Chuyện “lạ mà quen” nhân chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Kamala Harris

Chủ nhật - 29/08/2021 09:19
unnamed (1)
unnamed (1)

Không lực số 2 của Mỹ chở bà Kamala Harris đêm qua đã lăn bánh đáp xuống sân bay quốc tế Nội Bài lúc 22h35’. Cho đến trưa nay 25/8 (giờ Hà Nội), có biết bao chuyện “lạ mà quen” xung quanh chuyến công du đầu tiên của Phó Tổng thống Hoa Kỳ tại Việt Nam. Có lẽ khi về đến Washington, bà Kamala Harris và người Mỹ vẫn đi từ ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác, mà không hiểu nổi cái văn hoá chính trị của xứ sở này: “văn hoá” của sự không minh bạch hay sự không minh bạch của văn hoá?

Tản văn của Trần Hưng Đạo

Tàu (khựa) chẳng lạ mà sự hèn hạ thì quá quen! Chỉ vài tiếng trước khi chuyên cơ bà Harris đáp xuống phi trường quốc tế Nội Bài, Trung Quốc gõ cửa yêu cầu “Tể tướng nước Việt” phải tiếp ông ta không được chậm trễ. Thật ra, nếu nghĩ đến quốc thể, Phạm Minh Chính có thể cử một Phó Thủ tướng, thậm chí một Bộ trưởng tiếp “sứ thần” dù được cho là để nhận hai triệu liều vắc-xin chống COVID-19, với cái cớ phải trao gấp cho Chính phủ Việt Nam. Nhưng vốn đã nhận chiếu chỉ từ “Tập triều”, dù đang bận lút đầu, Phạm Minh Chính vẫn phải thù tiếp Hùng Ba chiều muộn hôm qua (24/8). Không chỉ tiếp, Thủ tướng Việt Nam còn phải thề thốt với “sứ thần đại quốc” rằng, Hà Nội “không liên kết với nước này để chống lại nước kia”. Chẳng rõ, Tàu có đưa ra tối hậu thư gì không, nhưng “tể tướng nước Việt” phải tuyên bố như thế trước bàn dân thiên hạ, chỉ vài giờ trước khi chuyên cơ của quốc khách hạ cánh [1].

Chuyện “lạ mà quen” ấy không lọt qua được mắt người Mỹ. Đồng nghiệp một tờ báo lớn trong nước nói với tôi, anh không thích thuyết âm mưu, nhưng rõ ràng sự cố sức khoẻ không thể khắc phục một cách mau chóng vậy. Phải chăng toà Đại sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội đã kịp điện cho bà Phó Tổng thống đang chuẩn bị ra sân bay quân sự Paya Lebar, lên đường sang Việt Nam. Mất ba tiếng đồng hồ để liên lạc giữa Văn phòng Phó Tổng thống với Hoa Thịnh Đốn: “Bay hay không bay tiếp?” Đúng như thông cáo cuối cùng của Đại sứ quán Hoa Kỳ đưa ra: “Sau khi đánh giá kỹ lưỡng, quyết định được đưa ra là chuyến đi của Phó Tổng thống vẫn tiếp tục.” Thông cáo cho biết thế nhưng không nêu chi tiết. Dường như cả chủ nhà lẫn khách cuối cùng đã thoả thuận được một thứ ngôn ngữ ngoại giao “trung tính”, đó là “sự cố sức khoẻ bất thường” hay còn gọi là “hội chứng Havana”, để khoả lấp xì-căng-đan ngoại giao hiếm hoi nói trên. Phó Tổng thống Mỹ vẫn tới Hà Nội sau khi chuyến bay bị trì hoãn vì cái “sự cố sức khoẻ” hy hữu như thượng dẫn [2].

 

Qua màn hình, nhìn bà “Tập sự Phó Chủ tịch” của Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân xúng xính, bẽn lẽn và ngượng nghịu trước yếu nhân số hai của chính quyền Biden, người ta thấy “nghĩa lộ” ngay một ý đồ “lạ mà quen” khác. Muốn hạ thấp giá trị tự nhiên từ chuyến thăm của bà Phó Tổng thống Kamala Harris. Ngó sang quốc đảo Singapore mà giật mình, đích thân Thủ tướng Lý Hiển Long đứng ra mời, trực tiếp hội đàm và họp báo chung với bà Harris. Tiểu quốc ấy có một nền văn hoá ngoại giao của nước lớn! Việt Nam “oai như cóc” khi có tình hạ thấp hình ảnh của bà Harris – một chính khách Hoa Kỳ quán quân nhiều cái nhất – và đưa một người mới vào nghề vào cuộc, làm sao thể hiện nổi khí phách của tiền nhân như Bà Trưng, Bà Triệu mà chính bản thân người Mỹ rất ngưỡng mộ. Chính sự non nớt này chắc khiến bà Harris cũng ngỡ ngàng. Kẻ nghĩ ra mấy cái trò láu cá ấy hình như không để ý thấy, bà Harris giản dị tới mức đã tự đi vào khách sạn bằng của hậu của nhà bếp!

Trước khi Phó Tổng thống Mỹ sang Hà Nội mấy ngày, một dư luận viên “lạ mà quen” trên tờ Quân đội Nhân dân tung chưởng đánh vỗ mặt bà Harris. Đó là bài viết dưới dạng chính đề, đầy tiếng gươm khua và sặc máu thù hận. Xứng đáng là một xã luận “kháng Mỹ viện Tàu” khét tiếng, chửi Mỹ có thể nói không còn lời nào thô thiển hơn trên mặt báo. Giá thử lúc Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Công an Tàu khựa sang Hà Nội, Ban biên tập cũng “đằng đằng sát khí” nhắc lại cuộc chiến tranh biên giới 1979 và những vụ thảm sát chiến sĩ ta ngoài Trường Sa, Hoàng Sa thì những hồn tử sĩ mới đây chắc được an ủi phần nào. Một học sinh trung học hớt hải hỏi ông bố, tại sao trước khi khách sang Việt Nam, Đảng ta lại chửi Mỹ hăng vậy bố. Ông bố, vốn là quân nhân về hưu, giải thích ngoằn nghèo, cậu học sinh thẳng thắn, thế mỗi khi bố đón bạn, có bao giờ bố hắt cả thùng nước gạo vào mặt khách trước khi khách vào nhà không? [3].

Chuyện “lạ mà quen” hỗn hào khác: Nhiều người dân Việt Nam thời gian qua đã bày tỏ nghi ngờ về hiệu quả và độ an toàn của vắc-xin Trung Quốc và bày tỏ mong muốn không phải tiêm Sinopharm và muốn được dùng vắc-xin của Mỹ như Pfizer hay Moderna… Lãnh sự quán Trung Quốc ở TP.HCM hồi cuối tuần trước đã đăng tải trên Facebook tranh biếm hoạ công kích người dân Việt Nam sắp chết đuối vì đại dịch mà lại chê “phao” vắc-xin của Trung Quốc. Sau khi bị cư dân mạng kịch liệt chỉ trích, Lãnh sự quán Trung Quốc buộc phải rút dòng trạng thái ấy khỏi trang Facebook. Đọc những dòng tráng thái sặc mùi Đại Hán, thấy ngay được “não trạng bệnh hoạn” của nhà đương cục Tàu, chuyên doạ dẫm, ức hiếp Việt Nam, không chỉ trên biển đảo quê hương, mà ngay mỗi khi Việt Nam và Hoa Kỳ có trao đổi đoàn cấp cao qua lại thăm viếng nhau.

cartoonbychineseembassy2021.jpegFacebook của LSQ Trung Quốc ở TPHCM

Chưa biết có phải chuyện “lạ mà quen” cuối cùng không, đó là truyền thống nói một đằng, làm một nẻo? Đàn áp khốc liệt xã hội dân sự trong nước nếu dám đứng lên đòi kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền và xã hội công dân. Nhưng khi đi ra nước ngoài hay đón khách nước ngoài thăm Việt Nam, thì từ Tổng bí thư, Chủ tịch nước đến Thủ tướng… đều ngửa tay “xin” đối tác công nhận “Việt Nam chúng tôi có kinh tế thị trường”. Tương tự, một câu chuyện khác lớn hơn: Rất muốn có quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ, rất muốn Mỹ và đồng minh có mặt trên Biển Đông để ngăn chặn Tàu khựa “múa gậy vườn hoang”, nhưng rồi lần lữa chục năm có lẻ, không ra nổi một tuyên bố đàng hoàng. Đành selfie (tự sướng): Tên gọi không quan trọng, thực chất mới là cần. Hội đàm với Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc, bà Harris tuyên bố ủng hộ việc nâng tầm mối quan hệ với Việt Nam từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược. Tuy nhiên, ông Phúc đã đánh bài lờ kiến nghị này của phía Mỹ (4). 

Cuối cùng, vấn đề cốt tử của nước Mỹ hiện nay sau khi triệt thoái khỏi Afghanistan là “quay lại châu Á” và “quay lại để ở lại”. Bà Harris đã trình bày trước cả ông Phúc lẫn ông Chính về tầm nhìn Indo-Pacific và kêu gọi hai nước, Hoa Kỳ và Việt Nam cùng bàn bạc những bước đi cụ thể nhằm chia sẻ tầm nhìn chung liên quan đến tương lai của khu vực “Indo-Pacific tự do và rộng mở” (FOIP). Một lần nữa trong phát biểu của cả Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lẫn Thủ tướng Phạm Minh Chính đều không có một câu nào bày tỏ sự hưởng ứng đối với lời kêu gọi của bà Phó Tổng thống. Có lẽ cho đến khi về tận Washington, bà Kamala Harris và người Mỹ vẫn còn đi từ ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác, không hiểu nổi cái văn hoá chính trị của xứ sở này: “văn hoá” của sự không minh bạch hay sự không minh bạch của văn hoá?

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Nguồn tin: tru Vu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập141
  • Hôm nay14,491
  • Tháng hiện tại270,248
  • Tổng lượt truy cập35,916,593
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây