Các luật sư trong cuộc Đối thoại ngày 18/8
Sáng 18/8, chính quyền quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức buổi đối thoại với các hộ dân ở Vườn rau Lộc Hưng (VRLH), một sự kiện được đánh giá là chính quyền bước đầu lắng nghe các nạn nhân. Tuy nhiên các câu trả lời lại không đáp ứng kỳ vọng của người dân.
Theo người đại diện của nhóm các hộ dân thì đây có thể xem như là buổi đối thoại chính thức của chính quyền với người dân sau khi chính quyền đem máy xúc, máy ủi san bằng toàn bộ khu đất và nhà cửa của người dân Vườn rau Lộc Hưng ngay trước Tết Nguyên Đán 2019.
Chính quyền tỏ ra lắng nghe, nhưng trả lời không thuyết phục
Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, một trong năm luật sư đại diện cho 62 hộ dân thì người dân VRLH nêu ra ba mục tiêu chính: yêu cầu chính quyền thành phố Hồ Chí Minh, chính quyền quận Tân Bình, cơ quan chức năng như Sở Tài nguyên và Môi trường cần phải xác lập quyền sử dụng đất cho họ một cách chính thức hoặc ít ra cũng phải xác lập bằng văn bản quyền sử dụng đất hợp pháp của người dân chứ không thể nói người dân lấn chiếm đất hay nói đó là đất công; đền bù đất thoả đáng; và bồi thường tài sản của họ khi bị cưỡng chế.Luật sư Phúc nói qua điện thoại như sau:
“Họ chất vấn chính quyền về hàng loạt vấn đề quan trọng, đặt ra câu hỏi vì sao các tố cáo yêu cầu xử lý của họ không được giải quyết, tài sản của họ bị thu giữ trong cưỡng chế đi về đâu, vì sao đất của họ đã sử dụng mấy mươi năm không được hợp thức hoá…
Phía chính quyền gần như là trả lời trong chừng mực. Họ cũng tỏ ra lắng nghe bà con thế nhưng khi trả lời thì họ cho rằng đất bà con sử dụng là đất công nhà nước quản lý và việc bà con sử dụng là bất hợp pháp. Họ không thừa nhận các yếu tố có thể tạo thành cơ sở pháp lý của người dân, thậm chí họ cho cuộc cưỡng chế là cần thiết và đúng pháp luật."
Ông Phúc cho biết, chính quyền hầu như phản bác ý kiến của người dân, trong khi giải trình của họ đưa ra không thuyết phục đối với người dân và cả luật sư.
Hai nhóm luật sư đại diện cho các người dân cũng “nêu ra những yếu tố pháp lý và việc sử dụng đất hợp pháp của người dân cũng như việc cưỡng chế trái pháp luật hoàn toàn," đồng thời đề nghị chính quyền địa phương tôn trọng sự thật và làm việc với thái độ công tâm trong các buổi đối thoại trong tương lai.
Đại diện người dân VRLH tuyên bố cuộc họp không đáp ứng được mong đợi của người dân và họ sẽ không dừng lại mà sẽ khiếu kiện ở cấp cao hơn, tức là cấp thành phố và trung ương.
Đánh giá về cuộc đối thoại này, luật sư Phúc cho biết với nhiều người thì đây là một thành công:
“Thành công đối với người dân là vì cuối cùng sau gần bốn năm xảy ra cuộc cưỡng chế khốc liệt đó, nay người dân được cơ quan nhà nước đón tiếp để nghe ý kiến. Và quả tình như nội dung giấy mời thì họ muốn lắng nghe ý kiến trao đổi của người dân… Người dân có cơ hội nói gần như đầy đủ hết, họ trút ra bao nhiêu nỗi niềm, uất ức, nhận thức của họ về đất và cuộc cưỡng chế khốc liệt đầu năm 2019.”
Còn ông Cao Hà Chánh, đại diện cho 50 hộ dân sử dụng đất VRLH từ trước đến nay (không tách thửa mua bán), đánh giá buổi đối thoại chỉ để dẫn dụ người dân nhận tiền nên ông không tham gia:
“Cái buổi này chỉ là thăm dò, buổi này đã dàn trận dưới sự chỉ đạo của UBND thành phố để xem coi người dân bỏ qua việc xác nhận giá trị pháp lý để dụ người dân vào con đường lãnh tiền hỗ trợ tiền với giá 5-10 triệu gì đó. Chính vì vậy tôi không xuất hiện và tôi chỉ xuất hiện nếu có lãnh đạo thành phố tham dự.”
Báo Thanh Niên Online dẫn lời ông Trương Tấn Sơn, Phó chủ tịch UBND quận Tân Bình, nói trong buổi đối thoại cho biết quận sẽ báo cáo UBND thành phố kết quả buổi tiếp công dân, và tiếp tục ghi nhận các ý kiến khác liên quan đến khu đất này.
Đối với các nội dung thuộc thẩm quyền của quận thì sẽ chỉ đạo giải quyết theo quy định, nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của thành phố thì báo cáo UBND thành phố chỉ đạo giải quyết.
Vườn rau Lộc Hưng tồn tại gần 70 năm, là nơi sinh sống của hơn 100 hộ dân.
Chính quyền quận Tân Bình cho rằng việc người dân sống ở nơi đây là bất hợp pháp và đưa người đến cưỡng chế vào ngày 4 và 8/1/2019.
Sau khi san phẳng hàng trăm ngôi nhà ở đây, chính quyền nói sẽ sử dụng đất này để xây dựng cụm trường đạt tiêu chuẩn quốc gia. tuy nhiên, theo luật sư thì Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo đều không hề biết khái niệm này và không trả lời được về kế hoạch này khi người dân hỏi.
Nhà hoạt động Dương Thị Tân bị câu lưu sau buổi đối thoại
Bà Dương Thị Tân, một nhà hoạt động nhân quyền và cũng là một người có đất ở VRLH bị thu hồi, bị an ninh thành phố câu lưu nhiều giờ từ trưa 18/8 cho đến tận chiều tối cùng ngày.
Nói với RFA, bà cho biết trong buổi sáng, khi tham dự cuộc đối thoại, lực lượng an ninh đã nhắm vào bà, coi bà như là đối tượng “chuyên kích động gây rối.”
Trong hội trường của cuộc đối thoại, lực lượng an ninh đã định buộc bà phải rời đi, tuy nhiên, ý định của họ gặp phải sự phản đối quyết liệt của người dân khác nên họ đành để bà ngồi lại trong sự giám sát chặt.
Sau khi buổi đối thoại kết thúc vào lúc 12 giờ 30, bà Tân định đi cùng xe máy với luật sư Nguyễn Văn Miếng về nhà, tuy nhiên, do mũ bảo hiểm ở xe của luật sư bị mất một cách đáng ngờ nên bà phải đi theo ôtô của người dân VRLH để ra về. Tới nhà, bà bị một nhóm tám an ninh theo sát và buộc bà phải đi theo họ về phường.
“Chị về đến nhà, leo lên được một tầng lầu thì bị lôi đi. Chẳng có giấy mời, chẳng có gì cả. Lôi từ cửa nhà chị đi. (Họ là- PV) an ninh thành phố, bọn hồi xưa hay canh chị nên chị biết tên chúng và gọi tên chúng ra.”
Bà kể bà bị họ ấn lên xe công an rồi xe chạy vòng vèo tới một đồn công an nào đó. Tại đây, họ mượn một phòng đưa bà vào rồi hỏi chuyện linh tinh. Khoảng hơn một giờ sau, tức là lúc 2 giờ chiều, nhóm an ninh này lại buộc bà lên xe đi tiếp và lần này tới trụ sở của công an phường 13, quận 3.
Trong một phòng làm việc, công an dùng vũ lực lấy túi xách và điện thoại của bà, lấy toàn bộ giấy tờ bao gồm Chứng minh Nhân dân, thẻ ATM, thẻ ngân hàng… bày ra bàn rồi chụp hình. Họ còn viết tên tuổi, nơi cư trú của bà ra một tờ giấy khổ to, sau đó bảo bà bỏ khẩu trang, cầm tờ giấy để họ chụp hình. Khi bị từ chối thì họ tự cầm tờ giấy này giơ qua đầu bà rồi chụp hình.
Sau đó họ tra hỏi bà về việc tham dự cuộc đối thoại ban sáng và cả việc bà tham gia chương trình Tri ân thương phế binh Việt Nam Cộng hoà…
Cuối cùng, hơn 7 giờ 30 họ mới đưa bà về nhà sau khi đã làm biên bản mà không có chữ ký của bà, một người thường tham gia hỗ trợ gia đình tù nhân lương tâm và những người yếu thế trong xã hội.
Bà Tân cho RFA biết hôm nay một số nhân viên an ninh vẫn canh gác ở cổng nhà bà và theo sát mỗi khi bà ra ngoài.
|