Những vùng đất đó có thể là nơi cư trú của những loài động vật đáng sợ hay đơn giản chỉ là khung cảnh lạnh lẽo và hoang tàn khiến nhiều người "dựng tóc gáy". Cùng ghé thăm một vài địa danh đáng sợ nhất trên thế giới được bình chọn bởi trang CNN Travel dưới đây. 1. Hang Gomantong, Malaysia Hẳn những ai sợ bóng tối sẽ không bao giờ dám bước chân vào hang Gomantong ở Malaysia bởi trong hang động này, bóng tối là vĩnh cửu. Những măng đá dài 90m là nơi cư trú của hai triệu chú dơi làm tổ trong hang. Nếu sự xuất hiện bất thình lình của hàng ngàn chú dơi không khiến bạn hoảng sợ thì ngay lập tức, bạn sẽ được gặp gỡ với triệu chú gián bò ra từ đống phân dơi. Tuy nhiên, những chú gián trong hang Gomantong không chỉ thưởng thức phân dơi. Chú dơi nào không may xấu số trượt chân ngã xuống cũng trở thành món ăn ưa thích và bị tiêu hóa đến từng mảnh xương nhỏ của hàng triệu triệu con gián nơi đây. Hình ảnh chú rết Scutigera. Cuối cùng, nếu bạn vẫn cảm thấy sự ghé thăm của gián, dơi là bình thường thì hãy vui vẻ đón nhận lời chào mừng của bọ cạp, rắn hay rết Scutigera. Vết cắn của loài rết xuất xứ từ Địa Trung Hải này sẽ khiến bạn đau nhức tới tận óc. 2. Đảo rắn ở Sao Paolo, Brazil Nằm ngoài khơi biển Brazil, đảo Ilha de Queimada hay đảo rắn là nơi cư trú của hàng nghìn con rắn độc lớn nhỏ khác nhau. Tuy chỉ có diện tích nhỏ hẹp, khoảng 430m vuông nhưng trên đảo lại tồn tại một loài rắn hổ lục đầu giáo vàng óng - một trong những loài rắn độc nhất trên thế giới. Loài rắn này gây ra khoảng 90% các trường hợp tử vong liên quan đến rắn cắn tại Brazil. Khi bị cắn, nọc độc sẽ nhanh chóng lan rộng, khiến nạn nhân bị suy thận, hoại tự mô cơ bắp, xuất huyết trong dẫn đến tử vong. Nhiều người thắc mắc rằng tại sao ở vùng đảo ngoài khơi lại có loài rắn đáng sợ đến vậy. Giả thuyết được nhiều người chấp nhận là cách đây khoảng 11.000 năm, mực nước biển đã dâng cao, chia cắt đảo Ilha de Queimada ra khỏi Brazilm khiến những con rắn trên đảo chỉ có nguồn thức ăn hạn chế là chim di cư. Trung bình cứ có 1 - 5 chú rắn lục đầu giáo đang trườn mình trên 1m vuông đất ở đảo rắn. Tuy nhiên, chúng đôi khi phải chờ đến một ngày để nọc độc phát huy tác dụng, do đó các con rắn đã tiến hóa để có nọc độc mạnh, đủ giết chết con mồi ngay tức khắc. Hiện, hải quân Brazil đã ban lệnh cấm không cho bất cứ cư dân nào đến vùng đất nguy hiểm này. 3. Bệnh viện Heilstätten Beelitz, Đức Bệnh viện cũ kỹ này được xây dựng từ năm 1898 và bị bỏ hoang năm 1993. Nơi đây từng được xem là một trong những bệnh viện lớn của nước Đức, là nơi chữa bệnh cho hơn 1.200 binh sĩ trong Chiến tranh Thế giới I. Đặc biệt hơn, bệnh viện Heilstätten Beelitz đã từng vinh dự khi vào năm 1916 được Adolf Hitler chữa bệnh và phục hồi ở đây. Ngày nay, hình ảnh những căn phòng cũ kỹ, chiếc giường hoen rỉ, cùng khung cảnh đổ nát, lạnh lẽo khiến không ít người cảm thấy rùng mình khi bước đến khu vực này. 4. Thành phố bỏ hoang Pripyat, Ukraine Thảm họa hạt nhân kinh hoàng trong lịch sử vào ngày 26/4/1986 đã khiến cho toàn bộ khu vực Pripyat (Ukraine) bị bỏ hoang. Những đám bụi phóng xạ từ vụ nổ nhà máy nguyên tử Chernobyl đã bao trùm lên không chỉ Ukraine mà còn lan rộng tới lãnh thổ khác như Nga, Đông Âu, Anh, Mỹ... Không khí quanh đây bị ô nhiễm nặng nề, khiến cho gần 400.000 người đã phải chịu sơ tán. Đây được cho là thảm họa hạt nhân lớn nhất trong lịch sử, với lượng phóng xạ phát ra gấp 400 lần so với quả bom nguyên tử được ném xuống Hiroshima năm 1945. Kể từ khi vụ nổ xảy ra, toàn bộ thành phố Pripyat đã bị bỏ hoang tới tận ngày nay. Sau khi Pripyat bị bỏ hoang, nhiều vật dụng, thiết bị y tế bị bỏ lại như máy móc, giường bệnh, bình sữa... đã hoen rỉ theo thời gian. Khung cảnh hoang tàn, bờ tường bong tróc... là những cảnh tượng dường như quá quen thuộc khi ai đó bước chân vào khu vực này. 5. "Thị trấn ma" Centralia, Mỹ Từ cuối thập niên 1800 - 1960, thị trấn Centralia ở Pennsylvania vô cùng nhộn nhịp khi nhiều người lui tới khai thác mỏ than trong khu vực. Tuy nhiên, vào năm 1962, một nhóm cứu hỏa đã đốt rác tại một hầm mỏ bỏ hoang nhằm thu dọn thành phố. Không may thay, ngọn lửa đã lan rộng vào sâu bên trong và đốt cháy mỏ than bỏ hoang này và ngọn lửa vẫn âm ỉ cháy cho tới ngày nay. Điều này đã vô tình biến vùng đất nơi đây trở thành vùng đất chết khi nguy hiểm rình rập khắp nơi: khí gas rò rỉ, những con đường đổ nát, ngọn lửa âm ỉ cháy dưới đất... (Nguồn: CNN Travel, National Geographic, Wikipedia) | |
|
Tác giả bài viết: Thanh Thanh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn