Từ khi Vladimir Putin đưa quân xâm chiếm Ukraina, Ba Lan, cùng với Hoa Kỳ, là quốc gia có lập trường cứng rắn nhất với nước Nga và thậm chí là chỉ trích châu Âu « mất thời giờ vô ích » để đối thoại với chủ nhân điện Kremlin, người vừa có thêm biệt danh là « tên đồ tể của Bucha ». Làm thế nào để giải thích thái độ cứng rắn đó của Vacxava ? Phải chăng trong một chừng mực nào đó, chìa khóa chấm dứt xung đột Ukraina đang được đặt tại Ba Lan ?
Vacxava bước lên tuyến đầu trên mọi mặt trận : đón nhận đến 2/3 số người tị nạn Ukraina, cửa ngõ chính để chuyển viện trợ nhân đạo và vũ khí của phương Tây cho chính quyền Kiev. Ba Lan cũng vừa thông báo mua thêm 250 chiến xa Abrams của Mỹ, trị giá gần 5 tỷ đô la, để tăng cường khả năng phòng thủ.
Về mặt ngoại giao, thủ tướng Mateusz Morawiecki là một trong ba nhà lãnh đạo châu Âu đầu tiên đến Kiev hội đàm với tổng thống Ukraina, Volodymyr Zelensky để khẳng định Kiev không đơn độc đối đầu với bom, đạn của quân đội Nga.
Về kinh tế, dù lệ thuộc nhiều vào năng lượng Nga vậy mà Ba Lan dám tuyên bố sẵn sàng « cắt đứt » kênh dầu khí của Nga, trong lúc Berlin thì « một bước tiến, hai bước lùi » và vẫn còn cân nhắc trước những thiệt hại về tăng trưởng nếu tẩy chay dầu khí của Nga.
Thứ trưởng Ngoại Giao Ba Lan, SzymonSzynkowski trong chuyến công tác Paris gần đây đã cảnh báo quốc tế về ý đồ của Nga khi xâm chiếm Ukraina : biến Ukraina thành một nước chư hầu và trắc nghiệm phản ứng của phương Tây trong kế hoạch sắp tới, tấn công Moldavia, các nước vùng Baltic và Ba Lan.
Chính quyền Vacxava đã nhiều lần trách các nước bạn phản ứng « chậm trễ » để rồi không tránh khỏi vụ thảm sát như ở Bucha.
Thái độ cứng rắn đó của chính quyền Ba Lan xuất phát từ nhiều yếu tố. Thứ nhất là thái độ nghi kỵ sâu sắc của Vacxava với nước láng giềng to lớn sát cạnh. Trong một thời gian dài, Ba Lan đã nhiều lần bị các triều đại phong kiến Nga đô hộ. Thế rồi mới chỉ thế kỷ trước, Liên Xô đã từng « xé Ba Lan ra thành từng mảnh nhỏ » khi bắt tay với phát xít Đức năm 1939. Một năm sau đó là vụ thàm sát ở Katyn, hàng ngàn người Ba Lan đã bỏ mạng. Vacxava cũng không quên hơn bốn thập niên sống dưới ách Liên Xô cho đến khi khối xã hội chủ nghĩa sụp đổ.
Cộng thêm với những hiềm khích đó là tâm tình của nhân vật quyền lực nhất Ba Lan hiện tại, Jaroslaw Kaczynski, lãnh đạo đảng bảo thủ cầm quyền Luật Pháp và Công Lý (PiS). Đến nay ông này vẫn quy trách nhiệm cho nước Nga trong vụ tai nạn máy bay hồi 2010 khiến tổng thống Ba Lan khi đó, người anh em song sinh với ông, và phu nhân thiệt mạng. Tai nạn xảy ra đúng vào lúc cố tổng thống Ba Lan đến Katyn tưởng niệm vụ thảm sát năm 1940.
Cũng chính tinh thần bài Nga này khiến không ít nhà lãnh đạo tại Matxcơva đưa Ba Lan vào danh sách các nước « thù nghịch », chống Nga.
Lý do thứ nhì giải thích vì sao Vacxava sẵn sàng hy sinh rất nhiều để dẹp trừ hiểm họa có chung số phận như Ukraina, nằm trong câu nói của thủ tướng Ba Lan, Mateusz Morawiecki : « Nếu Putin bẻ gẫy được Ukraina thì rồi sẽ đến lượt chúng ta (…) Chỉ một hay hai năm nữa, Vladimir Putin sẽ hướng tới những mục tiêu kế tiếp » mà những mục tiêu đó sẽ là « Phần Lan, Litva, Ba Lan Roumani và rất có thể là kể cả Đức. Như ghi nhận chuyên gia địa chính trị Carole Grimaud Potter, giảng dậy tại đại học Montpellier, miền nam nước Pháp : lo ngại của Ba Lan hoàn toàn có cơ sở, bởi nếu Matxcơva nhắm tới châu Âu, thì đã có sẵn một pháo đài lợi hại là Kaliningrad với đường biên giới sát cạnh hai nước trong Liên Âu là Ba Lan, Litva và vùng biển Baltic.
Yếu tố thứ ba giải thích vì sao Ba Lan không hề ảo tưởng về khả năng « đối thoại » với Matxcơva hay cơ hội cho một cuộc đàm phán mang tính xây dựng với Vladimir Putin, đó là do từng nhiều lần sống dưới ách của các chế độ Nga khác nhau, Ba Lan hiểu rõ ý đồ, nhìn thấu những tham vọng và những nước cờ của Kremlin.
Theo nhà báo Laure Mandeville, nguyên là thông tín viên thường trực của báo Le Figaro tại Matxcơva, đây chính là một lợi thế áp đảo, khiến Vacxava đang trở thành một « chìa khóa » để phương Tây đương đầu với Putin.
Một lợi thế nhất định khác nữa là sức mạnh quân sự, là khả năng can thiệp nhanh, của quốc gia từng thuộc khối Vacxcava này, trong trường hợp Nga đọ sức với NATO. Từ 1989 trong lúc Đức giảm thiểu 90 % khả năng quân sự, thì Ba Lan lại không ngừng tăng cường sức mạnh phòng thủ. Ba Lan là một đối tác then chốt của NATO và có một mối quan hệ đặc biệt với Hoa Kỳ.
Vacxava cũng là một trong số các thành viên liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương hiếm hoi thi hành nghiêm chỉnh đòi hỏi dành 2 % GDP cho ngân sách quốc phòng và tỷ lệ đó đã được nâng lên đến 3 % GDP kể từ khi chiến tranh Ukraina khai mào hôm 24/02/2022. Thế rồi chính thái độ hăng hái của Vacxava hỗ trợ Kiev về mặt quân sự cũng khiến Hoa Kỳ, thành viên quan trọng nhất của NATO, cũng như bản thân tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, Jens Stoltenberg phải lo ngại vì NATO muốn bằng mọi giá tránh trực tiếp « đụng độ » với đội quân của Vladimir Putin.
Người dân Đức nằm "giả chết", biểu tình phản đối chiến tranh Ukraina - RFI www.rfi.fr |
Nguồn tin: Thanh Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn