Những con mèo di chuyển thoăn thoắt trong đêm với cặp mắt phát sáng chắc hẳn đã có lần làm cho bạn giật mình và ghê sợ. Bạn có thắc mắc tại sao mắt của chúng có khả năng phát sáng không?
Nguyên nhân nào làm cho mắt động vật sáng lên trong đêm tối?
Mắt của một số loài động vật sáng lên trong đêm vì có một lớp phản quang đặc biệt ở phía sau nhãn cầu (gọi là tapetum lucidum) giúp làm tăng lượng ánh sáng được hấp thụ bởi các tế bào cảm quang trong mắt chúng.
Tapetum lucidum là gì?
Tapetum lucidum là một lớp mô phản chiếu được tìm thấy trong mắt của nhiều động vật có xương sống và động vật không xương sống. Ở động vật có xương sống (ví dụ: mèo, chó, v.v.), lớp này nằm ở phía sau võng mạc.
Chức năng chính của lớp phản chiếu này là tăng ánh sáng cho các tế bào cảm quang trong mắt. Các tế bào cảm quang là các tế bào thần kinh đặc biệt trong võng mạc chuyển đổi ánh sáng khả kiến (bằng cách hấp thụ các photon ánh sáng) thành các tín hiệu có thể kích hoạt các quá trình sinh học trong cơ thể.
Một cách đơn giản, có thể xem lớp tapetum lucidum nay như một lớp gương phía sau mắt của những loài động vật làm cho mắt của chúng phát sáng, nhìn thấy rõ nhất vào ban đêm.
Vì sao lớp tapetum lucidum làm mắt động vật phát sáng?
Đây là một hiện tượng quang học, lớp tapetum lucidum đóng vai trò như là bộ khuếch đại ánh sáng. Thông thường, võng mạc thu nhận một phần ánh sáng đi vào mắt, nhưng lại để một phần khác đi qua. Lớp gương tapetum lucidum sẽ phản xạ phần lọt qua này trở lại võng mạc, tạo cho các tế bào cảm quang trong mắt cơ hội thứ hai để hấp thụ ánh sáng.
Điều này giúp cho động vật nhìn thấy rõ hơn, đặc biệt là vào ban đêm, vì các tế bào cảm quang nhận được nhiều ánh sáng hơn, do đó hình ảnh đối tượng được tạo ra cũng sáng hơn.
Mặc dù bản chất tapetum lucidum có màu, nhưng màu của nó phụ thuộc vào các khoáng chất tạo nên các tinh thể tapetum lucidum phản chiếu và góc nhìn của mắt. Các màu phổ biến nhất mà chúng ta nhìn thấy bao gồm màu trắng với màu xanh lam, xanh lục thường thấy ở hổ, chó hoặc linh dương.
Rất nhiều động vật, đặc biệt là những loài chuyên sống về đêm, có mắt phát sáng để chúng nhìn rõ hơn, dễ dàng săn tìm thức ăn và tránh mối nguy hiểm từ những kẻ săn mồi đang rình rập.
Một số động vật dưới nước như cá sấu, cá mập, lớp cá xương cũng có lớp phản quang này ở phía sau võng mạc.
Con người thường phát hiện và định vị một số loài động vật trong bóng tối bằng cách quét mắt của chúng. Ngoài ra, nhờ vào đôi mắt đặc biệt này mà loài ngựa và chó được huấn luyện trong các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ được thực hiện vào ban đêm. Người ta còn ứng dụng ý tưởng phản chiếu của tapetum lucidum vào mục đích đảm bảo an toàn giao thông bằng cách tạo ra đinh phản quang dọc theo các tuyến đường.
Nguồn: https://voh.com.vn/khoa-hoc/vi-sao-mat-cua-mot-so-loai-dong-vat-phat-sang-vao-ban-dem-342493.html