Bước chuẩn bị của Phần Lan để gia nhập NATO

Thứ bảy - 03/09/2022 08:17
unnamed (1)
unnamed (1)
 

Từng được đánh giá cao về tính trung lập, Phần Lan đổi quan điểm, cam kết ủng hộ Ukraine đối đầu Nga và tìm cách xây dựng vị thế trong NATO.

Vào những năm 1960, các gia đình Phần Lan thường trữ thực phẩm trong nhà với quan điểm phổ biến rằng mọi người nên chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc xung đột có thể nổ ra bất cứ lúc nào.

Giờ đây, 6 tháng kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và Phần Lan sắp gia nhập NATO sau nhiều thập kỷ duy trì trạng thái trung lập, nhiều người dân nước này đang nối lại thói quen từ thời Chiến tranh Lạnh.

Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto (ngoài cùng bên trái), Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde (ngoài cùng bên phải) và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ, ngày 5/7. Ảnh: Reuters.

"Mẹ tôi rất cẩn thận khi làm việc đó, trong nhà luôn có thêm thức ăn và đồ dự trữ", Ngoại trưởng Pekka Haavisto cho biết trong một cuộc phỏng vấn. "Và bây giờ, các cuộc trò chuyện thực sự đang xoay quanh chủ đề 'bạn đã dự trữ đủ cho gia đình trong một tuần chưa?'".

Người dân quốc gia Bắc Âu từ lâu tích trữ lương thực, nhu yếu phẩm chủ yếu do tâm lý đề phòng người Nga, sau những trận chiến thảm khốc giữa hai nước thời kỳ đầu thế kỷ 20.

"Chúng tôi luôn rất chú trọng đến an ninh", ông Haavisto phát biểu tại văn phòng Bộ Ngoại giao. "Châu Âu đang trải qua giai đoạn khủng hoảng, tôi nghĩ mọi người giờ đây thậm chí còn trở nên thận trọng hơn trước".

Người Phần Lan luôn cố gắng xây dựng, huấn luyện lực lượng quân sự mạnh để sẵn sàng đương đầu với nước láng giềng khổng lồ ở phía đông có chung hơn 1.300 km đường biên giới. Nhưng nỗ lực tự cường đó đang thay đổi, sau khi Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO.

Giới chức nói rằng kinh nghiệm hàng thập kỷ mà họ tích lũy được khi chuẩn bị cho kịch bản xung đột với Nga khiến Helsinki trở thành một tài sản lớn của NATO.

"Trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, khi nhiều quốc gia đã phát triển lực lượng vũ trang của mình hướng tới các hoạt động hỗ trợ hòa bình - quốc tế thì chúng tôi lại không đi theo con đường đó", tướng Timo Pekka Kivinen, tư lệnh các lực lượng vũ trang Phần Lan, cho hay. "Chúng tôi hướng vào nhiệm vụ bảo vệ quê hương".

Nước này có quy định cho nam giới và phụ nữ tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự. Họ đã không liên kết với các liên minh quân sự trong nhiều thập kỷ, nhưng từ giữa những năm 1990, quân đội nước này bắt đầu phối hợp nhịp nhàng hơn với lực lượng vũ trang các quốc gia NATO trong nhiều đợt tập trận.

Trước khi quyết định xin gia nhập NATO, Phần Lan đã mua tiêm kích tàng hình F-35 do Mỹ sản xuất. Hồi tháng 4, Helsinki thông báo đã bổ sung khoảng 2,19 tỷ USD vào ngân sách quốc phòng, nâng mức chi tiêu quân sự lên 2% GDP, đáp ứng yêu cầu từ NATO.

Tướng Kivinen cũng nhấn mạnh những kinh nghiệm tác chiến của quân đội trong môi trường Bắc Cực và những năm hoạt động trong vùng trời giáp biên giới Nga là một đóng góp tiềm năng cho NATO.

"Chúng tôi là một bên đảm bảo an ninh", ông nói. "Chúng tôi sẽ tăng cường an ninh cho NATO khi trở thành thành viên, chứ không phải nhờ cậy an ninh của liên minh".

Việc Helsinki nhanh chóng hướng về NATO, điều khó có thể tưởng tượng vài năm trước, đã khiến nhiều người trong và ngoài nước ngạc nhiên. Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Ban Cố vấn Thông tin Quốc phòng Phần Lan cho thấy dư luận nước này đã thay đổi lập trường về chính sách trung lập như thế nào kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát.

Trong 6 tháng, tỷ lệ ủng hộ quan điểm trung lập đã giảm từ 50% xuống 20%. Trong khi đó, quan điểm ủng hộ gia nhập NATO tăng từ 25% lên 68%.

"Nếu năm ngoái có người hỏi Phần Lan có nộp đơn xin gia nhập NATO hay không, tôi sẽ nói rằng điều đó rất khó xảy ra hoặc phải có điều gì rất nghiêm trọng buộc chúng tôi thay đổi quan điểm", ông Haavisto nói. "Và điều nghiêm trọng đó đã xuất hiện vào tháng hai, khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine".

Cùng với việc xin gia nhập NATO, Helsinki còn tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Họ đã thực hiện một số đợt hỗ trợ quân sự cho Ukraine, dù chính phủ không nêu chi tiết những lô hàng đó là gì. Hồi đầu tháng 8, Helsinki cũng đã quyết định tham gia chiến dịch huấn luyện các binh sĩ Ukraine do Anh dẫn đầu, theo tướng Kivinen.

Ngoại trưởng Haavisto từng hoan nghênh thỏa thuận gần đây với Nga cho phép xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, nhấn mạnh đó là "chút ánh sáng cuối đường hầm". Tuy nhiên, ông lưu ý rằng Helsinki vẫn "hoàn toàn ủng hộ mục tiêu của Kiev là giành lại những vùng lãnh thổ thuộc về họ".

Đối với tiến trình gia nhập NATO, các quan chức Phần Lan cho hay họ không mong đợi bất kỳ thay đổi tức thời nào với quân đội nước này.

"Có thể mất vài năm để chúng tôi thích ứng với cấu trúc quân sự của NATO", tướng Kivinen nói. "Nó sẽ không diễn ra ngay lập tức".

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, gia nhập NATO sẽ giúp Phần Lan được đảm bảo an ninh theo Điều 5 của liên minh, yêu cầu các thành viên phải hỗ trợ đồng minh nếu bị tấn công. Nó cũng khiến biên giới giữa NATO với Nga tăng lên gần gấp đôi, điều chắc chắn khiến Moskva không hài lòng.

Song đến nay, giới chức Phần Lan cho biết Nga chưa phản ứng bằng bất kỳ biện pháp quân sự nào. "Trên thực tế, họ đang cư xử khá tốt với chúng tôi", thiếu tướng Juha-Pekka Keranen, tư lệnh lực lượng không quân Phần Lan, nói.

Dù phần lớn hợp tác quân sự giữa Helsinki với Moskva đã bị cắt đứt kể từ năm 2014, khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, hai bên vẫn thường xuyên trao đổi nhằm giải quyết các nguy cơ xung đột trên không và trên biển, theo tướng Kivinen. "Chúng tôi có một đường dây nóng với Moskva", ông cho hay.

Ngay cả khi chuẩn bị gia nhập NATO, Helsinki vẫn tiếp tục chuẩn bị cho kịch bản xung đột với Moskva, như cách họ đã làm trong nhiều thập kỷ qua.

"Nếu đến ga tàu điện ngầm Hakaniemi, bạn có thể thấy hầm tránh bom lớn nhất của Phần Lan, nơi một lượng lớn dân cư có thể được an toàn nếu trú ẩn tại đó", Ngoại trưởng Haavisto cho hay. "Suốt những năm tháng hòa bình, chúng tôi đã luôn giữ cho quân đội của mình ở trạng thái tốt".

Gia đình Ngoại trưởng Haavisto cũng đã trở lại với truyền thống dự trữ thực phẩm để đề phòng xung đột. "Ở nhà tôi luôn có mì ống", ông nói.

 

 

Nguồn tin: Vũ Hoàng (Theo WSJ)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập46
  • Hôm nay10,681
  • Tháng hiện tại259,352
  • Tổng lượt truy cập35,905,697
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây