Ngày 10 tháng 2, Jason Fyk - ông chủ của các trang WTF Magazine, FunnierPics.net,... - chợt nhận được tin nhắn lạ từ một nhân vật tên Anthony không nằm trong danh sách bạn bè với nội dung: "Người anh em" ("Bro"). Chỉ vài phút sau, lưu lượng trang web FunierPics.net của anh đang từ 3000 bỗng tụt xuống con số 0. Nhấn vào fanpage WTF Magazine trên Facebook, Fyk lại thấy một tin nhắn khác từ Anthony: "Sites down :(" - "Sập rồi :(" Xây dựng cơ đồ từ Facebook Trang web của Fyk đã bị hack, và đây không phải lần đầu. Suốt mấy năm qua anh luôn bị lôi kéo vào những cuộc chiến bất đắc dĩ chống lại các tay hacker trẻ tuổi trên Facebook. Nói về hacker Anthony, cậu có một nhóm tên là The Community, chính cậu cũng đã thừa nhận hoạt động của nhóm là cướp những fanpage có giá trị để cho vui và nổi tiếng.
The Community kết nối với hàng nghìn hacker trẻ tuổi. Anthony, người sáng lập ra group bí mật trên Facebook cho biết cộng đồng này đã lan rộng sang cả Twitter, Instagram, Skype và Tumblr. Nhân viên của Fyk nhanh chóng nhận ra rằng FunierPics.net bị tấn công từ chối dịch vụ phân tán (tấn công DDoS - Viết tắt của Distributed Denial of Service). Liên lạc với nhà cung cấp tên miền GoDaddy, Fyk được biết rằng đã có khoảng 70.000 server bị chết khiến hơn 1 triệu khách hàng bị mất trang web. IP của Fyk cũng là mục tiêu của nhóm hacker. Fyk giải thích: "Hãy tưởng tượng World Wide Web là một đường cao tốc sáu làn, mỗi làn có đường ra riêng, một trong số các làn là của tôi. Bọn hacker thả thêm nhiều "phương tiện giao thông" xuống làn đường để lối ra của tôi bị tắc nghẽn." Trong 16 tiếng đồng hồ, trang web của Fyk đã được khôi phục nhưng anh mất 15.000 USD doanh thu quảng cáo. Kể từ đó, công ty anh cũng phải chịu thêm một vài vụ tấn công tương tự. Fanpage về MTV với 1,3 triệu người theo dõi đáng giá nhất của Fyk cũng bị tấn công và đánh cắp từ một lỗ hổng bảo mật. Fyk, 40 tuổi, một triệu phú đứng lên từ bàn tay trắng, xây dựng toàn bộ cơ đồ nhờ Facebook. Năm 2005, anh lập nên trang web WTFMagazine.com (WTF là viết tắt của "Whe-re's The Fun), nơi chia sẻ những nội dung hài hước. Hiện Fyk đang sở hữu khoảng 40 fanpage, nắm trong tay hơn 28 triệu like. Lượt xem của toàn bộ các fanpage của anh lên tới hàng chục triệu mỗi tháng, mang lại cho anh hàng triệu đô la mỗi năm nhờ quảng cáo. Trò chơi trốn tìm với hacker Facebook là một mảnh đất kinh doanh đầy hứa hẹn. Người ta nhận ra sức mạnh của fanpage mới cách đây không lâu. Tất cả mọi người, từ "teen" cho tới các nhà phát triển đều tranh giành nhau thị trường béo bở này, thậm chí đôi lúc còn kiếm số lượng người theo dõi bằng những phương cách bất hợp pháp. Có những công ty đứng ra xúc tiến mua bán các fanpage giá trị, mặc dù Facebook vốn không cho phép việc này diễn ra. Tuy vậy, kho vàng khổng lồ ấy vẫn tiềm tàng đầy rẫy các khó khăn. Những người như Fykkhông những phải chơi trò mèo vờn chuột với các hacker mà còn phải chơi trên một trận địa liên tục thay đổi vì Facebook không ngừng điều chỉnh thuật toán. Tuy là trò trốn tìm trong thế giới ảo nhưng mọi chuyện không hề giản đơn chút nào, nó có thể phát sinh ra những mối đe dọa đời thực, lừa đảo tiền của thật cùng những rắc rối với cảnh sát. Dù Facebook có những biện pháp bảo mật nhưng người ta vẫn phải thốt lên: "Trộm cắp kỹ thuật số giờ nhiều như rươi".
Nền kinh tế like: Cái bắt tay giữa fanpage mạnh với đối tác Sau sự ra đời của fanpage đầu tiên trên Facebook, một loạt fanpage khác, kể cả các trang vô nghĩa, cũng có thể phát triển ăn theo nhanh chóng. Những trang giật gân lại càng bùng nổ hơn. Khi Paul Walker qua đời, một fanpage tưởng niệm về cái chết của nam diễn viên này mang tênR.I.P Paul Walker đã nhanh chóng thu hút 422.000 người theo dõi chỉ trong vài ngày. Giờ đây khi Facebook đã bão hòa với đủ kiểu fanpage, cách dễ nhất để có số lượng người theo dõi "khủng" là mua lại các trang đã có sẵn. Việc mua bán này hoàn toàn bị cấm vì các fanpage không hề thuộc sở hữu của người quản lý mà là Facebook, nhưng cái lý này chẳng ngăn cấm nổi ai.
Các bên xúc tiến giao dịch mua bán fanpage, dù đây là điều Facebook không cho phép. Trang FanPageTrading.com duy trì một thị trường trực tuyến để mua bán fanpage. Một dịch vụ khác mang tên Content Promoters cũng đứng ra giao dịch các loại fanpage, 20 USD cho trang 1000 like, 40 USD cho trang 2500 like. Fyk cũng định giá thị trường cho các fanpage của mình với tổng giá trị trên 1 triệu USD. Anh cho biết hiện nay nhiều nhà phát triển đang hợp tác với các fanpage lớn để phát triển mạng lưới. Upworthy là trang web có lượng độc giả từ 0 tăng lên 30 triệu hàng tháng trong suốt hơn một năm là nhờ lưu lượng trên Facebook. Trang này đã bắt tay với các fanpage vững chân để tăng lượt xem. PolicyMic - một startup truyền thông - cũng tăng được 10 triệu lưu lượng hàng tháng cũng bắt tay với khoảng chục fanpage để lây lan nội dung. Trước đây, bán và hợp đội với các fanpage khác là một cách để đảm bảo lưu lượng trên mạng xã hội. Fyk cho biết: "Cách đây vài năm, các trang khác có thể đăng tải chéo giúp bạn, và bạn sẽ trố mắt khi thấy lượng người theo dõi tăng lên ồ ạt". Tuy nhiên từ khi thuật toán EdgeRank của Facebook thay đổi, việc tăng trưởng nhờ xúc tiến chéo khó khăn hơn. Lượng người mà một nhà phát triển có thể đưa nội dung tới thông qua fanpage đã giảm bớt. Trả lời thắc mắc của họ, Facebook cho biết: "Hiện nay nội dung trên Facebook cung nhiều hơn cầu. Trung bình cứ khi vào Facebook thì có khoảng 1.500 câu chuyện có thể xuất hiện trong News Feed mỗi cá nhân. Trong khi đó News Feed được thiết kế để hiển thị những nội dung liên quan tới cá nhân đó nhất." Chính vì vậy có nhiều thứ chẳng bao giờ được hiện ra nữa. Trở lại với những công ty như Fyk, việc phát triển đang ngày một khó khăn và tốn kém, hiện mỗi ngày anh phải chi 1.000 USD cho việc quảng cáo trên Facebook. Scott DeLong, nhà sáng lập của trang Viral Nova đã phải so sánh Facebook với núi lửa: "Chẳng ai biết khi nào mọi thứ sẽ nổ bùng lên. Facebook thay đổi liên tục chứ không bao giờ dừng lại ở một điểm nhất quán". Để giúp đảm bảo lưu lượng, việc mua bán, giao dịch trên Facebook đã trở nên ngày một phổ biến. Tuy nhiên, hãy còn một cách khác phổ biến không kém để nhanh chóng có được một lượng người theo dõi "khủng": Đánh cắp. (Còn nữa)
|
|
80% người tiêu dùng tại Úc kết nối với ít nhất một thương hiệu trên mạng xã hội và 29% kết nối với hơn 10 thương hiệu. Đã có rất nhiều bài phân tích về Facebook làm thay đổi cách giao tiếp của con người như thế nào, nhưng hãy nhìn lại Facebook và những mạng xã hội khác (Twitter, Youtube, Instagram, Pinterest…) đã thay đổi nền kinh tế như thế nào. Đằng sau nút “Like” và “Follow” Vẫn còn nhiều tranh cãi về giá trị kinh tế của một người hâm mộ (fan) hay người theo dõi (follower) trên mạng xã hội đối với các công ty, nhưng có một số thị trường hay ngành hàng thì hiệu quả này là quá rõ ràng. Đứng đầu bảng về giá trị kinh tế (theo số liệu đo lường được) không phải là gã khổng lồ Facebook mà là “cô nàng” Pinterest; đặc biệt đối với những ngành hàng thiên về triển lãm thị giác như thời trang, mỹ phẩm, nội thất… Theo trang web mua bán Shopify, những người truy cập đến với website bán lẻ từ Pinterest sẽ có tỉ lệ mua hàng cao hơn 10% so với người truy cập đến từ các mạng xã hội khác. Không mang lại doanh thu đến mức “ngay và luôn” như Pinterest, nhưng rõ ràng Facebook hay Foursquare có một sức ảnh hưởng lâu dài đối với quyết định của người tiêu dùng. Theo công ty nghiên cứu thị trường Econsultancy, một sản phẩm/thương hiệu sẽ trở nên hấp dẫn gấp 3 lần đối với một người tiêu dùng nếu người đó biết rằng bạn bè và người thân của mình cũng sử dụng sản phẩm/thương hiệu tương tự. Và các mạng xã hội Facebook và Foursquare lại làm cho việc tuyên bố “tôi đang sử dụng sản phẩm này” trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Hãy hình dung, mỗi khi bạn cập nhật một dòng status khen một quán cà phê nào đó, địa điểm trên bỗng trở nên cực kỳ thu hút với bạn bè và người thân của bạn. Tại Úc, nơi bạn có thể mua tất cả mọi thứ chỉ với một cú click chuột thì việc giành fan/follower không chỉ là cuộc đua tiếp thị phù phiếm. 80% người tiêu dùng tại Úc kết nối với ít nhất một thương hiệu trên mạng xã hội và 29% kết nối với hơn 10 thương hiệu. Họ xem đó là một biểu hiện cho sự ủng hộ của mình đối với thương hiệu. Và lợi ích họ mong muốn nhận được từ việc kết nối là được cập nhật sớm nhất về các sản phẩm cũng như được tham gia những chương trình khuyến mãi dành riêng cho các thành viên. Với sự phát triển của mạng xã hội, việc hỏi đáp trao đổi với thương hiệu trên mạng xã hội cũng gần gũi và dễ dàng như việc hỏi han người bán tạp hóa gần nhà bạn cách đây 20 năm vậy. 33% người tiêu dùng tại Úc xem mạng xã hội là kênh trao đổi hiệu quả và thân thiện nhất đối với thương hiệu, so với chỉ 25% chọn trao đổi qua website và 13% qua email. Trên mạng xã hội, người tiêu dùng cảm thấy thoải mái và thật sự được lắng nghe. Sự ảnh hưởng không chỉ dừng lại ở việc cập nhật thông tin. Trung bình sau 3 tháng kể từ khi kết nối với thương hiệu trên mạng xã hội, sự trung thành và tần suất ưu tiên mua hàng dành cho thương hiệu đó sẽ tăng 20%, theo Econsultancy. Sự liên kết này khăng khít đến mức việc ngừng kết nối (un-like, un-follow) một thương hiệu là dấu hiệu đầu tiên của khả năng chuyển sang sử dụng các thương hiệu khác. Nên mỗi khi có một người tiêu dùng unlike trang Fanpage của thương hiệu thì bộ phận marketing của thương hiệu đó chắc hẳn sẽ rất đau đầu. Mang mạng xã hội vào mô hình kinh doanh Ngày nay, các quý cô thường lên Facebook khoe những bộ cánh mới để được tôn vinh. Và nhãn hàng thời trang C&A đã nhìn ra một tiềm năng từ điều này: liệu có cách nào cho phụ nữ cảm nhận được sự tôn vinh của những món đồ họ chưa mua không? Thử nghĩ xem, một khi biết chắc rằng sẽ có rất nhiều người khen chiếc áo này, bạn có ngần ngại bỏ tiền ra mua không? Với suy nghĩ như vậy, C&A đã thực hiện một cuộc cách mạng trong ngành bán lẻ thời trang: tải tất cả những mẫu quần áo lên facebook và mỗi mẫu đều có một mã code cho phép toàn bộ hệ thống bán lẻ cập nhật liên tục rằng có bao nhiêu người like sản phẩm ấy trên Facebook. Nếu một quý cô đang cân nhắc giữa hai mẫu váy, C&A giúp cô ấy tham khảo một yếu tố cuối cùng nhưng vô cùng mạnh mẽ: thị hiếu của xã hội. Xem nào, mẫu A có 1.000 lượt like còn mẫu B có 15.000 lượt like. Vậy thì việc mua quần áo sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Lần đầu tiên C&A áp dụng hình thức này khi giới thiệu bộ sưu tập thu-đông năm 2011 và kết quả là bộ sưu tập được bán sạch chỉ sau 48 tiếng. Homeplus, thương hiệu bán lẻ tại Hàn quốc của chuỗi bán lẻ Tesco, cũng áp dụng cách tương tự. Homeplus phát hiện ra rằng tại Hàn Quốc, việc đi siêu thị mua hàng gia dụng hằng tuần là quá tốn thời gian. Vì vậy Homeplus đã đưa ra một quyết định táo bạo: mang siêu thị đến với smartphone của bạn. Homeplus đã khảo sát trên các trang xã hội của mình về những mặt hàng thường được mua nhiều nhất, sau đó họ in những biển quảng cáo có hình ảnh thật của các sản phẩm đó và cho dán tại các ga tàu điện ngầm. Người tiêu dùng có thể dùng smartphone để mua hàng ngay trong lúc chờ tàu điện ngầm và Homeplus sẽ giao hàng đến tận nhà. Cuộc cách mạng “mang siêu thị đến với người tiêu dùng” này đã tạo ra hiệu quả ấn tượng: doanh số bán hàng trực tuyến của Homeplus tăng 125% và lượng người mua sắm tăng hơn 80%. Và cũng không thể không nhắc đến Google Glass. Với Google Glass, tất cả những gì cập nhật nhất sẽ nằm trong tầm mắt và bạn có thể chia sẻ ngay lập tức với mọi người những gì bạn đang nghe, đang thấy. Chắc hẳn Google Glass sẽ làm “bạn có thấy những gì tôi đang thấy không?” hiện thực hơn là một câu ví von. Khi trào lưu xã hội hóa mở rộng và gần như mọi thông tin đều có thể được chia sẻ thì lại có một làn sóng dư luận về quyền riêng tư. Nhưng Dimitri Maex, phụ trách toàn cầu mảng Quảng cáo tương tác của tập đoàn quảng cáo Ogilvy, cho rằng người tiêu dùng sẵn sàng chia sẻ thông tin cá nhân để đổi lấy quyền lợi. Vì vậy, các mạng xã hội đã và đang mở ra cơ hội rất lớn để cho các thương hiệu kết nối chặt chẽ và sâu sắc hơn với người tiêu dùng. “Chúng ta không cần phải khơi gợi ra những nhu cầu mới, mà phải phát minh ra cách thỏa mãn thông minh hơn những nhu cầu hiện có. Và đó là vai trò của công nghệ để làm xã hội hóa sự tiêu dùng”, Maex kết luận. |
Tác giả bài viết: Thanh Nguyen
Nguồn tin: Theo Nhịp cầu Đầu tư
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn