Những luật lệ lạ lùng trên thế giới.
Một số nước hoặc khu vực có những luật lệ kỳ quặc mà chúng ta không thể tưởng tượng ra được. Cùng tìm hiểu những quy định lạ lùng và nguyên nhân thật sự.
Luật pháp là hệ thống các quy định do Nhà nước hoặc cộng đồng đặt ra để điều chỉnh các hành vi và quy tắc xử sự của các thành viên trong cộng đồng hoặc một nước và duy trì an ninh ổn định. Hầu hết các quy định pháp luật là để ngăn ngừa, trừng trị tội phạm và thực hiện quyền công dân thì có một số vùng đặc biệt có những luật lạ lùng và kỳ quặc mà bạn không thể nào tưởng tượng ra được. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng nhìn qua một số luật lạ trên thế giới và lý do đằng sau những quy định này. Hãy tìm hiểu và tuân thủ đúng trong trường hợp bạn có cơ hội đến những nơi này để tránh những rắc rối không mong muốn.
Không dắt chó đi dạo, bị phạt - Turin (Italy).
Công dân Italy có thể bị phạt đến 10.000 Euro và phạt tù 1 năm nếu bị phát hiện bỏ rơi hoặc tra tấn vật nuôi. Nhưng tại Turin, Italy còn có một điều luật lạ lùng hơn. Chủ nhân của các chú chó có thể bị phạt 600 Euro vì tội không dắt chó đi dạo ít nhất 3 lần trong ngày? Không biết chắc ai sẽ thực hiện việc kiểm tra, nhưng bạn nên suy nghĩ cẩn trọng khi muốn nuôi thú cưng tại Italy.
Thiên nhiên là dành cho mọi người - Thụy điển.
Quyền kết nối cộng đồng của Thụy Điển (Allemansrätten) cho phép mọi người (bao gồm dân bản địa và khách nước ngoài) có quyền tự do lang thang hay cắm trại trong rừng, trên núi hay ở vùng quê ngoại trừ các khu vực thuộc sở hữu cá nhân. Tuy nhiên, mọi người phải đảm bảo bảo vệ tự nhiên và động vật. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Quốc gia Thụy Điển lưu ý “Không được quấy rối, không được phá hoại”. Điều luật này đảm bảo mọi người có thể hòa nhập với thiên nhiên. Cắm trại và ngủ dưới một bầu trời đầy sao là điều hoàn toàn có thể thực hiện tại đây.
Suy nghĩ kỹ trước khi bóp còi - New York (Mỹ).
Ở thành phố New York, bóp còi “không cần thiết” là phạm luật và có thể nhận giấy phạt lên đến 350 đô la Mỹ. Mặc dù luật này được ban hành nhằm ngăn chặn mọi người bóp còi inh ỏi khi hoàn toàn không cần thiết, nhưng thực tế rất ít người bị phạt. Tuy nhiên, đây như là lời cảnh báo để bóp còi có ý thức. Nếu không cần thiết, tốt hơn hết không nên bóp còi gây “ô nhiễm tiếng ồn”.
Về thăm cha mẹ hoặc bị phạt - Trung Quốc.
Nếu bạn phải sống xa cha mẹ, vậy bạn có thường về thăm không? Nếu như bạn ở Trung Quốc, tốt hơn hết hãy về thăm cha mẹ! Để ứng phó với tình trạng dân số lão hóa nhanh chóng, Trung Quốc đã ban hành “Bộ luật về quyền của người già” vào tháng 7/2013 buộc con cái sống xa cha mẹ phải về thăm cha mẹ thường xuyên, nếu không sẽ bị phạt và thậm chí bỏ tù. Đầu năm nay, Thượng Hải còn tiến thêm một bước khi đề ra chính sách ghi vào “danh sách đen” của các tổ chức tín dụng đối với những người không về thăm cha mẹ. Điều này sẽ gây khó khăn cho họ trong việc thực hiện hoạt động vay vốn.
Xin đừng mang giày cao gót - Hy Lạp.
Các công trình kiến trúc cổ đại khó được duy trì nguyên trạng đặc biệt khi lượng khách tham quan quá đông. Trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng xuống cấp, hư hỏng của các điểm tham quan cổ, Hy Lạp đã ban hành điều luật cấm mang giày cao gót tại các điểm tham quan này vào năm 2009. Vì vậy, nếu có ý định tham quan các thành phố lịch sử của Hy Lạp, tốt hơn hết nên cất đôi giày cao gót và thay bằng một đôi giày đế thấp.
Mở đèn khi lái xe - Phần Lan.
Ở Phần Lan, luật đã quy định bất cứ khi nào điều khiển phương tiện giao thông đều phải bật đèn, bất kể ngày hay đêm. Điều luật này cũng được áp dụng thậm chí đối với “đêm trắng”(*). Quy định này được lý giải rằng việc sử dụng đèn giúp cải thiện tầm nhìn khi tham gia giao thông và giúp dễ dàng phân biệt các phương tiện đang được vận hành với các phương tiện đang dừng đỗ.
(*) Đêm trắng là hiện tượng thiên nhiên xuất hiện vào các tháng mùa hè tại các vùng giáp các cực của Trái Đất khi vẫn có thể thấy được Mặt trời vào lúc nửa đêm.
Ủy nhiệm kết hôn - Montana (Mỹ).
‘Ủy nhiệm kết hôn’ là hành động hợp pháp tại 4 bang của Mỹ gồm Texas, Colorado, California và Montana. Trong một lễ cưới ủy nhiệm, một hoặc cả hai người không có mặt tại lễ cưới và được người khác thay mặt. Trong 4 bang trên, chỉ có Montana chấp nhận cả cô dâu và chú rể kết hôn mà không có mặt tại lễ cưới. Ở California, việc kết hôn này chỉ được cho phép đối với cá nhân phục vụ trong quân đội. Nhưng Montana, toàn thể cư dân của Montana đều có thể tổ chức lễ cưới ủy nhiệm.
Bán kẹo cao su – Singapore.
Cách đây khoảng 3 thập kỷ, kẹo cao su đã gây ra hậu quả nghiêm trọng do những người vô ý thức nhổ hoặc dính bã kẹo bừa bãi ngay hộp thư, ổ cắm thẻ, trên các nút bấm thang máy, chỗ ngồi trên xe buýt hay thậm chí trên các cửa từ của hệ thống tàu điện ngầm làm hệ thống trục trặc. Thêm vào đó, kẹo cao su bám trên mặt đường, cầu thang và vỉa hè làm tăng chi phí vệ sinh và gây hư hỏng cho các thiết bị vệ sinh. Do vậy, vào năm 1992, kẹo cao su bị cấm sử dụng và nhập khẩu. Sau đó, Chính phủ cân nhắc chỉ cho phép các tiệm thuốc và nha sĩ bán kẹo cao su “chữa bệnh” cho khách hàng có đơn thuốc của bác sĩ.
Kế hoạch hóa gia đình - Trung Quốc.
Vào đầu những năm 1980, Trung Quốc ban bố chính sách một con – một phần của chính sách kế hoạch hóa gia đình để giảm tỉ lệ tăng dân số quá nhanh. Dần dần, hệ quả của chính sách một con một phần nào đó tác động tiêu cực đến xã hội khi dân số già hóa nhanh chóng và mất cân bằng giới tính nghiêm trọng, các tỉnh bắt đầu cho phép các cặp vợ chồng có 2 con nếu cả hai đều là con một trong gia đình (2009). Đến năm 2013, chính sách dân số được nới lỏng khi cho phép các cặp đôi có 2 con trong trường hợp một trong 2 người là con một. Đến năm 2016, chính sách 2 con toàn diện được áp dụng chính thức trên toàn Trung Quốc.
Đừng cau có - Milan (Italy).
Ở kinh đô thời trang bạn sẽ không thấy buồn, thậm chí khi bạn cảm thấy buồn hay giận dữ ở Milan, thì lời khuyên cho bạn là hãy cố mỉm cười. Đây là một quy định bắt buộc tại Milan, phải mỉm cười trong bất cứ trường hợp nào, ngoại trừ đang dự lễ tang hoặc đang thăm bệnh. Quy định này có từ thời Áo - Hung cai trị và vẫn chưa được bãi bỏ. Vì thế, nếu bạn cảm thấy thất vọng, chán nản về điều gì đó, tốt nhất không nên lộ vẻ ủ rũ, thay vào đó hãy đi mua sắm.
Bạn có suy nghĩ như thế nào đối với các luật lệ kỳ lạ này? Bạn mong muốn điều luật nào sẽ được áp dụng tại Việt Nam? Hãy cùng chia sẻ nhé.
(Nguồn: punditcafe)