Phát giác 4 đường dây mua bán người Việt Nam qua Cambodia

Thứ tư - 24/08/2022 09:39
unnamed (1)
unnamed (1)
AN GIANG, Việt Nam (NV) – Liên quan vụ 42 người tháo chạy khỏi casino Golden Phoenix ở xã Sampeou Poun, huyện Kaoh Thom, tỉnh Kandal, Cambodia, bơi qua sông Bình Di về Việt Nam, giám đốc Công An tỉnh An Giang cho biết qua điều tra công an đã phát hiện có đến bốn đường dây mua bán người.
“Những đường dây này hoạt động ở nhiều tỉnh thành, móc nối với đồng phạm ở Cambodia để đưa người Việt Nam vào các casino làm việc bất hợp pháp,” Đại Tá Đinh Văn Nơi, giám đốc Công An tỉnh An Giang, nói với báo VNExpress hôm 23 Tháng Tám.
Bộ Đội Biên Phòng tỉnh An Giang lấy thông tin nhóm 40 người đào thoát từ casino ở Cambodia về Việt Nam. (Hình: Trần Ngọc/Thanh Niên)
Theo ông Nơi, trong lúc xét hỏi 40 người về đến An Giang (35 nam, 5 nữ), tất cả khai thông qua mạng Internet và người quen, họ bị dụ dỗ sang Cambodia làm việc với lời hứa hẹn “việc nhẹ lương cao.”
Tuy nhiên, khi được đưa đến các casino, những người này mới nhận ra công việc họ làm không như lời hứa. Họ bị phía casino ép lên mạng lừa đảo người khác, chủ yếu là người ở Việt Nam nạp tiền, đánh bài qua mạng, tham gia các sàn giao dịch trực tuyến… mà thật ra là lừa đảo để chiếm tiền người chơi.
“Mấy ngày đầu, tôi rủ người quen ở Việt Nam nạp tiền vào chơi. Cũng nghĩ là chơi có thắng, có thua nhưng khi làm rồi mới biết người nạp tiền vô rồi thì chẳng bao giờ rút tiền ra được, dù có thắng hay thua. Họ bày chiêu ‘rút tiền sai mật khẩu’ rồi khóa, xóa tài khoản người thắng,” em V., 20 tuổi, ở huyện Kế Sách, Sóc Trăng, một trong những nạn nhân nói với báo Tuổi Trẻ.
Nhưng làm càng lâu thì mối mang càng ít, số nạn nhân đã hiểu mình bị lừa nên nghỉ chơi. Nhiều lao động bị ép phải lên mạng câu kéo người trong nước chơi với chỉ tiêu cụ thể. Nếu ngày nào không đạt chỉ tiêu thì bị bỏ đói, bị hành hạ…
Điều đáng nói là mặc dù bị ép làm việc quá giờ, trả lương không đúng như thỏa thuận, mà còn bị “quỵt” lương.
“Đặc biệt, lúc ghi lời khai chúng tôi phát hiện có tình trạng lao động Việt Nam bị bán từ casino này đến casino khác, có dấu hiệu của tội phạm mua bán người. Công an tỉnh đã làm rõ và phát hiện bốn đường dây mua bán người ở nhiều tỉnh, thành trong nước và đưa người xuất nhập cảnh trái phép. Các đối tượng này câu móc với các đối tượng bên Cambodia để thực hiện hành vi mua bán người,” ông Nơi cho biết.
Ông Nơi cho biết thêm, địa bàn tỉnh Kandal giáp ranh với tỉnh An Giang có tổng cộng tám casino. Do ảnh hưởng dịch COVID-19, một casino đã dừng, còn lại bảy casino hoạt động rất mạnh. Các casino này sử dụng rất nhiều lao động người Việt Nam và các nước khác.
Nói với báo Tuổi Trẻ, một chủ sòng bạc lâu năm ở thành phố Ba Vet, tỉnh Svay Rieng, Cambodia, giải thích các chiêu trò lên mạng Internet dụ dỗ người chơi nạp tiền rồi chiếm đoạt phổ biến khi các sòng bạc của người Trung Quốc đầu tư vào Cambodia.
Ông T., một chủ sòng bạc ở Ba Vet, cho biết thêm rằng thực chất nhiều người Việt Nam bị lừa sang làm việc cho các nhà mạng lừa đảo, chứ không phải làm việc cho các casino.
“Họ không bỏ tiền ra để xây dựng, nhưng thuê các khu nhà có sẵn của các casino nên người ta lầm tưởng đó là các casino lừa đảo,” ông T. giải thích.
Casino Golden Phoenix tại Cambodia, nơi xảy ra sự việc 42 người Việt vượt sông đào thoát về Việt Nam. (Hình: Đ.T/Tuổi Trẻ)
Hiện nay Công An tỉnh Kandal, Cambodia, đang phối hợp với Công An tỉnh An Giang trao đổi thông tin tiến hành rà soát lại tất cả những lao động người Việt không có giấy tờ hợp pháp để trao trả cho Đại Sứ Quán Việt Nam và đưa người về trong thời gian tới.
Chiều 23 Tháng Tám, Công An huyện An Phú đã hỗ trợ 1.5 triệu đồng ($64)/người cho 40 người tháo chạy khỏi casino làm chi phí ăn uống, đi xe trở về quê nhà.

Nguồn tin:  (Tr.N) [qd]

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập27
  • Hôm nay4,541
  • Tháng hiện tại156,667
  • Tổng lượt truy cập34,789,386
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây