa tuổi khác nhau.

Một số sinh hoạt song song với việc dạy

Sinh hoạt văn hóa cũng nằm trong chương trình dạy tiếng Việt nên chúng tôi đã cố gắng dạy các em hát những bài hát, trong đó có hai bài Quốc Ca và Bài ca về nguồn.

Lớp đã tham dự trại hè một ngày với nhóm Hướng Đạo, dự Tết Trung Thu, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương và Tết cộng đồng hàng năm do Hội Người Việt Tị Nạn cộng sản tại Hamburg tổ chức. Có lần có em đã đóng kịch dựa theo truyện cổ tích. Các em lớn từng được cô Trang dẫn đi Paris để thăm viện bảo tàng chứa đổ cổ Việt Nam.

Như cộng đồng người Việt ở những nơi khác nhiều em học sinh của Lớp VNVN là học sinh giỏi của trường Đức mà các em học hàng ngày. Nay đa số các em lớn đã ra trường từ lâu và đã trở thành bác sĩ, kỹ sư, cô giáo, sĩ quan quân đội ...

Học phí

Các „giáo viên“ dạy thiện nguyện nên không hưởng xu teng nào. Thậm chi còn phải tự móc túi đổ xăng, mua vé xe công cộng.

Tuy nhiên lớp vẫn phải cần có quỹ để đóng quỹ trường, mượn phòng học như đã kể. Ngoài ra còn dùng vào việc mua quà cho ông quản gia, tổ chức liên hoan Tết, lì xì mỗi năm, ăn kem vào mùa hè vào những thứ Sáu trời nóng và đẹp ...

Mỗi em đóng 6€/tháng. Con thầy cô giáo, gia đình cha mẹ thất nghiệp thì được miễn. Các anh chị em theo học chỉ đóng một nửa. Điều đáng buồn là, một số số gia đình gửi con đi học nhưng chẳng bao giờ đóng tiền. Con của họ còn „lời“ vì cũng được hưởng tiền lì xì, bánh kẹo liên hoan!

In áo thun với Logo do các em lớp B góp ý, em Nhi vẽ kiểu, cũng đã ngốn nhiều tiền quỹ của lớp.

Tài liệu dạy

Vì mục đích chính của lớp học là dạy cho học sinh ĐỌC ĐƯỢC CHỮ VIỆT nên tài liệu khó tìm. Trên mạng lúc đó cũng không dồi dào như bây giờ. Nêu tôi đã tự soạn ra tập tài liệu để dạy đọc. Tập này dành riêng cho học sinh ở Đức và dĩ nhiên bắt đầu từ dễ đến khó. Bài sau dựa vào bài trước. Tôi có tham khảo chương trình dạy của Trường Việt Ngữ Văn Lang bên Mỹ và một số sách từ Việt Nam do chị Ngọc Thảo tặng.

Thời kỳ ... âm thầm đóng cửa lần thứ hai

Mở lớp năm 2004. Thịnh nhất khoảng năm 2007. Bắt đầu 2008 lớp bắt đầu có chỉ dấu đi xuống khi tìm người dạy thiện nguyện khó khăn. Các em cũng đi học không đều đặn. Cuối cùng cũng phải lấy quyết định đóng cửa vì nhận thấy việc dạy không còn hiệu quả khi học sinh không đi học đều đặn và phải dồn lớp lại vì thiều giáo viên.

Nhìn lại kết quả

Thời gian ngắn ngủi 5 năm chỉ giúp được các em đi học đều đặn đọc được tiếng Việt. Riêng đối với tôi, dù thời gian đó rất bận rộn vì phải soạn bài, sửa lỗi bài làm, điều hành lớp học hàng tuần, trừ những tuần nghỉ vì trường học đóng cửa theo lịch Đức, Lớp VNVN đã là một trải nghiệm tốt khi nhìn lại.

Hai đứa con tôi nhờ lớp học mà đọc và viết được (dĩ nhiên còn sai chính tả nhiều). Chúng có thể trò chuyện và chat với bà con thân thuộc được. Dĩ nhiên thân nhân tôi rất mừng vì có thể nói chuyện trực tiếp với chúng mà không cần thông dịch. Đó cũng mục đích ban đầu đã đạt được.

Lời cám ơn

Lời cám ơn đặc biệt của tôi dành cho chị Ngôn vì nhờ chị mà lớp học bắt được trớn cho những năm sau. Chị đã rất tận tụy với việc dạy và được nhiều học sinh thương mến lúc đó, trong đó có hai đứa con tôi.

Cám ơn sự đóng góp to lớn và tích cực của các cô giáo Kim Hạnh, Đạm, Đượm, Trang, 2 cô cùng tên Kim Thoa, thầy Trọng và cả chị Liễu, tuy không dạy nhưng thường làm bánh mang đến cho học sinh xơi. Cám ơn luôn bà xã đã nhảy vào tiếp dạy vào năm cuối cùng vì thiếu giáo viên.

Cám ơn ông quản gia trường CPG đã tạo điều kiện cho lớp học thành hình và vận hành. Một thời gian sau năm 2009 ông mất. Hay tin trễ nên không dự đám tang ông được. Thật tiếc!

Cám ơn những cha mẹ đã chịu khó đưa và đón con đi học dù rất bận rộn, nhất là vào những ngày đông ướt át lạnh lẽo.

Cám ơn chị Ngọc Thảo đã tặng một số tài liệu dạy và chính chị soạn một số bài cho lớp A và B. 4 lớp A, B, C và D theo thứ tự từ lớn đến nhỏ.

 


Tác giả bài viết: Rangdong Sóc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập326
  • Hôm nay11,830
  • Tháng hiện tại278,190
  • Tổng lượt truy cập36,332,745
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây