Trấn áp người Duy Ngô Nhĩ : Trung Quốc ngang nhiên vì không sợ bị xét xử

Thứ sáu - 24/07/2020 10:16

Trấn áp người Duy Ngô Nhĩ : Trung Quốc ngang nhiên vì không sợ bị xét xử

Khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị nhốt trong các « trung tâm dạy nghề » mọc lên như nấm ở Tân Cương trong thời gian nhanh đến chóng mặt từ năm 2013. Mức tăng dân số ở Tân Cương đã giảm 84% từ năm 2015 đến 2018 vì chính sách cưỡng ép triệt sản… Tộc người thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo Hồi Giáo đang bị Hán hóa, thậm chí bị « diệt chủng » theo một số cáo buộc gần đây.

Đăng ngày: 

Ảnh minh họa : Quân đội Trung Quốc luyện tập tại căn cứ Bayingol, vùng tự trị Tân Cương. Ảnh tư liệu 21/01/2016.
Ảnh minh họa : Quân đội Trung Quốc luyện tập tại căn cứ Bayingol, vùng tự trị Tân Cương. Ảnh tư liệu 21/01/2016. REUTERS - China Stringer Network

Chính sách trấn áp người Duy Ngô Nhĩ được thi hành khẩn trương và mạnh tay kể từ năm 2013 khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền. Trong nhiều năm, chủ đề này chỉ được truyền thông đề cập, giới chính trị gia phản ứng dè dặt. Nhưng dường như « gió đã đổi chiều » : Sau khi Mỹ trừng phạt nhiều quan chức và công ty Trung Quốc liên quan đến chiến dịch trấn áp người Duy Ngô Nhĩ, một số nước phương Tây đã lên tiếng, dù còn hạn chế.

Phương Tây chỉ trích rời rạc

Nhật báo Công giáo Pháp La Croix nhận thấy cộng đồng quốc tế đã thức tỉnh về vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, nhưng chỉ dừng lại ở mức « lên án » và đơn phương trừng phạt. Những biện pháp này không đủ trọng lượng vì « thiếu đồng bộ » giữa các nền dân chủ, theo đánh giá của nhà nghiên cứu Marc Julienne, thuộc Trung tâm châu Á, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI).

Bắc Kinh phủ nhận tất cả mọi « cáo buộc sai lạc », những « lời vu khống » của phương Tây và gần như « ăn miếng trả miếng » ngay lập tức. Ngày 30/06/2020, 27 nước châu Âu, trong đó có Anh Quốc, đã cùng trình lên Liên Hiệp Quốc một tuyên bố chung kêu gọi hành động mạnh mẽ hơn để chống chiến dịch trấn áp ở Tân Cương. Đáp lại, Bắc Kinh huy động được 46 nước ủng hộ « chiến dịch chống khủng bố » của Trung Quốc. Điều này cho thấy Bắc Kinh có ảnh hưởng như thế nào trong Liên Hiệp Quốc, theo nhận định của nhà nghiên cứu Pháp Marc Julienne.

Một số tiếng nói bảo vệ nhân quyền cho rằng chính sách trấn áp ở Tân Cương là tội ác chống nhân loại và diệt chủng, thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án Hình sự Quốc tế (CPI) ở La Haye, được thành lập theo Quy chế Roma năm 1998 và hoạt động từ năm 2002.

 

Luật pháp quốc tế bất lực ?

Tuy nhiên, luật sư Clémence Bectarte, giám đốc Nhóm hành động tư pháp của Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) bác ngay khả năng một Nhà nước bị đưa ra tòa án này, vốn chỉ xét xử những cá nhân và quan chức đã ra lệnh hoặc phạm tội ác.

Tòa án Hình sự Quốc tế chỉ có thể can thiệp khi có thủ tục tố tụng ở Trung Quốc và điều này hiện không xảy ra. Một điểm quan trọng khác là Trung Quốc không phê chuẩn Quy chế Roma 1998, giống như các nước Mỹ, Nga, Israel… Nhóm 5 nước thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc có thể thay đổi tình hình, như trường hợp đối với Sudan và Libya (hai nước không phê chuẩn Quy chế Roma). Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ Trung Quốc là một trong năm thành viên thường trực và có quyền phủ quyết.

Dù tư pháp quốc tế bất lực trong trường hợp này, luật sư nhân quyền Clémence Bectarte cho rằng vẫn có thể tính đến hai khả năng. Thứ nhất, tương tự với những tội ác ở Syria, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã thành lập một cơ chế điều tra vào năm 2016 để lách phủ quyết của nhóm năm nước thường trực Hội Đồng Bảo An. Nhiều đội điều tra đang thu thập tài liệu và chứng cứ nhắm vào tổng thống Bac-har Al Assad với hy vọng ngày nào đó lãnh đạo Syria bị đưa ra xét xử.

Trường hợp thứ hai là đưa hồ sơ ra Tòa Án Công lý Quốc tế (CIJ, có thẩm quyền liên quan đến cấp Nhà nước). Ví dụ gần đây nhất là vào mùa hè năm 2019, Gambia kiện Miến Điện trong hồ sơ người Hồi Giáo Rohingya, vì đã không tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về ngăn ngừa và trừng phạt tội ác diệt chủng. Tháng 01/2020, Tòa Án Công lý Quốc tế đã ra lệnh cho Miến Điện đưa ra những biện pháp cần thiết để bảo vệ người Rohingya. Về lý thuyết, quyết định của Tòa mang tính ràng buộc, nhưng nước liên quan có thực hiện hay không lại là một chuyện khác.

Vì vậy, hồ sơ người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương khó có thể đi xa hơn ngoài những biện pháp trừng phạt và lên án, vì đối với những cường quốc, chủ quyền quốc gia còn có trọng lượng hơn nhiều, như nhận định với La Croix của luật sư Clémence Bectarte.


Tác giả bài viết: Thu Hằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập62
  • Hôm nay14,491
  • Tháng hiện tại269,489
  • Tổng lượt truy cập35,915,834
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây