Hoa Tình Thươnghttps://hoatinhthuong.net/assets/images/logo.png
Thứ bảy - 06/05/2023 04:57
BIỂN ĐÔNG, Việt Nam (NV) – Mỹ đòi Trung Quốc chấm dứt các hành động “khiêu khích và nguy hiểm” tại Biển Đông qua sự việc mới xảy ra một tuần trước. “Chúng tôi kêu gọi Bắc Kinh hủy bỏ các hành vi khiêu khích và nguy hiểm” tại Biển Đông, ông Matthew Miller, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Mỹ, nói, thông tấn AFP hôm Chủ Nhật, 30 Tháng Tư. Tàu hải cảnh Trung Quốc 5201 chặn đường tàu cảnh sát biển Philippines ở khu vực bãi Cỏ Mây (Second Thomas shoal) ngày 23 Tháng Tư. (Hình: Ted Aljibe/AFP/Getty Images) Tàu cảnh sát biển Philippines nhỏ bé, ngày Chủ Nhật 23 Tháng Tư, chở theo một số phóng viên báo chí quốc tế đi quan sát khu vực bãi Cỏ Mây (tên quốc tế là Second Thomas Shoal) thuộc quần đảo Trường Sa bị tàu hải cảnh Trung Quốc 5201 chận đường ở khoảng cách rất gần. Nếu tàu Philippines không đổi hướng có thể đã xảy ra tai nạn mà những người ở trên tàu bị nguy hiểm tính mạng. Bộ Ngoại Giao Mỹ lên tiếng cảnh cáo Bắc Kinh chỉ hai ngày trước khi Tổng Thống Ferdinand Marcos Jr. của Philippines, đến Tòa Bạch Ốc hội kiến với Tổng Thống Joe Biden. Phát ngôn viên Miller nói vụ đối đầu xém va chạm ở bãi Cỏ Mây nhắc nhở cho mọi người thấy cách hành xử “sách nhiễu và đe dọa” của Trung Quốc tại Biển Đông từng xảy ra rất nhiều lần với các nước nhỏ ở khu vực. Bắc Kinh vẫn ngang ngược coi hơn 80% đến 90% Biển Đông nằm trong phạm vi chín vạch nối lại giống hình “Lưỡi bò” là thuộc chủ quyền Trung Quốc. Ngày 12 Tháng Bảy, 2016, Tòa Trọng Tài Quốc Tế ở The Hague, Hòa Lan, đã bác bỏ yêu sách phi lý này, cho rằng Bắc Kinh cậy sức mạnh quân sự ăn trùm cả khu vực. Bắc Kinh sau đó tuyên bố không công nhận phán quyết tòa. Trung Quốc đã nhiều lần ngăn chặn các cuộc khảo sát dò tìm dầu khí của Việt Nam trên các vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Thậm chí, năm 2017, Bắc Kinh cho Tướng Phạm Trường Long, phó bí thư quân ủy trung ương, đến Hà Nội đe dọa đánh chiếm các vị trí của Việt Nam tại Trường Sa nếu Hà Nội không từ bỏ các hoạt động tìm kiếm dầu khí trong phạm vi “Lưỡi bò.” AFP cho hay họ là một trong nhiều tổ chức truyền thông quốc tế được chính phủ Philippines mời đi thăm một số đảo và bãi đá ngầm tại quần đảo Trường Sa, kéo dài trong sáungày, đã đã chứng kiến tận mắt các nguy hiểm cho họ xảy ra ngày Chủ Nhật, 23 Tháng Tư tại bãi Cỏ Mây. Khi chiếc tàu cảnh sát biển Philippines tên BRP Malapascua, nhỏ không bằng một nửa chiếc tàu hải cảnh Trung Quốc, tiến về bãi Cỏ Mây thì chiếc tàu Trung Quốc 5201 phóng tới chận đường. Khi thấy khoảng cách chỉ còn chừng 45 mét, sĩ quan chỉ huy tàu BRP Malapascua vội vàng cho lệnh đổi hướng hầu tránh nguy hiểm. Tàu hải cảnh Trung Quốc 3302 chặn tàu đánh cá của Philippines tại khu vực bãi cạn Scarborough hồi Tháng Hai. (Hình minh họa: STR/AFP/Getty Images) Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đổ lỗi cho tàu Philippines là “xâm phạm” khu vực chủ quyền của họ trong khi bãi cạn này nằm trong vùng biển đặc quyền kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này, và chỉ cách đảo Palawan của Philippines 105 hải lý hay 194km trong khi cách đảo Hải Nam của Trung Quốc tới 1,285km. Vụ này xảy ra chỉ một ngày khi Ngoại Trưởng Tần Cương của Trung Quốc đến Manila gặp Tổng Thống Marcos Jr., nhằm tháo gỡ những căng thẳng trên biển giữa hai nước, đồng thời cải thiện mối quan hệ giữa hai phía. Nhiều tàu hải cảnh Trung Quốc liên tục quanh quẩn tại các khu vực Việt Nam khai thác dầu khí tại bãi Tư Chính không ngoài mục đích canh chừng, không cho Hà Nội mở rộng hoặc dò tìm mỏ mới. Hà Nội đã phải bồi thường cho nhà thầu Rapsol số tiền cả tỷ đô la vì đã bỏ ngang hợp đồng tìm kiếm tại bãi Tư Chính trước sự de dọa của Trung Quốc.