LƯƠNG THỰC CHÚA NHẬT MÌNH MÁU THÁNH CHÚA

Chủ nhật - 19/06/2022 07:33
 LƯƠNG THỰC CHÚA NHẬT MÌNH MÁU THÁNH CHÚA
, Bữa tiệc hiệp thông & lòng sám hối    Giáo Hội sống trong sự hiệp thông có Chúa ở giữa. Đó là HIỆP THÔNG trong ý nghĩa đúng đắn của nó, có nghĩa là chúng ta được Chúa gọi mời chúng ta đến bàn tiệc của Chúa, để chúng ta hiệp nhất với Chúa và với nhau, và cùng liên kết với nhau cử hành bữa tiệc Thánh cao trọng nhất với lương thực là Mình và Máu Thánh Chúa. Bữa tiệc này dựa trên chính tình yêu trân trọng mà Chúa dành cho chúng ta. /-rose Mình và Máu Thánh Chúa trân trọng và yêu thương từng phận người. Ngày như mọi ngày, nhưng hôm nay cánh cửa nhà Dòng của các thầy sống tinh thần bác ái được mở rộng ra. Các anh chị em vô gia cư từ khắp phố phường của thủ đô Paris tráng lệ tuôn đến. Họ là ai? Họ là những người đánh mất tất cả mọi sự trong đời: sự nghiệp, gia đình, công việc, chốn nương thân… Họ là người Pháp, dân bản địa, là những di dân đến từ mọi nơi: Úc, Mã-lai, Việt Nam, Do-thái, Đức, Ba Lan, Nga, Tây Ban Nha và một số nước Châu Phi khác. Họ thuộc mọi lứa tuổi và họ thuộc về mọi tôn giáo khác nhau, từ Ki-tô giáo đến Hồi Giáo, từ Phật Giáo đến những người không có niềm tin tôn giáo. Cuộc đời của họ giờ đây vất vưởng trên những hè phố Paris lộng lẫy, nay ở gầm cầu này, mai bên góc của một nhà ga xe lửa kia… Tất cả họ hôm nay đến với ngôi nhà Dòng đơn sơ ở tại một phố phường của Paris. Họ được các thầy dòng Bác ái mời vào cùng cầu nguyện chung trong Thánh Lễ, và các thầy cho phép tôi được dâng Thánh Lễ đặc biệt này. 04 thầy Dòng cùng tôi và gần 50 anh chị em vô gia cư quây quần quanh bàn thánh. “Chúa ở cùng anh chị em!” Đó là lời chào quen thuộc tôi thường đọc vào đầu Thánh Lễ. Đáp lời là 04 thầy Dòng và một hai cung giọng khác. Hòa theo cung giọng sốt sắng đó, toàn thể các anh chị em vô gia cư hiện diện cách nghiêm trang với sự tôn trọng những giây phút thánh thiêng đang diễn ra, dù họ chẳng hiểu gì. Ôi một sự hiệp thông quá đặc biệt giữa chúng tôi với nhau tại bàn tiệc thánh này!
Con cái Chúa là anh chị em đây, những người vô gia cư thuộc mọi chủng tộc, tôn giáo và tuổi tác. Họ đang ở đây trước mặt Chúa với hoàn cảnh rất thương đau họ đang phải gánh chịu. “Anh chị em thân mến, dù anh chị em là ai, dù anh chị em sống trong hoàn cảnh nào đi nữa, thì trong đôi mắt của Chúa, mỗi anh chị em đều thật quý giá, được Thiên Chúa trân trọng và mến thương!”. Trong bài giảng tôi trao gởi mọi người lời đến từ trái tim. Thật vậy, trước mặt anh chị em có lời nào đẹp hơn lời của Chúa nói với từng người trong chúng ta: “Vì trước mắt Ta, ngươi thật quý giá, vốn được Ta trân trọng và mến thương” (Is 43,4). Khi nhắc lại lời này của Chúa, dòng nước mắt tự động chảy ra trên khuôn mặt tôi đã bắt gặp dòng nước của một số anh chị em đang ngồi trước mắt. Phận đời của tôi và phận đời của họ dù khác biệt nhưng chúng tôi “gặp nhau” trong tình yêu của Chúa, tình yêu vượt trên mọi chuẩn mực con người đặt ra. Hơn nữa, tình yêu và lòng thương xót của Chúa luôn dừng lại cách đặc biệt tại gốc cây sung, nơi phận người tội lỗi và bất hạnh như Gia-kêu ngày xưa đang ngồi trên đó, để rồi lòng thương xót mở lời: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” (Lc 19,5). Xuống mau! Mau mau ra khỏi vỏ ốc bất hạnh! Hãy trở về với chính tâm hồn của mình, nơi sâu thẳm của lòng mình, để gặp Chúa giàu lòng thương xót. 🌺 Đừng sợ gì cả! Tình yêu của Chúa luôn dịu ngọt và chính Ngài cho phép chúng ta được ngồi vào trong bàn tiệc hiệp thông với Ngài và với mọi anh chị em khác. Sau Thánh Lễ, một chị chạy đến và nghẹn ngào chị nói lời cám ơn về Thánh Lễ, về lời rất đẹp của Chúa đã dành cho chị và cho mọi anh chị em vô gia cư đang hiện diện nơi đây.
Ôi đẹp quá! Khuôn mặt và lời nói nghẹn ngào của chị! Thái độ rất đẹp của chị làm cho lòng tôi vui hơn, khi hôm nay nhớ lại trải nghiệm này và đọc lời của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Thật tuyệt vời, thật đậm tính Tin Mừng và thật trẻ trung biết bao khi một Giáo hội sẵn sàng bước ra khỏi chính mình và giống như Chúa Giêsu, loan báo Tin Mừng cho người nghèo. Một Giáo hội tiên tri, nhờ sự hiện diện của mình, nói với những người tan nát cõi lòng và bị thế giới ruồng bỏ rằng: ‘Hãy can đảm và đừng bỏ cuộc, Thiên Chúa đã đến gần. Đối với anh chị em cũng vậy, mùa hè được sinh ra ngay giữa mùa đông. Ngay cả từ nỗi đau của anh chị em, niềm hy vọng có thể nảy sinh trở lại”. Ôi, đẹp quá! Khuôn mặt và lời nói nghẹn ngào của chị! Thái độ rất đẹp của chị như nói với tôi rằng: Mình Máu Thánh Chúa Giê-su luôn trân trọng và yêu thương từng phận người, trong đó có chị và có tất cả các anh chị em đang cùng chúng tôi dâng Thánh Lễ hiệp thông đơn sơ nhưng tràn đầy ý nghĩa này. Ôi, đẹp quá! Khi Thánh Lễ hiệp thông kết thúc lại được kết nối với buổi ăn trưa sau đó với bao nụ cười và tâm tình trao nhau tràn đầy tình người và tình Chúa! /-rose Mình và Máu Thánh Chúa gợi mời lòng sám hối.
Đôi khi có người hỏi, ‘Tại sao chúng ta phải đi đến nhà thờ, bởi vì những người tham dự Thánh Lễ thường xuyên cũng là những người tội lỗi như những người khác’.  Đã bao lần chúng ta nghe câu ấy!  Thực ra, những người cử hành Thánh Lễ không làm thế bởi vì họ tin rằng mình hoặc muốn được coi là tốt hơn những người khác, nhưng bởi vì họ luôn nhận ra nhu cầu cần được chấp nhận và được tái sinh bởi lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng đã làm người trong Đức Chúa Giêsu Kitô.  Nếu mỗi người chúng ta không cảm thấy cần lòng thương xót của Thiên Chúa, không cảm thấy mình là kẻ có tội, thì tốt hơn đừng đi Lễ!  Chúng ta đi Lễ bởi vì chúng ta là những người tội lỗi và chúng ta muốn nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa, tham dự vào ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu, ơn tha thứ của Người.  ‘Kinh Cáo Mình’ mà chúng ta đọc ở đầu Lễ không phải là một ‘ước lệ’, mà là một hành vi sám hối thật sự!  Tôi là một kẻ tội lỗi và tôi thú nhận nó, Thánh Lễ bắt đầu như thế! Chúng ta không bao giờ được quên rằng Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu đã diễn ra trong đêm Người bị nộp (1Cr 11,23).  Mỗi lần chúng ta tụ họp chung quanh bánh và rượu mà chúng ta dâng tiến thì hồng ân Mình và Máu Đức Kitô để tha tội cho chúng ta được nhắc lại trong đó.  Chúng ta phải đi Lễ một cách khiêm nhường, như những kẻ có tội, và Chúa giao hòa chúng ta”. Sau kinh cáo mình sám hối là lời cầu xin của từng tâm hồn đang đứng trước tôn nhan Chúa, chúng tôi tiếp tục kêu xin Chúa: “Xin Chúa thương xót con, xin Chúa thương xót chúng con”. Lời cầu nguyện thật đẹp của những phận người ý thức và khiêm tốn. Như thế, chúng ta đến với Thánh Lễ là đem theo tất cả, nhất là tội lỗi của chúng ta, sự bất xứng của chúng ta, sự biếng lười của chúng ta, sự kiêu hãnh của chúng ta và tất cả những gì xấu xa trong con người của chúng ta. Tất cả những gì là xấu nhất, tệ nhất mà chúng ta mong muốn chúng lìa bỏ khỏi thân xác, tâm hồn và cuộc đời chúng ta, chúng ta dâng lên Chúa, để chính Chúa tha thứ cho chúng ta. Trong lời truyền phép chén rượu, có câu: “Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống: vì này là chén máu Thầy, Máu Giao Ước mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.
Chúa Giê-su chính là Chiên Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ và Đấng Yêu Thương đã tự ý hiến thân mình đổ máu ra trên bàn thờ để cứu độ chúng ta. Đó là một hành động thật tuyệt vời của tình yêu và thương xót. Đó là lúc mà chúng được chính Mình Máu Thánh Chúa gợi mời chúng ta sám hối ăn năn thực sự, để nhờ đó thân mình hèn yếu của chúng ta sẽ được Thánh Thể Chúa hòa nhập và làm cho chúng ta nên con người mới đúng theo lòng Chúa ước mong. 🍁 Thánh Augustino làm nổi rõ cách thế Đức Kitô đồng hóa chúng ta với Người: “Tấm bánh mà anh chị em thấy trên bàn thờ, được thánh hiến nhờ lời Thiên Chúa, là mình Đức Kitô. Bằng những dấu chỉ này Đức Kitô đã muốn trao phó cho chúng ta Mình và Máu Người, đã đổ ra cho chúng ta để được ơn tha tội. Nếu anh chị em lãnh nhận cách sốt sắng, thì chính anh chị em trở thành điều mà anh chị em đã lãnh nhận” (Tông huấn Sacramentum Caritatis, số 36). 🍁 Thánh Ambrosio thì nói: “Mỗi lần chúng ta rước lễ, chúng ta loan truyền Chúa đã chịu chết. Nếu chúng ta loan truyền cái chết của Chúa, thì cũng loan truyền ơn tha tội. Nếu mỗi lần Máu Người đổ ra, là đổ ra để tha tội, thì tôi phải luôn lãnh nhận Máu Người, để Người luôn tha tội cho tôi. Tôi là kẻ luôn phạm tội, nên tôi luôn phải có một phương dược” (x. SGLHTCG. Số 1393). 🍁 Còn thánh Fulgentiô Ruspensê thì viết: “Vì yêu thương Đức Ki-tô đã chết cho chúng ta, nên mỗi khi tưởng niệm cuộc tử nạn của Người trong Thánh Lễ, chúng ta xin Người ban tình yêu cho chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần ngự đến; chúng ta khiêm tốn khẩn nguyện rằng, nhờ tình yêu mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, và nhờ ân sủng Chúa Thánh Thần mà chúng ta đã lãnh nhận, chúng ta có thể coi thế gian như đã bị đóng đinh, và chúng ta bị đóng đinh cho thế gian;… khi đã lãnh nhận hồng ân tình yêu, chúng ta hãy chết cho tội lỗi và sống cho Thiên Chúa” (x. SGLHTCG. Số 1394). 🍁 Với cha Paul de Jeagher, “đó là phép lạ đang diễn ra từng giờ, từng phút, một phép lạ vượt xa vô cùng tất cả các phép lạ Chúa đã làm để chữa lành các bệnh nhân và cho kẻ chết sống lại. Chúa đã làm phép lạ này vì yêu thương tôi và để chiếm lấy tôi…
Chúa Giê-su Thánh Thể còn là Đấng rất đầy đủ để giúp ta đền tạ tội lỗi, và đó là kho tàng quý giá cho ta, vì chúng ta luôn luôn và rất cần phải đền tạ Chúa vì những lỗi phạm của chúng ta. Chúng ta đã lỗi phạm rất nhiều, đã phạm tội rất nhiều trong đời sống của mình. Đường đời của chúng ta đầy những tội lỗi, ấy là chưa kể những lỗi phạm mà mình không ý thức, như lời Thánh Vịnh đã kêu xin Chúa: ‘Xin Chúa tẩy rửa con khỏi những lỗi phạm mà con không hay biết’ (Tv 18,13). Những lỗi lầm của chúng ta nhiều hơn tóc trên đầu chúng ta, và mỗi ngày con số những lỗi phạm vẫn tăng thêm. Ôi nếu chúng ta không có Chúa Giê-su để tha thứ và đền tạ các tội lỗi của ta, thì chúng ta sẽ khốn nạn dường nào. /-rose Phúc cho chúng ta, vì Chúa Giê-su đã hy sinh chuộc tội và đền tội chúng ta. Chỉ một giọt Máu Thánh của Ngài cũng đủ tẩy rửa hết mọi tội của thế giới… Trong mỗi Thánh Lễ, Chúa Giê-su lại giang hai tay ra trên thập giá để cứu chuộc chúng ta: Ngài lại chịu chết cách mầu nhiệm để đền tội lỗi chúng ta. Ngài đưa cho Cha Ngài thấy chân tay Ngài bị đóng đinh để xin ơn tha thứ cho chúng ta và cả thế giới… Chắc chắn chúng ta phải chịu trách mình về trăm ngàn lần đã bất trung với Chúa… Nếu chúng ta tìm những lý do chống chữa những lỗi phạm của mình, hoặc để tự nhủ rằng mình không có lỗi gì hết, thì chúng ta sai lầm lắm… Điều chúng ta phải làm là thú nhận sự bất trung và bất xứng của mình, và đặt tất cả niềm tin tưởng tín thác nơi Chúa Giê-su Thánh Thể, của lễ đền tội vô cùng trong trắng của chúng ta. Hãy đổ tất cả mọi tội lỗi chúng ta, những tội chúng ta nhận ra và những tội không nhận ra, trong máu châu báu của Con Chiên vẹn sạch đã tự hiến tế cho tất cả chúng ta”. Như thế, cử hành Bí Tích Mình Máu Thánh Chúa là cử hành tình yêu và lòng xót thương tha thứ của Thiên Chúa dành cho chúng ta, là những phận người yếu đuối và tội lỗi. Lòng thương xót và tha thứ được thực hiện qua Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, Đấng hằng thương xót chúng ta và ban cho chúng ta bình an của Ngài. 🍁 Lời kết.
Tóm lại, Mình Máu Thánh Chúa chính là bữa tiệc hiệp thông gợi mời lòng sám hối.  Mình Máu Thánh Chúa mở ra một cuộc gặp gỡ hiệp thông tuyệt vời giữa chị phụ nữ tội lỗi với những giọt nước mắt & với Chúa, giữa anh Gia-kêu và Chúa Giê-su tại gốc cây sung, giữa người phụ nữ ở Đan Mạch với Chúa trong căn phòng của lòng thương xót, giữa nhóm các anh chị em vô gia cư và chúng tôi ở Paris quây quần xung quanh bàn tiệc cao quý của Thiên Chúa dọn ra, giữa hai triệu bạn trẻ chúng tôi quây quần bên Vị Cha Chung, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II tại Tor Vergata, để tôn vinh Chúa, Đấng là tình yêu. Chính Ngài nói với tất cả từng phận người hôm qua, hôm nay và ngày mai rằng: “Tu es précieux à mes yeux, honorable, et que, moi, je t’aime – Vì trước mắt Ta, ngươi thật quý giá, vốn được Ta trân trọng và mến thương” (Is 43,4).
 

Nguồn tin: Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập133
  • Hôm nay20,028
  • Tháng hiện tại259,932
  • Tổng lượt truy cập35,526,213
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây