CHÚA DẪN ĐƯA CON

Thứ sáu - 05/05/2023 10:40
unnamed (4)
unnamed (4)
Sau khi long trọng mừng lễ Phục Sinh, Phụng vụ mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng Chúa Giêsu ở một khía cạnh khác: Người là Mục tử nhân lành.  “Người mục tử” là hình ảnh chính Chúa Giêsu đã dùng để diễn tả sứ mạng của Người, là sứ mạng Thiên sai.  Hình ảnh này không phải là điều gì mới lạ, vì các ngôn sứ trong Cựu ước đã diễn tả Thiên Chúa như một mục tử.  Chúng ta có thể đọc thấy trong giáo huấn của ngôn sứ Giêrêmina và Egiêkien.  Như người mục tử chăm sóc đàn chiên thế nào, Thiên Chúa luôn săn sóc dân riêng Ngài đã chọn như vậy.  Ngài biết những nhu cầu của đàn chiên.  Ngài còn biết tên của từng con cũng như tính nết của chúng.  Những điều này cho thấy tình yêu thương của Thiên Chúa đối với con người.  Suốt bề dày lịch sử Cựu ước, Ngài luôn che chở, hướng dẫn và bao dung nhân từ đối với dân riêng Ngài đã chọn, mặc dù nhiều lần dân lầm lỗi bội phản.
 
Trong xã hội du mục của người Do Thái thời xưa, hình ảnh người mục tử và đàn chiên rất gần gũi đối với với cuộc sống hằng ngày.  Đi đâu ta cũng có thể gặp thấy đồng cỏ xanh, đàn chiên thư thái ăn cỏ bên dòng suối mát lành dưới dự chăm sóc của các mục tử.  Khi dùng hình ảnh người Mục tử, Chúa Giêsu tiếp nối giáo huấn của Cựu ước.  Tuy vậy, hình ảnh người mục tử nơi Chúa Giêsu mang nhiều nét mới mẻ.  Đây là người mục tử dám hy sinh mạng sống vì đàn chiên.  Người chấp nhận chết cho chiên được sống.  Người không chỉ chăn dắt đàn chiên mà còn ban cho đàn chiên sự sống.  Tôi đến để cho chiên được sống, và sống dồi dào.  Qua cái chết trên thập giá, Chúa Giêsu hiến mạng sống mình cho đàn chiên và thông ban cho đàn chiên sự sống thiêng liêng.
 
Khi quả quyết: Tôi là cửa.  Đức Giêsu muốn nhấn mạnh, Người là mẫu mực cho chúng ta.  Các tác giả Phúc âm đã phác họa chân dung của Chúa Giêsu trong các tác phẩm của mình.  Tất cả đều muốn khẳng định: Chúa Giêsu là dung mạo phản ánh lòng thương xót của Chúa Cha, qua sự khiêm nhường, dấn thân phục vụ con người.  Mỗi tín hữu, tức là mỗi con chiên trong đàn chiên của Chúa phải nhìn lên Đức Giêsu là vị Mục tử của mình để noi gương Người trong đời sống.  Như thế là chúng ta bước qua cửa có tên là Giêsu, để được quy tụ và được giáo huấn, với mục đích sẽ trở nên hoàn thiện từng bước ngay khi còn sống trên trần gian.  Ai qua cánh cửa có tên là Giêsu, sẽ tìm được nơi nương ẩn và được cứu rỗi.
 
Hình ảnh người Mục tử gắn liền với Cộng đoàn đức tin, tức là Giáo Hội.  Trong bài giảng đầu tiên vào ngày lễ Ngũ tuần, Thánh Phêrô khẳng định Chúa Giêsu là Đấng Kitô và là Chúa.  Người đã chịu đóng đinh trên thập giá.  Người giống như mục tử, vì sự bình an và sự sống của đàn chiên, đã hy sinh mạng sống mình.  Bài giảng hùng hồn đã khiến cử tọa khóc lóc đau đớn trong lòng, và đã có thêm ba ngàn người xin gia nhập Đạo Chúa trong ngày hôm ấy (Bài đọc I).  “Anh em hãy tránh xa thế hệ gian tà này để được cứu độ.”  Tránh xa gian tà, tức là từ bỏ lối sống không phù hợp với danh hiệu Kitô hữu như: bạo lực, dâm ô, giận hờn, ghen ghét, chia rẽ suy đồi luân thường đạo lý.  Những tệ nạn này cản trở chúng ta đến với Chúa và làm chúng ta trượt dốc xuống vực thẳm của tội lỗi.
 
Hình ảnh người Mục tử nhân lành nhắc nhớ chúng ta: nhờ Bí tích Thanh tẩy,  người tín hữu được tháp nhập vào đàn chiên của Chúa tức là Giáo Hội.  Chúa Giêsu là Đầu của Giáo Hội.  Giáo Hội là thân thể huyền nhiệm của Chúa Giêsu.  Mỗi chúng ta là chi thể trong thân thể ấy.  Cũng như nơi thân xác con người, chỉ khi nào mọi chi thể liên kết gắn bó chặt chẽ với đầu, thì thân thể ấy mới khỏe mạnh.  Mỗi tín hữu cũng phải liên kết với Đức Giêsu là Đầu của Giáo Hội.  Hiệp thông gắn bó với Đầu, chúng ta cũng phải hiệp thông gắn bó với anh chị em mình, để làm thành một cộng đoàn Giáo Hội vững chắc, không ngừng tiến triển và diễn tả sự thánh thiện trong đời sống hằng ngày.
 
Những ai đã lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy mà không hiệp thông với Giáo Hội, được so sánh như con chiên lạc.  Thánh Phêrô lưu ý chúng ta như vậy.  Ngài viết: “Quả thật, trước kia anh em chẳng khác nào những con chiên lạc, nhưng nay đã quay về với vị Mục tử, Đấng chăm sóc linh hồn anh em” (Bài đọc II).  Tin tưởng cậy trông nơi Đấng Phục sinh, đó là điều kiện cần thiết để chúng ta hiệp thông với vị Mục tử và hiệp thông với anh chị em mình, tức là cộng đoàn Giáo Hội.
 
Giáo Hội không giống như một tổ chức trần thế.  Giáo Hội cũng không phải do con người lập nên.  Chính Chúa Giêsu là Đấng sáng lập Giáo Hội.  Chính Chúa Phục sinh đã trao cho thánh Phêrô và những người kế vị nhiệm vụ lãnh đạo, và thay Người săn sóc, quy tụ đàn chiên.  Những đế chế hay những quốc gia trần thế, dù có hùng mạnh đến đâu chăng nữa, chỉ vang bóng một thời rồi đến lúc phải cáo chung.  Giáo Hội của Chúa trường tồn qua mọi thời, thấm nhập và góp phần làm thăng hoa các nền văn hóa và các truyền thống nơi các quốc gia.  Sở dĩ Giáo Hội trường tồn, vì có Đức Giêsu phục sinh luôn hiện diện và hướng dẫn, như người mục tử chăn dắt đàn chiên.
 
Sự hiện diện và dẫn dắt của vị Mục tử được diễn tả trong Thánh vịnh quen thuộc.  “Chúa là Mục tử.”   Lời Thánh vịnh đem lại cho chúng ta sự bình an: Dù qua lũng âm u, con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.  Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.  Nhờ sự dẫn dắt của vị Mục tử Giêsu, chúng ta tìm được cảm giác thư thái an bình, như con thơ nằm trong lòng mẹ: Lòng nhân hậu và tình thương Chúa, ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người, những ngày tháng, những năm dài triền miên.  Còn hình ảnh nào đẹp đẽ hơn để diễn tả tình yêu thương của Chúa dành cho những ai tin tưởng và phó thác nơi Người?  Thánh vịnh 23 này thường được hát trong Thánh lễ an táng và cầu hồn.  Lời ca sâu lắng, tha thiết và gợi hình, giúp cộng đoàn phụng vụ thêm lòng sốt sắng, giúp thân nhân gia đình người quá cố được ơn an ủi và niềm hy vọng.  Thực ra, Thánh vịnh này không chỉ diễn tả việc Chúa dẫn đưa một người đã qua đời về vương quốc vĩnh cửu, mà còn diễn tả sự quan phòng yêu thương của Chúa đối với con người trong suốt cuộc đời.  Ngài luôn chăm sóc chúng ta, ân cần chu đáo như mục tử đối với đàn chiên.
 
Chúa nhật IV Phục sinh cũng được gọi là Chúa chiên lành.  Đây là dịp để chúng ta bày tỏ tình hiệp thông với Đức Thánh Cha Phanxicô, vị Mục tử tối cao của Giáo Hội Công giáo và là người kế vị Thánh Phêrô tông đồ.  Chúng ta cầu nguyện cho Ngài và cho các vị chủ chăn trên toàn thế giới, được ơn can đảm, khôn ngoan để có thể dẫn đưa Dân Chúa đến đồng cỏ xanh tươi và đến suối mát trong lành, tức là hưởng trọn vẹn tình yêu ngọt ngào của Chúa, là phần thưởng cho những ai tin cậy yêu mến Người.  Xin Chúa ban cho Giáo Hội hoàn vũ và các Giáo Hội địa phương luôn vững mạnh trước phong ba bão táp trần gian.
 
“Dù qua lũng âm u, con sợ gì nguy khốn.”  Thế giới hôm nay đang hoảng loạn trước đại dịch COVID-19, giống như đang qua bờ vực thẳm.  Hơn ba triệu người đã lây nhiễm.  Mấy trăm ngàn người đã chết vì dịch bệnh.  Lòng trông cậy Chúa sẽ giúp chúng ta tìm được sự an bình giữa cơn đại nạn, đồng thời tin tưởng Chúa sẽ cứu với nhân loại.
 
“Hỡi bạn là Kitô hữu, hãy luôn tự hào vì danh xưng ấy” (Thánh Lê-ô cả Giáo Hoàng).  Mỗi chúng ta hãy cảm thấy vinh dự và vui mừng vì được mang danh Chúa Giêsu, đồng thời hãy góp phần mình làm cho đàn chiên Giáo Hội luôn vững mạnh, tỏa sáng giữa lòng đời.  Giữa một cuộc sống còn nhiều góc khuất do tội lỗi và hận thù gây, hãy làm cho Giáo Hội thực sự là Ánh Sáng Muôn Dân, rạng soi thế giới.
 
Nguyện xin Chúa Giêsu Kitô, vị Mục tử nhân lành, dẫn đưa nhân loại ra khỏi vực thẳm của tội lỗi và của dịch bệnh đang đe dọa thế giới.  Xin Người cho chúng ta được ơn an bình.  Amen.
 
 

Nguồn tin: TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập60
  • Hôm nay16,269
  • Tháng hiện tại338,103
  • Tổng lượt truy cập35,984,448
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây