Nhiều người ngày càng vô cảm vì mất niềm tin.

Thứ hai - 08/07/2019 10:08

Nhiều người ngày càng vô cảm vì mất niềm tin.

Nhiều người làm việc tốt lại gặp rắc rối, bị nghi ngờ, hành hung khiến họ dần trở nên vô cảm, không muốn giúp đỡ người khác.
Dư luận đang phẫn nộ trước vụ việc tài xế taxi va chạm với xe máy, nhưng chỉ xuống nhìn rồi nhanh chóng rời khỏi hiện trường, bỏ mặc hai nạn nhân giữa đêm khuya. Trong đó có cô gái trẻ nằm bất động và tử vong, còn nam thanh niên bị thương nặng.

Không lời giải thích nào có thể biện minh, không thể lý giải vì "hoảng loạn" nên rời khỏi hiện trường. Đáng chú ý, nhiều xe máy và ôtô đi qua vẫn bỏ mặc dù nạn nhân lê lết bò ra đường cầu cứu. Nếu được kịp thời cấp cứu biết đâu cô gái trẻ sẽ giữ được mạng sống, không phải bỏ lại con thơ chỉ mới 2 tuổi.

Thực tế, nhiều người làm việc tốt còn gặp rắc rối, bị nghi ngờ, hành hung. Em tôi từng đưa nạn nhân bị tai nạn giao thông đến bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, khi người thân của họ đến, tưởng người gây tai nạn nên đòi đánh, cũng may có bảo vệ can ngăn.

 Từ đó, thấy tai nạn giao thông, em tôi bỏ đi, xem như không quan tâm.

Người ta bỏ mặc, không giúp đỡ người gặp nạn, vô cảm với nhau chính vì mất niềm tin trong xã hội. Nguyên nhân nào cũng cho thấy rằng, trước tiên pháp luật đã thất bại, xã hội xấu đi về văn hóa và đạo đức. Hơn nữa, niềm tin giữa con người với nhau đang mất dần đi, người ta muốn làm việc tốt nhưng lại lo sợ bị hiểu nhầm và hành hung.

Vô cảm giờ đã trở thành thói quen ở nhiều người còn có nguyên nhân khác. Cuộc sống hiện tại thường trực những bất công, đồng tiền chi phối lớn đến cách hành xử. Tham nhũng, lợi ích nhóm, chạy chọt, mua chức, mua điểm trong khi pháp luật xử lý chưa nghiêm, khiến nhiều người mất niềm tin. Lâu dần khiến con người trở nên vô cảm, thấy người gặp nạn vẫn thản nhiên bỏ mặc. Đây còn là bước đệm làm cho không ít người lo ngại khi làm việc tốt, họ không tin vào pháp luật và lẽ phải.

Trắng đen, phải trái, đúng sai bị đảo lộn sẽ càng gây mất niềm tin trong xã hội. Có một thực trạng đáng buồn là những kẻ lừa bịp, khua môi múa mép, không tuân theo nguyên tắc hay quy định pháp luật có khi được cho là "khôn ngoan", "biết điều". Trái lại, người trung thực, ngay thẳng, tin và làm theo lẽ công bằng thì bị chê là quê mùa, bất thường.

Xã hội ngày nay nặng về chính trị hơn là đạo đức, nhiều công việc dù không liên quan nhưng không ít cơ quan đơn vị lại lồng ghép vào nhiệm vụ chính trị. Nhiều nơi đánh giá cá nhân dựa trên chuẩn mực hình thức, lập thành tích chứ chưa chú trọng đến đạo đức, nhân văn và các phẩm chất nghề nghiệp. Coi trọng thành tích hơn phương pháp và sự nỗ lực để đạt được mục tiêu. Từ đó xuất hiện mánh khóe để đạt mục tiêu.

Trong lĩnh vực nhân sự, nhiều nơi vẫn tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ dựa trên sự thân quen, lý lịch gia đình, lợi ích nhóm, để rồi bao che cho nhau những sai phạm, vi phạm pháp luật. Không ít người lạm dụng chức vụ và quyền hạn. 
Trong giáo dục dễ thấy nhất ở bậc đại học, sinh viên thường phải học các môn chính trị dù ngành học không liên quan, khiến việc học nặng về chính trị hơn văn hóa và đạo đức.

Niềm tin tạo ra những hành động sẵn lòng giúp người gặp nạn.

Khi mà ai cũng tin rằng làm điều tốt được ủng hộ và không bị rủi ro hoặc gây khó thì không ai không làm. Sự tự nguyện hợp tác giữa những cá nhân với nhau cũng nhờ niềm tin vào pháp luật, lẽ phải, sự đúng đắn. Chỉ trong môi trường tin cậy thì người này mới tin vào người kia, sẵn lòng tin giúp đỡ người khác, thậm chí là người xa lạ khi ra tay trợ giúp mà không lo ngại rủi ro và cũng không cần chờ đợi sự cảm ơn hay đòi hỏi điều kiện.

 

Cần đem lại niềm tin vào pháp luật, lẽ phải để tạo an tâm cho những ai giúp người gặp nạn. Một khi ai đó làm việc tốt, có hành động đúng đắn được bảo vệ sẽ tạo hiệu ứng theo phản ứng dây chuyền. Luật pháp phải nghiêm và kịp thời xử lý đúng mức các vi phạm, tham nhũng, lợi ích nhóm... Người thực thi công vụ phải nghiêm minh, công bằng, bảo vệ người tử tế. Trong cuộc sống cần luôn đề cao sự trung thực, đạo đức, nhân văn, giúp người gặp nạn... Chỉ có như thế mới giảm thiểu hoài nghi và xây dựng niềm tin giữa người với người. Có niềm tin rồi, người ta sẽ sẵn sàng giúp đỡ nhau trong hoạn nạn, giúp đỡ những nạn nhân bị tai nạn giao thông.
 

Nguồn :  https://vnexpress.net/y-kien/nhieu-nguoi-ngay-cang-vo-cam-vi-mat-niem-tin-3946623.html

 

 

 

Tác giả bài viết: Đỗ Ngô Trần

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập188
  • Hôm nay8,972
  • Tháng hiện tại272,134
  • Tổng lượt truy cập35,918,479
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây